PV: Đây không phải lần đầu ông vô địch SEA Games với bóng đá nữ, nhưng lại là lần hiếm hoi trong sự nghiệp, ông nhảy lên ăn mừng ở cả 2 bàn thắng của tuyển nữ Việt Nam trong trận chung kết. Tại sao lại có sự thay đổi này trong cách biểu đạt cảm xúc của ông? Có phải vì đây là kỳ SEA Games cuối cùng ông đứng trên cương vị HLV trưởng Đội tuyển nữ Quốc gia?
HLV Mai Đức Chung: Đây là lần thứ 4 liên tiếp và cũng là lần thứ 6 trong cuộc đời, tôi giành Huy chương Vàng SEA Games cùng Đội tuyển nữ Việt Nam. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy sung sướng. Nếu mọi người theo dõi trên truyền hình, trong trận chung kết giữa Đội tuyển nữ Việt Nam và Đội tuyển nữ Myanmar, tôi đã nhảy lên khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc. Hiếm khi trong sự nghiệp cầm quân, tôi làm như vậy. Nhưng, điều đó cũng diễn tả một cảm xúc vỡ òa, sau hành trình cực kỳ khó khăn và gian khổ của Đội tuyển nữ Việt Nam.
Tôi phải nhấn mạnh từ "cực kỳ" bởi xuyên suốt một thời gian hướng tới SEA Games 32 cũng như trong quá trình thi đấu, Đội tuyển nữ Việt Nam trải qua nhiều khó khăn. Một số cầu thủ chủ chốt của đội bị chấn thương, phải phẫu thuật. Một số cầu thủ khác đã lớn tuổi nên nghỉ thi đấu. Vì thế, chúng tôi phải bổ sung những cầu thủ trẻ vào đội hình. Họ thậm chí còn chưa có kinh nghiệm thi đấu tại SEA Games. Đơn cử, có thể kể đến trường hợp Vũ Thị Hoa. Lực lượng của Đội tuyển nữ Việt Nam phải thừa nhận là không mạnh ở SEA Games 32 này.
Ngoài ra, điều kiện thời tiết ở Campuchia quá khắc nghiệt. Tất cả các đội, trong đó có Đội tuyển nữ Việt Nam phải thi đấu với nền nhiệt vô cùng oi ả, nóng bức. Đội Việt Nam lại rơi vào bảng đấu có cả Philippines, Myanmar, Malaysia, đều là những đội mạnh. Chúng tôi phải động viên nhau cố gắng vượt qua, lấy thời điểm Vòng chung kết Asian Cup nữ 2022 làm điểm tựa tinh thần. Khi ấy, đội cũng rơi vào bảng đấu khó khăn, gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản rồi Myanmar. Nhưng, sau cùng, chúng tôi vẫn giành vé dự World Cup. Đó là đòn bẩy tinh thần để chúng tôi cố gắng ở SEA Games lần này. Thật may mắn, đội đã giành Huy chương Vàng.
Qua đây, tôi cũng xin được cảm ơn Đảng và Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục, Thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cùng người hâm mộ đã luôn có mặt trên sân hay theo dõi trên truyền hình để cổ vũ cho chúng tôi.
PV: Liệu thất bại với Philippines có phải là trận đấu khó khăn nhất ở SEA Games 32 với Đội tuyển nữ Việt Nam, thưa ông?
HLV Mai Đức Chung: Tất cả các nước đều đầu tư, quan tâm bóng đá nữ, thu hút nhân tài về thi đấu cho đội bóng, nhất là Philippines. Thành phần dự tuyển của họ trên 90% là vận động viên Phi kiều hoặc vận động viên nước ngoài nhập tịch. Chúng ta phải đá với "đội Mỹ thu nhỏ", tầm vóc cao to, hầu như chơi bóng bổng. Mình là người thấp bé, không có sức mạnh, chỉ có sự khéo léo và bền bỉ. Cường độ hoạt động đối kháng trong bóng đá chiếm phần lớn thời gian, đấy là thực tế khó khăn.
Với Myanmar, họ liên tiếp thuê những HLV nước ngoài về để huấn luyện. Vừa qua, HLV Nhật Bản đã về đầu quân, huấn luyện đội bóng, cách làm của họ tiến bộ, khoa học, có lộ trình bài bản và bằng chứng là tấm vé vào chung kết. Như SEA Games 31 họ không đạt được thành tích gì thì năm nay đã giành được Huy chương Bạc. Cũng không thể không nhắc tới chủ nhà Campuchia, họ đầu tư bóng đá nữ mạnh mẽ trong 4 năm qua, thuê HLV Trung Quốc, tuyển chọn những vận động viên cao to, chú trọng tới quá trình tuyển trạch đầu vào.
PV: Sau thành công ở SEA Games 32, Đội tuyển nữ Việt Nam có kế hoạch gì để hướng tới World Cup nữ lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà? Chỉ tiêu thành tích ông đặt ra cho Đội tuyển nữ Việt Nam tại New Zealand là thế nào, trong bối cảnh nữ Thái Lan từng dự 2 kỳ World Cup mà chưa thể có bất kỳ điểm số nào?
HLV Mai Đức Chung: Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã chuẩn bị. Vũ Thị Hoa là cầu thủ trẻ 20 tuổi. Ngoài ra, đội còn có Thanh Nhã, Vạn Sự... Tôi cũng sẽ mời các cầu thủ U20 lên tuyển để bồi dưỡng và đào tạo thời gian tới. Đầu tuần này, chúng tôi bắt đầu tập trung, chuẩn bị tập huấn ở Đức và Ba Lan. Chúng tôi sẽ có 4 trận giao hữu với U23 Ba Lan và tuyển nữ Đức. Sau đó, đội sẽ trở về Việt Nam để sang New Zealand. Chiến thắng tại SEA Games vừa qua sẽ tạo đà cho World Cup, niềm động viên giúp chúng tôi bước vào giải và cố gắng giành kết quả tốt.
Tôi từng nói Đội tuyển nữ Việt Nam nếu dự World Cup thì sẽ cố gắng giành được 1 điểm. Đến giờ, tôi vẫn khát khao như vậy. Ai cũng có tham vọng. CLB, đội tuyển quốc gia nào cũng đều có mục tiêu. Mỹ cũng có tham vọng ở vị thế nhà đương kim vô địch. Hà Lan cũng đứng thứ nhì, Bồ Đào Nha là đất nước giàu truyền thống, nhiều năm đá World Cup... Với Đội tuyển nữ Việt Nam, trong lần đầu dự World Cup, đương nhiên còn non nớt, tầm vóc, thể lực và trình độ chuyên môn còn thua xa. Nói muốn thắng Mỹ hay Hà Lan là hơi thiếu thực tế.
Nhưng, tôi muốn truyền đạt với các cầu thủ rằng: Chúng ta là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam. Đất nước của chúng ta từng thắng thực dân và đế quốc trong thời kỳ chiến tranh. Chúng ta đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ để có được cuộc sống hôm nay. Đó là niềm tự hào của những người con đất Việt nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Tôi hy vọng từ tinh thần ấy, các cầu thủ sẽ chiến đấu đến cùng, đem đến cho người hâm mộ những điều xứng đáng.
Tôi cũng hay nói với các cầu thủ nữ: "Các con cố lên", "Các con phải tích cực hơn nữa", "Các con cứ đá đi, phần thắng thuộc về các con, thua bác sẽ nhận cho". Đó cũng là động lực để các cầu thủ yên tâm hơn khi bước vào sân thi đấu.
PV: Đó là câu chuyện của tập thể Đội tuyển nữ Việt Nam. Vậy còn bản thân HLV Mai Đức Chung, ông trải qua những khó khăn gì trong hành trình SEA Games 32?
HLV Mai Đức Chung: Từ SEA Games 31, tôi đã cảm nhận phần nào rằng, hóa ra, công việc này vất vả quá. Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi. Tuổi tác là rào cản với bất cứ ai chứ không chỉ riêng tôi. Ai chẳng muốn có sức khỏe để cống hiến cho đất nước, cho sự nghiệp. Bản thân tôi cũng vậy, nếu không có sức khỏe thì cũng chẳng thể hiện thực những giấc mơ và kế hoạch cùng bóng đá Việt Nam. Đợt rồi ở Campuchia, thời tiết nóng quá. Đứng dưới trời nắng, nền nhiệt oi ả là thử thách với bất cứ ai, chứ đừng nói là một người đã ngoài 70 như tôi.
Vui một chút, có nhiều bạn phóng viên từ Việt Nam sang Campuchia nói với tôi thế này: "Con lạy bố. Chúng con còn trẻ còn phải núp bóng râm. Thời tiết này hầm hập như lò đốt. Thế mà bố từng này tuổi vẫn còn ra sân huấn luyện". Nhưng, tôi tự động viên mình phải cố gắng thôi. Ở trận cuối cùng, tôi vẫn đứng ở sát đường biên sân. Tôi muốn truyền năng lượng cho các cầu thủ. Tôi muốn họ hiểu và thấy được thông điệp rằng: "Bác già thế này mà đứng ngoài sân cũng chẳng nề hà gì thì các con ở trong sân hãy chiến đấu và cố gắng lên". Tôi vẫn tâm niệm, đã là tướng thì đừng bao giờ ngồi chỗ mát.
Đấy là câu chuyện về sức khỏe, thời tiết. Một điều nữa tôi phải chia sẻ là trong hành trình vừa qua tại SEA Games 32, tôi trăn trở và mất ngủ nhiều. Trước khi đại hội diễn ra, tôi lo lắng không biết mình có thể giúp Đội tuyển nữ Việt Nam bảo vệ Huy chương Vàng SEA Games như năm ngoái hay không. Rồi trong giải đấu, khi Việt Nam phải gặp Myanmar hay Philippines rồi tái ngộ Myanmar ở chung kết thì đội sẽ phải đấu thế nào. Đặc biệt là khi gặp Myanmar, họ đã chơi cực hay ở trận bán kết và thắng ngược cả Thái Lan. Lúc ấy, tôi trăn trở mình phải dùng con người thế nào, đấu pháp ra sao.
PV: Có thông tin rằng, HLV Mai Đức Chung đã phải uống hết 1 hộp thuốc ngủ trong suốt hành trình ở SEA Games vì những suy nghĩ triền miên ấy từ ngày này qua ngày khác tại Campuchia? Thực hư câu chuyện này là thế nào?
HLV Mai Đức Chung: Tôi đã vứt vỏ hộp thuốc ấy ở Campuchia. Có những hôm tôi đã phải uống 3 viên chứ không phải 1-2 viên. Tôi cố làm sao để có thể chợp mắt một chút. Nhiều đêm tôi thức đến sáng nên không ngủ được. Trách nhiệm với đội, trọng trách với thể thao nước nhà thật sự lớn. Và, SEA Games mới là một phần câu chuyện. Thức đêm mới biết đêm dài. Trong những tiếng đồng hồ thao thức ấy, tôi nghĩ về tương lai của đội. Tôi lo lắng về lực lượng kế cận của Đội tuyển nữ Việt Nam. Cầu thủ trẻ nào sẽ thay thế những cầu thủ lớn tuổi hoặc những cầu thủ bị chấn thương hành hạ. Phụ nữ, sau tất cả, vẫn là phái yếu. Họ cần nghĩ tới cuộc sống sau bóng đá và tới ngưỡng nào đó, chị em phải dừng lại, đặt bóng đá sang một bên. Nghĩ cho mọi người, tôi cũng tự suy nghĩ cho chính mình. Trong đầu tôi lúc này thường trực câu hỏi: "Khi không còn làm HLV trưởng Đội tuyển nữ Việt Nam nữa, tôi sẽ làm gì?". Mà ngày ấy, thực ra, sắp đến rồi.
Sau trận chung kết SEA Games với Myanmar, tôi vẫn không ngủ được. Dù đã hết căng thẳng nhưng sự sung sướng và phấn khích một phần tác động lên thần kinh khiến tôi không ngủ được. Lúc đó, tôi lại nghĩ đây đâu phải mục tiêu duy nhất trong năm nay của Đội tuyển nữ Việt Nam. Sau SEA Games, chúng ta còn dự World Cup, ASIAD và vòng loại thứ 2 Olympic. Còn nhiều công việc mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giao cho tôi. Đó cũng là những điều mà tôi tiếp tục trăn trở.
Trước mỗi giải quan trọng là tôi ăn ít, ngủ ít. Có những lúc tôi còn nhịn ăn. Sức khỏe của tôi vì thế bị giảm sút. Như ở trận chung kết SEA Games giữa Myanmar và Việt Nam, đội phải ăn từ lúc 12h trưa trong khi giờ thi đấu là 19h30. Khi thi đấu chung kết xong, đội còn tham gia họp báo, nhận huy chương. Tôi nhớ phải đến tận 22h đêm đội mới được ăn. Tôi bị tiểu đường, có những lúc chân tay run lên vì hạ đường huyết. Suy cho cùng, không có sức khỏe thì không thể vượt qua được những khó khăn như vậy.
PV: Ngay cả trên thế giới, không phải HLV nào cũng có thể làm việc khi đã ngoài 70 tuổi. Sir Alex Ferguson cũng đã phải rời CLB Manchester United khi chưa đến 75. Nhiều HLV gạo cội của bóng đá thế giới cũng dần chia tay bóng đá đỉnh cao ở tuổi 68-69. Làm thế nào để ông, người năm nay đã 71 tuổi vẫn cầm sa bàn, đứng trên sân chỉ đạo bất chấp nắng mưa?
HLV Mai Đức Chung: Từ trước đến nay, tôi là người coi trọng sức khỏe. Giờ ăn, giờ ngủ luôn phải chuẩn chỉ. Tôi đã làm điều đó từ khi còn là cầu thủ. Cũng phải cảm ơn ông trời đã ban cho tôi sức khỏe. Tôi cũng nghĩ mình cố gắng hết sức, đến một ngưỡng nào đó không thể thực hiện được thì mới dừng lại.
Các bạn HLV trẻ đương nhiên hơn tôi về sức khỏe. Các bạn cũng cập nhật nhanh hơn về điều kiện khoa học tiên tiến để áp dụng vào huấn luyện. Tôi là người cổ rồi, chậm chạp hơn về tiếp thu cái mới, đặc biệt là tiếng Anh. Ngày trước, nước ta còn trải qua chiến tranh nên không được học tiếng Anh. Nếu có thì cũng chỉ tiếp xúc ngoại ngữ là tiếng Nga và tiếng Trung. Tôi hiểu điều đó và cũng cố gắng bỏ công bỏ sức để nỗ lực trong năng lực của mình. Tôi hay nhờ đồng nghiệp ở nước ngoài gửi những giáo án, thông tin, tài liệu từ Đức. Từ đó, tôi học hỏi những bài tập, tham khảo về cách huấn luyện để áp dụng cho Đội tuyển nữ Việt Nam.
Nhưng, trên tất cả, tôi nghĩ rằng tôi quá yêu công việc này. Người ta hay nói tình yêu không phân biệt tuổi tác và không gian. Tôi có thể ví von tôi và bóng đá là một kiểu tình yêu như thế. Đã là yêu, là rất rất yêu thì thật khó để nói lời tạm biệt. Bạn cứ tưởng tượng nếu bạn đang yêu ai đó say đắm, rồi người ta bất chợt bỏ đi thì bạn sẽ sống tiếp thế nào? Bạn bè tôi từng nhiều lần khuyên nhủ, rằng bóng đá không phải là tất cả trong cuộc sống. Cái này đúng, nhưng với tôi, có thể chưa đúng lắm (cười...).
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, HLV bóng đá là công việc có thu nhập cao, được xã hội trọng vọng, thường xuyên sống trong cảm giác vinh quang. Ông nghĩ sao về quan điểm này và đây có phải là một động lực để ông bước tiếp hành trình huấn luyện đã kéo dài gần nửa thập kỷ?
HLV Mai Đức Chung: Ý này không hẳn là sai, nhưng mới chỉ nhắc tới vế đầu tiên của nghề HLV. Bóng đá vinh quang, nhưng cũng tủi hờn. Cái hay nhưng cũng là cái dở trong công việc này, đấy là bạn luôn ở hai đầu thái cực của cảm xúc. Hoặc là xuống đáy, hoặc là lên đỉnh. Bóng đá không có khái niệm lờ nhờ, vì khi công việc của bạn ở trạng thái "lơ lửng" thì tức là bạn chỉ đang tồn tại, chỉ hiện diện qua ngày vậy thôi.
Tôi tin không có nhiều công việc nào mà vui - buồn, thành - bại luôn song hành như bóng đá. Người HLV phải chịu áp lực trước đơn vị chủ quản và cộng đồng. Nhưng, HLV cấp đội tuyển quốc gia phải chịu áp lực trước một dân tộc, trước đồng bào. Nếu hàng triệu người ủng hộ khi bạn thắng thì vẫn là từng đấy người trách móc khi bạn thua. Họ có quyền như vậy và HLV phải biết tự giải quyết các bài toán cảm xúc, vốn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thành - bại trong công việc.
Về thu nhập, HLV chuyên nghiệp là nghề nghiệp có thu nhập tốt. Nhưng, thu nhập tốt đồng nghĩa với tốc độ đào thải. Không bao giờ có khái niệm "ổn định, lâu dài" trong bóng đá chuyên nghiệp. Không giấu gì bạn, tôi làm HLV đội tuyển quốc gia lương cũng được vài chục triệu/tháng. Nhưng, đồng tiền làm ra là để duy trì cuộc sống, giúp đỡ con cháu khi cần. Năm ngoái, tôi mới sửa được cái nhà nhỏ hai vợ chồng tôi đã sống gần như cả đời người ở Ngọc Hà. Nhiều thứ cần tới tiền, lương tôi chỉ đủ ăn (cười...).
