Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0

PV: Chúng tôi được biết bà đang hợp tác với Nhà xuất bản Thế Giới để cho ra mắt cuốn sách “Việt Nam's people’s war: Điện Biên Phủ and beyond” (tạm dịch là "Cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam: Điện Biên Phủ và những điều bên ngoài"). Nội dung cuốn sách này là gì, thưa bà?

Nhà văn Lady Borton: Cuốn sách này của tôi tập hợp tư liệu từ những người từng tiếp xúc trực tiếp hoặc có quan hệ gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuốn sách này, tôi có trình bày một số chi tiết ít người biết về hai danh nhân của đất nước các bạn. Chẳng hạn như từ các tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc sinh thời) thì Bác Hồ có trình độ rất cao về quân sự. Đây là chi tiết mà giới nghiên cứu thế giới ít chú ý.

Theo tôi tìm hiểu, vào năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là thông dịch viên cho một cán bộ Liên Xô (thuộc Quốc tế Cộng sản). Để dịch đúng thì phải hiểu nội dung, tức là phải có kiến thức quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh với khả năng tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Việt đã vừa dịch, vừa học kiến thức quân sự. Tài liệu tôi thu thập được cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất giỏi về trinh sát quân sự. Như chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng cho biết, ông là người thực hiện tác chiến trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vạch chiến lược tổng thể.

Ngoài ra, trong cuốn sách, tôi còn bổ sung thêm bối cảnh cho những sự kiện đã diễn ra trong thời gian từ năm 1945-1954. Vì để hiểu rõ một sự kiện, cần phải biết bối cảnh diễn ra của nó. Trong cuốn sách này, tôi cũng đề cập đến nhiều câu chuyện của những người từng tham gia cuộc kháng chiến 9 năm. Đó là bộ đội, dân công và có cả những cán bộ quân sự cấp cao như GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản - người đã có đám cưới diễn ra  ngay trong hầm De Castries...

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Những cuốn sách của nhà văn Mỹ Lady Borton.
 

PV: Bà mất bao lâu để tìm kiếm đủ tư liệu cho quá trình viết sách? Bà có thể chia sẻ về một vài tư liệu độc đáo mà bà tìm được trong quá trình này.

Nhà văn Lady Borton: Từ năm 1969, khi lần đầu đến Việt Nam, tôi đã tiếp xúc với nhiều người theo Cách mạng. Sau này, tôi cũng gặp nhiều người khác sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện riêng của họ trong chiến tranh. Các tư liệu tìm được, tôi đều chuyển cho bạn bè của tôi ở Việt Nam để xác thực và tổng hợp. Đơn cử như việc tôi tìm được một lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Hoàng thân Souphanouvong của Lào, trong đó đề cập về việc hai người không gặp được nhau. Lúc đó, lãnh tụ của Lào có mặt ở căn cứ Việt Bắc. Qua lá thư, tôi xác định với các bạn bè ở Bảo tàng Hồ Chí Minh rằng vào thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang công du Trung Quốc và Liên Xô. Đây là một chi tiết ít người chú ý. Hoặc, như khi tôi dịch cuốn sách “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, tôi tìm tài liệu qua những bạn bè và thành viên gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với cuốn sách mới, tôi cũng muốn giới thiệu hệ thống quan hệ đối ngoại của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay khi mới thành lập. Đó là mối quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quen biết với thân phụ của Thủ tướng Jawaharlal Nehru từ năm 1927. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt tại Trung Quốc, Người viết các bài thơ thuộc tập “Nhật ký trong tù”, trong đó có một bài tặng ông Jawaharlal Nehru. Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết thư cho ông Jawaharlal Nehru. Sau khi Hà Nội được giải phóng (tháng 10/1954), ông Jawaharlal Nehru có tới Hà Nội cùng con gái, bà Indira Gandhi. Lần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận bà Indira Gandhi là cháu gái.

PV: Lý do bà chọn thời điểm này để ra mắt sách?

Nhà văn Lady Borton: Năm nay kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tôi muốn làm một điều gì đó đặc biệt. Trở lại Việt Nam lần này, tôi sẽ dành một tháng để hoàn thành bản thảo cuối cùng cho cuốn sách “Việt Nam’s people’s war: Điện Biên Phủ and beyond”.

