Âm nhạc đại chúng, còn gì để mất?
Những liveshow bạc tỷ, âm nhạc có gì?
Khá ồn ào, liveshow của Đàm Vĩnh Hưng được mang tên "Số phận". Thành công về doanh thu, nam ca sỹ hàng đầu thị trường quyết định làm thêm đêm nữa tại Đà Nẵng nhằm "hốt cú chót". Nhiều người đi xem đều cảm nhận, đây là show ca nhạc rất tốn tiền. Vì bản tính của người ca sỹ này thích những chiêu trò lạ lẫm trên sân khấu, hoành tráng và độc đáo. Âu cũng là điều tốt cho nền sân khấu ca nhạc.
Và cũng là một cách cứu vãn một show ca nhạc mà phần nhạc vốn chẳng còn gì lạ lẫm nữa. Điểm yếu của show "Số phận" chính là thiếu sự liền mạch trong tư duy biên tập âm nhạc. Nó cho thấy sự tùy hứng và những ca khúc không gắn kết với nhau, không gắn kết với phần dàn dựng, nên đôi khi hơi bị khiên cưỡng. Và điểm dở nữa, chính là quá dài.
Đàm Vĩnh Hưng đã quá tham lam khi bày biện tất cả sở trường và sở đoản của mình trong một show diễn dài hơi. Người ta có thể yêu mến anh ở một phần nào đó, nhưng rồi sẽ lại lo lắng và cảm thấy bất ổn ở phần khác. Điều cuối cùng, mấu chốt: show này không có một điểm nhấn thực sự về mặt âm nhạc.
Đàm Vĩnh Hưng trong "liveshow" Số phận. |
Nghĩa là ca sỹ này hát tất cả những gì mình có, nhưng chưa biết rõ khán giả cần và muốn cái gì. Đâu phải món ngon ăn hoài đã vui. Liveshow bạc tỷ lẽ ra là cơ hội tốt nhất để "nâng cấp" chính mình, bằng một thứ âm nhạc mới, có khả năng quyến rũ và lôi cuốn những khán giả cũ đi theo mình, bước vào một hành trình mới dài hơn. Điều này thì có vẻ như "bất khả" với ông hoàng của nhạc thị trường.
Liveshow "Có phải em mùa thu Hà Nội" của Hồng Nhung ở Hà Nội được chờ đón. Thực sự có thể nói đây là liveshow đầu tiên đúng nghĩa mà cô ca sỹ người Hà Nội làm tại quê hương mình. Nói cho công bằng, nếu để chủ động hẳn là cô sẽ không làm, mà có một công ty khác đứng ra thực hiện loạt chương trình của họ theo chủ đề của dòng nhạc được coi là nghiêm túc, với những tên tuổi gạo cội như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung.
"Có phải em mùa thu Hà Nội" được khán giả chờ đón nồng nhiệt, bởi người quen lâu ngày gặp lại và ai cũng muốn xem Hồng Nhung sau khi làm mẹ sẽ như thế nào (đặc biệt là sau tin đồn chị không mang thai mà nhờ người khác). Đó là lý do mà trong buổi họp báo ở Hà Nội, phóng viên hỏi chuyện bầu bì và chuyện làm mẹ của Hồng Nhung còn nhiều hơn về âm nhạc.
Nhưng, một nữ nhà văn tuổi 40, người đã từng yêu tiếng hát của Hồng Nhung suốt thời thiếu nữ đã viết thế này về "Có phải em mùa thu Hà Nội" và tiếng hát của cô Bống năm 2012: "Đêm qua đi nghe đêm nhạc của cô Bống Hồng Nhung ở Hà Nội. Bống Hồng Nhung giờ đã già. Tiếng hát đã cũ, khàn và đều đều, không phiêu linh, không cao trào cảm xúc. Đêm nhạc cũng bình thường thôi, giản đơn, không có gì nổi bật. Nổi bật nhất có lẽ là những màn hoà tấu, độc tấu đã tai của ban nhạc Anh Em tặng cho khán giả những khoảng trống sân khấu.
Nhưng điều đáng nói nhất ở đêm nhạc này là sự tuyệt vời của khán giả Hà Nội. Họ ở lại với Bống từ đầu đến cuối đêm nhạc, rất hiếm người đứng dậy ra về. Họ say sưa nghe Bống hát, say sưa vỗ tay. Những màn vỗ tay rào rạt, đầy hưng phấn, không mệt mỏi. Họ tinh tế, thuỷ chung, và rộng lòng.
