Trưa cùng ngày, quân đội Nga đã có mặt ở thủ đô của Ukraine, từng bước kiểm soát sân bay Antonov đầy tính biểu tượng ở ngoại ô Kiev. Thời điểm đó, rất nhiều chuyên gia đánh giá cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ kết thúc sớm, giống như cuộc chiến Gruzia cách đó 14 năm. Nhưng đến nay, tròn một năm giao tranh, cuộc xung đột đã chứng kiến những cuộc đảo chiều bất ngờ và cả hai bên tham chiến cho thấy họ chưa có cách nào để nhanh chóng đạt được mục tiêu.
Với Nga, nước này đang trong giai đoạn "giải phóng" vùng Donbass, nơi hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng mà Moscow tuyên bố sáp nhập, coi là lãnh thổ trong hiến pháp. Nga đang nắm giữ tỉnh Lugansk và đang tiến công chậm chạp ở Donetsk, kiểm soát hơn 50% diện tích tỉnh này.
Ở hướng Đông Nam, chỉ trong vài tuần đầu giao tranh, Nga giành tỉnh Kherson, phần lớn tỉnh Zaporizhzhia, một phần tỉnh Kharkov, nhưng tình hình đã thay đổi từ mùa Thu Đông 2022, khi các hệ thống pháo, rocket phương Tây, nổi bật là mẫu pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất, ồ ạt đổ vào vùng chiến sự đã giúp Ukraine phản công hiệu quả. Lực lượng Nga đã phải rút qua phía bên kia bờ sông Dnipro ở tỉnh Kherson và lùi sau sông Oskil ở tỉnh Kharkov.
Do đặc thù địa lý, giới tuyến phân tách phần lãnh thổ do Nga kiểm soát, với phần mà Kiev nắm giữ là khá dài, ở mức 1.000km, trong đó nhiều khu vực có ranh giới tự nhiên là những con sông. Đây là một thách thức lớn với cả Nga và Ukraine, khi họ phải bố trí lực lượng dàn trải nên rất khó tiến công.
Sở hữu năng lực quân sự áp đảo, Nga duy trì cường độ tập kích tên lửa độ chính xác cao từ máy bay, tàu chiến và bệ phóng mặt đất vào hàng ngàn mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine. Từ tháng 10/2022, họ tập trung không kích các cơ sở năng lượng trọng yếu và đã phá hủy hơn một nửa hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Tuy nhiên, những đợt tập kích đó chưa giúp Nga đạt đột phá. Chiến sự ngay lúc này tập trung ở thị trấn Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk, nhưng tốc độ tiến công chỉ tính bằng mét. Hầu hết nhà cửa tại thị trấn đã bị phá hủy, với những lỗ đạn pháo dày đặc trên đường phố. Nhiều chuyên gia phương Tây dự đoán Nga có thể giành Bakhmut trước ngày 24/2, nhưng thực tế cho thấy Ukraine vẫn phòng thủ hiệu quả.
Trong khi Nga khá "cô đơn", Ukraine không chỉ được phương Tây hậu thuẫn về chính trị, cung cấp viện trợ tài chính, "bơm" vũ khí mà còn hỗ trợ các thông tin tình báo quý giá. Sau một năm, số tiền mà Mỹ và đồng minh viện trợ Ukraine lên đến gần 60 tỷ USD, phần lớn được sử dụng để mua vũ khí, theo CNN. Mỹ đang dẫn đầu một nhóm gồm tới 54 quốc gia ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Hiện thiệt hại tổng thể của Nga và Ukraine chưa được công khai, song giới chuyên gia cho rằng cả hai bên đã hứng chịu những hao tổn đáng kể về người và của. Hồi tháng 8/2022, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeryi Zaluzhnyi xác nhận, "9.000 anh hùng đã ngã xuống" trong chiến sự với Nga. Phía Ukraine tuyên bố hơn 110.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, nhưng số đó không thể kiểm chứng. Nga dừng công bố số binh sĩ thương vong kể từ năm ngoái. Họ cũng không cập nhật số liệu về thương vong của Ukraine mà chỉ thông tin về những diễn biến trên thực địa.
Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), ngoài lực lượng quân sự, chiến sự Ukraine khiến hơn 7.000 dân thường thiệt mạng, 11.000 người khác bị thương. Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 12 triệu người Ukraine đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, với hàng triệu người trong đó bỏ ra nước ngoài.
Xung đột Ukraine nổ ra, thế đối đầu giữa Nga và phương Tây thêm gay gắt. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng biến Nga thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất lịch sử. Hôm nay (24/2), EU có kế hoạch công bố gói trừng phạt thứ 10 nhắm vào Nga, nhân dịp kỉ niệm một năm ngày nước này khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt.
Trong bối cảnh thế giới uể oải hồi phục hậu COVID-19, các biện pháp cấm vận giữa Nga-phương Tây đã kéo lùi hệ thống thương mại tự do toàn cầu, đánh sập nền tảng hợp tác năng lượng nhiều thập kỉ ở châu Âu, tạo áp lực với thị trường năng lượng. Chuỗi cung ứng gián đoạn, giá năng lượng leo thang đã góp phần gây ra vòng xoáy lạm phát và khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia, đồng thời làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt lương thực ở châu Phi vì Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu nông sản và phân bón hàng đầu thế giới.
Tiếng nói hòa bình lung lay giữa lòng châu Âu còn đẩy nhanh tốc độ thay đổi trật tự thế giới, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu, đồng thời thúc đẩy xu hướng toàn cầu hiện úc đẩy các quốc gia hướng đến những khối liên kết mới, với Washington và Bắc Kinh ở vị trí trung tâm, theo giới chuyên gia. "Chúng ta đã chuyển sang một thế giới đa cực hỗn loạn, nơi mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí, từ năng lượng, dữ liệu, cơ sở hạ tầng đến vấn đề di cư", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU nói. "Địa chính trị là điểm mấu chốt, mọi thứ đều liên quan đến địa chính trị".
Trung Á, vùng Kavkaz, Balkan, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương đang là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - dù thông qua tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng hay các thỏa thuận nổi bật về hợp tác thương mại, quân sự cũng như ngoại giao. Ở một góc độ nào đó, cuộc xung đột Ukraine đã dẫn đến sự suy yếu về ảnh hưởng của Nga với các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á và mở ra một vai trò mới cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Với EU, cuộc xung đột là cơ hội để họ củng cố vị thế chính trị, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ khi một lần nữa phụ thuộc hơn vào Mỹ. Châu Âu thể hiện khả năng phục hồi tốt, khả năng phản ứng rất nhanh ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu, với những hỗ trợ quân sự và nhân đạo kịp thời cho Ukraine, giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. "EU đã đáp ứng các nhu cầu trước mắt, nhưng để chuẩn bị cho tương lai và vị trí của mình trên bàn cờ toàn cầu thì còn nhiều việc phải làm", một quan chức EU nói với AFP.
Với Trung Quốc, nước này đi những bước đi thận trọng liên quan tới cuộc xung đột và không thể hiện sự ủng hộ dành cho bên nào. Bắc Kinh một mặt củng cố quan hệ ngoại giao và kinh tế với Nga, nhưng tránh động thái khiến leo thang căng thẳng với phương Tây. Vài ngày qua xuất hiện cáo buộc từ Mỹ và đồng minh về việc Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ.
Liên quan đến dòng chảy thương mại toàn cầu, các nước có quan điểm trung lập như Ấn Độ dường như đang hưởng lợi từ căng thẳng Nga-phương Tây. Theo số liệu của công ty phân tích năng lượng Vortexa, lượng dầu thô Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đã đạt mức kỷ lục 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2022, tăng hơn 30 lần so với cùng kỳ. Trong khi châu Âu cấm dầu Nga, Ấn Độ mua chúng với giá rẻ, vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu ngược sang châu Âu.
