- Phóng viên: Phước Lộc là BVDC điều trị bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của Bộ Công an xây dựng tại phía Nam. Và anh cũng là người đầu tiên ngồi vào “ghế nóng” với vai trò Giám đốc BVDC. Cho đến nay, sau gần một tháng bệnh viện đi vào hoạt động, chắc hẳn có không ít những khó khăn?
- Bác sĩ Tiền Thanh Liêm: Chúng tôi đã có mặt ở số 17, đường Phạm Hùng, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu thiết lập bệnh viện. Sau 7 ngày đêm thi công thần tốc, hai phân xưởng của Xí nghiệp X30 (Bộ Công an) đã trở thành BVDC điều trị bệnh nhân COVID-19 mang tên Phước Lộc. Giữa chảo lửa lớn TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện vừa mở cửa đón bệnh nhân đã lập tức tăng nhiệt. Mới đầu, lực lượng y bác sĩ, hậu cần đến từ các bệnh viện thuộc lực lượng Công an nhân dân được giao nhiệm vụ điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình (tầng 1). Nhưng thực tế thì khốc liệt hơn nhiều so với dự tính khi số lượng bệnh nhân mức độ nặng (tầng 3) nhập viện tăng nhanh. Hiện tại, chúng tôi đang điều trị cho hơn một trăm bệnh nhân từ trung bình đến nặng, vượt quá dự tính ban đầu. Các y bác sĩ làm việc rất vất vả. Đã vào trận chiến rồi, chúng tôi cùng quyết tâm chiến đấu hết sức thôi.
- Khối lượng công việc lớn, lực lượng lại mỏng, nên tình trạng một người làm nhiều việc chắc hẳn là “chuyện thường ngày ở BVDC”?
- Đúng vậy. BVDC Phước Lộc hiện có 30 bác sĩ, 55 điều dưỡng, còn lại là lực lượng hậu cần, hành chính tổng hợp, tổng cộng là 125 người. Nhưng khối lượng công việc thì quá lớn. Không chỉ điều trị COVID-19 mà miếng cơm, viên thuốc cho bệnh nhân cũng là nỗi lo của chúng tôi. Bệnh nhân ở đây nhiều người già có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, suy thận cần ăn uống theo chế độ riêng. Tuy nhiên ở BVDC chỉ có thể đáp ứng mức độ dinh dưỡng thông thường, việc cung cấp bữa ăn ở chế độ dinh dưỡng bệnh lý là điều khó khăn. Bà con nghèo lắm, có những người là F0 tình nguyện vào chăm người nhà là F0 mà không thể nộp được tiền ăn hàng ngày. Chúng tôi đang kêu gọi các nhà hảo tâm để có những “bữa ăn 0 đồng” giúp đỡ họ.
Ngoài điều trị COVID-19, nhiều bệnh nhân còn phải điều trị bệnh nền. Rất nhiều bà con nghèo không có bảo hiểm y tế nên phải chi trả phần điều trị bệnh nền. Trong hoàn cảnh hiện tại, họ vô cùng khốn khó. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi nhà tài trợ để có “thuốc 0 đồng” cho bệnh nhân. Một số bệnh nhân xuất viện nhưng không có tiền bắt xe về quê, bệnh viện phải hỗ trợ. Nhiều bệnh nhân ra viện không biết nương tựa vào ai bởi người thân đã mất vì COVID-19, bệnh viện phải cắt cử người đưa họ về tận nhà và nhờ người chăm sóc họ.
BVDC không có nhà tang lễ, không có nhân viên đại thể nên thời gian đầu chính các y bác sĩ phải trực tiếp lo hậu sự cho bệnh nhân tử vong theo đúng quy định của Bộ Y tế. Lực lượng mỏng nên đã có lúc, các nữ điều dưỡng chân yếu tay mềm cũng phải tham gia công việc nặng nhọc và đầy ám ảnh này. Và có những ca kíp bác sĩ làm luôn việc của điều dưỡng, hộ lý.
- Cho đến thời điểm này, chảo lửa Phước Lộc đã có dấu hiệu hạ nhiệt chưa thưa bác sĩ?
