PV: Trưng bày chuyên đề "Thang âm cuộc chiến" đang diễn ra tại di tích Nhà tù Hỏa Lò và kéo dài đến tận tháng 6/2024 đã hé lộ nhiều câu chuyện chưa kể về cuộc sống của phi công Mỹ sau khi bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam. Trong trưng bày, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều kỷ vật của phi công Walter Eugene Wilber, cha của ông. Ông có thể tiết lộ những thông tin về việc này?
Thomas Wilber: Tôi đã nhiều lần trao tặng kỷ vật cho Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, trong đó có 2 lần lớn nhất là vào tháng 8/2016 và tháng 1/2017. Những kỷ vật đầu tiên được trao tặng là vật dụng cá nhân mà cha tôi được phát khi bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Khi được trao trả, ông đã mang về Mỹ. Trong số những vật dụng đó có bộ đồng phục tù binh còn mới mà một quản giáo đã tặng cho cha tôi trước ngày được trao trả với điều kiện là không được đem đi trưng bày ở bất kỳ đâu bởi nó là quà tặng cá nhân. Cha tôi đã giữ lời hứa với người quản giáo và lưu giữ bộ đồ đó rất cẩn thận tại nhà riêng (trong ngăn kéo ở phòng ông). Sau này, tôi đã tặng lại bộ đồ đó cho di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Trong lần trao tặng thứ hai, tôi có chuyển giao một chiếc mũ phi công. Thông thường, trong hải quân Mỹ, phi công như cha tôi thường có 2 chiếc mũ. Chiếc mũ mà cha tôi dùng trong chuyến bay ở huyện Thanh Chương, Nghệ An bị thất lạc, tôi đã tặng chiếc mũ còn lại.
Những kỷ vật của cha tôi thường xuyên được trưng bày tại di tích Nhà tù Hỏa Lò là các bài báo Mỹ nói về ngày tù binh được trao trả, bộ đồng phục tù binh, mũ phi công, cốc uống nước được phát mà cha tôi đã sử dụng và giấy gói quà. Giấy gói quà này là giấy bọc những món quà mà gia đình tôi đã gửi khi ông bị giam giữ ở Nhà tù Hỏa Lò.
PV: Trưng bày chuyên đề "Thang âm cuộc chiến" cũng có giới thiệu bức thư của cha ông gửi từ Nhà tù Hỏa Lò vào ngày 22/1/1970, lúc đó ông mới 12 tuổi. 53 năm đã trôi qua, ông còn nhớ nội dung bức thư? Cảm xúc của ông khi đó thế nào?
Thomas Wilber: Bức thư mà chị nhìn thấy là một trong những hiện vật được trưng bày vĩnh viễn tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Đó là bức thư đầu tiên mà cha tôi gửi cho gia đình sau khi bị giam giữ tại đây. Bức thư ấy được viết 18 tháng sau khi máy bay của ông bị bắn rơi và được gửi về đúng dịp năm mới. Cảm xúc mà tôi nhớ nhất khi nhận được bức thư ấy là sự yên tâm vì cha tôi viết rằng, bản thân ông vẫn ổn, không sao cả. Trong thư, cha tôi dặn: "Các con hãy giữ tình yêu thương và đừng lo lắng bởi cha vẫn ổn, được cho ăn uống đầy đủ, vẫn tập thể dục thể thao". Ông bảo chúng tôi hãy kiên nhẫn chờ đợi, cầu mong hòa bình sớm đến và đừng lo lắng điều gì.
Trong lần trao tặng kỷ vật đầu tiên của tôi tới Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, tôi đã tặng lại bức thư cha gửi cho tôi nhân dịp sinh nhật. Bức thư ấy được viết riêng cho tôi. Điều đặc biệt là, bức thư được viết một ngày trước khi máy bay của cha tôi bị bắn rơi. Bức thư được chuyển đi từ tàu sân bay, nơi máy bay của cha tôi cất cánh. Chỉ trong một ngày, bức thư được gửi đi vào buổi sáng thì buổi chiều, máy bay của cha tôi bị bắn rơi. 2 tuần sau khi máy bay của cha tôi bị bắn rơi, tôi mới nhận được thư chúc mừng sinh nhật của ông. Khi bức thư tới được hòm thư của gia đình, cha tôi đã trở thành tù binh tại Nhà tù Hỏa Lò.
