GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam”

GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0

PV: Từ ngày 20 đến 26/9, Hoàng Thái tử Akishino và Công nương Nhật Bản có chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Trong chuyến thăm này, Hoàng Thái tử cũng đã tới Trường Đại học Việt Nhật. Xin giáo sư chia sẻ đôi chút về sự kiện này.

GS.TS Furuta Motoo: Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, khởi đầu cho kỷ nguyên hợp tác phát triển song phương. Trong 50 năm đồng hành, khuôn khổ quan hệ song phương liên tục được nâng cấp từ "Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài" (năm 2002) lên "Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" (năm 2006), "Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" (năm 2009) và "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á" (năm 2014).

Tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức. Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước đã nhất trí mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á giữa hai bên. Mối quan hệ đó, như Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh, là bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần "Tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả".

Chuyến thăm của Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương trong dịp kỷ niệm 5 thập kỷ quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản chính là sự khẳng định mạnh mẽ truyền thống hợp tác, lòng chân thành, sự tin tưởng lẫn nhau. Chuyến thăm cũng góp phần tiếp tục củng cố và phát triển sâu sắc, bền chặt, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tôi điểm lại hơi dài chút về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản để thấy hai nước chúng ta đã song hành cùng nhau nửa thế kỷ và tiếp tục nắm tay nhau vươn xa hơn trong những năm tháng tiếp theo. Cũng phải nói thêm rằng, tại Nhật Bản, Hoàng gia là biểu tượng của văn hóa và lịch sử. Việc Hoàng Thái tử Akishino và Công nương thay mặt Hoàng gia tới thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao chứng tỏ người Nhật rất coi trọng Việt Nam. Hoàng Thái tử Akishino hôm 22/9 khi gặp gỡ, trò chuyện với các cán bộ, giáo viên và sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật cũng đã nhấn mạnh điều này và khẳng định, Nhật Bản rất quan tâm tới Việt Nam.

GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0

PV: Điều này có nghĩa, với Nhật Bản, Việt Nam có một vị trí đặc biệt, thưa giáo sư?

GS.TS Furuta Motoo: Nửa thế kỷ qua, Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực và sự hợp tác này ngày càng bền vững, tốt đẹp, tiến triển hơn khi chúng ta cùng kết hợp các tiêu chuẩn của Nhật Bản với sự phong phú của Việt Nam. Theo tôi, giữa Nhật Bản và Việt Nam luôn có sự học hỏi lẫn nhau.

So với các mối quan hệ quốc tế khác, đặc điểm nổi bật của mối quan hệ Việt - Nhật là sự tin tưởng lẫn nhau, từ các nhà lãnh đạo của đất nước đến người dân. Trung thực là nền tảng của niềm tin. Việt Nam có sự tin cậy vào Nhật Bản và Nhật Bản cũng rất tin tưởng Việt Nam. Một ví dụ cho điều này là vào năm 2011, khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, khắp các tỉnh, thành ở Việt Nam đều dấy lên phong trào ủng hộ nhân dân Nhật Bản. Lúc đó, người dân Nhật càng hiểu rõ hơn về tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho đất nước Nhật Bản.

Hay, như trong thời kỳ dịch COVID-19, hai nước chúng ta vẫn "kề vai sát cánh" cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Hiện nay có gần 500.000 người Việt Nam đang sinh sống lâu dài ở Nhật Bản và con số này vẫn đang gia tăng một cách nhanh chóng. Nhiều người trong số họ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 16 chi hội địa phương của Hội Hữu nghị Nhật - Việt đã tổ chức các hoạt động giúp đỡ những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật như: Cung cấp lương thực, bố trí chỗ ở cho người Việt Nam bị mất việc hoặc làm việc với các công ty Nhật Bản để họ tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam...

Một ví dụ khác về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước chính là việc các doanh nghiệp Nhật Bản đã bị thiếu vật tư, nguyên liệu và bắt buộc phải ngừng hoạt động khi các nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam bị ngừng hoạt động do COVID-19 bùng phát. Thực tế đó cho thấy, trong hoạt động kinh tế - xã hội của Nhật Bản, Việt Nam và người Việt Nam đang đóng vai trò rất lớn. Mối quan hệ hợp tác, phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa hai nước chúng ta rất sâu sắc.

