PV: Trước tiên, chúc mừng Lanny Phetnion đã giành chiến thắng trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024. Cảm xúc của Lanny thế nào khi trở thành người nước ngoài đầu tiên lọt vào danh sách này?
Lanny Phetnion: "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 là một cuộc thi rất có ý nghĩa. Qua tìm hiểu, tôi được biết rằng, tiêu chí của cuộc thi là muốn thu hút đông đảo người Việt ở nước ngoài có nguyện vọng gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.
Trước đây tôi chưa dám nghĩ đến việc tham gia cuộc thi này, bởi tôi lo rằng tiếng Việt của tôi chưa được tốt lắm. Sau khi được các anh chị ở Đại sứ quán Việt Nam tại Lào động viên, đặc biệt là chị Thuận, cán bộ phụ trách cộng đồng, và xuất phát từ mong muốn của bản thân về việc góp phần lan tỏa tình yêu đối với tiếng Việt, với đất nước và con người Việt Nam, tôi đã quyết định nộp bài dự thi. Đồng thời, tôi cũng muốn thử thách bản thân mình, muốn nâng cao khả năng nói, viết tiếng Việt của mình và quan trọng hơn nữa là muốn góp phần nhỏ bé giúp tình hữu nghị vĩ đại Lào - Việt Nam ngày càng thắt chặt và lâu bền.
PV: Cơ duyên nào mà Lanny lại chọn học tiếng Việt?
Lanny Phetnion: Khi còn là học sinh trung học phổ thông, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ học tiếng Việt. Mọi thứ chỉ đến sau khi tôi đoạt giải nhì trong cuộc thi học sinh giỏi lớp 12 của tỉnh. Phần thưởng của tôi khi đó là được chính quyền địa phương và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào trao học bổng theo học chuyên ngành tiếng Việt tại thủ đô Vientiane. Biết tin đó, tôi hào hứng lắm, vì từ nhỏ tôi đã ước mơ đi học ở thủ đô. Tuy nhiên, bố mẹ và họ hàng của tôi thì lại lo lắng.
Lúc ấy, nghe những lời khuyên từ người thân, tôi cũng phân vân lắm khi đứng trước nhiều lựa chọn. Song, cuối cùng tôi vẫn chọn học tiếng Việt vì nếu đi thi ngành khác thì lại không có cơ hội theo học tại Đại học Quốc gia Lào - học bổng mà không biết bao giờ tôi mới có thể giành được. Ngoài ra, nếu lựa chọn ngành học khác, tôi cũng không biết là bản thân sẽ theo được hay không và cùng với đó là nỗi lo về chi phí học tập, sinh hoạt. Cuối cùng, tôi quyết định tìm cách thuyết phục để gia đình cho phép đi học đại học, chuyên ngành tiếng Việt.
PV: Có câu "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", nhìn lại quá trình học và sử dụng tiếng Việt, Lanny thấy thế nào?
Lanny Phetnion: Khi vào Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Ngôn ngữ, Đại học Quốc gia Lào, tôi cũng như các bạn cùng lớp, đều chưa từng học tiếng Việt. Chúng tôi hầu như bắt đầu từ con số 0. Nhưng, may mắn là chúng tôi được học cô Hiền - một giảng viên người Việt tại Lào. Cô Hiền đã dạy chúng tôi từ những điều cơ bản nhất.
Trong lúc học, tôi nhớ mãi những lần học phần thanh điệu của tiếng Việt. Các bạn biết đấy, tiếng Việt có dấu khiến mỗi từ có cách phát âm rồi ngữ điệu khác nhau. Khi đến phần thực hành nói, tôi và nhiều bạn trong lớp đã không nhịn được cười với cách phát âm của chính mình. May mắn với tôi là trong khi các bạn cảm thấy khó khăn với phần học này thì sau một vài lần cố gắng, tôi lại thấy việc phát âm tiếng Việt không quá khó.
Chính trong quá trình học tiếng Việt, tôi bắt đầu yêu thích ngôn ngữ này. Càng học, càng tìm hiểu thì tình yêu ấy càng lớn dần. Sự phong phú của tiếng Việt khiến tôi say mê, rồi từ ngôn ngữ, dần dần tôi thích tìm hiểu về văn hóa, con người cũng như tất cả mọi thứ liên quan đến Việt Nam.
PV: Sau 5 năm học, Lanny đã có thể sử dụng tiếng Việt thành thạo như tiếng mẹ đẻ, thậm chí còn biên soạn sách dạy tiếng Việt, làm MC song ngữ Lào - Việt trên Đài Truyền hình Quốc gia Lào...?
Lanny Phetnion: Sau khi tốt nghiệp đại học, cuộc sống của tôi vẫn còn khó khăn và chưa thể phụ giúp bố mẹ ở quê. Tôi đã quyết định tìm thêm việc. May mắn là tôi được cô Hiền (cô giáo cũ của tôi) tặng một chiếc tivi cũ. Chiếc tivi ấy nhỏ thôi nhưng nó giúp tôi theo dõi những bản tin tiếng Việt do người Lào thực hiện ở Đài Truyền hình Quốc gia Lào. Nghe tin tức do phát thanh viên đọc, tự dưng tôi chợt nghĩ, liệu mình có thể làm MC được hay không. Thú thực thì vào lúc đó, tôi cũng chưa tự tin lắm vào khả năng tiếng Việt của mình và cũng không có một mối quan hệ nào tại Đài Truyền hình Quốc gia Lào. Dẫu vậy, tôi vẫn quyết tâm tự tạo cho mình một cơ hội.
Tôi liên hệ theo số điện thoại mà Đài Truyền hình Quốc gia Lào dùng để mời quảng cáo và giới thiệu sơ qua về công việc cũng như quá trình học tiếng Việt của bản thân cho các anh chị ở Đài. Sau đó, tôi nhận được lời mời tới thử việc.
Khi nhận lời mời đó, tôi lại vừa mừng vừa lo. Ngày tới thử việc tại đài, các anh chị ở đó cho tôi đọc một bản tin bằng tiếng Việt. Lúc đó, nói thật tôi cũng hơi run nhưng vẫn nỗ lực để đọc một cách trôi chảy nhất có thể. Thật may mắn là sau khi nghe tôi đọc, bên đài yêu cầu tôi luyện tập cùng họ một thời gian rồi cho tôi làm MC. Hạnh phúc biết bao khi đây là công việc tôi từng mơ ước, đồng thời nó cũng giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Quan trọng hơn là khi làm MC, tôi có cơ hội được truyền đạt ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam đến người dân Lào cũng như văn hóa Lào tới người dân Việt Nam.
Công việc làm MC cũng đem đến cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Đó là lần đầu tôi dẫn chương trình trực tiếp mà lại còn là một sự kiện lớn; trước đó, công việc chính của tôi tại đài chỉ là đọc bản tin trong phòng thu. Sự kiện ấy diễn ra ngoài trời và tôi dẫn chương trình cùng một MC nổi tiếng người Việt Nam. Không chỉ thế, sự kiện cũng được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình của cả hai nước. Trong buổi tổng duyệt, do hồi hộp quá, tôi đọc vấp không ít lần nên bị phê bình nhiều. Nhưng, khi quay thật, mọi thứ lại trôi chảy. Sau sự kiện ấy, tôi có thêm tự tin để nhận làm MC tại nhiều sự kiện khác.
Hiện nay, ngoài làm giáo viên dạy tiếng Lào, tiếng Việt và MC song ngữ, tôi còn kiêm thêm công việc phiên dịch cho các công ty, đơn vị kinh doanh Việt Nam sang Lào hoạt động, tìm kiếm cơ hội làm ăn. Ngoài ra, cũng nhờ biết tiếng Việt, tôi còn có cơ hội tháp tùng một số đoàn cán bộ hai nước đi công tác. Công việc phiên dịch cũng giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về tình hữu nghị Việt Nam - Lào và cũng chính từ công việc này, tôi tự đặt cho mình mục tiêu là muốn góp sức duy trì, phát triển hơn nữa tình hữu nghị Lào - Việt Nam. Cũng vì thế mà tôi quyết định mở trung tâm dạy tiếng Việt mang tên Oka.
Tại trung tâm Oka, ngoài việc cung cấp dịch vụ giảng dạy tiếng Lào, tiếng Việt, tôi đã tự soạn giáo trình, giáo án và soạn sách cho người Lào muốn học tiếng Việt hoặc người Việt tự học tiếng Lào. Sau khi tôi mở trung tâm Oka, nhiều người biết đến tôi hơn và các tổ chức như Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào... bắt đầu mời tôi tham gia một số hoạt động, sự kiện liên quan đến Việt Nam hoặc hợp tác giữa hai nước.
PV: Ngoài ra, Lanny còn lập kênh YouTube, TikTok, Facebook để dạy tiếng Việt?
Lanny Phetnion: Càng làm việc và tiếp xúc với nhiều người Việt Nam, tôi càng thêm yêu thích tiếng Việt và mong muốn có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu hơn nữa về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Tôi cũng mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình để làm cầu nối cộng đồng người Lào và người Việt được gắn bó với nhau chặt chẽ hơn; để giúp cho mối quan hệ vĩ đại, mẫu mực, thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam ngày càng phát triển, bền vững. Để lan tỏa tiếng Việt đến với người Lào và tiếng Lào đến với người Việt ở khắp vùng miền trên thế giới, tôi quyết định lập thêm kênh YouTube và các trang mạng xã hội cá nhân giảng dạy tiếng Việt, tiếng Lào.
PV: Khi học đại học, Lanny đã tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn tại Trường Đại học Hà Nội. Đây có phải là lần đầu tiên Lanny tới Việt Nam?
Lanny Phetnion: Năm 2010, khi đang học năm cuối đại học, lớp của tôi được sang Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội trong vài tháng để thực hành. Lúc đó, tôi háo hức lắm bởi trước đây chưa từng có dịp ra nước ngoài. Lần xuất ngoại đầu tiên cũng mang lại cơ hội cho tôi nâng cao trình độ tiếng Việt. Chuyến đi đó để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Không chỉ học tập mà tôi cùng các bạn học khác còn được tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa như: múa, hát, nấu nướng, thể dục thể thao... Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là trong chương trình giao lưu văn hóa đa quốc gia dành cho sinh viên, tại phần thi hát tiếng Việt, tôi đã giành được giải nhì.
PV: Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong mắt Lanny như thế nào?
Lanny Phetnion: Điều khiến tôi ấn tượng nhất với Việt Nam không chỉ từ chuyến đi đó mà còn chính là tình cảm của người dân dành cho đất nước quê hương tôi. Tôi cảm nhận được tình hữu nghị như anh em một nhà mà người Việt Nam dành cho những sinh viên Lào như chúng tôi. Dù ở trong trường hay đi ra ngoài, tôi đều nhận được sự thân thiện, giúp đỡ, hỗ trợ của người dân Việt Nam. Tôi cũng rất thích những món ăn của Việt Nam.
Riêng với Thủ đô Hà Nội, tôi luôn có một tình cảm đặc biệt. Nếu được hỏi "Hà Nội trong bạn là gì?", tôi sẽ nói rằng Hà Nội không chỉ là trái tim của Việt Nam mà còn là một biểu tượng đậm chất văn hóa và lịch sử, nơi truyền thống và hiện đại giao thoa một cách hài hòa. Mỗi con phố, mỗi góc nhỏ đều có câu chuyện riêng, từ những di tích lịch sử như hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến những con đường ngập tràn hương hoa sữa. Hà Nội trong tôi là cảm giác bình yên khi dạo quanh hồ Tây, là không khí nhộn nhịp mỗi sáng tại phố cổ và là nét thanh lịch, tinh tế của con người nơi đây.
Trong công việc của mình, tôi thường tham gia các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội tới các bạn trẻ tại Lào. Tôi luôn muốn giúp các bạn trẻ Lào hiểu rõ hơn về những giá trị truyền thống của Việt Nam, cũng như tầm quan trọng của Hà Nội trong bức tranh chung của đất nước, khu vực và trên thế giới.
PV: Sau khi tốt nghiệp đại học, dù còn nhiều khó khăn, Lanny vẫn nhận làm giáo viên tình nguyện, một hình thức giảng dạy không có lương tại Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Điều gì đã thúc đẩy Lanny có lựa chọn này?
Lanny Phetnion: Sau khi từ Việt Nam trở về một thời gian, tôi tốt nghiệp đại học. Lãnh đạo nhà trường mời tôi giảng dạy môn tiếng Việt. Với tôi, đây là một điều may mắn bởi như vậy, tức là các thầy cô tin tưởng về khả năng giảng dạy cũng như vốn tiếng Việt của tôi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi cũng còn nhiều băn khoăn lắm bởi tôi xuất thân từ nông thôn, tại Vientaine tôi chưa có chỗ ở cũng như nguồn thu nhập ổn định nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Dẫu vậy, tôi vẫn chọn công việc này bởi tôi yêu thích tiếng Việt. Tôi cảm thấy hào hứng và rất tự hào khi được truyền đạt tiếng Việt cùng văn hóa Việt Nam cho người Lào. Thời điểm đó, tôi vẫn thuê trọ nhưng được các đồng nghiệp giới thiệu để làm thêm gia sư, thêm thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày. Vừa đi dạy tại đại học, vừa làm gia sư thực sự vất vả nhưng tôi vẫn cảm thấy vui bởi mình được làm đúng với đam mê là dạy tiếng Việt và làm nghề giáo.
Tôi tìm thấy niềm vui trong công việc làm giảng viên, đó chính là cảm giác hạnh phúc khi truyền đạt kiến thức cho sinh viên trên giảng đường. Bởi, tôi luôn tự nhủ rằng, việc giảng dạy tiếng Việt góp một phần, dù nhỏ thôi vào việc vun đắp tình hữu nghị lâu đời cũng như tăng cường hợp tác giữa hai nước chúng ta. Tiếp xúc với nhiều với người Việt Nam, tôi cũng dần thấu hiểu văn hóa đất nước các bạn. Người Việt Nam có một tình yêu nước mãnh liệt và tính cộng đồng rất cao. Tôi mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp của Việt Nam tới nhân dân Lào cũng như giúp người Việt Nam hiểu thêm về đất nước Lào. Bản thân tôi rất mong muốn có nhiều cơ hội hơn nữa trong tương lai để góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài giữa hai nước như câu thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt - Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".
PV: Được biết, các sinh viên thường gọi Lanny là "Lan" - một cái tên khá thuần Việt và cũng phát âm gần giống với tên của Lanny trong tiếng Lào. Lanny có thích tên gọi đó không?
Lanny Phetnion: Tôi rất thích cái tên tiếng Việt của tôi, Lan. Tên tôi trong tiếng Lào là Lanny nên khi phát âm sẽ rất giống từ Lan trong tiếng Việt. Học và sử dụng tiếng Việt nhiều năm qua nên tôi biết Lan là tên một loài hoa. Hoa lan không chỉ tràn đầy sức sống mà còn có một vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết. Tôi cũng tìm hiểu và được biết rằng, người Việt Nam thường đặt tên Lan cho các bé gái với mong muốn con lớn lên có dung mạo xinh đẹp, tâm hồn thanh cao, tính tình dịu dàng, nhẹ nhàng. Vì thế, tôi rất thích và yêu cái tên này.
Việc học tiếng Việt đúng là một bước ngoặt của cuộc đời tôi, là cái duyên định sẵn để tôi gắn bó với Việt Nam. Tôi không mang trong mình dòng máu Việt Nam, tôi là người Lào 100% nhưng kể từ khi bắt đầu học tiếng Việt thì trái tim của tôi, cuộc sống của tôi, tất cả những điều mà tôi đã, đang và sẽ làm đều giúp tôi cảm nhận một điều chắc chắn rằng, hai nước chúng ta gắn bó với nhau như trong một gia đình. Đôi lúc, tôi cũng cảm thấy bản thân mình như một người Việt Nam. Và, khi đã thông thạo tiếng Việt, tôi còn có thể góp một phần nhỏ công sức của mình để thúc đẩy hơn nữa hợp tác và tình hữu nghị giữa hai đất nước chúng ta.
PV: Cảm ơn Lanny Phetnion và chúc bạn có nhiều thành công trong công việc!