Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (23/10/2018).
Lịch sử hiện đại Việt Nam, Bác Hồ từng đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và hiện nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đó là sự lựa chọn của lịch sử trong những hoàn cảnh cụ thể.
Tại lễ tuyên thệ nhậm chức tròn hai năm trước, tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xúc động bày tỏ: “Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như tôi vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước”.
Hai năm đã qua, sắt son với lời hứa của một đảng viên - người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, ông đã "trọn gánh hai vai", thể hiện rõ sự minh triết, kiên định, vững vàng cần có của "người cầm lái", đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Sau Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt và hiệu quả rõ rệt. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã đưa vào “vòng ngắm” hàng loạt vụ đại án như: vụ Oceanbank, PVFC, AVG và Mobifone, vụ Công ty Nhật Cường, vụ khu đô thị Thủ Thiêm và nhiều công trình ngàn tỉ, chục ngàn tỉ “đắp chiếu”… Hàng loạt những cái tên “nổi tiếng” như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Hà Văn Thắm, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Tất Thành Cang… được nhắc tới. Những kết quả nêu trên khiến lòng dân thêm an, niềm tin được củng cố.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến tháng 8/2020, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, cấp có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó có 24 ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 26 sỹ quan cấp tướng, qua đó thể hiện sự quyết liệt, không nể nang.
Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) theo dõi, chỉ đạo xử lý 127 vụ án, 92 vụ việc, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 64 vụ/600 bị cáo. Trong đó 16 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (gồm 6 nguyên ủy viên Trung ương, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 4 nguyên Bộ trưởng). Thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý 477 ngàn tỷ đồng và hơn 8.600 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 8.700 tập thể, nhiều cá nhân và chuyển cơ quan điều tra, xử lý 451 vụ/648 đối tượng.
Nhìn vào những con số và đối tượng bị xử lí, rõ ràng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Từ sự gương mẫu, quyết liệt chỉ đạo đấu tranh chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cả hệ thống chính trị đã tích cực hưởng ứng. Qua đó đã tác động hiệu quả vào nhận thức xã hội, để - dù còn gian nan và dài lâu - nhưng sẽ phải đi tới chuẩn mực: sợ nên không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, cương quyết không tiếp tay cho tham nhũng…
Hai năm qua, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh dồn dập nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là sự gương mẫu, quyết liệt với TÂM và TẦM của người đứng đầu - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta tiếp tục vững bước tiến lên con đường giàu mạnh, dân chủ, văn minh, để Việt Nam mãi mãi "Sơn hà thiên cổ điện kim âu" - Ngàn thuở vững âu vàng.