PV: Như giáo sư nói, Việt Nam - Nhật Bản vừa là bạn bè, vừa là đối tác. Trong thời đại công nghệ bùng nổ hiện nay, các nhà lãnh đạo hai nước thường xuyên nhấn mạnh về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Giáo sư nhìn nhận như thế nào về thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay?

GS.TS Furuta Motoo: Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống ham học và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Hiện nay, Việt Nam đang đương đầu với những thử thách mới để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" và việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững đang trở thành một yêu cầu cấp bách.

Đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật đã 7 năm, tôi nhận thấy, sinh viên Việt Nam nói chung khá ưu tú, rất năng động. Họ thậm chí còn sở hữu một số kỹ năng như tiếp thu, xử lý dữ liệu bằng công nghệ thông tin... vượt trội hơn sinh viên Nhật Bản.

GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0

Nhưng, giới trẻ Việt Nam có hai nhược điểm chính cần khắc phục. Đầu tiên là sinh viên Việt Nam tiếp thu chuyên môn về mặt lý thuyết rất tốt nhưng lại ít khi mở rộng tầm nhìn. Điểm thứ hai là, tại Nhật Bản, trong lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp, người ta rất coi trọng nơi sản xuất thực tế (chẳng hạn như nhà máy, ruộng đồng...). Người Nhật tin rằng, điều quan trọng là các nhà nghiên cứu phải làm việc cùng với công nhân và nông dân tại nơi sản xuất để giải quyết những vấn đề nảy sinh ở đây. Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam thích tiếp thu công nghệ tiên tiến nhưng lại không mấy quan tâm đến những vấn đề xảy ra ở nơi sản xuất mà công nghệ cũ vẫn tồn tại. Nghĩa là, họ say mê lý thuyết hơn thực tiễn. Trong khi đó, muốn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất thì phải quan tâm nhiều hơn đến thực tiễn. Từ thực tiễn mới có những giải pháp, sáng tạo... thúc đẩy quá trình sản xuất.

Trường Đại học Việt Nhật là trường đại học thành viên thứ 7 thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập thông qua hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam nên tôi muốn mang đến một số yếu tố mới cho giáo dục đại học ở Việt Nam. Từ kinh nghiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Đại cương của Đại học Tokyo, tôi xây dựng Trường Đại học Việt Nhật trên triết lý giáo dục khai phóng.

Khi Trường Đại học Việt Nhật khai giảng năm 2016, ở Việt Nam mới chỉ có hai trường đại học công khai nêu triết lý giáo dục khai phóng. Nhưng, sau đó, số trường đại học theo đuổi giáo dục khai phóng dần tăng. Giờ đây, giáo dục khai phóng không còn là khẩu hiệu lạ trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam.

Trường Đại học Việt Nhật chúng tôi ban đầu chỉ đào tạo thạc sĩ và mới có chương trình đào tạo bậc đại học từ năm 2020 với 6 chuyên ngành khác nhau. Trường đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trường đại học nghiên cứu có uy tín hàng đầu ở châu Á trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật tiên tiến và khoa học liên ngành phục vụ phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các thế mạnh của Việt Nam - Nhật Bản. Chúng tôi khuyến khích sinh viên sang Nhật Bản để tiếp tục học tập hoặc tìm việc làm. Nhưng, trường cũng mong rằng, sau khi học và làm việc tại Nhật Bản một thời gian, nhiều bạn sẽ trở lại Việt Nam và tận dụng những kinh nghiệm ở Nhật Bản để đóng vai trò tích cực, góp phần vào phát triển quê hương, đất nước.

GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
Hoàng Thái tử Fumihito Akishino và Công nương Kawashima Kiko đến thăm Trường Đại học Việt Nhật (VJU) và giao lưu với giảng viên, học viên và sinh viên của trường.
GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
 

PV: Rõ ràng, với kinh nghiệm hơn 50 năm nghiên cứu Việt Nam, giáo sư hiểu rất kỹ về đất nước, con người, ưu và nhược điểm của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập như ngày nay?

