Qua tài liệu ban đầu của cơ quan điều tra, khoảng 9h30’ ngày 9-10-2019, tại xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (VIWASUPCO) phát hiện trên mặt đường giao thông liên xã Phú Minh - Phúc Tiến, cách trạm bơm nước hồ của Công ty khoảng 2,5 km hướng đi xã Phú Minh có chất thải (nghi là dầu thải) xả xuống mặt đường dài khoảng 200 mét và chảy xuống suối Trầm thuộc xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Đầm Bài (là nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà).
Sau khi kiểm định nguồn nước đảm bảo an toàn (trong quy chuẩn cho phép), Công ty đã cấp nước trở lại.
Ngày 11-10, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã Quyết định xác lập án, để tập trung điều tra truy xét. Đồng thời chỉ đạo Công an huyện Kỳ Sơn, Phòng Kỹ thuật hình sự và các đơn vị có liên quan tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật (Tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập các tài liệu, chứng cứ; thu thập và trưng cầu Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định các mẫu chất thải tại Nhà máy nước, chất thải trên mặt đường, thu mẫu nước ở suối Trầm, hồ Đầm Bài và cửa vào của khu xử lý nước, mẫu nước đã qua xử lý;…).
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT, gày 16-10-2019 về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015 để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Do tính cất phức tạp của vụ án, ngày 17-10, Công an tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thụ lý, điều tra.
Công an tỉnh đã huy động cán bộ trinh sát của các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để truy xét làm rõ phương tiện, đối tượng xả chất thải nguy hại gây hậu quả nghiêm trọng.
Qua điều tra, truy xét xác định: Hai xe ô tô nghi vấn liên quan việc xả chất thải: Xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 thuộc Công ty TNHH TM và vận tải du lịch Minh Phương, có địa chỉ tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong lĩnh vực kinh doanh của Công ty được thu gom chất thải không nguy hại; Xe ô tô 4 chỗ ngồi biển kiểm soát 89A-13766, chủ phương tiện là N.V.Q, có địa chỉ tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Xác định 3 đối tượng nghi vấn tổ chức thực hiện hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường nêu trên, gồm: Lý Đình Vũ (hiện đang bỏ trốn, SN 1982), Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập 2 đối tượng: Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để đấu tranh.
Quá trình đấu tranh, bước đầu 2 đối tượng khai nhận, ngày 6-10, Chương và Thám được Lý Đình Vũ thuê lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà, có địa chỉ tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe.
Đến ngày 8-10, cả 3 đối tượng trên sử dụng 2 xe ô tô nêu trên chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành xả chất thải, sau đó bỏ trốn.
Ngày 17-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để điều tra; tạm giữ xe ô tô 4 chỗ ngồi biển kiểm soát 89A-13766.
Cùng với việc xác minh làm rõ các đối tượng có hành vi xả chất thải, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đang phối hợp các đơn vị chức năng Bộ Công an xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cung cấp cho TP. Hà Nội.
Tập trung xác minh truy bắt đối tượng Lý Đình Vũ và các đối tượng liên quan; thu giữ xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783; tổ chức truy xét nguồn chất thải. Đồng thời tiếp tục điều tra, xác minh thu thập thu thập, củng cố các tài liệu, chứng cứ có liên quan vụ án để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị người dân khi phát hiện Lý Đình Vũ, có điều kiện có thể bắt giữ hoặc báo ngay cho chính quyền và Cơ quan Công an nơi gần nhất để bắt giữ.
Mấy ngày nay, nước cung cấp từ Nhà máy nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, rồi phải dừng cấp để xử lý, cư dân ở khu này không có nước sinh hoạt. Giải pháp tạm thời là các hộ dân hoặc mua nước đóng chai về nấu nướng hoặc đi tá túc người thân.
Câu chuyện bi hài của cư dân dùng nước của Nhà máy nước sạch sông Đà lâu nay vẫn thế, giống như trước đây đã không ít lần gặp sự cố vỡ đường ống nước, hay như nước bị ô nhiễm dầu thải lần này.
Anh Thắng cho hay, cả hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối, từ hôm nguồn nước sạch từ Nhà máy nước sạch sông Đà có “mùi lạ”, gia đình anh không dám dùng mà phải mua nước đóng bình về chỉ để ăn uống.
