Cùng thời điểm, một chiếc khác trong 4 máy bay lao thẳng vào Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ - biểu tượng sức mạnh quân sự của siêu cường Hoa Kỳ, lúc 9h37, làm chết 184 người, trong đó 125 người là nạn nhân dưới mặt đất. Chiếc còn lại rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, bang Pennsylvania do những kẻ khủng bố gặp phải phản ứng hiệu quả của những người trên khoang, lúc 10h03, cướp đi 40 sinh mạng.
Thống kê cuối cùng của giới chức Mỹ cho thấy, tổng cộng 2.996 người đã chết, trong đó có cả những người lính cứu hỏa dũng cảm giải cứu những người mắc kẹt trong WTC. Gần 10.000 người khác hoặc bị thương, hoặc ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng. Hơn 22.000 mảnh thi thể được tìm thấy sau thảm kịch vẫn đang từng ngày được các chuyên gia xét nghiệm để xác định danh tính.
Hai thập kỉ qua, truyền thông quốc tế đã khai thác hàng chục ngàn mảnh ghép xung quanh vụ khủng bố và số phận của các nạn nhân cùng những người liên quan, đó là hình ảnh những người nhảy từ tòa tháp đôi khi không còn lựa chọn khác, là câu chuyện của những gia đình đến nay chưa nhận được hài cốt người thân, hay những biến cố cuộc đời của hàng ngàn người may mắn thoát nạn, nhưng chưa vượt qua được sang chấn tâm lý sau thảm kịch.
Hàng trăm thuyết âm mưu được nêu lên xung quanh vụ khủng bố. Nhiều người cho rằng vẫn còn những bí ẩn chưa được giải đáp, ví dụ như lí do tại sao Mỹ lại cho nhiều công dân Arab Saudi, gồm thành viên gia đình trùm khủng bố Osama bin Laden, rời nước Mỹ vài ngày sau vụ 11/9, dù 15 trong số 19 tên không tặc được xác định đến từ Arab Saudi trong khi những kẻ còn lại tới từ UAE, Ai Cập và Lebanon – các nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông. Nhiều thân nhân những người thiệt mạng thậm chí nêu nghi án Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã nói dối hoặc tiêu hủy bằng chứng về mối liên kết giữa Arab Saudi với những kẻ khủng bố…
Gần 20 năm sau thảm kịch, hôm 3/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lệnh Bộ Tư pháp xem xét các tài liệu do FBI thu thập về các cuộc tấn công để giải mật. Có lẽ một phần nghi vấn của công chúng sẽ được giải đáp sau khi những tài liệu trên được công bố. Tuy vậy, cũng có một sự thật không thể thay đổi: Mỹ đã tìm ra thủ phạm, đó là tổ chức khủng bố Al-Qaeda, và đây chính là chất xúc tác cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu thông qua chiến lược “đòn đánh phủ đầu” được khởi xướng bởi vị Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ, George W. Bush.
Ngày 18/9/2001, ông Bush đặt bút kí ban hành Đạo luật Ủy quyền Chiến tranh (AUMF) đã được quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu Nhà Trắng “sử dụng tất cả vũ lực cần thiết và thích hợp chống lại những quốc gia, tổ chức hoặc những người được xác định đã lên kế hoạch, ủy quyền, cam kết hoặc hỗ trợ các cuộc tấn công khủng bố 11/9, hoặc chứa chấp những tổ chức hoặc cá nhân đó, để ngăn chặn bất kỳ hành động khủng bố quốc tế nào trong tương lai chống lại Mỹ”.
Gần 3 tuần sau, ngày 7/10/2001, ông Bush phát lệnh tấn công quân sự toàn diện ở Afghanistan để tiêu diệt Al-Qaeda và đánh bật quyền lực của Taliban trong chiến dịch mang tên Tự do Bền vững (Operation Enduring Freedom), được mô tả là “một chiến dịch dài, không giống với bất cứ chiến dịch nào chúng ta từng chứng kiến”. Hành động quân sự của Mỹ được các đồng minh ủng hộ và Liên Hợp Quốc cấp phép. Ngoài không kích, Mỹ cung cấp hỗ trợ mặt đất cho Liên minh phương Bắc Afghanistan, những người đã đấu tranh chống Taliban từ lâu.
Hỏa lực áp đảo từ Mỹ và đồng minh khiến lực lượng Taliban với AK47 và xe bán tải không có lựa chọn nào khác ngoài thất bại. Tháng 12/2001, Liên minh phương Bắc tiến vào Kabul, chính quyền Taliban sụp đổ, còn những thủ lĩnh của nhóm chạy về miền Nam và sang Pakistan.