Trong khi hai bên tham chiến tiếp tục giằng co trên chiến trường, những nỗ lực hòa giải chưa mang lại kết quả tích cực. Tháng 3 năm ngoái, thế giới từng hi vọng vào một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine khi phái đoàn của Moscow-Kiev có cuộc đàm phán hiệu quả ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nga sau đó thậm chí tuyên bố rút quân khỏi vùng thủ đô Kiev để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, hòa đàm đổ vỡ với việc Nga cáo buộc Ukraine đơn phương rút khỏi các cam kết đã nêu trong đàm phán.
Đến nay, hai bên chỉ đạt một thỏa thuận duy nhất, đó là thỏa thuận về việc cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua ngả Biển Đen, được Nga-Ukraine kí riêng rẽ với Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và sẽ cần gia hạn một lần nữa vào tháng tới.
Có thể nhận thấy rõ hai yếu tố chính ngáng trở nỗ lực tìm kiếm hòa bình ở Ukraine, đầu tiên là việc Ukraine và phương Tây hậu thuẫn họ đặt cược vào khả năng chiến thắng của Kiev trên chiến trường; thứ hai là việc Nga quyết không rút quân tới khi mọi yêu cầu về an ninh và lãnh thổ được đáp ứng. Cả hai yếu tố này đều khó giải quyết: Ukraine nhiều lần tuyên bố không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ trong một thỏa thuận hòa bình tương lai với Nga. Còn với Tổng thống Putin, thỏa hiệp dường như không phải là một sự lựa chọn sau khi ông đặt cược cả sức mạnh kinh tế và chính trị vào ván bài này. Nga có vẻ như đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xung đột kéo dài.
Giới chuyên gia Nga tin tưởng, Moscow sẽ có lợi thế hơn khi chiến sự kéo dài. Đầu tiên, quy mô kinh tế Nga cao hơn Ukraine gấp 9 lần (số liệu năm 2021). Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) thông báo GDP nước này chỉ suy giảm 2,1% trong năm 2022, thấp hơn dự báo của phương Tây và cũng thấp hơn mức 5,6% của năm 2021. Các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây đã gây tổn thương cho nền kinh tế Nga, cản trở triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Nhưng Moscow đã tìm cách thích nghi, trong đó có việc tìm kiếm bạn hàng năng lượng mới, cải tổ ngành công nghiệp.
Dù Nga ghi nhận một số đợt tập kích từ Ukraine, nhưng cơ bản lãnh thổ Nga được bảo vệ. Các nhà máy quốc phòng của Nga đang hoạt động với công suất cao, liên tục xuất xưởng những thiết bị mà quân đội Nga cần thiết.
Ở chiều ngược lại, hạ tầng quân sự của Ukraine bị tàn phá nghiêm trọng bởi chiến sự, khiến nước này phụ thuộc vào vũ khí, tài chính do phương Tây hỗ trợ. Cần lưu ý rằng, phương Tây cam kết gửi sang Ukraine nhiều hệ thống vũ khí tối tân, nhưng quá trình này tốn nhiều thời gian. Khi thăm Kiev hôm 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố phương Tây đã cam kết gửi gần 700 xe tăng, hàng ngàn xe bọc thép, 1.000 hệ thống pháo binh, hơn 2 triệu đạn pháo, hơn 50 hệ thống rocket, các hệ thống phòng không cho Kiev, nhưng chưa thể nêu mốc thời điểm chuyển giao chúng.
Trong cuộc họp của NATO hồi giữa tháng 2/2023, liên minh này thừa nhận gặp khó khăn trong việc cung cấp đạn dược cho Ukraine. Mỗi ngày Kiev sử dụng 6-7.000 quả pháo, cao hơn năng lực sản xuất của phương Tây. Đây là yếu tố cản trở lực lượng Ukraine thực hiện các cuộc phản công quy mô lớn.
Ngay lúc này, mọi sự chú ý đang đổ dồn về hướng Trung Quốc, khi Bắc Kinh gần đây thông báo sẽ sớm công bố một kế hoạch thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 21/2 kêu gọi các nước không "đổ thêm dầu vào lửa" ở Ukraine và cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục "thúc đẩy đàm phán" để tìm kiếm một giải pháp chính trị. "Trung Quốc vô cùng lo ngại xung đột Ukraine sẽ tiếp tục leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát", Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của ông Tần Cương.