Trả lời cho hai câu hỏi: “Tại sao Việt Nam chiến thắng sau 9 năm kháng chiến? Tại sao có chiến thắng Điện Biên Phủ?” có lẽ không có gì hơn ngoài thuật ngữ “chiến tranh nhân dân” (people’s war). Như chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định, không có những người dân làm ruộng thì lấy đâu ra gạo nuôi bộ đội đánh giặc.

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc Chiến tranh Đông Dương (1945 – 1954) của Việt Nam.

PV: Thuật ngữ “people’s war” (chiến tranh nhân dân) trong cuốn sách nghĩa là gì và tại sao bà dùng thuật ngữ này làm tiêu đề cuốn sách?

Nhà văn Lady Borton: Thuật ngữ “people’s war” là cả nước tham gia phục vụ cho kháng chiến. Từ người già, thanh niên, phụ nữ cho cả đến thiếu nhi đều có thể góp sức phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Điều này đặc biệt đúng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Như tôi từng nhắc tới ở trên về GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản - nữ chiến sĩ quân y trong đám cưới nổi tiếng cùng chú rể Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn Quân Tiên Phong (sau này ông là Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) được tổ chức ngay trong hầm De Castries. Bà Ngọc Toản xuất thân trong gia đình giàu có tại Huế nhưng đã tham gia Cách mạng khi mới 15 tuổi.

Một người bạn Việt Nam từng lý giải với tôi rằng, gọi là chiến tranh nhân dân vì Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể lãnh đạo Việt Nam thời đó đã tập trung huy động sức mạnh toàn dân tham gia cuộc kháng chiến. Những tài liệu tôi thu thập được cũng khẳng định điều này. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cuộc kháng chiến không chỉ có vấn đề quân sự mà bao  gồm việc huy động nhân dân tham gia, cũng như các mối quan hệ quốc tế thời điểm đó. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh, cách nhìn nhận này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.

Người bạn của tôi cũng chỉ cho tôi về cách thức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và tập thể lãnh đạo Việt Nam thời đó áp dụng để huy động được sức mạnh của toàn dân cho sự nghiệp kháng chiến chính là bắt đầu từ thế hệ trẻ bao gồm thanh niên và thiếu nhi.

PV: Bà từng khẳng định trong bài phỏng vấn rằng, “chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân”, vậy chiến thắng nhân dân ở đây là gì?

Nhà văn Lady Borton: Vấn đề trí tuệ tôi đề cập ở đây không trùng với trình độ văn hóa. Những người dân có thể không biết chữ nhưng có sự sáng tạo. Địa đạo là một minh chứng. Nhiều người được đào tạo, giáo dục đầy đủ nhưng chưa chắc đã biết cách tạo ra một địa đạo, nhưng những người dân bình thường không biết chữ lại hiểu rõ điều này. Còn khái niệm toàn dân có nghĩa là khi xuất hiện một vấn đề thì toàn bộ nhân dân từ già đến trẻ sẽ tham gia giải quyết.

Một điểm lưu ý nữa là, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ nhưng trong đó chỉ có 4 người dân tộc Kinh, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Thời đó, đa phần người dân tộc thiểu số đã biết chữ quốc ngữ đâu. Tất nhiên, họ có nhiều kỹ năng nhưng không biết chữ vẫn là một hạn chế. Khi Mặt trận Việt Minh ra đời, các lớp dạy chữ được tổ chức, việc học chữ giúp họ có thể đọc và hiểu những thông điệp từ Cách mạng. Với tôi, đây là minh chứng Cách mạng không chỉ có các vấn đề lớn lao như độc lập, tự do mà với quần chúng bình thường, nó còn là những thay đổi trong đời sống xã hội hằng ngày.

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0

PV: Với tư cách là một học giả, bà đánh giá thế nào về Chiến thắng Điện Biên Phủ và ảnh hưởng của nó tới lịch sử Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung?

Nhà văn Lady Borton: Tôi có vài lần đến Điện Biên và lần nào đến đó, tôi đều rất xúc động. Khi Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra, tôi vẫn là một cô bé. Lúc bắt đầu dịch cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Anh, tôi muốn tìm hiểu bối cảnh mà thế hệ những người như Đại tướng đã trải qua. Đó là thế hệ đã trải qua gian khổ để giành chiến thắng cho đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện quyết tâm của người Việt Nam để có đầy đủ độc lập - tự do. Cần nói rõ thêm rằng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều nước phương Tây không mong muốn Việt Nam thống nhất và đã có nhiều hành động để chia tách Việt Nam lâu dài. Sau này, lý giải cho hành động trên, họ ngụy biện đó là cuộc chiến chống tư tưởng cộng sản. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi cho rằng, họ làm thế bởi cuộc đấu tranh của Việt Nam và đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo ra tấm gương, kinh nghiệm và bài học cho những thuộc địa khác tiếp bước.