Mục tiêu đẩy lùi Taliban đã hoàn tất, Mỹ muốn “đóng đinh” thành tựu chống Taliban và tìm cách áp đặt nền dân chủ kiểu phương Tây ở Afghanistan. Cũng trong tháng 12/2001, Mỹ hậu thuẫn việc thành lập một chính quyền lâm thời ở Kabul do Hamid Karzai, thủ lĩnh một bộ lạc ở Afghanistan, đứng đầu, sau một hội nghị ở Bonn, Đức. Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy được thành lập trên cơ sở Nghị quyết 1386 của Hội đồng Bảo an được triển khai để duy trì hòa bình. Năm 2002, cơ quan lập pháp lâm thời Afghanistan bổ nhiệm Karzai làm Tổng thống lâm thời trong vòng hai năm, giúp ông ta giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2004.
Khi chính quyền lâm thời được dựng lên ở Kabul cũng là lúc Taliban suy yếu nhất. Mỹ tuyên bố thắng lợi, đồng thời thông báo chấm dứt các chiến dịch “trừng phạt” ở Afghanistan. Tuy nhiên, Mỹ không rút khỏi Trung Đông mà lại chuyển sự tập trung sang một chiến trường mới: Iraq.
Đầu năm 2003, tình báo Mỹ cho rằng Iraq dưới quyền Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học), và có liên hệ với Al-Qaeda. Dù không tìm thấy bằng chứng cho cáo buộc và không được LHQ phê chuẩn, ông Bush đã viện dẫn AUMF để phát động chiến tranh xâm lược Iraq vào ngày 20/3/2003. Một Iraq kiệt quệ sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ Nhất không thể chống đỡ hỏa lực Mỹ. Tháng 4/2003, Baghdad thất thủ với hình ảnh ghi dấu mốc là bức tượng của Hussein bị kéo đổ tại Quảng trường Firdaus.
Hình mẫu “thành công” ở Afghanistan lập tức được Mỹ “dập khuôn” sang Iraq. Sau khi loại bỏ quân đội của Hussein, Washington và đồng minh tìm cách dựng một chính phủ thân Mỹ ở Baghdad, nhằm bảo đảm lợi ích của Mỹ tại quốc gia giàu dầu mỏ này và toàn bộ khu vực Trung Đông. Tháng 6/2004, một chính phủ lâm thời được lập ra và vài tháng sau, Iraq bầu cử quốc hội, hoàn thành bộ máy chính quyền hoàn chỉnh.
Có thể nói, chiến lược “đòn đánh phủ đầu” chống khủng bố đã mang đến thành công bước đầu, theo quan điểm bấy giờ của Tổng thống Bush, khi Mỹ rõ ràng đã thắng cả hai cuộc chiến thần tốc ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, những rắc rối lớn với Mỹ chỉ bắt đầu bộc lộ từ giai đoạn 2004 trở đi: Là một quốc gia với nhiều bộ tộc mâu thuẫn nhau về quyền lực, chính phủ ở Baghdad không đủ mạnh để quy phục các lực lượng khác trong nước. Các thế lực từng bị Saddam trấn áp trỗi dậy. Xung đột giáo phái và sắc tộc gia tăng. Trái với tuyên truyền của Mỹ về tự do, Iraq rơi vào hận thù và chia rẽ. Khởi đầu là một cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, Mỹ chuyển sang đương đầu với cả khủng bố và sự phản kháng của các lực lượng địa phương, rồi từng bước sa lầy ở Iraq.
Tại Afghanistan, do Mỹ san sẻ nguồn lực sang Iraq, còn chính quyền Karzai lại không thể mở rộng quyền lực trên khắp đất nước, Taliban lập tức nắm bắt cơ hội để tái tập hợp. Từ 2004, nhóm liên tiếp lớn mạnh và tiến hành các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào chính phủ Karzai và lực lượng Mỹ. Washington sửa sai bằng cách tăng gần gấp đôi quân số ở Afghanistan (từ 10.000 lính lên 18.000 vào 2005), nhưng không thể xóa sổ Taliban và tiếp tục mắc kẹt tại đây.
Trong suốt nhiệm kì thứ 2 của ông Bush (tháng 1/2005 - 1/2009), Iraq và Afghanistan được thế giới biết đến là mảnh đất của các cuộc nổi dậy, các vụ đột kích, ám sát, và đặc biệt là các vụ đánh bom liều chết với tần suất, mức độ tàn bạo chưa từng có, với thương vong khủng khiếp cho cả binh sĩ Mỹ, NATO, lực lượng địa phương và dân thường. Hết nhiệm kì, ông Bush rời Nhà Trắng, học thuyết can dự của ông khép lại trong tranh cãi, đó là chưa kể những tai tiếng mà ông vướng phải khi Mỹ thừa nhận cái cớ phát động tấn công Iraq không có thật.
