Được biết, việc che biển số nhằm khiến camera giám sát không xác định được biển số, tránh phạt nguội. Thông thường, tài xế vi phạm thường chỉ che đi 1 số đến nửa biển số của biển kiểm soát. Khi bị CSGT phát hiện, các tài xế này thường tăng tốc bỏ chạy hoặc nếu bắt buộc phải dừng lại thì sẽ nhanh chóng chạy tới gỡ xuống để CSGT không ghi hình được. Tinh vi hơn, có trường hợp còn sử dụng các quân bài, tấm thép hoặc tờ bìa mỏng gắn vào biển số bằng một ghim nhỏ. Kẹp ghim này sẽ nối với một sợi dây thép hoặc dây cước nhỏ và luồn vào bên trong xe để khi gặp lực lượng CSGT, tài xế chỉ cần giật dây hoặc bật cần gạt nước kính sau để vật che biển số rơi xuống. Trường hợp này càng làm khó lực lượng chức năng.
Hành vi sửa biển số được nhiều lái xe sử dụng nhất đó là dán đè các đường nét để thay đổi thành số khác khiến camera không phát hiện được. Ví dụ như số 3, số 0, số 6, số 9, số 5..., các lái xe thường “biến” thành số 8; chữ F rất dễ dán đè nét hoặc vẽ thêm nét để "biến hóa" thành chữ E. Một số trường hợp thậm chí chỉ dán đè nguệch ngoạc để các chữ số trên biển kiểm soát trở nên méo mó, gây khó nhận diện cho lực lượng chức năng khi xem camera. Ngoài các phương thức "thô sơ" trên, các lái xe còn lắp đặt một loại thiết bị để đổi biển số từ trắng thành biển số xanh hoặc thay đổi biển số khác hoàn toàn. Loại thiết bị này cũng giúp tài xế che giấu hành vi vi phạm giao thông bằng cách gắn một biển số trống ở bên trong, chủ xe chỉ cần nhấn nút để biển số thật lật vào bên trong, biển số trống sẽ lộ diện ra ngoài. Với hành vi này, nếu không trực tiếp có mặt giám sát, lực lượng chức năng sẽ khó nhận diện được chủ xe vi phạm và xử phạt theo quy định.
Rõ ràng, việc dán, che, thay đổi biển số để qua mặt hệ thống giám sát, không chỉ làm khó lực lượng CSGT mà nó còn ảnh hưởng tới các chủ xe bị trùng biển số nhái này khi bị phạt nguội, bị trừ tiền phí tự động, thậm chí có thể bị rắc rối nếu phương tiện kia gây tai nạn.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Đội 1), Phòng 8, Cục CSGT cho biết, khi gặp các trường hợp xe dán, che làm sai lệch biển số hoặc sử dụng biển số giả, hệ thống sẽ báo cho cán bộ trực. Tuy nhiên, việc xác định và tìm kiếm đúng biển số gốc của phương tiện rất mất thời gian và khó khăn.
Điển hình như ngày 8-7, hệ thống giám sát báo hiệu cho lực lượng CSGT một đoàn gồm nhiều xe, đeo biển kiểm soát tỉnh Quảng Ninh cùng dán, sửa biển số đi vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Hình ảnh từ camera cho thấy ô tô nhãn hiệu Honda CRV màu trắng đã dùng băng dính sửa số của biển kiểm soát phía trước xe thành 14A-481.15 còn biển số phía sau sửa thành 14A-481.18. Chiếc xe này vi phạm 6 lần lỗi chạy quá tốc độ cho phép trong cùng một ngày. Hệ thống giám sát đã ghi nhận xe đi tới 135km/h, vượt tốc độ tối đa là 35km/h. Cùng trong đoàn nói trên, ô tô nhãn hiệu Toyota Land Cruiser sửa biển kiểm soát thành 14A-512.88 chạy với tốc độ 126km/h tại đoạn đường có tốc độ tối đa cho phép 80km/h. Còn xe bán tải nhãn hiệu Ford Ranger sửa biển số thành 14C-285.86, xe này liên tục đi với tốc độ 124km/h.
Sau khi hệ thống giám sát phát hiện các xe ô tô trên có hành vi dùng băng dính sửa biển số, cán bộ, chiến sĩ Đội 1 đã phải đối chiếu với hệ thống đăng ký xe, hệ thống đăng kiểm xe, để xác định biển số xe chính xác của những phương tiện này, sau đó về tận Quảng Ninh hối hợp với Công an thị xã Đông Triều xác định được chủ sở hữu, người điều khiển của các xe vi phạm, mời từng trường hợp lên làm việc.