- Hiện tại công tác điều trị COVID-19 tại BVDC chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vì TP. Hồ Chí Minh đang tổ chức xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Do đó số bệnh nhân có thể sẽ tăng lên. Người dân huyện Nhà Bè và các trung tâm dã chiến điều trị COVID-19 khác đang rất cần chúng tôi. Nhờ có BVDC Phước Lộc, người dân được điều trị kịp thời, không còn phải chờ đợi, xếp hàng để được vào khu điều trị nữa. Một bệnh viện mở ra, có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống. Bởi vậy, chúng tôi xác định sẽ bám trụ lâu dài để chống dịch.
- Xin cảm ơn bác sĩ.
- Phóng viên: Trong khu điều trị COVID-19 của BVDC, nhịp độ công việc của đội ngũ y tế diễn ra như thế nào thưa bác sĩ?
- Bác sĩ Trần Quang Pháp: Chỉ cần một tình huống đặt ra là một bệnh nhân đang thở máy có huyết áp tụt, độ bão hòa ôxy giảm sâu. Khi đó cả kíp trực sẽ lao đến, mỗi người một việc: người cho y lệnh để khám, xử trí; người lấy thuốc; người điều chỉnh máy thở, người tiêm truyền. Một giường hồi sức có khoảng 4-6 đường truyền khác nhau gắn với từng ấy máy móc, thiết bị gắn chi chít ở đầu giường: máy truyền dịch, bơm tiêm điện, máy thở, máy theo dõi nhịp tim, máy điện tim, máy hút đờm dãi, rối như tơ vò. Đồ điện tử phải thao tác chính xác và nhuần nhuyễn, sai một thao tác sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân.
Hiện tại có đến 35 người bệnh nặng như thế luôn cần được theo dõi sát sao và xử trí nhanh chóng. Cộng thêm với gần 80 bệnh nhân mức độ trung bình, có nhiều người cao tuổi có bệnh nền nên có thể chuyển nặng bất cứ lúc nào. Khi đã đặt chân vào khu điều trị, chúng tôi chỉ biết có bệnh nhân, nhanh mắt nhanh chân, nhanh tay, tác phong cực mau lẹ. Trong không gian BVDC rộng lớn, chúng tôi chạy hết ô này sang ô khác, liên tục đảo mắt theo dõi hệ thống ôxy cung cấp cho bệnh nhân khó thở.
- Lực lượng y bác sĩ ở BVDC hiện tại có đủ để đảm đương công việc hiện tại trong một khoảng thời gian dài không?
- Hiện tại chúng tôi chỉ có 3 bác sĩ chính chuyên ngành hồi sức tích cực, mỗi bác sĩ ngày làm 8 tiếng/ca, rất vất vả. Nhiều bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác, khi vào đây vừa điều trị vừa tìm hiểu, học hỏi thêm. Chúng tôi cố gắng đảm đương công việc chuyên môn, nhưng chỉ trụ được trong thời gian ngắn thôi, lâu dài thì phải tăng cường. Chúng tôi đang đề xuất bổ sung một bác sĩ hồi sức tích cực để giảm thời gian làm việc của mỗi người xuống còn 6 tiếng/ca. Vì một bệnh nhân thở máy hoặc thở HFNC thì cần số lượng điều dưỡng nhiều để chăm sóc, rất tốn công.
- Làm việc trong môi trường dày đặc F0, liệu các y bác sĩ có giữ được khoảng cách an toàn để giảm nguy cơ nhiễm bệnh không thưa bác sĩ?
- Làm gì có khoảng cách nữa khi đây là khu báo động đỏ rồi. Ở ngoài kia, khi có bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì sẽ cách li với cộng đồng. Còn ở đây, càng là bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng thì chúng tôi càng phải lao vào. Khi bệnh nhân đang vật vã, kích thích, chúng tôi lao vào giữ chân tay, hút đờm dãi, phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên. Một cuộc chạy nước rút, căng thẳng vô cùng. Bác sĩ thì điều chỉnh thuốc men, hướng dẫn bệnh nhân thở, theo dõi sát sao từng phản ứng của bệnh nhân.