Khi Tổng thống Barack Obama nắm quyền, ông thay đổi chiến lược can dự theo hướng phối hợp chặt chẽ hơn với đồng minh và cố gắng huấn luyện lực lượng địa phương ở Afghanistan và Iraq với hi vọng họ tự đảm bảo các vấn đề an ninh, mở đường cho sự rút đi của người Mỹ. Chính quyền Obama tập trung vào các hoạt động quân sự có chọn lọc nhắm vào những đối tượng cụ thể, thay cho chiến lược tấn công ồ ạt, vốn gây nhiều thương vong. Tuy nhiên, thế mắc kẹt của Mỹ tại Afghanistan và Iraq không được giải quyết triệt để. Trong 8 năm đứng đầu Nhà Trắng, dấu mốc đáng chú ý với tình hình Afghanistan của Obama là việc tiêu diệt được Osama Bin Laden năm 2011 ở Pakistan; còn với Iraq là việc rút quân năm 2011, nhưng phải trở lại vào năm 2014 để trấn áp Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm khủng bố trỗi dậy nhờ khoảng trống quyền lực từ việc Mỹ bỏ đi trước đó 3 năm.
Đến thời điểm Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng, cách tiếp cận của Mỹ ở Afghanistan và Iraq tiếp tục được điều chỉnh. Năm 2017, Trump lại tăng quân ở Afghanistan để chống khủng bố. Hoạt động quân sự ở Iraq cũng được tăng cường để đẩy lùi IS và trên thực tế, nhóm khủng bố này năm 2018 đã bị đẩy lùi với vai trò chính thuộc về Mỹ. Trước khi nhiệm kì kết thúc, ông Trump khiến thế giới bất ngờ khi đạt thỏa thuận rút quân với Taliban. Tuy nhiên, phải sang những tháng đầu nhiệm kì của ông Biden, hoạt động rút quân mới diễn ra, nhờ thái độ cương quyết của vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Cùng sự phối hợp của lực lượng tình báo, hoạt động quân sự và trợ giúp thông tin từ khắp nơi trên thế giới, Mỹ đã ngăn chặn được hàng loạt âm mưu tấn công khủng bố và chưa có sự việc tương tự vụ 11/9 nào xảy ra trong suốt 20 năm qua. Đây là những thành tựu không thể phủ nhận trong nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và rõ ràng những nỗ lực này sẽ tiếp tục được tăng cường trong tương lai.
Tuy nhiên, xét riêng cuộc chiến chống khủng bố bên ngoài nước Mỹ, tình hình ở Afghanistan và Iraq sau gần 2 thập kỉ đã tạo ra những cuộc tranh cãi không hồi kết, thậm chí giữa các chính trị gia hàng đầu của Mỹ, về việc liệu những gì Mỹ bỏ ra có tương xứng với thành tựu thu lại.
Nhiều chuyên gia nhận định, tuy bị bào mòn nhân lực và vật lực vì sa lầy ở Trung Đông, nhưng cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng đã giúp trấn áp nhiều nhóm vũ trang cực đoan trên toàn cầu. Đó đồng thời là dịp để Mỹ và đồng minh phô diễn được sức mạnh vượt trội trước các đối thủ. Cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq còn giúp Mỹ ứng dụng những kế hoạch tác chiến mới và thử nghiệm nhiều loại vũ khí tối tân, giành nhiều hợp đồng vũ khí béo bở, đảm bảo khả năng tiếp cận dầu mỏ... Tại Iraq, chính quyền thân phương Tây vẫn tiếp tục duy trì quyền lực, cho phép Mỹ đảm bảo khả năng hiện diện và duy trì tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, việc Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố đầy ồn ào và kêu gọi sự tham gia rộng khắp của đồng minh, nhưng cuối cùng lại lựa chọn rút đi đầy vội vã khi tình hình còn phức tạp và trước khi tham vấn kĩ lưỡng với các nước đồng minh, đã khiến mối liên kết xuyên Đại Tây Dương trở nên bớt bền chặt, còn niềm tin vào những cam kết của Mỹ bị suy yếu. Sự thiếu thống nhất về chính sách qua các nhiệm kì Tổng thống cũng nhiều lần khiến các quốc gia NATO không kịp trở tay và đẩy các lực lượng thân Mỹ ở địa phương vào thế bị bỏ rơi.