GS.TS Furuta Motoo: Tôi là nhà nghiên cứu lịch sử cận hiện đại Việt Nam, là người Nhật Bản thuộc "thế hệ Chiến tranh Việt Nam". Năm 1970, khi tôi vào học tại Đại học Tokyo, Chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Lúc đó, báo chí Nhật Bản đưa tin về Việt Nam rất nhiều. Tôi cho rằng, Việt Nam là trung tâm thế giới và nếu hiểu được Việt Nam, tôi sẽ hiểu được những phần còn lại của thế giới một cách dễ dàng. Vì thế, tôi đã chọn Việt Nam làm đề tài nghiên cứu. Và, 2 năm sau, tôi bắt đầu học tiếng Việt từ một thầy giáo là sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản du học.

Trong quá trình tìm hiểu đó, tôi thấy rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít những anh hùng kiệt xuất, hoàn hảo của châu Á cũng như thế giới và là nhân vật lịch sử quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Tầm nhìn của Người lớn, rộng và có sức ảnh hưởng không chỉ lúc sinh thời mà cả khi Người đã ra đi.

Theo tôi, tư tưởng Hồ Chí Minh là yếu tố sinh ra đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đi tìm con đường đi lên xã hội chủ nghĩa phù hợp với hoàn cảnh và lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Mà Đổi mới là cuộc cải cách lớn để tìm mô hình xã hội chủ nghĩa phù hợp với Việt Nam. Muốn triển khai quá trình Đổi mới tại Việt Nam, cần có tư tưởng Hồ Chí Minh.

Qua quá trình nghiên cứu, tôi thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh có hai đặc điểm lớn. Một là coi trọng bản sắc dân tộc. Hai là tìm con đường hội nhập quốc tế. Đây cũng là hai yếu tố quan trọng của đường lối Đổi mới tại Việt Nam. Thực hiện tiến trình Đổi mới thì việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc con người Việt Nam.

GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0

PV: Vì vậy, giáo sư đã cho ra mắt cuốn sách "Hồ Chí Minh - Giải phóng dân tộc và Đổi mới"?

GS.TS Furuta Motoo: Năm 1974, tôi có cơ hội tham gia đoàn du lịch do Hội Hữu nghị Nhật - Việt tổ chức sang thăm miền Bắc Việt Nam. Biết tin này, thầy giáo dạy tiếng Việt khuyên tôi nên học thuộc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ lời khuyên ấy mà qua gần nửa thế kỷ, tôi vẫn thuộc Di chúc của Người.

Đến năm 1996, với sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Đại học Tokyo, tôi ra mắt cuốn sách mang tên "Hồ Chí Minh - Giải phóng dân tộc và Đổi mới". Khi đó, cuốn sách đã gây chú ý đối với giới nghiên cứu Nhật Bản vì tôi khẳng định, để hiểu về Việt Nam, nhất thiết phải tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một năm sau, cuốn sách được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành. Năm 1998, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật lại giúp tôi xuất bản cuốn "Việt Nam trong lịch sử thế giới".

Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đã có nhiều thay đổi sau gần 40 năm đổi mới, tôi vẫn luôn khẳng định: "Muốn hiểu Việt Nam hôm nay, phải hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh". Mỗi khi trò chuyện với sinh viên, tôi luôn phân tích những điểm mới, sự hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi muốn họ có cái nhìn rộng hơn; muốn cho họ thấy không chỉ giỏi về khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà còn cần phải hiểu về chiều sâu, tính nhân văn và hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh.

GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
GS.TS Furuta Motoo trao đổi cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.
GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
 

PV: Xin giáo sư chia sẻ thêm về những nghiên cứu cũng như hoạt động của ông tại Việt Nam kể từ khi trở thành người nước ngoài đầu tiên làm hiệu trưởng một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội?

GS.TS Furuta Motoo: Tôi từng đến nhiều nước khác, sang cả Mỹ, Pháp, Trung Quốc cũng như một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, có thể nói rằng, tôi đã chọn con đường duy nhất là trở thành một nhà Việt Nam học. Trước đây, người Nhật Bản muốn nghiên cứu Việt Nam đều phải sang học ở Pháp hoặc Mỹ. Nhưng, tôi may mắn có cơ hội sang Việt Nam học tập và có mối quan hệ chặt chẽ với giới khoa học xã hội Việt Nam. Nhờ sự hướng dẫn của nhiều giáo sư Việt Nam, cộng với kinh nghiệm học, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam, tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1990.