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện quyết tâm của người Việt Nam để có đầy đủ độc lập - tự do.
Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0

PV: Cuốn sách mới của bà có nhiều nội dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi Đại tướng còn sống, bà cũng nhiều lần tiếp xúc với ông, đồng thời dịch cuốn hồi ký của ông sang tiếng Anh. Bà ấn tượng gì về Đại tướng?

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Nhà văn Lady Borton trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân.

Nhà văn Lady Borton: Tôi đã dịch sang tiếng Anh cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Với tôi, đó là cuốn sách rất hay. Cuốn sách có nhiều câu chuyện được viết theo lời kể của Đại tướng, trong đó có nhiều sự kiện lịch sử Việt Nam. Câu chuyện mà tôi ấn tượng nhất trong cuốn sách là về thời niên thiếu của Đại tướng. Khi mới khoảng 15-16 tuổi, Đại tướng đã nổi tiếng là người học giỏi ở tỉnh Quảng Bình. Và, có lẽ vì vấp phải bài học chủ quan từ thời nhỏ nên ông luôn cẩn thận, không bao giờ lặp lại sai lầm đó khi trở thành một vị tướng trận mạc sau này.

Sau cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, tôi dịch cuốn hồi ký mang tên “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” cùng cuốn “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng. Mục đích đầu tiên của tôi chính là để thế giới hiểu thêm về lịch sử Việt Nam từ chính những người trực tiếp tham gia vào các sự kiện quan trọng của thế kỷ XX trong lịch sử đất nước này. Hơn thế nữa, trong hai cuốn sách này, cuốn “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng là công sức của một tập thể, trang đầu tiên của cuốn sách cũng liệt kê đầy đủ những người tham gia. Trong đó Đại tướng là người đứng đầu có cái nhìn tổng quát, còn những người khác có các góc nhìn trực quan cụ thể ở từng khía cạnh. Bởi thế, nó đem lại cái nhìn khách quan về sự thật lịch sử đã diễn ra.

Đơn cử như quyết định thay đổi cách đánh tại Điện Biên Phủ, nhiều đơn vị của Việt Minh phải rút ra. Trong hồi ký của Tổng thống Dwight D. Eisenhower ra mắt những năm 1960 lại cho rằng Việt Minh phải rút quân vì người Pháp ở Điện Biên Phủ quá mạnh. Ông ấy (Dwight D. Eisenhower) thực ra đã nhầm.

PV: Bà từng nhận định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một con người từ nhân dân mà ra. Ông ấy luôn suy nghĩ vì nhân dân với chân lý có dân là có tất cả”. Xin bà chia sẻ thêm về điều này?

Nhà văn Lady Borton: Vào đầu thập niên 1940, lực lượng Việt Minh bắt đầu lập căn cứ tại khu vực biên giới với Trung Quốc. Trong thời kỳ đó, dân cư khu vực này đa phần là dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao...). Theo tư liệu tôi có, để thuận lợi cho công tác tuyên truyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học tiếng dân tộc Tày. Trong câu chuyện này có một chi tiết theo tôi là rất hay, đó là một lần, khi đọc bản thảo bài viết của Đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá nó dài quá và phải viết lại, viết ngắn, thật đơn giản để sao cho người già, trẻ con, thanh niên hay phụ nữ đều hiểu được. Theo ý kiến của tôi, đó cũng là phương cách được áp dụng để sau này Đại tướng xây dựng và phát triển Đội Tuyên truyền giải phóng quân thành đội quân nhân dân để đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ.

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0

PV: Bà đã dịch và viết nhiều cuốn sách về đề tài chiến tranh tại Việt Nam. Dường như đây là một đề tài khá thu hút bà?

Nhà văn Lady Borton: Trước tiên, tôi muốn đưa tới độc giả Mỹ cũng như toàn thế giới cái nhìn về cuộc chiến theo quan điểm của phía Việt Nam. Các bạn cần biết rằng, quan điểm của người Mỹ về cuộc chiến tại Việt Nam hoàn toàn khác. Nếu như đọc cuốn hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về quá trình đàm phán Hiệp định Paris, độc giả Mỹ sẽ thấy một quan điểm hoàn toàn khác so với những gì họ từng biết trước đây. Thậm chí, hai bên sử dụng những thuật ngữ khác hẳn nhau như chiến dịch ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 vào cuối năm 1972, nhiều người Mỹ gọi đó là "Christmas bombings” (phi vụ đánh bom Giáng sinh) nhưng người Việt Nam lại gọi nó là "Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không".