Gần đây nhất, việc Mỹ đạt thỏa thuận song phương với Taliban dưới thời ông Trump đã gây ra một cuộc tranh cãi ở NATO, trong khi quyết định của ông Biden cương quyết rút quân trước ngày 31/8 khiến nhiều nước không kịp sơ tán công dân; cũng đồng thời trở thành một phần lí do dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan thân Mỹ. Sự thoái lui lộn xộn của Mỹ thậm chí tạo ra luồng dư luận về việc các đồng minh của Mỹ cần tự chủ hơn trong quan hệ an ninh. Ở châu Âu đã xuất hiện những cuộc thảo luận cho rằng EU cần thành lập một lực lượng vũ trang chung ngoài NATO.
Bên cạnh đó, chính sách can thiệp quốc tế của Washington và việc một loạt quốc gia hoặc lực lượng ở Trung Đông bị Mỹ liệt vào danh sách ủng hộ khủng bố tiếp tục làm quan hệ giữa người Mỹ với thế giới Hồi giáo nói chung trở thêm căng thẳng. Còn hành động chống lại các quốc gia có chủ quyền thông qua sức mạnh quân sự trở thành lí do các nước mà Nhà Trắng coi là đối thủ như Iran, Triều Tiên hay Venezuela muốn phát triển năng lực quân sự đủ mạnh để ứng phó nguy cơ bị Washington tấn công.
Về phần các tổ chức khủng bố như IS và Al-Qaeda, tuy chúng hứng chịu nhiều thiệt hại từ các đòn tấn công nhiều năm qua của Mỹ, song tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia về khủng bố nói rằng những kẻ mộ đạo mang tư tưởng cực đoan đó đã thích ứng và đang phát triển thêm các nhánh nhỏ hơn, mới hơn để tiến hành các vụ tấn công đơn lẻ theo chiến thuật đầy khó lường. Những năm qua, một loạt kẻ khủng bố có liên hệ, hoặc đơn thuần là mang tư tưởng ủng hộ IS hoặc Al-Qaeda cũng đã thực hiện nhiều vụ tấn công ở nhiều theo dạng “con sói đơn độc” ở nhiều quốc gia, khu vực mà không cần kế hoạch, với vũ khí thô sơ, khiến các nước đau đầu tìm cách ứng phó.
Mỹ tiến vào Afghanistan chống khủng bố, khi Mỹ tuyên bố kết thúc chiến dịch rồi rút quân, tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo Khorasan (IS-K, trực thuộc IS) ở Afghanistan “tiễn” Washington bằng một vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Kabul hôm 26/8, khiến hơn 170 người chết, bao gồm 13 binh sĩ Mỹ. Mỹ sau đó không kích mục tiêu IS-K để trả đũa, nhanh chóng và chính xác. Điều này cho thấy Mỹ đã biết về IS-K. Tuy nhiên, nắm thông tin và ứng phó ở một môi trường ngoài lãnh thổ Mỹ là câu chuyện rất khác. Tình huống này là lời nhắc nhở rằng cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn dang dở và rằng những kẻ khủng bố luôn khó đoán, còn thách thức từ chủ nghĩa khủng bố bên ngoài lãnh thổ Mỹ chưa thể nằm trong tầm kiểm soát của người Mỹ.
Đúng như Tổng thống Joe Biden tuyên bố hôm 16/8: “Lợi ích quốc gia quan trọng duy nhất của chúng ta ở Afghanistan đến ngày nay vẫn giống như lúc trước: đó là ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố trên lãnh thổ Mỹ”. Tuy nhiên, ông thừa nhận, “sứ mệnh của Mỹ nên tập trung trong phạm vi hẹp vào chống khủng bố - không phải chống lực lượng nổi dậy hay xây dựng quốc gia”.
Bài học đắt giá ở Iraq và Afghanistan rõ ràng đòi hỏi Mỹ cần tiếp tục cuộc chiến với khủng bố với sự hợp tác của quốc tế, hướng tới giải quyết tận gốc mâu thuẫn, đói nghèo và bất bình đẳng bằng con đường hòa bình. Thay vì trở thành một “bá chủ nhân từ” theo kiểu trở thành người phát triển tự do và dân chủ trên toàn thế giới, Mỹ cần sử dụng vũ lực có chọn lọc, hiệu quả và tìm kiếm các giải pháp hài hòa được quốc tế đồng thuận.
Trong bối cảnh Taliban nắm quyền với đầy rẫy thách thức với cộng đồng quốc tế, Afghanistan sẽ trở thành nơi Tổng thống Biden khởi đầu cách tiếp cận mới. Trên CNBC, ông Fred Kempe, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định, Mỹ ngay lúc này cần tập trung vào ba lĩnh vực: khôi phục niềm tin của đồng minh vào vai trò lãnh đạo của Mỹ, vạch chiến lược chống khủng bố dựa trên thực tế thay đổi ở Afghanistan và huy động các nhân tố trong khu vực để Taliban hành xử tử tế. Liệu Mỹ sẽ điều chỉnh chiến lược ra sao, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời.