PV: Chào Huy, chúc mừng em đã giành Huy chương Vàng đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD-19. Vừa về nước, có vẻ em rất bận?
Phạm Quang Huy: Vâng, cảm ơn anh chị. Em về nước hôm 2/10 xong rồi về Hải Phòng luôn cùng gia đình.
PV: Được về nhà sau thời gian dài luyện tập và thi đấu, em thấy thế nào?
Phạm Quang Huy: Lúc về nước, khi biết tin là được lãnh đạo thành phố Hải Phòng tiếp đón, em rất hồi hộp. Lần đầu tiên được gặp lãnh đạo cấp cao của thành phố quê hương, em không biết nói như thế nào cho hay hoặc phải ứng xử ra sao cho chuẩn. Rất may là em đã được lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao Hải Phòng, huấn luyện viên (HLV) và bố mẹ em chỉ bảo, động viên nên cũng cảm thấy bớt lo lắng hơn. Thực ra, em thấy rất tự hào vì mang được tấm Huy chương Vàng về cho đất nước, trung tâm huấn luyện và cả thành phố Hải Phòng.
PV: Vậy là em nghỉ ngơi cùng gia đình được bao lâu?
Phạm Quang Huy: Em về Hải Phòng chỉ trong ngày 3/10, sáng sớm đi và chiều muộn đã quay lại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Từ sáng 4/10, em bắt đầu luyện tập trở lại.
PV: Tức là em có chưa đầy 24 tiếng với gia đình?
Phạm Quang Huy: Vâng, em không ngờ là lịch trình của mình kín mít đến vậy (cười...). Em trả lời phỏng vấn báo chí; dự lễ trao thưởng do Thành ủy, HĐND và UBND TP Hải Phòng tổ chức rồi có qua nhà được một lúc. Em thậm chí còn không kịp ăn cơm với gia đình mà chỉ có thể tranh thủ tâm sự cùng bố mẹ và em trai trên quãng đường di chuyển. Mà lần nào thì bố mẹ em cũng dặn là: phải giữ gìn sức khỏe, giữ tâm trạng thoải mái, tập trung hết sức vào tập luyện, không được sao nhãng và quan trọng nhất là phải nghe lời sự chỉ đạo của ban huấn luyện (lại cười...).
PV: Trở lại với trận chung kết của môn bắn súng ở ASIAD-19, lúc biết mình đạt Huy chương Vàng, em có bất ngờ không?
Phạm Quang Huy: Thời điểm vừa bắn xong, em chỉ coi như vừa bắn xong bài tập, bởi vì em được dặn rằng phải biết đè nén cảm xúc xuống để không nghĩ linh tinh. Phải mất một lúc sau, em mới trở về trạng thái bình thường và biết mình vừa đoạt Huy chương Vàng. Lúc đó, em chỉ muốn nhảy lên ôm đồng đội nhưng mà trong luật thì không cho đồng đội xuống sân đấu. Bố mẹ lúc đó thì đang ở nhà, em không thể gọi điện thoại ngay được mà phải tối về nơi nghỉ ngơi mới có thể tự mình thông báo cho bố mẹ biết thành tích vừa đạt được. Vì vậy, khi có một nhóm phóng viên truyền hình đến phỏng vấn, em đã nhờ gửi lời nhắn: “Bố mẹ ơi, con làm được rồi nhé. Huy chương Vàng đầu tiên của ASIAD-19”. (cười hạnh phúc...).
PV: Vậy là em đạt được thành tích ở chính nội dung mà HLV Hoàng Xuân Vinh từng đoạt Huy chương Vàng Olympic mùa hè 2016?
Phạm Quang Huy: Vâng, nội dung em thi đấu thành công ở ASIAD-19 là nội dung HLV Hoàng Xuân Vinh tập chính. Khi em bước vào trận chung kết, HLV cũng dạy em thêm một số bí quyết. Các HLV vẫn thường nói với chúng em khi tập luyện là, vào tới vòng chung kết rồi thì các đối thủ đều có trình độ ngang nhau nhưng quyết định hơn thua là ở sự ổn định tâm lý. Phải giữ trạng thái tâm lý bình ổn, không quá sôi nổi mà cũng không quá trầm thì sẽ phát huy được kỹ thuật mình đã tập. Và, sự hỗ trợ của chuyên gia Park Chung-gun với những bí quyết từ Hàn Quốc cũng rất đáng quý. Chuyên gia Park Chung-gun đã hướng dẫn em những cách thức để bắn chính xác hơn và duy trì phong độ cao so với các đối thủ.
PV: Vậy, đêm trước trận chung kết, em làm gì để giữ trạng thái ổn định?
Phạm Quang Huy: Bắn súng không đòi hỏi thể lực nhiều như các môn khác nhưng đòi hỏi phải chịu khó đào sâu suy nghĩ. Bản thân em ngoài thời gian luyện tập thì vẫn suy nghĩ về cách thức bắn súng, như tự diễn lại động tác trong đầu để giúp mình cải thiện trình độ. Đêm trước trận chung kết ở ASIAD-19, không hiểu sao em trằn trọc mãi mới ngủ được.
Khi đó, trong đầu em toàn hình dung về các tình huống của ngày thi đấu cũng như cách giải quyết, xử lý vấn đề nảy sinh. Trong bộ môn bắn súng, có rất nhiều việc bất ngờ, khó lường trước được. May mà trong trận chung kết, không có tình huống bất thình lình nào xảy đến với em. Sáng hôm sau, lúc tỉnh dậy em cũng hơi lo vì đêm trước chỉ ngủ được khoảng 5-6 tiếng, không biết có đủ sức không. May mà khi vào thi đấu, em hoàn toàn tỉnh táo, tĩnh tâm và giữ thăng bằng tốt.
PV: Những lần thi đấu trước, em có mất ngủ như vậy không?
Phạm Quang Huy: Không, chỉ duy nhất lần đó. Em là người không bị phân tâm hay ảnh hưởng bởi múi giờ dù có nhiều lần đi thi đấu xa nhà và ở những quốc gia có vị trí địa lý cũng như khí hậu khác hẳn Việt Nam.
PV: Thành tích cao nhất của em trước ASIAD-19 là gì?
Phạm Quang Huy: Đó là Huy chương Đồng Cup châu Á.
PV: Có thể gọi Huy chương Vàng ASIAD-19 là trái ngọt sau 11 năm tập luyện, mục tiêu tiếp theo của em là gì?
Phạm Quang Huy: Cũng giống mọi người thôi, em sẽ cố gắng cải thiện thành tích và hy vọng đoạt được tấm vé tới Olympic.
PV: Nghĩa là bắt đầu tập luyện ngay?
Phạm Quang Huy: Vâng, sáng 4/10 em đã quay lại lịch trình tập luyện rồi. HLV Hoàng Xuân Vinh đã cho em tập các bài cơ bản để xác định phong cách bắn. Trong buổi đầu, em cũng gặp chút khó khăn do vừa phải di chuyển nhiều, liên tục nhưng em đã nhanh chóng ổn định lại và duy trì được phong độ.
PV: Lịch sinh hoạt hằng ngày của em hiện giờ là luyện tập, luyện tập và luyện tập?
Phạm Quang Huy: Em bắt đầu ngày mới từ khoảng 6h-6h30. Sau khi vệ sinh cá nhân, ăn sáng thì em tới chỗ tập luyện. Thường thì các bài tập của em kéo dài khoảng 3 tiếng (từ 8h-11h). Sau đó, ăn trưa, rồi nghỉ ngơi. Em hầu như không bỏ giấc ngủ trưa nào và thường là 13h30 phải dậy để tỉnh táo, tiếp tục tập luyện từ 14h00 đến 16h30. Ngày nào em cũng dành ít nhất 30 phút để tập thể lực. Tối em học trực tuyến từ 19h-21h rồi làm bài tập khoảng 30-45 phút. Khoảng 22h30 thì em đi ngủ, đảm bảo đủ giấc để hôm sau lại tiếp tục lịch tập.