Lúc nhận được bức thư của cha, tôi rất sốc, gia đình tôi không biết số phận của ông như thế nào, còn sống không và đang ở đâu. Bức thư là kỷ vật rất quan trọng với tôi nhưng tôi vẫn tặng lại cho di tích Nhà tù Hỏa Lò. Lý do mà tôi tặng là bởi, trong quá trình lật lại câu chuyện của cha tôi, tôi đã sưu tập khá nhiều kỷ vật và tôi muốn tìm cho chúng một "ngôi nhà". Sau nhiều cân nhắc, tôi quyết định ngôi nhà tốt nhất cho chúng phải là ở Việt Nam.
PV: Liệu có phải từ những bức thư cũng như câu chuyện của người cha mà ông quyết định gia nhập hải quân Mỹ?
Thomas Wilber: Đó cũng là phần nào lý do tôi quyết định tham gia hải quân. Tôi còn nhớ, khi cha hồi hương, ông gặp nhiều phiền phức vì những phát ngôn phản chiến. Sau khi biết nguyện vọng muốn gia nhập hải quân của tôi, cha tôi có nói rằng, hãy từ từ, suy nghĩ kỹ càng (cười...) và khoảng thời gian "từ từ" ấy kéo dài... 10 năm. Tôi đã mất 10 năm để quyết định nối nghiệp cha, gia nhập hải quân Mỹ.
Có một điều trùng hợp đặc biệt là trong ngày kỷ niệm lần thứ 10 cha tôi trở về từ Nhà tù Hỏa Lò, tôi chính thức trở thành một sĩ quan hải quân Mỹ. Khi tôi đọc lời tuyên thệ gia nhập hải quân, cha là một trong những người chứng kiến.
PV: Sau khi hồi hương, cha ông đã chia sẻ những gì về Việt Nam và quãng thời gian tại Nhà tù Hỏa Lò cũng như điều gì khiến ông ấy thay đổi, từ một người lính tham gia chiến tranh trở thành một người phản đối chiến tranh?
Thomas Wilber: Chỉ một tiếng sau khi gặp lại gia đình, cha đã họp cả nhà lại và suốt 2 tiếng đồng hồ sau đó kể cho mọi người nghe về những gì đã xảy ra với ông trong suốt quãng thời gian tại Việt Nam. Ông kể rất chi tiết về khoảnh khắc máy bay bị bắn rơi như thế nào, những gì đã diễn ra khi ông bị bắt. Ông bị bịt mắt rồi được dẫn giải đến một nhà dân gần đó, được người dân cho ăn... Trong đêm ấy, bộ đội Việt Nam tới và giải ông đi. Kể từ đó, cứ đến đêm, ông lại được giải đi dọc theo đường Hồ Chí Minh. Mất 8 ngày ròng rã như thế thì cha tôi tới Hà Nội. Vào một đêm, xe tải chở cha tôi tự nhiên dừng lại, mọi người đều sơ tán khỏi xe. Cha tôi hiểu ngay rằng trên không đang có máy bay Mỹ sắp ném bom. Thật trớ trêu với cha tôi khi ông ấy biết đó là những đồng đội của mình...
Nhưng, câu chuyện khiến tôi ấn tượng nhất lại là về những phi vụ ném bom của Mỹ vào năm 1972. Cha tôi kể, thời điểm đó, khi máy bay ném bom, mọi người ở dưới đều nhìn lên trời, chỉ vào máy bay và nói "Nixon". Ông ấy lấy ví dụ đó để cho chúng tôi biết rằng, người Việt Nam không căm thù nước Mỹ mà chỉ phản đối chính sách chiến tranh của chính quyền Mỹ. Họ phản đối chính sách chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam chứ không phải người dân Mỹ.
Tôi muốn nói thêm về những bức thư của cha tôi. Khi gặp lại thì những gì ông ấy nói và nội dung các bức thư hoàn toàn thống nhất với nhau. Đơn cử như việc cha tôi viết rằng, ông ấy hoàn toàn khỏe mạnh và khi ông trở về, điều đó là chính xác. Ông ấy thậm chí còn chống đẩy 100 cái cho gia đình xem để chứng minh là mình hoàn toàn ổn. Từ những bức thư đến những gì chia sẻ trong ngày đoàn tụ, cha tôi đều khẳng định bản thân đã nhận được sự đối xử nhân đạo trong thời gian bị giam giữ làm tù binh ở Việt Nam.