Tại Cơ quan công an, các lái xe đều lấy lý do “không hiểu biết pháp luật” để bao biện cho hành vi vi phạm của mình. Điển hình như tài xế N.V.K, SN 1977 điều khiển ô tô nhãn hiệu Toyota Land Cruiser biển kiểm soát 14A 512.98 đã sử dụng băng dính đen “hô biến” số 5 thành số 6 trong biển kiểm soát. Quá trình làm việc với Cơ quan công an, tài xế K. nói, vào ngày 8-7, anh ta mượn xe của một người bạn để chở người nhà đi Lào Cai có việc gấp nên đã dán biển kiểm soát để “đi cho nhanh”.
Tương tự, tài xế L.T. N (SN 1988) điều khiển ô tô nhãn hiệu Ford Explorer biển kiểm soát 14A 509.52 đã sửa số 0 và số 9 trong biển kiểm soát thành số 8. Đáng lưu ý, trong các trường hợp vi phạm này, có chị N. cũng có hành vi che biển số, chị N chia sẻ có việc gia đình tại Lào Cai phải xử lý gấp nên mới che biển kiểm soát để đi nhanh.
Còn trường hợp anh N.V.N, SN 1997, điều khiển ô tô nhãn hiệu Honda CRV biển kiểm soát 14A 431.15 đã sửa số 3 thành số 8 trong biển kiểm soát. Anh N. thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình và cho rằng, việc sửa biển số chỉ để “né” hệ thống phạt nguội. Hay trường hợp, tài xế N.Đ.D, SN 1984, điều khiển ô tô nhãn hiệu Ford biển kiểm soát 14C-235.85 đã sửa số 5 thành số 6 trong biển kiểm soát cho biết, anh đang trên đường đưa gia đình đi du lịch tại Sa Pa (Lào Cai) do đã hẹn trước với một số gia đình khác nên anh dán biển số để “lên điểm hẹn cho kịp thời gian”.
Việc che, dán biển số hiện khá phổ biến và gây ra nhiều hệ lụy như vậy nhưng hiện mức xử phạt cho hành vi này đang khá nhẹ. Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội 1 cho biết, theo quy định, với lỗi “Sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển”, các tài xế sẽ bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ. Đồng thời, vẫn sẽ bị xử lý các lỗi vi phạm chạy quá tốc độ theo ghi nhận của hệ thống giám sát.
Tuy nhiên, do việc phát hiện, xác minh các phương tiện che, dán, giấu biển kiểm soát không dễ và mất nhiều thời gian, công sức nên số liệu bị phát hiện không nhiều so với thực tế. Trên các diễn đàn về ô tô và mạng xã hội, người dân đã phát hiện không ít trường hợp đang che, dán hoặc đang sử dụng biển số đã che dán. Thậm chí, có trường hợp như chủ nhân của chiếc xe hạng sang mang biển kiểm soát 30E-844.16 là anh Nguyễn Anh Dũng ở Cầu Giấy, TP Hà Nội bất ngờ phát hiện chiếc xe trùng nhãn hiệu, đeo đúng biển kiểm soát của mình lưu thông trên đường Vạn Phúc, quận Hà Đông. May mắn là anh Dũng đã dừng được chiếc xe kia và báo cho công an tới giải quyết. Qua điều tra, Công an quận Hà Đông xác định lái xe mang biển số trùng với biển số xe của anh Dũng là Nguyễn Đình Bảo ở huyện Chương Mỹ, khai nhận mua chiếc xe này của Nguyễn Đình Lãm, SN 1991, trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông đã làm rõ, Lãm chuyên thu mua xe ôtô các loại trong đó có nhiều xe hạng sang, xe không có nguồn gốc, giấy tờ về rồi làm giả giấy tờ, biển kiểm soát, bán cho những ai có nhu cầu.
Anh Nguyễn Tiến Thắng - người từng phát hiện một lái xe đang dán biển kiểm soát nên đã chụp ảnh, đưa lên mạng xã hội cho biết, hành vi che, dán biển kiểm soát xử phạt quá thấp vì gây ra rất nhiều hệ lụy, khiến người có biển số thật có thể bị phạt nguội, bị trừ tiền, thậm chí bị liên lụy nếu phương tiện gây tai nạn. Để chứng minh được mình không tham gia giao thông ở thời điểm vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, mất thời gian, thậm chí không chứng minh được. “Chính vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung tăng mức xử phạt đối với hành vi này như: Ngoài phạt tiền có thể bị giam xe, tước bằng lái... Có như vậy thì các lái xe mới sợ, không dám vi phạm” - anh Thắng đề nghị.