Nếu muốn lương cao hoặc đơn giản là thuần túy nghĩ tới yếu tố tài chính, tôi có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều đội V.League vẫn mời tôi về, như Hải Phòng hoặc một CLB ở miền Trung. Nhưng, con người tôi đơn giản, trực tính, tự thấy chưa chắc phù hợp với bóng đá V.League. Tôi yêu bóng đá và còn nhìn bóng đá với tư cách người đảng viên. Tôi phụng sự bóng đá là để phụng sự Tổ quốc, phụng sự giấc mơ, khát vọng và hoài bão của hàng triệu đồng bào. Bóng đá gắn liền với quốc gia là thứ bóng đá gian lao nhất nhưng cũng là thứ bóng ngọt ngào, tự hào nhất với cá nhân tôi.
PV: Năm 2023 có thể là năm cuối cùng ông xuất hiện trên cương vị HLV bóng đá, HLV Đội tuyển nữ Việt Nam. Trong chương tiếp theo, ông sẽ "bù đắp" thế nào cho vợ và gia đình, những người như ông mô tả là "thiệt thòi cả một cuộc đời vì sự nghiệp thể thao của chồng, của cha"?
HLV Mai Đức Chung: Vốn dĩ, tôi có thể đã về hưu từ 13-14 năm trước. Và, có thể như bao người khác, tôi đã nghỉ ngơi với con cháu, bạn bè, thỏa đam mê với sở thích đi câu. Tình yêu, duyên phận và sự thấu hiểu của gia đình mới giúp tôi đi tới ngày hôm nay. Tôi sẽ dừng lại, chắc chắn là như thế. Tôi giống mọi người, có giới hạn nhất định và một ngày nào đó phải tạm biệt vị trí này. Có thể, thời gian cũng không còn nhiều. Nhưng, tôi không muốn đồng nghiệp, các cháu vận động viên hiểu rằng, ngày tôi ra đi cũng là ngày tôi "chia tay" bóng đá. Tôi vẫn muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam, dù đó có thể chỉ là những góp ý nhỏ nhoi trên tư cách một người lính đã rời xa chiến trường. Một điều chắc chắn nữa tôi sẽ làm, là tôi mong mình sẽ tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên gia đình với niềm vui cùng con cháu. Gia đình là nguồn động viên to lớn nhất đối với tôi, nhất là vợ tôi.
Vợ hy sinh cả một đời vì tôi, vì tình yêu quá lớn của tôi với bóng đá. Những giây phút hạnh phúc nhất, vinh quang nhất của nghề, vợ đều không được ở bên cạnh dù bà ấy đã đi cùng tôi những lúc gian khó nhất. Bà ấy chưa bao giờ kêu than, chỉ dặn tôi phải ăn uống đúng giờ, giữ sức khỏe dù trong lòng chắc buồn lắm. Không buồn sao được khi lễ chồng vắng nhà, Tết chồng vắng nhà, hè chồng vắng nhà. Chúng tôi quen nhau, yêu nhau từ thời bao cấp, từ cái thời chồng đi huấn luyện bên Gia Lâm còn vợ phải dúi vào tay túi quần áo, để chồng sang nhà thi đấu tranh thủ xin nước còn giặt giũ. Hay là đồng nghiệp vợ tôi vẫn thường trêu, anh Chung cao lớn thế, phải sắm cái xe to to một chút, ai lại cứ đèo chị Uyển trên chiếc Cub 82.
Tôi giờ, khi con cháu đủ đầy, vợ tôi vẫn chưa được tận hưởng cảm giác "chồng ở nhà". Tôi chưa bù đắp được cho bà ấy nhiều, phải nói thật là thế. Tôi chỉ biết duy trì cách xưng hô "anh-em" dù tôi đã già rồi, để bà ấy thấy rằng tình cảm vợ chồng còn son sắt lắm (cười...). Nhưng, mỗi lần về tới đầu ngõ, tôi đều thấy vợ ra đón ngay trước cổng, nở nụ cười rất tươi. Hình ảnh đó, tôi cất giữ sâu trong trái tim. Đó là ký ức, là ý niệm giúp tôi hoàn thành công việc, hoàn thành sứ mệnh Tổ quốc giao phó.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc ông mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp cho bóng đá.
* Ảnh trong bài: TTXVN, Lao động, Thể thao & Văn hóa, Vietnamnet