- Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Nhiều người đã bất ngờ trước việc Nga tấn công quân sự Ukraine vì trong suốt gần 80 năm qua, kể từ khi Thế chiến II kết thúc, chỉ trừ một vài sự cố vũ lực tương đối nhỏ và hạn chế như chiến dịch không kích Nam Tư của NATO (1999), hay đụng độ quân sự gần đây giữa Armenia và Azerbaijan, thì nhìn chung châu Âu đã được hưởng một nền “hòa bình lâu dài” giữa các quốc gia, giúp mang lại ổn định và thịnh vượng cho khu vực này. Ngay cả trong các thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, như phong tỏa Berlin (6-1948 - 5-1949), hay Liên Xô can thiệp vào Hungary (1956) và Tiệp Khắc (1968), cũng đã không diễn ra xung đột vũ trang giữa các quốc gia. Nói cách khác, chiến tranh quy mô lớn giữa hai quốc gia châu Âu hiện nay là điều khó có thể hình dung trong suy nghĩ của đa số người.
Khi quan sát các sự kiện quốc tế, tôi thường ít khi khẳng định hoặc bác bỏ một kịch bản nào. Thay vào đó, tôi thường xác định xác suất một kịch bản sẽ xảy ra tại một thời điểm là bao nhiêu, rồi dựa vào diễn biến tình hình để điều chỉnh xác suất, qua đó đưa ra các “dự báo động”, bám sát tình hình hơn. Tại thời điểm nửa đầu tháng 2, khi Nga tập trung quân và tăng cường các hoạt động quân sự dọc biên giới với Ukraine, tôi xác định xác suất xảy ra chiến tranh giữa hai nước là khoảng 30%. Còn khi Tổng thống Putin công nhận độc lập cho hai nước “cộng hòa nhân dân” tự xưng Donetsk và Luhansk, tôi xác định xác suất xảy ra chiến tranh tăng lên trên 50%. Lúc này, khả năng chiến tranh cao hơn nhưng tôi vẫn tin là nếu xảy ra, xung đột chỉ diễn ra ở quy mô hạn chế. Ví dụ, Nga có thể đưa quân vào khu vực Donbass để bảo vệ hai nước cộng hòa tự xưng, giúp họ giành được những vùng lãnh thổ mà họ yêu sách chủ quyền. Hoặc, nếu chiến sự vượt ra ngoài khu vực Donbass, tôi vẫn thiên về kịch bản Nga sẽ sử dụng các cuộc không kích như NATO đã làm ở Nam Tư năm 1999, thay vì đưa quân đổ bộ vào Ukraine.
Vì vậy, việc Nga tiến hành chiến tranh tổng lực, sử dụng bộ binh để đánh vào Ukraine khắp cả 3 hướng, khiến tôi có phần bất ngờ. Hành động của Nga cho thấy mấy điều cơ bản:
- Người ta vẫn nói thế kỷ 20 là thế kỷ chiến tranh với hai cuộc chiến tranh thế giới và bóng ma của cuộc Chiến tranh Lạnh do hai siêu cường Mỹ - Liên Xô dẫn đầu. Nhưng, người ta tin rằng thế kỷ 21 với câu chuyện quốc tế hóa, toàn cầu hóa, công nghiệp hóa thì những cuộc chiến tranh vũ lực thuần túy sẽ lùi dần vào quá vãng. Nhà báo Thomas Friedman tin rằng những mối quan hệ kinh tế chằng chéo của một thế giới bị làm phẳng khiến nguy cơ chiến tranh vũ lực là rất thấp. Sử gia Harari thì tin rằng một cuộc chiến tranh thương mại/công nghệ hay tri thức có xác suất lớn hơn nhiều những cuộc chiến tranh vũ lực. Nhưng, với cuộc chiến Nga - Ukraine, có vẻ như tất cả những luận điểm này đều đã bị lật tung và hóa ra thế kỷ 21 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ chiến tranh nóng giống hệt như thế kỷ 20 trở về trước. Anh nghĩ gì về điều này?
- Dù thời gian có thay đổi nhiều thứ thì một đặc điểm trong chính trị quốc tế vẫn tồn tại một cách vĩnh cữu, bất biến. Đó chính là tình trạng vô chính phủ của hệ thống quốc tế, hay nói cách khác là việc thiếu vắng một chính phủ toàn cầu để điều chỉnh hành vi, quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Trong bối cảnh đó, nỗi lo lớn nhất của các quốc gia vẫn là bảo vệ sự tồn tại, an ninh, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của mình trước các mối đe dọa bên ngoài, rồi mới đến phát triển và ảnh hưởng.
Từ sau Thế chiến II cho tới nay, đặc biệt là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã có một số xu hướng phát triển trong đời sống giữa các quốc gia, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hóa, tăng cường phụ thuộc kinh tế lẫn nhau, hay vai trò ngày càng được đề cao của luật pháp quốc tế và các thể chế toàn cầu. Những xu hướng này giúp thúc đẩy khía cạnh hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia, kiềm chế sự đối đầu, cạnh tranh giữa họ với nhau.
Tuy nhiên, do đặc điểm vô chính phủ của hệ thống quốc tế nên “bản năng gốc” của các quốc gia vẫn là sự nỗ lực không ngừng để mưu cầu quyền lực, tìm kiếm an ninh, để tự cứu mình trong một môi trường đầy rủi ro. Vì vậy, trong một số trường hợp, mà tiêu biểu là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hiện nay, logic về chính trị quyền lực đã lấn át xu hướng hòa bình, hợp tác, từ đó thúc đẩy chiến tranh bùng phát như chúng ta đã thấy.
- Những gì tôi vừa đề cập ở trên là cốt lõi của chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế và nó cơ bản phù hợp với việc lý giải nguồn gốc của cuộc chiến này.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thế giới nói chung và châu Âu nói riêng được chia ra làm hai cực do Mỹ và Liên Xô dẫn dắt. Trong một hệ thống lưỡng cực như vậy, đặc biệt là với sự hiện diện của vũ khí hạt nhân, cân bằng quyền lực giữa hai khối nhìn chung được duy trì, qua đó kiềm chế hành vi của cả hai bên, giúp giữ vững sự ổn định và hòa bình trong hệ thống.
Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Nga suy yếu, dù Trung Quốc trỗi dậy thay thế, thế giới chuyển sang cục diện “nhất siêu đa cường” nhưng về bản chất vẫn là cấu trúc đơn cực với Mỹ đứng ở đỉnh của hệ thống quyền lực toàn cầu. Ở châu Âu, Mỹ và các nước đồng minh vẫn duy trì NATO, không những thế còn liên tục mở rộng thành viên về phía Đông. Điều này tạo ra một sự mất cân bằng quyền lực ở châu Âu, trong đó Nga trở thành bên yếu thế, cảm giác bị đe dọa, nhất là khi các quốc gia như Ukraine được coi là vùng đệm an ninh và ảnh hưởng của Nga cũng muốn gia nhập khối quân sự này. Điều này được coi là một trong những lý do thúc đẩy Nga tìm kiếm an ninh bằng cách tấn công Ukraine để vô hiệu hóa mối đe dọa đối với mình.
Tất nhiên, nhận thức của Nga về mối đe dọa an ninh đến từ NATO chỉ là một phần nguyên do lý giải cho nguồn gốc cuộc chiến. Bởi, nếu đây là nguyên nhân chính thì có lẽ Nga đã tấn công các nước khác như ba nước cộng hòa Baltic láng giềng (Estonia, Litva và Latvia) trước khi ba nước này gia nhập NATO năm 2004, bởi ba nước này thậm chí còn nằm gần thủ đô Moscow hơn so với Ukraine. Vì vậy, theo tôi sâu xa hơn còn có lý do nhận thức của Nga và đặc biệt là của bản thân Tổng thống Putin, về quan hệ lịch sử giữa Nga với Ukraine, cũng như vai trò của Ukraine đối với bản sắc và an ninh quốc gia của Nga.