Họ đón Hồng Nhung như đón một người con đi xa lâu ngày trở về, đón một người quen cũ, một người bạn đã lâu không gặp. Họ đắm say với từng ca khúc cũ của Hồng Nhung không phải là những gì thực tại cô Bống thể hiện làm họ xúc động. Họ nghe có thể bằng những gì Bống đã gieo vào lòng họ năm xa, ngày giọng hát của cô còn là đỉnh cao thăng hoa. Họ nghe bằng tiếng lòng của họ, sự chiêm nghiệm, hay cùng cô Bống tìm về những hồi ức cũ, những kỷ niệm cũ…
So với giọng hát Mỹ Linh thì Hồng Nhung bây giờ đã quá xa xưa. |
Nhưng màn song ca của Bống với Mỹ Linh có lẽ là một sai lầm trong lựa chọn bạn hát của Hồng Nhung vì ở bên Bống, giọng hát của Mỹ Linh vượt trội, đẳng cấp và xuất sắc hơn nhiều. Càng nghe Mỹ Linh hát càng thấy giọng của Bống bây giờ đã xa xưa"…
Một đêm nhạc mà khán giả đi tìm ký ức của mình, kể cũng là một thành công. Nhưng, một diva lừng lẫy, được báo chí tán dương suốt hơn 20 năm qua, cuối cùng chỉ là người ôn lại ký ức của chính mình? Về âm nhạc, còn có gì để nói?
Liveshow Bằng Kiều mới đây tạo nên một cơn sốt vé kỷ lục. Đúng là cái gì càng cấm đoán càng trở nên khao khát.
Sau nhiều năm bị cấm biểu diễn tại Việt
Nhưng, điều đọng lại trong liveshow Bằng Kiều là gì? Là một giọng hát cao chới với mà khán giả đã nghe rải rác đâu đó trong những băng đĩa hải ngoại, với những bản tình ca cũ, được kết nối lại thành một đêm nhạc khá dài. Một đêm nhạc khá dài nhưng không có điểm nhấn.
Bằng Kiều, Minh Tuyết. |
Chính khán giả cũng bị mụ mị bởi giọng hát và quên mất mình thích điều gì từ đêm nhạc đó. Sự xuất hiện của khách mời Minh Tuyết là một sự kết hợp có phần như "lạc quẻ" trong không gian âm nhạc mà những người thực hiện chương trình muốn tạo dựng.
Nhưng, với một số khán giả tại TP HCM thì chính Minh Tuyết là người cứu họ khỏi cơn… buồn ngủ, do không khí đêm nhạc quá trầm lắng và Bằng Kiều không phải là ca sỹ có thể biến hóa nhảy múa và dùng thủ pháp sân khấu lấp đầy như những ca sỹ khác.
Tất cả những bài hát của Bằng Kiều trong đêm đó, đã được nghe rồi, nhiều khán giả đã thuộc nằm lòng rồi. Khán giả đi nghe và xem, như một lần được kiểm nghiệm lại cảm xúc và sống cùng ký ức của mình vậy thôi. Một khán giả nhận định: "Sân khấu đẹp, âm thanh, ánh sáng ổn. Bằng Kiều hát hay. Hồng Nhung mặc đẹp nói hay, Mỹ Linh hát hay nói ít. Minh Tuyết thì đã mặc định là… không chấp. Chừng ấy thứ cộng lại mà sao không thấy phê?
Hóa ra, cái sự tha phương hát kiếm sống nó khác với đi xa để mở rộng tầm nhìn, để học hỏi và tự làm mới mình. Giời cho giọng hay đến mấy, mà 10 năm chỉ quẩn quanh hát cho vừa tai một nhóm nhỏ khán giả quen xem và nghe những gì đã thuộc lòng, nó khác với cái người 10 năm chỉ nghĩ làm thế nào cho cái hôm nay mới hơn cái hôm qua.
Đó là điều mà live show của Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương có rất nhiều, và show của Bằng Kiều sẽ chẳng bao giờ có được". Nghe có vẻ hơi nặng nề, nhưng sự thật là vậy. Thử thách lớn nhất của người nghệ sỹ, chính là bước qua chính mình, bỏ lại những điều đã cũ để làm những điều mới lạ. Điều này là không dễ dàng giữa đời cơm áo…
Và còn gì nữa?
Thay vì làm liveshow lớn, các ca sỹ trẻ (hoặc không còn trẻ nhưng tự biết mình không phải ngôi sao lớn) thường xuyên có những đêm nhạc ở tụ điểm và phòng trà. Ca sỹ Tuấn Hưng cũng mới hoàn thành 2 show ca nhạc của riêng mình tại sân khấu Trống Đồng, TP Hồ Chí Minh và sân khấu triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.
Cũng giống như muôn vàn ca sỹ khác, gom tất cả những gì tốt nhất mình có bày biện lên sân khấu, có thêm một vài khách mời, Tuấn Hưng cho thấy mình có khả năng làm một chương trình gọn gàng, hâm nóng được một nhóm khán giả trụ cột của mình. Tuy nhiên, bạn mong chờ gì từ show diễn đó? Không có gì mới cả, tất cả chỉ là những gì đã quá quen thuộc, quen thuộc cả từ cách hát cho đến những bản hòa âm cũng cũ. Làm show theo cách này vừa nhanh vừa dễ, nhưng cũng nản lòng lắm thay.
Nếu đi một vòng quanh tụ điểm sân khấu ca nhạc ngoài trời tại TP Hồ Chí Minh sẽ thấy… tuần nào cũng có liveshow. Liveshow ở đây được hiểu là ca sỹ sẽ thuê sân khấu có sẵn, lợi dụng lượng khán giả có sẵn để bán vé, đầu tư chút âm thanh, ánh sáng thêm nếm, mời khoảng… 10 ca sỹ khác, nghĩa là mô hình gần giống với những đêm nhạc thường thấy của các tụ điểm. Chỉ có điều, show diễn này có thể được ghi hình và… in DVD lậu, đem phát cho khán giả ở các tỉnh.
Đồng thời, các ca sỹ cũng hoàn toàn có thể lên báo chia sẻ, mình mới có liveshow tại TP Hồ Chí Minh. Các show ca nhạc kiểu như vậy là một dạng công nghệ biểu diễn quen thuộc mà các bầu show thường làm. Thế nên, sẽ không nên chờ đợi điều gì từ những điều đó, ngoại trừ bạn muốn đi tìm lại những cảm xúc đâu đó trong ký ức của mình thời xa xưa.
Thời gian này, tại phòng trà We, TP Hồ Chí Minh thi thoảng có đêm nhạc của những nhóm ca sỹ trong cuộc thi "The Voice", đã thu hút được một lượng khán giả nhất định. Họ muốn đi xem những ca sỹ trên tivi hát thực ở ngoài đời như thế nào. Và thực sự, có những ca sỹ hấp dẫn trên tivi lại khá mờ nhạt ở ngoài đời và ngược lại.
Có thể nói, cuộc chơi của nhiều giọng ca nổi trội này đã mang lại những cảm xúc trái ngược. Và người ta đang tin vào những nhận định, như nhận định của nhạc sỹ Quốc Bảo, rằng tài năng âm nhạc thực sự đang ở đâu đó ngoài cuộc đời, chứ không đến từ các cuộc tìm kiếm tài năng trên truyền hình…
Rồi sau đó?
Rồi sau đó sẽ ra sao, khi nền âm nhạc đại chúng đang bị chi phối bởi hầu hết các cuộc thi trên truyền hình và không có một ai có đủ sức để tạo dựng ra những giá trị mới một cách cốt lõi. Các ca sỹ lớn cũng ôm những thành tựu cũ, đánh bóng nó bằng những chiêu thức có vẻ lạ, nhưng rồi nhìn lại đã xa xưa hết. Các ca sỹ trẻ không đủ lực, và không một ông bầu nào đủ tâm huyết để mở rộng túi tiền của mình, tạo lực cho ca sỹ vượt lên…
Rồi sau đó, mọi chuyện vẫn như thế. Và những nhà sản xuất âm nhạc cũng như giới bình luận nói, đừng nên hy vọng quá nhiều. Đó cũng chính là lý do vì sao, giới trẻ thích nhạc ngoại nhiều hơn…