Quan điểm của hai nước có sự khác biệt rất lớn nên thông qua sự hiểu biết về quan điểm của nhau, nhân dân hai nước sẽ thấu hiểu, từ đó tìm được điểm chung và hướng tới những bước tiến trong mối quan hệ song phương.

Một ví dụ nữa về sự khác biệt giữa quan điểm hai bên là tôi từng dự một cuộc hội thảo, tại đó có quan niệm cho rằng, hòa bình được tái lập ở Việt Nam vào năm 1975. Tuy nhiên, thực tế, Việt Nam đã phải trải qua các cuộc chiến khác và chỉ thực sự yên ổn sau năm 1990. Tôi muốn dùng các cuốn sách và bài viết của mình để mang tiếng nói của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế về nguyên nhân tại sao lại có cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 cũng như cuộc chiến chống Khmer Đỏ tại Campuchia.

PV: Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, Việt Nam và Mỹ cũng đã có những bước tiến rất lớn trong quan hệ song phương. Theo bà  nên để những ký ức chiến tranh trôi vào dĩ vãng hay coi nó như một bài học cho thế hệ trẻ của cả hai nước?

Nhà văn Lady Borton: Tôi mong muốn thế hệ trẻ hai nước hiểu hơn về quá khứ, để từ đó tiếp tục bồi đắp mối quan hệ song phương. Những cuốn sách mà tôi đã dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đều không chỉ đề cập đến một mình họ. Trong đó có một loạt nhân vật gắn liền với các sự kiện quan trọng của đất nước các bạn. Ngay cả những người như Chủ tịch Hồ Chí Minh hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thường ít nói về bản thân trong tác phẩm của họ, ngược lại luôn đề cập đến tất cả quần chúng nhân dân.

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0

PV: Bà tới Việt Nam lần đầu vào năm 1969 và làm việc cho một tổ chức thiện nguyện. Trước khi đến, bà biết gì về Việt Nam?

Nhà văn Lady Borton: Năm 1967, khi gia nhập tổ chức thiện nguyện, ban đầu tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều. Đến năm 1969 thì tôi sang Việt Nam như một nhân duyên. Lúc đó, tôi cũng chỉ biết một chút về Việt Nam. Tôi sang Việt Nam không phải làm y tá hay bác sĩ mà làm quản lý. Hồi đó, chúng tôi cung cấp các thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện Bạch Mai và một số trang bị y tế cho người dân. Chúng tôi cũng có một trung tâm đào tạo chỉnh hình ở Quảng Ngãi.

Với tư cách là một quản lý, tôi thường xuyên tiếp xúc với người dân Việt Nam để hiểu được nỗi đau khổ của người dân trong chiến tranh. Tôi cũng thấu hiểu sự mất mát, đau thương của cả người Mỹ khi họ tham gia cuộc chiến tranh này. 

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Bà Lady ở Núi Thiên Ân, Quảng Ngãi năm 1969.
 

PV: Vậy, sau khi đến Việt Nam (lần đầu tiên), bà thấy thế nào?

Nhà văn Lady Borton: Lúc mới sang Việt Nam, tôi phải học tiếng Việt và chưa tiếp xúc được nhiều với người dân ở đây. Tại Quảng Ngãi, ngoài công việc chính, tôi còn lái xe đưa đón bệnh nhân, tới nhà giúp đỡ người dân, từ đó tôi biết được người dân ở đây sinh hoạt ra sao, cuộc sống của họ bị chiến tranh ảnh hưởng như thế nào... Qua quá trình tiếp xúc với người dân miền Trung Việt Nam, tôi bắt đầu tập viết để ghi lại những gì mình gặp, những câu chuyện được nghe...

Thời điểm tôi tới Quảng Ngãi cũng trùng thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đặc biệt hơn nữa là khu vực tôi có mặt lại là vùng mà ban ngày thuộc sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhưng ban đêm thì Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hoạt động mạnh. Dẫu vậy, khi đó tổ chức thiện nguyện mà tôi phục vụ tiến hành giúp đỡ không phân biệt người dân thuộc sự quản lý bên nào.