PV: Phải chăng đó là động lực thôi thúc ông thực hiện cuốn sách viết bằng tiếng Anh “Tù binh bất đồng chính kiến: Từ Nhà tù Hoả Lò đến nước Mỹ hôm nay” mà nay, khi xuất bản sang tiếng Việt, ông đã cùng với Nhà xuất bản Thế Giới đổi thành tên "Tù binh Mỹ vì hoà bình: Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ"?
Thomas Wilber: Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần và mỗi lần đều phát hiện ra một điều gì đó mới mẻ về câu chuyện của cha. Tôi muốn tìm một cách nào đó, một phương tiện gì đó để kể lại câu chuyện này. Rồi tôi nghĩ rằng, cuốn sách là cách tốt nhất để chuyển tải những gì tôi biết. Bởi, những phát hiện của tôi đối lập và trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ, quan điểm của không ít người Mỹ về việc tù binh chiến tranh tại Việt Nam được đối xử như thế nào. Đó cũng là lý do tôi muốn lưu giữ tất cả những thông tin và hiện vật mà tôi phát hiện, ví dụ những cuộc phỏng vấn với quản giáo tại Nhà tù Hỏa Lò trong thời gian giam giữ tù binh Mỹ. Điều này rất quan trọng.
3 năm sau khi tập hợp tư liệu để viết sách, tôi nhờ một người bạn tư vấn và được giới thiệu gặp Jerry Lembcke - người mà về sau trở thành đồng tác giả cuốn sách. Jerry Lembcke có hiểu biết sâu về văn hóa Mỹ cũng như từng phản bác những câu chuyện chưa đúng trong dư luận Mỹ về tù nhân chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi muốn công chúng nhìn nhận đúng về sự thật.
PV: Vào năm 12 tuổi, lần đầu tiên ông biết đến hai chữ “Việt Nam”. Vậy ông bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam và cuộc chiến từ khi nào?
Thomas Wilber: Đúng là bắt đầu từ câu chuyện của cha, tôi quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. 12 tuổi, tôi sống trong một khu toàn gia đình của các phi công bị bắn rơi máy bay tại Việt Nam. Vì thế, như một người trong cuộc, tôi theo dõi tin tức về Việt Nam bất cứ khi nào có thể. Khi ở trường, tôi cũng nói chuyện với các bạn bè có chung hoàn cảnh. Có thể điều đó khiến tôi rất khác so với đại đa số những đứa trẻ tại Mỹ thời đó, vì mặc dù còn nhỏ, nhưng tôi đã muốn tìm hiểu về Việt Nam.
Năm 1983, khi bắt đầu là một sĩ quan hải quân, tôi nghiên cứu nhiều hơn về Việt Nam và cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi nghiên cứu chuyên sâu hơn khi có thêm nhiều thời gian vào năm 2010. Ngày 11/11/2014, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tính đến nay, tôi đã có 44 chuyến đi đến Việt Nam để tìm kiếm thông tin, thu thập tài liệu cho cuốn sách. Và, đến bây giờ, hành trình đó vẫn chưa dừng lại.
Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên không phải chỉ để tìm hiểu thêm về câu chuyện của cha mà còn muốn biết về số phận đồng đội của ông là phi công Bernie. Trong 7-8 chuyến đến Việt Nam, tôi chủ yếu thực hiện công việc này. Tôi đã gặp ông Bùi Bác Văn, người đã bắt giữ cha tôi sau khi máy bay của ông bị bắn rơi. Theo ông Văn, thi thể của ông Bernie đã bị cháy và chính ông Văn đã đem phần thi thể còn lại đi chôn cất. Sau đó, ông Văn quay lại khu vực xác máy bay và phát hiện một bộ phận của chiếc F-4 J Phantom II có hình dáng tương tự một cái bình hoa. Ông Văn mang nó về và chế tạo thành bình hoa, lưu giữ trong nhà. Sau này, ông Văn đã tặng nó cho tôi. Tôi đã mang bình hoa đó về Mỹ cho cha.
PV: Tháng 5/2015, tức chỉ vài tháng sau lần đến Việt Nam đầu tiên, ông đã cùng cha tham dự một cuộc diễu hành đặc biệt trong "Ngày tưởng niệm của cha"?