PV: Tức là mỗi ngày em có khoảng 1 tiếng đồng hồ rảnh rỗi dành cho bản thân?
Phạm Quang Huy: Vâng, khoảng thời gian đó em nghỉ ngơi, điện thoại với người thân, gia đình, hỏi thăm bố mẹ, nói chuyện với em trai, bạn gái (cười...). Nói chung là vận động viên chúng em đều quen với cường độ luyện tập như vậy rồi. Mà giờ em cũng còn chưa đầy 3 tuần để chuẩn bị sang Hàn Quốc thi đấu.
PV: Trước mỗi kỳ thi đấu quan trọng, em chuẩn bị cho mình những gì?
Phạm Quang Huy: Một tâm trạng thoải mái, một tâm thế bình an. Ngoài lời dạy của các HLV, em luôn nhớ những lời bố mẹ dặn. Bố mẹ nói là, đại hội là ngày hội lớn. Đến hội thì phải vui nhưng mà vui ở đây không phải là vui chơi, mà là mình tham gia, mình tận hưởng cái không khí của đại hội, mình tập trung thi đấu hết sức. Thắng thì vui, còn không thắng thì cũng nên vui cho đối thủ của mình vì họ đã đạt được thành tích cao và vui vì mình có thêm nhiều kinh nghiệm để khi quay lại luyện tập, có thể tự cải thiện được trình độ của bản thân.
PV: Tức là em đã quen với áp lực thi đấu?
Phạm Quang Huy: HLV Park Chung-gun luôn dùng câu tiếng Anh này để nhắc em: "Every time, Every where", nghĩa tiếng Việt là “Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu”. Thầy nói câu đấy nhiều và yêu cầu em rèn luyện bản thân theo tiêu chí đó. Em nhớ là có những dịp nghỉ Tết dài ngày, trong buổi đầu tiên quay lại tập, HLV trưởng Đội tuyển Bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung còn cho các học viên chúng em bắn đua với nhau để ép cơ thể quay lại nhanh chóng với trạng thái luyện tập cường độ cao. Những lần như thế đã tích lũy dần dần cho em.
PV: Còn bài học nào khác nữa? Có phải cũng bởi vì, lần đầu lên tập luyện trong Đội tuyển Quốc gia, em bị trả về địa phương?
Phạm Quang Huy: Vâng, đó là vào năm 2019. Lúc đó, em có suy nghĩ chưa trưởng thành lắm. Chuyên gia Park Chung-gun thì lại khá nghiêm khắc, thầy chỉ yêu cầu thôi chứ không giải thích gì nhiều. Em với thầy có một số bất đồng, rồi cuối năm đó em bị trả về địa phương.
PV: Trong thời gian bị trả về Hải Phòng, tâm trạng em thế nào?
Phạm Quang Huy: Buồn lắm ạ. Lúc đó là đầu năm, nghỉ Tết rồi quay lại tập ở địa phương. Em luôn tự vấn bản thân là tại sao lại bỏ lỡ một cơ hội mà bao người mong đợi như thế. Mà rơi vào hoàn cảnh đó không phải do mình không có khả năng về chuyên môn mà chủ yếu do tính cách có phần sốc nổi của tuổi trẻ. Sau đó, HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung về và cho bố mẹ em biết sẽ gọi em lên tuyển trở lại. Cô Nhung nói với em, đây là một cơ hội tốt, phải biết tận dụng.
PV: Khi em quay lại đội tuyển, chuyên gia Park Chung-gun đã nói gì?
Phạm Quang Huy: Thầy bảo, thầy cho em thêm một cơ hội và hãy chứng minh cho thầy thấy khát vọng muốn chinh phục đỉnh cao của em.
Em cảm ơn thầy và hứa với thầy rằng, sẽ cố gắng tối đa để không phụ công thầy.
PV: Điều gì khiến em chọn gắn bó với môn bắn súng?
Phạm Quang Huy: Lý do lớn nhất là từ gia đình, bởi từ bé, em đã được tiếp xúc với môn thể thao này. Lớn lên, em phải tập trung vào học nên không chú ý được nhiều về bắn súng nhưng lại mê chơi game bắn súng. Khi học cấp 3, em có suy nghĩ về việc làm trong tương lai và lúc này, em nhớ tới môn thể thao mà bố mẹ em đã theo đuổi. Em quyết định thử tập bắn súng.
PV: Đó là khi em 16 tuổi?
Phạm Quang Huy: Vâng, hè đó, sau khi em học xong lớp 10, bố mẹ cho đi tập thử. Khi phát hiện bản thân em có sự yêu thích và cũng có tố chất với môn thể thao này, bố mẹ đã ủng hộ em theo nghiệp bắn súng.
PV: Là con một cựu xạ thủ nổi tiếng (Phạm Cao Sơn) và là học trò của một xạ thủ huyền thoại (Hoàng Xuân Vinh), em thấy thế nào?
Phạm Quang Huy: Theo em, đây vừa là động lực vừa là áp lực. Áp lực là khi mọi người biết mình có truyền thống gia đình như thế và một người thầy như thế, tất nhiên, họ sẽ kỳ vọng mình phải tốt hơn, phải có hoặc đạt những thành tích nổi trội. Em thì luôn tâm niệm mình phải là chính mình. Mình cần biết trình độ bản thân đang ở đâu, còn kết quả thi đấu thế nào phụ thuộc rất nhiều vào thời gian luyện tập, sự đầu tư, tập trung trong thi đấu.
PV: Theo em, điều hấp dẫn nhất trong môn bắn súng là gì?
Phạm Quang Huy: Đó là sự chính xác, tỉ mỉ, không tự cho phép bản thân mất kiểm soát.
PV: Còn điều khó nhất?
Phạm Quang Huy: Môn bắn súng cần sự kiên trì. Bởi trong môn này, người ta khó nhìn thấy sự phát triển ngay lập tức. Lấy ví dụ như môn điền kinh, hôm qua anh chạy 100m hết 10 giây, hôm nay rút xuống còn 9 giây, thấy rõ sự cải thiện. Nhưng, với môn bắn súng, người ta phải lấy số liệu theo tháng và theo năm để thấy sự phát triển.
Một điều nữa là phải tìm phương pháp luyện tập để rút ngắn thời gian. Nếu các HLV tìm ra phương pháp luyện tập thích hợp thì có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian phát triển cho vận động viên. Ngoài ra, cần phải có sự cảm nhận của cơ thể, cần biết mình dùng cơ nào, đứng thế nào để đạt hiệu quả lớn nhất. Điều này giống như việc dùng điều khiển tivi, nếu biết cần bật kênh số mấy để xem phim hay nghe nhạc thì sẽ tìm rất nhanh, còn nếu không, phải dò từng kênh một. Nếu vận động viên có thể phối hợp tốt giữa dáng đứng, khả năng quan sát thì sẽ đạt được thành tích thi đấu tốt.
PV: Trước khi chọn bến đỗ nghề nghiệp là bắn súng, em từng dự định làm nghề gì khác không?
Phạm Quang Huy: Hồi cuối cấp 2 và đầu cấp 3, em thích nhiều thứ lắm: Từ nhảy hiphop cho đến làm đồ họa. Có thời gian em và các bạn còn lập nhóm nhảy với kế hoạch là tập luyện, đi trình diễn, kiếm tiền từ nghề này. Giờ các bạn trong nhóm nhảy của em vẫn theo đuổi nghề đó. Còn em chọn con đường khác. Bây giờ nhìn lại, em thấy tất cả những cái đó chỉ là sở thích cá nhân chứ chưa đến mức đam mê, dám đánh đổi...
PV: Nói vậy, có lúc nào em nhớ và muốn nhảy hiphop không?
Phạm Quang Huy: Có ạ. Năm thứ 2 khi lên Đội tuyển Quốc gia (năm 2020), trong một lần dự sinh nhật, em thấy mọi người nhảy vui quá nên cũng ngứa ngáy tay chân và lên nhảy hết mình. Lần đó em bị đau, lại nghĩ do thoái hóa đốt sống. Thực ra, năm 2019 em cũng đã bị một lần rồi, nhưng sau lần đó thì nặng thêm. Từ đó, em không dám nhảy hiphop nữa. Năm 2021 em dính thêm một lần đau nữa. Em nghĩ là do trong lúc tập em không thả lỏng cơ thể. Em phải nghỉ tập, đi khám mới biết bị thoát vị đĩa đệm. Em cũng rất lo cho sự nghiệp. Cũng may, sau 3 tháng điều trị và vài tháng luyện tập mới trở lại bình thường. Giờ sinh hoạt hằng ngày, làm gì em cũng phải để ý, cẩn thận, tránh bị sai tư thế. Cúi xuống bê đồ nặng, em cũng phải thực hiện đúng động tác.
PV: Giờ em còn đam mê nào ngoài bắn súng?
Phạm Quang Huy: Bây giờ các đam mê, sở thích của em đều phục vụ cho bắn súng thôi ạ. Em thích thiết kế đồ họa. Em từng thiết kế cò súng cho riêng mình rồi tự mang đi in 3D. Giờ, mỗi khi đi thi đấu, em đều mang cò súng của mình. Mẫu cò súng này em phải tự tra cứu trên mạng, tìm hiểu loại cò súng mà các xạ thủ quốc tế dùng rồi thiết kế sao cho tiện lợi nhất cho mình nhưng vẫn tuân thủ quy định của các giải đấu. Trước SEA Games-32 em đã làm được cò súng đó. Hôm đi tập huấn ở Hàn Quốc, gặp một thợ súng bên đó, họ thấy cò súng của em lạ quá, còn nhờ em mua hộ một cái tương tự. Khi biết em tự làm ra cái cò súng đó, họ nói "Good idea" (ý tưởng hay đấy).
Ngoài bắn súng, em còn đam mê nhiếp ảnh. Em không dám tự đánh giá nhưng không thấy ai chê những ảnh em chụp. Tại ASIAD-19, em có chụp ảnh đồng đội đang thi đấu. Em cũng hay chụp ảnh đường phố, phong cảnh và chụp ảnh cho bạn gái nữa (cười...).
PV: Ồ, nghĩa là trái tim của Huy đã “có chủ”?
Phạm Quang Huy: Vâng, chúng em quen nhau đã hơn 2 năm. Em thấy mình may mắn vì gặp được người con gái trưởng thành, mạnh mẽ và quan trọng hơn là cô ấy hiểu cho công việc của em. Trước khi có bạn gái, em cũng mong gặp được người phụ nữ có thể hiểu và thông cảm cho đặc thù công việc của em.
PV: Thường xuyên thi đấu và tập luyện thế này thì em gặp bạn gái vào lúc nào?
Phạm Quang Huy: Em tranh thủ thời gian cuối tuần hoặc lúc nào rảnh thôi ạ.
PV: Em đã 27 tuổi, có dự định lập gia đình chưa?
Phạm Quang Huy: Em chưa. Gia đình của em và bạn gái cũng để cho chúng em thoải mái để tập trung ổn định sự nghiệp, để lo cho cuộc sống tương lai. Em cũng thấy bản thân chưa nên lập gia đình vội. Em muốn tập trung thi đấu và học xong đại học. Em học ở Khoa Huấn luyện thể thao, môn Bắn súng tại Đại học Thể dục - Thể thao từ năm 2021. Còn với bộ môn bắn súng, em thấy độ tuổi thi đấu rất dài. Nhiều xạ thủ tóc bạc phơ vẫn có thể tham gia tranh tài ở các giải quốc tế. Như với em, đây mới chỉ là giai đoạn đầu. Bạn gái em cũng chung ý nghĩ này và cô ấy cũng muốn phát triển sự nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học. Chúng em vẫn thường nhắc nhau là muốn có tương lai tốt phải cố gắng từ hôm nay.
PV: Cảm ơn em vì cuộc trò chuyện thú vị này!