Có nhiều bằng chứng cho thấy Tổng thống Putin, người từng làm trong ngành an ninh Liên Xô và có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, đã có tham vọng khôi phục lại vị thế lịch sử của nước Nga, đồng thời lấy lại những vùng lãnh thổ mà ông cho rằng nếu không thuộc về chủ quyền của nước Nga thì cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của Moscow. Và, rõ ràng, trong tâm tưởng của ông, Ukraine là một vùng đất như vậy. Điều này lý giải cho việc trong những bước đi vừa qua, Nga không chỉ mong muốn trung lập hóa, phi quân sự hóa Ukraine để hóa giải mối đe dọa an ninh đối với mình, mà còn muốn “thu hồi” ít nhất một phần lãnh thổ Ukraine mà ông cho rằng lẽ ra phải thuộc về Nga. Năm 2014 là bán đảo Crimea, vừa qua là Donetsk và Lohansk. Hiện, có thông tin cho rằng, Nga và các lực lượng thân Nga tại Ukraine có thể thành lập thêm các nước “cộng hòa nhân dân” khác để từ từ tuyên bố độc lập, qua đó vừa chia cắt, làm suy yếu Ukraine, vừa mở rộng ảnh hưởng của Nga và “sáp nhập trên thực tế” các khu vực này vào Nga.
Tất cả những hành động trên của Nga và ông Putin đều nhằm hướng tới việc theo đuổi quyền lực cho nước Nga, nói rộng ra là an ninh và ảnh hưởng của Nga trong một môi trường quốc tế vô chính phủ, phù hợp với miêu tả và dự đoán về chính trị quốc tế của chủ nghĩa hiện thực. Tất nhiên, trong thế giới ngày nay, liệu những hành động như vậy có hợp pháp hay không, có khôn ngoan và hiệu quả hay không, lại là một vấn đề khác.
- Gươm đã rút khỏi vỏ, đạn đã bắn khỏi nòng. Nhưng, kiểu gì thì cuộc chiến cũng phải kết thúc hoặc ít nhất là hai bên cũng phải đình chiến giống như câu chuyện của hai miền Triều Tiên. Theo anh, nó hoặc sẽ kết thúc, hoặc sẽ đình chiến theo những kịch bản khả dĩ nào?
- Hiện Nga và Ukraine đã ngồi vào bàn đàm phán nhưng theo tôi, để đạt được một giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được và qua đó kết thúc chiến tranh thì vẫn còn cần nhiều thời gian. Hiện, yêu cầu của Nga về việc Ukraine trung lập hóa là điều có thể dễ dàng đạt được, bởi Ukraine lẫn NATO đều đã nhận ra việc để Ukraine gia nhập tổ chức này là không khả thi. Tuy nhiên, các yêu cầu khác của Nga như Ukraine công nhận độc lập cho Donetsk và Luhansk, cũng như công nhận bán đảo Crimea thuộc chủ quyền Nga, là những điều kiện khó có thể chấp nhận đối với Ukraine. Đó là chưa kể ý định của các tác nhân bên ngoài có thể can thiệp vào quá trình đàm phán để phục vụ các ý đồ của họ.
Giải pháp tốt nhất để chấm dứt cuộc chiến có lẽ là Nga rút quân về phạm vi lãnh thổ như trước ngày 24-2, đi kèm với đó là việc Ukraine chấp nhận trung lập, cắt giảm bớt sức mạnh quân sự, để đảm bảo an ninh cho Nga. Vấn đề Crimea tạm thời bỏ ngỏ, còn khu vực Donbass tiếp tục giải quyết theo Tiến trình Minsk. Giải pháp này có thể được Ukraine chấp nhận, nhất là nếu đi kèm các đảm bảo an ninh từ Nga đối với Ukraine. Nhưng, đối với Nga có lẽ từng đó là không đủ nếu xét những tổn thất về mọi mặt mà Nga đã phải gánh chịu cho đến lúc này.