Trong cuộc đời nghiên cứu Việt Nam của mình, tôi còn may mắn sớm có mối liên hệ với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay. Từ năm 1974, tức một năm sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cử giáo viên dạy tiếng Việt sang Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Thầy giáo đầu tiên từ Hà Nội sang là thầy Nguyễn Cao Đàm. Tôi không phải sinh viên của trường ngoại ngữ nhưng đã được thầy Đàm dạy tiếng Việt trong 3 năm (1974-1976). Sau đó, tôi còn được học hỏi rất nhiều về lịch sử và xã hội Việt Nam từ những giáo sư uyên bác như GS Phan Huy Lê, GS Trần Quốc Vượng, GS Nguyễn Văn Đạo...

Là người được đào tạo tại Việt Nam, trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, giúp phát triển giáo dục và thế hệ trẻ của Việt Nam là cách tôi trả ơn những thầy, cô Việt Nam đã hướng dẫn tôi, bạn bè Việt Nam đã tin cậy tôi. Vì thế, tôi rất lấy làm vinh dự khi được bổ nhiệm vào vị trí này.

GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
 

PV: Vậy là từ 7 năm nay, cuộc sống của ông gắn với hai quê hương Nhật Bản và Việt Nam?

GS.TS Furuta Motoo: Vâng, từ khi được bổ nhiệm tới giờ, hằng năm tôi dành 8 tháng ở Hà Nội và 4 tháng làm việc tại Nhật Bản. Trước đó, tôi cũng từng ở Việt Nam trong thời kỳ bao cấp. Tôi nhớ khi đó phương tiện di chuyển chính là xe đạp. Đi xe đạp giúp tôi quen và nhớ đường hơn. Hiện nay tôi chủ yếu di chuyển bằng ô tô, lại có lái xe và tuổi đã cao nên dễ quên đường (cười...).

Tôi đã được chứng kiến toàn bộ sự chuyển mình rất lớn của Việt Nam trong gần 50 năm qua và Hà Nội là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời tôi. 3 năm sau lần đầu tiên đến Việt Nam, tức là vào năm 1977, tôi đã trở lại Hà Nội với tư cách là thầy giáo dạy tiếng Nhật ở Trường Đại học Ngoại thương. Tháng 3/1980, tôi lập gia đình thì một tháng sau tôi quay trở lại Việt Nam tiếp tục việc dạy tiếng Nhật. Vợ tôi đã sang Việt Nam cùng tôi và ở lại trong thời gian một tháng. Cho đến giờ, chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng: Người ta có tuần trăng mật còn "tháng trăng mật" của chúng tôi là ở Việt Nam (cười...). Chúng tôi yêu sự đa dạng của văn hóa Việt Nam và gắn bó, quen thuộc với cả những món ăn Việt như phở, bún chả... Tôi còn có thể làm món nem rán và canh chua thịt hoặc canh chua cá kiểu Việt Nam (cười...).

GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
GS.TS Furuta Motoo giới thiệu với phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng về những món quà đậm chất Việt Nam được treo trong phòng làm việc.
 

PV: Chung thủy với Việt Nam đã hơn nửa thế kỷ, điều gì ở nơi đây luôn níu giữ chân ông?

GS.TS Furuta Motoo: Tôi luôn gọi Việt Nam là "mối tình đầu" nhưng là mối tình đã kéo dài hơn 50 năm và sẽ là mãi mãi.

Bạn biết đấy, tôi biết về Việt Nam từ năm 1970 nhưng phải đến năm 1974 tôi mới lần đầu tiên sang Việt Nam. Từ đó đến nay, Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã thay đổi rất nhiều, nhưng tính cách và tình cảm của con người Việt Nam vẫn vậy. Họ vẫn lạc quan yêu đời, chịu thương chịu khó, mềm dẻo nhưng bền bỉ, uyển chuyển như cây tre. Tôi yêu con người Việt Nam như vậy.

Tôi may mắn có những thầy giáo người Việt Nam, có những người bạn Việt Nam tin tưởng tôi. Việt Nam là mối tình đầu và là người yêu suốt đời của tôi. Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
GS.TS Furuta Motoo: “Tài sản quý giá nhất của tôi là những người bạn Việt Nam” -0
Ảnh trong bài: Nguyễn Bình