"Vừa qua, nhiều ngành ứng dụng chuyển đổi số tốt thì hiệu quả tốt, người đứng đầu quan tâm chỉ đạo sẽ có kết quả tốt. Người đứng đầu lơ là, chểnh mảng thì hiệu quả không cao. Các bộ, ngành, địa phương có nhiều việc phải làm nhưng phải có sự ưu tiên đối với chuyển đổi số"- Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng khẳng định, Cơ sở dữ liệu quốc gia rất quan trọng trong chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông lấy năm 2023 là năm dữ liệu quốc gia. Dữ liệu phải kết nối, khai thác mới có hiệu quả. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia, đặt ở đâu cho nhanh, cho thuận lợi và hiệu quả đã được bàn tính nhiều và thống nhất giao cho Bộ Công an. Bộ Công an quản lý dân cư, quản lý xã hội, lấy người dân làm trung tâm chủ thể, mọi chính sách hướng đến người dân và người dân phải tham gia vào quá trình này.
Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thông tin, đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 12 bộ, ngành; 35 địa phương và 4 doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết nối về vật lý, còn về nội dung bên trong cơ sở dữ liệu của nhiều bộ, ngành, địa phương hiện nay còn rất nhiều vấn đề phải bổ sung, hoàn thiện để bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống".
Phân tích những kinh nghiệm của Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở thì khó có thể hoàn thành được. Qua đó, Bộ trưởng đề xuất Thủ tướng Chính phủ năm 2023 là "năm hành động", cần quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, tạo nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, để chỉ đạo tập trung, tiết kiệm, hiệu quả và rút ngắn thời gian, cần sớm xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn quốc gia phục vụ chung các bộ, ngành, địa phương. Tổ công tác Đề án 06 cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ mời thêm một số đồng chí Bộ trưởng tham gia làm thành viên để thống nhất chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung này.
Muốn chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 thành công, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ ra một trong những nội dung quan trọng là phải tạo được niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Muốn vậy phải cải cách thực chất và cung cấp được các tiện ích rất cụ thể. Đề án 06 đã cung cấp được 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử; riêng ngành Công an đã mở rộng cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, nhiều nội dung "tưởng chừng như trước đây không thể làm được" như: cấp hộ chiếu trực tuyến, đăng ký xe trực tuyến, đăng ký xe máy tại cấp xã... nhưng với quyết tâm chính trị cao, chúng ta đã làm được.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, người đứng đầu các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở.
Qua một năm triển khai, các mục tiêu cơ bản có tính chất nền tảng của năm 2022 đã cơ bản đạt được (đã hoàn thành 11/24 mục tiêu cụ thể, đang tập trung triển khai 13 mục tiêu còn lại; đã hoàn thành 47/89 nhiệm vụ cụ thể, đang thực hiện thường xuyên 34 nhiệm vụ), Đề án 06 đã đi vào những nội dung cụ thể, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, "làm việc nào dứt điểm việc đó".
Chính phủ đã bổ sung nội dung kiểm điểm thực hiện Đề án vào các phiên họp thường kỳ; Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai đề án và sơ kết 6 tháng thực hiện; Phó Thủ tướng chủ trì 18 cuộc họp với các bộ, ngành, trực tiếp kiểm tra, khảo sát và chỉ đạo thực hiện tại Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh. Các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và hướng dẫn ngành dọc để tổ chức thực hiện.
Riêng Bộ Công an đã phát huy vai trò thường trực, phối hợp Văn phòng Chính phủ đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt; chỉ đạo toàn lực lượng CAND tại 4 cấp; tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công. UBND các địa phương đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, trong đó có 8 địa phương được lựa chọn thực hiện điểm để tạo chuyển biến lan tỏa (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam); nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với Cơ quan Thường trực (Bộ Công an) đăng ký triển khai thí điểm các nhiệm vụ liên quan của Đề án (Nghệ An, Bình Dương, Nam Định...).
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về "đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả", trong năm 2023, ngoài việc tập trung hoàn thành dứt điểm những nhiệm vụ còn chậm tiến độ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở.
Người đứng đầu các địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa, ban hành các chỉ thị, nghị quyết để triển khai thực hiện Đề án. Có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho cấp cơ sở. Chỉ đạo điều tra cơ bản theo đặc thù vùng, miền để áp dụng, triển khai Đề án cho phù hợp tại địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng kiến nghị nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung nhân rộng, triển khai trên toàn quốc 2 dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí trong tháng 1/2023.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cập nhật vào kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng phương án cắt giảm bộ phận tiếp dân trực tiếp để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến (hoàn thành trong quý IV năm 2023). Yêu cầu 100% cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chỉ thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền người thân sử dụng dịch vụ công trực tuyến...
Sau 1 năm thực hiện Đề án 06, đối với 26 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao như: Xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100%; thông báo lưu trú đạt 98,3%; thủ tục làm con dấu mới 92%; đăng ký thi online 93,1%... Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 (100% ) dịch vụ công trực tuyến, trong đó có rất nhiều nội dung, dịch vụ thiết thực được người dân đón nhận như cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú….
Từ 1/1/2023 thực hiện Luật Cư trú năm 2020 bỏ sổ hộ khẩu. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” của Đề án 06 chính là nền tảng gốc phục vụ cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy và chuyển đổi số quốc gia. Bộ Công an đánh giá, khi các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật, kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ giảm chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Đây mới chỉ là con số tạm tính từ việc người dân, cơ quan chức năng không phải thực hiện sao, chụp, chứng thực hoặc kê khai nhiều lần các thông tin cơ bản. Một thay đổi nhỏ nhưng lợi ích đem lại vô cùng lớn cho người dân, doanh nghiệp, xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công, truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Thủ tướng lưu ý, thực hiện tổng lực nhưng phải trọng tâm, trọng điểm, làm việc gì dứt điểm việc đó, dễ làm trước, khó làm sau, làm từ thấp đến cao, nhỏ đến lớn, đơn giản đến phức tạp, đảm bảo phương châm "đúng, đủ, sạch, sống", an toàn thông tin. Thực hiện bài bản, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", lãng phí, đặc biệt là hình thức, qua loa, đại khái, bản chất không thay đổi; cùng với đó là tăng cường kiểm tra, thường xuyên giám sát, thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quá trình thực hiện chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số, Chính phủ số.
Để người dân được thụ hưởng thực chất, hiệu quả, mọi chính sách phải hướng tới người dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân. Người dân nhận thấy được hưởng thụ từ thành quả này sẽ tham gia tích cực, hiệu quả và thành công. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.