Vì vậy, theo tôi, nhiều khả năng chiến sự sẽ còn kéo dài, tới chừng nào một bên trên chiến trường cảm thấy không đủ khả năng để tiếp tục cuộc chiến thì giải pháp thương lượng mới chín muồi. Hiện, khó có thể nói bên nào sẽ giành ưu thế trên chiến trường về lâu dài nhưng những diễn biến vừa qua cho thấy nếu chiến sự kéo dài thì dù cả hai bên đều chịu nhiều “thương tích”, khả năng Nga sẽ là bên “chảy máu” nhiều hơn. Điều này là do trong khi Ukraine được phương Tây tiếp sức về mọi mặt, có được sự ủng hộ rộng rãi của công luận, cộng với quyết tâm bảo vệ tổ quốc thì Nga bị cô lập và gặp nhiều khó khăn về kinh tế vì lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây, chịu sức ép về công luận trong nước lẫn quốc tế, trong khi năng lực quân sự của Nga cũng không quá mạnh như nhiều người nghĩ, khiến họ càng tham chiến lâu sẽ càng suy yếu, bộc lộ hạn chế.
- Bây giờ chúng ta hãy thử nhìn nhận cuộc chiến bằng một cặp tính từ là “lợi và hại”. Theo anh, khi chiến tranh xảy ra giữa Nga và Ukraine thì nhìn từ góc độ của 3 nước lớn là Mỹ - Nga - Trung Quốc, một cách khái quát nhất, sự lợi - hại của mỗi nước là như thế nào? Mỗi nước trong tam giác quyền lực này sẽ được gì/mất gì?
- Trong cuộc chiến này, cả Nga và Ukraine đều chịu nhiều thiệt hại. Bên thắng cũng chưa chắc được lợi về lâu dài. Nga bị cô lập, cấm vận, trừng phạt, khiến nước này sẽ ngày càng tụt hậu, suy yếu về kinh tế. Uy tín, vị thế của nước Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, Ukraine bên cạnh thiệt hại về nhân mạng thì nền kinh tế bị ngưng trệ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, sẽ phải mất nhiều năm sau chiến tranh để phục hồi. Còn trên bình diện cá nhân thì nhân dân cả hai nước Ukraine và Nga đều sẽ gặp nhiều khó khăn, mất mát, đau khổ. Họ là những nạn nhân đáng thương nhất, mất mát nhiều nhất, đặc biệt là người dân Ukraine.
Còn ở phạm vi hệ thống quốc tế, tôi cho rằng cuộc chiến này sẽ đẩy Nga gần hơn về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, thế cuộc này không đủ để định hình một trật tự thế giới mới. Nga và Trung Quốc vẫn “đồng sàng dị mộng”, hai bên chỉ tham gia một liên kết tạm thời thay vì một liên minh chiến lược. Nga suy yếu khó có thể là một đối tác ngang hàng với Trung Quốc. Còn bản thân Trung Quốc, sau những ngày đầu có vẻ ủng hộ Nga thì nay cũng muốn giãn ra vì lo sợ sẽ bị dính thêm đòn trừng phạt của phương Tây trong bối cảnh nước này đã chịu nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh, o ép của Mỹ và phương Tây suốt 5 năm qua. Trong bối cảnh đó, nếu chiến sự ở Ukraine kéo dài, khả năng Mỹ và phương Tây sẽ là bên được lợi nhất, do có thể vừa làm Nga “chảy máu tới chết”, vừa răn đe được Trung Quốc, vừa có mục tiêu chung để củng cố khối liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Sau sự kiện này, Đức và Nhật có thể gia tăng sức mạnh quân sự, gia tăng ảnh hưởng chiến lược của mình. Có ý kiến nói đây có thể là những nhân tố thách thức tiềm tàng đối với vị thế, vai trò của Mỹ. Tuy nhiên, với các ràng buộc thể chế hiện nay, cụ thể Đức là thành viên NATO và Nhật là đồng minh hiệp ước của Mỹ, theo tôi sự trỗi dậy về mặt quân sự của Đức và Nhật không những không thách thức, làm suy yếu Mỹ mà còn hỗ trợ tốt hơn cho Mỹ trong việc giảm gánh nặng chi phí quân sự và giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược là kiềm chế Nga và Trung Quốc.