Không có người nhà vào chăm sóc, nên các điều dưỡng phải áp sát bệnh nhân và chăm sóc họ. Trong cả một ca trực 6 tiếng đồng hồ, các điều dưỡng ở đây chỉ đứng và đi, không còn thời gian ngồi nghỉ với đủ các công việc đòi hỏi sự nhẫn nại và tỉ mỉ. Từ việc tiêm truyền, vỗ rung, hút đờm dãi, vệ sinh răng miệng, đến tắm gội, vệ sinh cá nhân tại chỗ, thay ga gối, bỉm cho bệnh nhân. Chưa hết, vào các buổi sáng, trưa, tối họ còn phục vụ cơm cháo, bơm xông cho bệnh nhân. Họ đâu còn thời gian để nghĩ đến khoảng cách nữa. Lao vào cuộc chiến này, chúng tôi xác định việc nhiễm bệnh hoàn toàn có thể xảy ra và coi đó là điều hết sức bình thường.
- Xin cảm ơn bác sĩ.
Trong cuộc chiến này, chúng tôi nỗ lực đánh chặn, cố gắng không để bệnh nhân chuyển đổi thành nặng; hoặc khi đã nặng, cố gắng không chuyển đổi sang thở máy. Nếu không bệnh nhân sẽ diễn tiến bệnh rất nhanh, phải thở máy, đặt nội khí quản, khi đó tỉ lệ tử vong sẽ cao. Với bệnh nhân nhiễm COVID-19, quá trình phổi bị tổn thương diễn ra âm thầm. Giai đoạn đầu, bệnh nhân không cảm thấy khó chịu, nhưng khi đã thấy khó thở tức là ở giai đoạn nặng rồi. Khi ấy họ dồn sức thở, vật vã thở mà vẫn hổn hển, không hít được sâu. Do đó càng điều trị tốt ở tầng thấp thì tầng cao càng ít bệnh nhân, bệnh nhân tử vong giảm xuống.
Trong không gian của BVDC, tôi cảm nhận được rằng ở nơi đây, có những khổ đau đến tận cùng nhưng cũng hết sức nhân văn. Tất cả bệnh nhân vào đây gần như đều không có người nhà chăm sóc, đều đối diện với nguy hiểm, đều mong thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Họ đều trông chờ vào các bác sĩ, được miễn chi phí điều trị, thuốc thang, ăn uống, bỉm sữa nên chỉ nhất tâm chữa bệnh. Ở nơi này, ngay cả bác sĩ khi đã vào ca đều trong bộ bảo hộ kín mít, chỉ nhận ra nhau nhờ dòng tên viết trên lưng và ngực áo.
Ở nơi này, đối mặt với sự khốc liệt, chết chóc, bệnh tật mới nhận ra lẽ vô thường của cuộc đời. Ca trước bệnh nhân còn nói chuyện với chúng tôi, nhưng đến ca sau bệnh nhân đã tử vong. Ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, mọi việc khác đều trở nên vô nghĩa. Vì thế, những hỉ nộ ái ố cũng tuột đi, chỉ còn tình người, sự tử tế dành cho nhau. Người ta không phải ưu tư nhiều, lo lắng nhiều, bởi chả có gì quan trọng bằng sự sống lúc này.
Thời tiết Sài Gòn những ngày này đã mát mẻ hơn, nhưng trong BVDC, trong bộ bảo hộ kín mít, tôi vẫn cảm thấy nóng khủng khiếp. Suốt 5-6 tiếng mặc bảo hộ, chúng tôi không ăn, không uống, tất cả những nhu cầu bình thường của con người đều tiết chế tối đa. Khi sắp vào ca trực, tôi chỉ dám nhấp môi chút nước mà không dám uống nhiều.
Khi tôi đứng thẳng, hơi thở thoát hết đi, không hấp hơi lên tấm chắn. Nhưng càng lúc cần kíp, như khi cúi xuống để cấp cứu cho bệnh nhân, lúc lấy ven và làm thủ thuật thì hơi thở đẩy lên tấm chắn giọt bắn, mồ hôi đọng thành giọt mờ mịt trên mắt kính mà không thể đưa tay lên lau được, cảm thấy cực nhọc vô cùng. Vậy là cứ một chốc, tôi lại ra đứng gần quạt gió để hơi nước thoát dần ra, nhìn sẽ rõ hơn rồi lại tiếp tục mạch công việc.