Thomas Wilber: Trong buổi tuần hành vào "Ngày tưởng niệm của cha" năm 2015, cha và tôi đã mang chiếc lọ hoa đó cùng một chiếc lọ nhỏ chứa đất tại nơi máy bay rơi. Buổi diễu hành hôm đó diễn ra tại Pennsylvania, cách nhà tôi khoảng 8 dặm. Hiện tại, tôi vẫn giữ tấm ảnh hai cha con chụp chung vào ngày hôm đó. Lúc đó, cả gia đình không biết rằng cha đã mắc ung thư não và chỉ 6 tuần sau, ông qua đời. Điều may mắn là chúng tôi đã liên lạc với ông Văn 3 lần trước khi cha từ giã cuộc đời. Lần cuối cùng là vào 3 ngày trước khi cha tôi mất, ông ấy và ông Văn đã gọi video cho nhau. Trong cuộc nói chuyện đó, con trai ông Văn cũng có mặt và gia đình ông Văn rất mong cha tôi có thể sang thăm Việt Nam. Nhưng, đáng tiếc là cha tôi đã quá yếu.
Sau khi cha mất, tôi thông báo cho con trai ông Văn. Gia đình ông Văn đã chia sẻ mất mát đó với tôi và rất mong muốn sang viếng nhưng chưa thể nên chúng tôi nghĩ ra việc lấy chiếc bình hoa làm bằng xác máy bay đặt trước mộ cha tôi như một lời từ biệt. Chiếc bình hoa đó giờ là của chung gia đình tôi và gia đình ông Văn. Sự quan tâm và thương tiếc cha tôi của gia đình ông Văn khiến tôi rất xúc động. Từ đó, tôi giữ tình bạn và liên hệ với gia đình ông Văn. Chúng tôi đã trở thành những người bạn tốt. Trong năm nay, khi tôi trở lại Việt Nam, chúng tôi cũng đã gặp nhau.
PV: Ngoài gặp gỡ và kết bạn với ông Bùi Bác Văn, ông còn được gặp gia đình phi công Đinh Tôn, người đã bắn rơi máy bay của cha ông?
Thomas Wilber: Khi sang Việt Nam, tôi cũng rất muốn tìm gặp phi công đã bắn rơi máy bay của cha tôi. Năm 2015, tôi đến Bảo tàng Quân khu 4 và để lại yêu cầu đó. Sau đó, Đại tá Nguyễn Văn Sửu, người công tác cùng phi đội với Đại tá Đinh Tôn năm 1980 đã liên lạc với tôi. Khi đó, tôi đang ở Mỹ và ngay lập tức thu xếp tới Hà Nội. Qua Đại tá Nguyễn Văn Sửu, tôi biết sau chiến tranh, ông Đinh Tôn là một phi công xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã trở thành sĩ quan chỉ huy nhưng không may đã mất vào năm 1981.
Tháng 3/2016, tại Bảo tàng Không quân, tôi đã được xem hồ sơ chi tiết về chuyến bay của không quân Việt Nam trong ngày mà máy bay của cha tôi bị bắn rơi. Thật bất ngờ, tại đây, tôi được gặp bà Trần Thị Diên Hồng, vợ của Đại tá Đinh Tôn. Trong những năm qua, tôi đã gặp nhiều người nhưng những góc nhìn từ phía Việt Nam (về cuộc chiến) là điều tôi thiếu. Vì vậy, những cuộc gặp với nhân chứng giúp tôi soi sáng câu chuyện của cha mình, đó là điều khiến tôi xúc động nhất.
Một trong những chi tiết khiến tôi ấn tượng nhất chính là câu chuyện mà bà Hồng kể về ông Đinh Tôn. Bà Hồng và ông Đinh Tôn là người cùng làng. Khi được về phép thăm quê, ông Đinh Tôn đã hỏi cưới bà. Đám cưới của họ tổ chức sau khi ông Đinh Tôn được nghỉ phép về nhà vì đã bắn rơi máy bay Mỹ và đó chính là chiếc máy bay mà cha tôi điều khiển. Cuộc sống của vợ chồng bà Hồng trong những năm chiến tranh quả thật không dễ dàng bởi họ ít khi được gặp nhau do đều đảm nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau... Tôi đã biết nhiều chi tiết sống động do vinh dự được bà Hồng mời về thăm nhà của gia đình tại TP Hồ Chí Minh... Gặp lại họ, nghe câu chuyện của họ giúp tôi có cái nhìn toàn diện hơn về những điều đã xảy ra.
PV: Ngoài tìm tư liệu để viết cuốn sách "Tù binh Mỹ vì hoà bình: cuộc chiến trong lòng nước Mỹ", ông còn muốn gửi gắm thông điệp gì tới Việt Nam?