Có một điều tôi ấn tượng mãi, đó là về những phụ nữ Việt Nam phục vụ trong căn cứ quân đội Mỹ gần đó. Họ làm công tác lau dọn vệ sinh, thường rời căn cứ vào khoảng 5h chiều sau khi bị lính Mỹ kiểm tra gắt gao. Quân đội Mỹ nghi ngờ họ do thám căn cứ nhưng không tìm được bằng chứng. Sau này hòa bình, tôi có gặp lại một số người trong số họ và thực tế đúng là họ có do thám căn cứ Mỹ. Họ sử dụng trí nhớ để lưu lại các vị trí trọng yếu trong căn cứ rồi về báo lại cho bộ đội.

PV: Chứng kiến thời khắc chiến tranh chấm dứt vào năm 1975 ở Việt Nam, bà thấy thế nào?

Nhà văn Lady Borton: Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, tôi có mặt ở Hà Nội trong một phái đoàn giáo dục. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ vào miền Nam, nhưng rồi Chiến dịch Tây Nguyên với Chiến thắng Buôn Ma Thuột diễn ra, tiếp đó là một loạt chiến thắng khác của Mặt trận Dân tộc nên chúng tôi không rời miền Bắc. Khi dịch cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi mới biết lúc đó, Việt Nam đã dự trù kế hoạch giải phóng, thống nhất đất nước trong vòng 2 năm và khi có những diễn biến mới, kế hoạch trên được điều chỉnh rút ngắn lại.

Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0

PV: Gắn bó với Việt Nam mấy chục năm, bà thấy sự đổi thay của Việt Nam ra sao?

Nhà văn Lady Borton: Tôi đã biết Hà Nội từ khi đất nước Việt Nam đang có chiến tranh ở miền Nam. Hồi đó, Hà Nội đã có hòa bình rồi nhưng đường phố rất hiếm xe ô tô. Tôi nhớ như in lúc đó mọi ngả đường của Hà Nội hoàn toàn chỉ có xe đạp, xích lô, thậm chí cả xe bò...

Bây giờ thì mọi thứ đã khác. Tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng này. Hà Nội giờ không thiếu một thứ gì. Nhưng, con người Hà Nội thì vẫn giữ được truyền thống văn hóa lâu đời. 

PV: Bà ấn tượng điều gì nhất về người Việt?

Nhà văn Lady Borton: Người Việt Nam luôn đoàn kết và gắn bó với nhau. Cách họ gọi nhau là “đồng bào” nói lên tất cả. Tôi có hai người bạn từng có mặt tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Họ cho tôi biết, câu hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” hoàn toàn không có sẵn trong văn bản. Và, tôi rất ấn tượng khi biết được ý nghĩa của hai chữ “đồng bào” trong tiếng Việt.

PV: Đó cũng là lý do để bà học tiếng Việt?

Nhà văn Lady Borton: Vâng, tôi bắt đầu học tiếng Việt vào năm 1969, bằng cách đọc báo, nghe đài phát thanh, xem tivi và cố gắng nói chuyện với người Việt càng nhiều càng tốt. Tiếng Việt vừa hay, vừa phong phú và cũng rất khó nhưng để hiểu người Việt, tôi đã nói, viết được tiếng Việt. Khó nhất là việc dùng dấu vì tiếng Anh không có dấu.

Có lẽ tại tôi luôn cố gắng, những gì không hiểu thì tôi luôn tìm cách để nhờ người khác giải thích. Với những chỗ khúc mắc trong bản thảo, tôi cũng đều nhờ những người bạn Việt Nam giải thích. Vì thế, tôi mới có thể dịch và truyền tải những câu chuyện từ phía Việt Nam về Điện Biên Phủ hay Hiệp định Geneve.

PV: Việt Nam có ý nghĩa thế nào đối với bà?

Nhà văn Lady Borton: Tôi yêu Việt Nam. Đất nước này là quê hương thứ hai của tôi. Khi nói chuyện với những người Việt Nam, tôi vẫn thường dùng tên gọi bằng tiếng Việt là “Út Lý”. Tôi cũng có nhiều bạn Việt Nam quen biết nhau hơn 50 năm. Mỗi lần trở lại đây, tôi đều có cảm giác như mình trở về nhà. Có lẽ vì thế mà nhiều người còn gọi tôi là “Người phụ nữ Mỹ hiểu rõ Việt Nam nhất” (cười...).

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện thú vị này!
Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân -0
Nhà văn Lady Borton trò chuyện cùng phóng viên.