Hết ca trực, chúng tôi cởi bỏ bộ bảo hộ để cơ thể được “thở”. Bộ blouse ướt sũng, mồ hôi chảy thành dòng trên cơ thể, nhưng miệng lại khô khốc, hai bàn tay nhăn nheo, nhợt nhạt, mặt hằn vết khẩu trang. Cơ thể rã rời, dù rất đói nhưng đưa miếng cơm vào miệng tôi lại không nuốt nổi. Chúng tôi chỉ háo nước, tôi uống liên tục, chưa bao giờ những cốc nước lọc lại ngon đến thế. Trong khoảng lặng ấy, tôi mới có thời gian nghĩ đến gia đình ngoài Hà Nội. Thương nhất là cậu con trai bé bỏng của tôi năm nay vào lớp 1, đầy bỡ ngỡ trong những tiết học online, vụng về tô chữ mà không có mẹ ở bên uốn nắn. Nhiều lúc, tôi nhớ con đến chảy nước mắt. Có những phút yếu mềm như thế, nhưng khi vào ca trực, nhìn những bệnh nhân COVID-19 vật lộn để có từng nhịp thở, thì tôi lại nhủ lòng mình, sẽ cùng đồng đội bám trụ nơi đây để chiến đấu đến khi hết dịch.
Ở khu bệnh nhân trung bình, chúng tôi thường lập nhóm zalo để nắm tình hình và hỗ trợ họ bất cứ lúc nào. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 luôn mong ngóng đến những lần xét nghiệm đánh giá. Nhất là những bệnh nhân đang chờ kết quả xét nghiệm xem có đủ tiêu chuẩn ra viện không.
“Bác sĩ ơi tôi có kết quả chưa?”, “Bác sĩ ơi tôi lo quá, không biết kết quả thế nào”, họ nhắn tin hỏi tôi từ sáng đến nửa đêm. Tôi luôn trả lời họ, bởi tôi biết họ mong được ra viện để lo cho gia đình vẫn đang bị dịch COVID-19 bủa vây ngoài kia. Khi nhận được kết quả âm tính, khỏi phải nói là họ vui thế nào. Sau lớp khẩu trang, tôi vẫn thấy nụ cười chiến thắng bệnh dịch, đôi mắt ánh lên niềm hy vọng.
Chúng tôi là các y bác sĩ, điều dưỡng đến từ các bệnh viện khác nhau, nhưng ở gộp với nhau theo ca, kíp làm việc, phòng khi bị nhiễm COVID-19 có thể thuận tiện để cách ly, điều trị. Những cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm thường xuyên được đưa ra. Trong cuộc chiến khốc liệt nơi tâm dịch lớn nhất cả nước, đồng đội của chúng tôi đã bị COVID-19 tấn công. Đó là thời điểm đầu tháng 9, khi đoàn chúng tôi từ Hà Nội vừa đặt chân tới BVDC Phước Lộc thì nhận được tin bác sĩ N.C.Đ., sinh năm 1991 thuộc Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bác sĩ Đ. trước đó đã vào Đồng Nai chống dịch từ đầu tháng 8. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19 anh đã bị lây nhiễm. Rất may là các đồng nghiệp ở Đồng Nai sau khi xét nghiệm đều âm tính. Bác sĩ Đ. được chuyển lên BVDC Phước Lộc điều trị.
Từ trường hợp của Đ. mà cả đoàn chúng tôi ai cũng căng thẳng, phấp phỏng lo âu, rằng ở một nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như trong BVDC, liệu đoàn mình có an toàn không? Lo thì lo thế, nhưng công việc vẫn cuốn chúng tôi đi.
Bác sĩ Đ. nói với tôi rằng, khi nhận được kết quả dương tính, anh lo lắng và căng thẳng, mặc dù sức khỏe của anh tương đối tốt. Lo cho bản thân thì ít, mà lo việc điều trị cho bệnh nhân bị gián đoạn thì nhiều. Từ vai trò bác sĩ, Đ. trở thành bệnh nhân được tôi điều trị, được chính những đồng nghiệp của anh chăm sóc, hỏi han, động viên. Giờ thì bác sĩ Đ. đã khỏi bệnh và quay trở về Đồng Nai để tiếp tục tham gia chống dịch. Chuyện bị nhiễm COVID-19, cho đến giờ phút này Đ. vẫn giấu gia đình ngoài Hà Nội. Đ. bảo với tôi, đó sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ của cuộc đời anh.
* Ảnh trong bài: Bệnh viện cung cấp