Thomas Wilber: Trong những lần đầu tới Việt Nam, tôi dành phần lớn thời gian ở Nghệ An, nơi mà chiếc máy bay của cha tôi bị bắn rơi. Sau đó, tôi đến di tích Nhà tù Hỏa Lò - địa điểm mà tôi luôn muốn tới khi đến Việt Nam. Trong chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam năm 2014, chỉ 2 tiếng sau khi máy bay hạ cánh, tôi đã tới di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Khi dự trưng bày chuyên đề "Thang âm cuộc chiến" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tôi có dùng bữa với một số người từng là cán bộ tại đó. Họ nói với tôi rằng, tổng số lần tới di tích Nhà tù Hỏa Lò của tôi đã phải hơn 300 lần. Bởi, từ năm 2014, kể từ cái lần đầu tiên tôi được giới thiệu tới di tích này thì ngay khi biết về câu chuyện của cha tôi, nơi đây như dang rộng vòng tay với tôi. Quả thực, mỗi lần tới di tích Nhà tù Hỏa Lò, tôi giống như về với gia đình, nơi tôi cảm thấy rất thân thuộc. Địa điểm này cũng là nơi cung cấp cho tôi thêm nhiều tư liệu quan trọng (qua các cuộc phỏng vấn cựu cán bộ) về quãng thời gian cha tôi bị giam giữ.
Những năm qua, tôi và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có nhiều hoạt động chung. Nhiều hiện vật trưng bày hiện nay tại di tích này vốn không có trước khi tôi đến. Tôi cũng thấy vui và tự hào về điều này khi những thông tin và tư liệu do bản thân cung cấp đã đóng góp vào bức tranh chung, giúp mang lại cho công chúng một góc nhìn mới và còn thiếu về câu chuyện của các tù binh Mỹ tại Nhà tù Hỏa Lò. Như hôm 6/12 vừa qua, một du khách đến từ Mỹ đã khóc khi nghe câu chuyện về các tù binh Mỹ tại Nhà tù Hỏa Lò. Ông cho biết, bản thân biết việc các tù nhân được đối xử nhân đạo tại Việt Nam là đúng sự thật nhưng những điều nghe ở Mỹ thì lại hoàn toàn khác.
Vì thế, mục đích của tôi khi tìm hiểu tư liệu và viết cuốn sách "Tù binh Mỹ vì hoà bình: Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ" không chỉ là để nói lên cái nhìn đúng, chính xác hơn về những chuyện trong quá khứ mà còn để người Việt Nam hiểu hơn về cách suy nghĩ, góc nhìn của người Mỹ về chiến tranh đã qua cũng như vấn đề tù binh chiến tranh, để từ đó chúng ta có cách tiếp cận hiệu quả hơn giữa hai phía. Hy vọng đến một lúc nào đó, khi hiểu được nhau rồi, chúng ta không cần đến cách nói giảm, nói tránh nữa. Với bản thân mình, tôi sẽ tiếp tục đến Việt Nam và hy vọng rằng, với những bài báo cũng như cuốn sách mà tôi đang thực hiện sẽ truyền đi thông điệp để người dân hai nước hiểu nhau hơn.
PV: Xin được hỏi câu cuối cùng, tính cách nào của người Việt Nam mà ông khâm phục nhất?
Thomas Wilber: Ấn tượng lớn nhất của tôi về người Việt Nam là sự tháo vát, nhanh nhẹn, lạc quan, yêu đời. Dù khó khăn đến mấy, người Việt Nam vẫn luôn hướng về phía ánh sáng, hướng về những điều tích cực và tìm giải pháp để vượt qua nghịch cảnh. Ngoài ra, sự khác biệt về văn hóa giữa Việt Nam - Mỹ cũng hấp dẫn tôi. Người Việt Nam rất cởi mở trong chia sẻ những câu chuyện.
Trong khi đó, văn hóa Mỹ được xây dựng xung quanh nỗi sợ. Đó cũng là nguyên nhân khiến đất nước tôi có tỉ lệ sở hữu súng rất cao. Nhưng, ở Việt Nam thì mọi người lại rất an tâm, thoải mái, vô tư. Khi mọi thứ được xây dựng xung quanh nỗi sợ thì điều đó cũng dễ đưa đến giải pháp là loại bỏ nỗi sợ đó bằng sức mạnh hoặc chiến tranh. Về điểm này, tôi thấy nước Mỹ nên học hỏi Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!