- Tác động mà cuộc chiến này có thể gây ra cho Việt Nam và ASEAN là gì?
- Hiện, tác động của cuộc chiến đến các nước ASEAN và Việt Nam chưa thực sự rõ rệt nhưng càng ngày sẽ càng được cảm nhận rõ. Trong ngắn hạn, tác động chủ yếu là về mặt kinh tế khi giá cả các hàng hóa cơ bản sẽ tăng do thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của các nước này. Các hoạt động hợp tác kinh tế, như giữa Việt Nam với Nga về dầu khí, có thể bị ảnh hưởng. Giao thương với Nga cũng sẽ bị suy giảm do các lệnh trừng phạt, đặc biệt là việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT).
Về dài hạn, nếu việc Nga bị trừng phạt, cấm vận kéo dài, các hoạt động hợp tác khác với Nga, như mua sắm vũ khí, trang thiết bị quốc phòng của Nga cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể không thực hiện được. Ngoài vấn đề Nga bị cấm vận, loại khỏi hệ thống thanh toán thì các trang thiết bị quốc phòng, vũ khí của Nga cũng có thể khó được sản xuất hoặc khó đảm bảo chất lượng do bị gián đoạn nguồn cung một số cấu phần, linh kiện. Ngoài ra, việc giao dịch với một quốc gia đang bị trừng phạt, cấm vận cũng đặt ra nhiều rủi ro về mặt uy tín quốc tế của nước đối tác, thậm chí có thể dẫn tới việc nước đối tác bị trừng phạt lây.
Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có thể phải đánh giá lại một số khía cạnh trong quan hệ của mình với Nga.
- Liệu Việt Nam và ASEAN có thể rút ra những bài học gì cho bản thân mình từ biến cố giữa Nga và Ukraine không, thưa anh?
- Thứ nhất, khi sống cạnh một nước lớn, chúng ta cần phải tỉnh táo, khéo léo, có tư duy chiến lược phù hợp để vừa giữ được độc lập tự chủ, vừa giữ được hòa bình, ổn định. Muốn vậy, một chính sách ngoại giao cân bằng trong quan hệ với các nước lớn là cần thiết, tuyệt đối không tham gia vào các liên minh quân sự có thể gây ra sự mất cân bằng trong cán cân quyền lực khu vực, qua đó kích động đối phương sử dụng vũ lực.
Thứ hai, phải tăng cường sức mạnh nội tại, kết hợp với mở rộng mạng lưới quan hệ với các nước bạn bè, đồng thời tăng cường quan hệ với các nước lớn, miễn là không tham gia các liên minh quân sự, để qua đó vừa có thể răn đe các mối đe dọa tiềm tàng, vừa có thể tập hợp được sự ủng hộ, trợ giúp từ quốc tế khi có biến cố xảy ra với mình.
Thứ ba, trong bối cảnh hệ thống quốc tế luôn tồn tại tình trạng vô chính phủ, ngoài việc tăng cường nội lực, theo đuổi an ninh, thì các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia vừa và nhỏ, phải hết sức đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, của Hiến chương Liên Hợp quốc, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Các nguyên tắc này dù không phải hiệu quả trong mọi tình huống nhưng nếu được nhiều nước nhấn mạnh, đề cao thì sẽ tạo thành một vành đai pháp lý giúp bảo vệ tốt hơn các nước vừa và nhỏ trước mối đe dọa xâm lược của nước lớn. Đề cao vai trò luật pháp quốc tế cũng giúp tạo nền tảng pháp lý và đạo đức để cô lập, làm suy yếu những kẻ vi phạm, qua đó hạn chế tình trạng “kẻ mạnh làm những gì họ có thể, còn kẻ yếu phải hứng chịu những gì họ phải hứng chịu” trong quan hệ quốc tế.
- Xin cảm ơn anh!