“Hai hôm nay, có thông báo xe téc chở nước đến phục vụ người dân, khổ nỗi nhà mình cả hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối nên không có người ở nhà ban ngày để chờ lấy nước. Tối qua nghe thông báo tiếp tục có xe téc chở nước sạch đến cho dân, mọi nhà mang đủ các loại dụng cụ có thể chứa nước xuống chờ. 1 giờ đêm không thấy xe téc đến đành phải đi lên. Sáng nay cả nhà quyết định sang nhà chị gái ở tạm vài hôm chờ nước sạch. Nghe nói mãi sáng nay mới có xe chở nước đến”, anh Thắng than thở.
Anh Thắng cho biết, nhiều cư dân ở một số tòa nhà trong khu phải đi mua nước đóng bình về ăn uống, còn tắm giặt vẫn phải dùng nước cũ trong bể chứa, nồng nặc mùi Clo.
Mấy ngày nay, anh Phạm Minh Tuấn, tầng 23 cư dân HH4A Khu đô thị Linh Đàm đã quen dần với cảnh đến giờ xe téc chở nước sạch đến là mọi người lại rồng rắn kéo nhau mang các loại xô chậu xuống dưới chân tòa nhà lấy nước về nấu nướng.
“Mấy ngày đầu thấy nước có mùi nhưng nghĩ không sao cả nhà vẫn ăn uống bình thường. Sau thấy không ổn đến bữa cả nhà lại đi ăn bên ngoài vì nhà có con nhỏ. Hai hôm nay có xe téc chở nước đến, già trẻ, lớn bé, người mang xoong nồi, xô chậu, túi nilon... chờ nước, khổ như thời bao cấp”, anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn cho biết thêm, hôm qua có thông báo cắt nước, cả khu này “cháy” loại thùng to để tích nước, sáng nay đã được cấp nước trở lại nhưng vẫn khuyến cáo là không nên dùng để uống hay nấu ăn.
Theo anh Nguyễn Văn Hoàng, cư dân tòa nhà Sông Đà Thăng Long, dự án The Golden An Khánh thì việc nước sạch từ Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn đã được công ty này biết rõ từ ngày 8-10, nhưng nhà máy nước vẫn xử lý và đưa về bể cho hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội sử dụng.
Cho đến thời điểm này, thiệt hại của vụ việc chưa ai thống kê nhưng đời sống của hàng ngàn người dân bị xáo trộn, lo lắng, bất an là có thật. “Chúng tôi yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải tổ chức kiểm tra sức khỏe cho người dân. Họ phải có trách nhiệm trước sức khỏe của hàng trăm nghìn người dân sử dụng nước từ công ty chứ không thể thay thế bằng nguồn nước khác là xong được”, anh Hoàng bức xúc.
Theo luật sư Trần Quang Khải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì hiện để đánh giá được mức độ ảnh hưởng của nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của hơn 70 nghìn hộ dân là không đơn giản.
“Tuy chưa có thống kê nhưng người dân có thể xác định được những thiệt hại cụ thể của từng gia đình về việc nước nhiễm bẩn. Đây là những căn cứ đầu tiên để người dân tính toán và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu việc yêu cầu bồi thường không được chấp nhận thì có thể khởi kiện tại tòa án", luật sư Trần Quang Khải nhận định. Bên cạnh đó, Luật sư Trần Quang Khải cũng cho rằng, đơn vị cung cấp nước sạch cần có động thái xin lỗi thành khẩn và có những biện pháp khắc phục ngay lập tức để người dân ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, theo luật sư Bùi Sinh Quyền (Văn phòng luật sư Phúc Thọ- Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì hợp đồng mua bán nước giữa người dân và các công ty cung cấp nước sạch có những quy định và ràng buộc cụ thể của mỗi bên về quyền và nghĩa vụ. Khách hàng trả tiền để mua nước sạch, nhưng công ty cung cấp nước không đảm bảo chất lượng cho khách hàng là vi phạm hợp đồng... Do đó, khách hàng có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên cung cấp dịch vụ vi phạm hợp đồng gây ra.