Bước chân vào Trường Giáo dưỡng số 2, chúng tôi bị cuốn hút bởi tiếng sáo dìu dặt. Âm thanh đó đưa chân chúng tôi đến khu nhà bếp, nơi có cậu thiếu niên đang thả hồn cùng cây sáo trước lò hơi. Vẻ ngượng ngùng, cậu dừng thổi sáo, mấy cậu bạn đứng bên lễ phép chào khách lạ. Khuôn mặt thư sinh, nước da trắng trẻo – nhìn cậu thiếu niên yêu nghệ thuật ấy, chẳng ai nghĩ cậu ta đã từng là kẻ trộm.
Trong một lần trộm tiền không trót lọt của người trong xã ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Phạm Đình Đạt (tên cậu thiếu niên) đã bị bắt và phải nhận án 24 tháng giáo dục tại trường giáo dưỡng. Ở tuổi 16, được tác động hằng ngày bằng học tập, lao động và cả sự sẻ chia của các thầy cô giáo, Đạt đã ý thức được tương lai và quyết tâm: “Cháu sẽ đi học lại. Cháu sẽ không xấu hổ. Mọi người nghĩ gì cháu kệ, miễn là được học”.
Đạt là một học sinh hiếm hoi của trường chọn nơi khuất nẻo để thư giãn theo cách riêng. Hơn 200 học sinh khác đang tập trung ở giữa sân trường, tham gia nhiệt tình với trò chơi mà các anh chị ở Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình mang đến. Bốn đội chơi vô cùng hào hứng với cuộc thi vừa đi vừa nấu cơm niêu trong không gian đầy gió. Các học sinh khác thì cười nghiêng ngả với trò bánh xe di chuyển, bịt mắt tìm mục tiêu…
Chúng tôi cùng Đại uý Lê Thị Mỹ Anh ngồi quan sát các đội chơi từ phía xa. Cô bật cười khi thấy học trò của mình khoác trang phục tự tạo bằng nilon và lá cây. Mỹ Anh chợt xa xăm, mắt ngấn nước: “Nhiều đứa có hoàn cảnh đáng thương lắm chị ạ. Hôm trước em quản lý lớp, cả một ngày liền có học sinh không đan nổi một sản phẩm (đan bèo), tay nó lúng túng đan vào rồi lại tháo ra. Em hỏi thì nó oà khóc, bảo: “Em nhớ mẹ! Mẹ em bị bắt cóc, giờ chẳng biết ở đâu””. Đại uý Mỹ Anh kể, cậu thiếu niên này từng đi lang thang rất nhiều nơi để tìm mẹ, gia đình cũng đăng tin trên truyền hình mà không tìm được. Giọng chị chùng lại: “Con nhà mình vắng mẹ một lúc mà rối cả lên….”.
Rồi, Mỹ Anh chợt hào hứng khi một đám học sinh đến gần: “Mùa A Chính! 2+3 bằng mấy?”. “5 ạ!” – Chính trả lời. “3 + 4 bằng mấy?” – “bằng 9”. “Chính đang học lớp mấy ở đây?” – “lớp 1 ạ”. Chính trả lời xong, cả cô và trò đều cười vang. Ở quê Điện Biên, Chính đã học lên lớp 6 mà cộng trừ con số đơn giản nhất cũng không làm được. Khi vào đây, cậu này được học lại từ đầu với những bài học sơ đẳng nhất.
Trong đám thiếu niên hơn 200 người ấy, nhiều đứa trẻ đã phạm tội “tày đình”. Cả trường chỉ có 4 bạn con gái mà có một bạn phạm tội giết người, cướp tài sản, một buôn bán ma tuý, 2 mắc tội trộm cắp. Bọn con trai, bề ngoài trông có vẻ hiền lành, nhưng đều đã có thành tích bất hảo, phạm đủ các tội như: hiếp dâm, trộm cắp, gây rối, cướp tài sản… Phần lớn chúng đều nghiện game, nhiều trường hợp đã có thời gian dài sống cuộc sống bầy đàn, ngổ ngáo, bất cần trước gia đình và xã hội.
Đại uý Lê Xuân Thao, Phó hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 chia sẻ, đối tượng mà trường nuôi dưỡng, quản lý giáo dục là những trẻ em hư, vi phạm pháp luật, đa số có hoàn cảnh bất hạnh, lại quen lối sống buông thả ngoài xã hội. Khi vào trường, mọi sinh hoạt phải chấp hành theo trật tự kỷ cương nên nhiều em quậy phá, gây rối, đánh nhau, từ chối sự giáo dục của thầy cô, vô lễ với giáo viên. Việc quản lý đã khó khăn, việc dạy chữ còn khó khăn hơn bởi hơn 90% số em trước khi vào trường đã bị đuổi học, bỏ học, thất học…
Giáo dục các học sinh đặc biệt này nhiều khi rất khó khăn. Thậm chí có lúc giáo viên có cảm giác bất lực tạm thời. Có trường hợp chống đối, cố tình vi phạm kỷ luật của nhà trường để ra oai, để thể hiện với nhóm học sinh trong trường. Nhiều cô cậu khi vào trường tỏ ra hằn học với chính bố, mẹ bởi họ là người ký quyết định cho con vào nơi này, một môi trường giáo dục, rèn luyện nghiêm khắc.
Bởi vâỵ, ban đầu các học sinh được giúp đỡ qua cơn khủng hoảng khi vào môi trường mới. Với những tâm hồn khiếm khuyết ấy, các thầy cô giáo thực sự rất vất vả, kiên trì, tác động dần dần lên cái suy nghĩ, lối sống lệch lạc để chúng nhận ra bố mẹ luôn mong con nên người.
Nửa buổi lên lớp học văn hoá, nửa buổi còn lại học sinh được giáo dục hướng nghiệp. Trường có các lớp dạy nghề xây dựng, sửa xe máy, cắt tóc, nghề mộc, may quần áo… Trước đây nhà trường liên kết với Trường cao đẳng dạy nghề trên địa bàn tỉnh và cấp chứng chỉ hành nghề. Sau này nhà trường cử các thầy cô trực tiếp đi học và về chủ động đào tạo, thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng dạy nghề theo định hướng chuẩn về kiến thức dạy nghề và sát với trình độ nhận thức của học sinh trường giáo dưỡng.
Sự cảm hoá của các thầy cô đã giúp những đứa trẻ hư nhận ra lỗi lầm. Khi nhà trường phát động phong trào viết thư xin lỗi, chính các thầy cô đã vô cùng xúc động trước tâm sự, cảm nhận của các học sinh. Sự ân hận trước hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ ở tuổi mới lớn, tình thương yêu, hối lỗi với bố mẹ… được thể hiện trên từng dòng chữ. Thượng tá Trần Hữu Trung, Hiệu trưởng nhà trường rất vui khi nói đến những lá thư xin lỗi chân thành của các học sinh. Bởi, trong đó đã thể hiện sự ân hận của những đứa trẻ với bố mẹ, thầy cô, gia đình và xã hội, trong đó cũng bày tỏ sự quyết tâm làm lại cuộc đời còn rất dài phía trước. Tâm sự với các thầy cô trường giáo dưỡng, tôi thấy rõ sự đau đáu của họ về vai trò của gia đình và cộng đồng sau khi học sinh ra trường để công tác giáo dục của nhà trường thực sự hiệu quả.
Cuối chiều, những tờ bích báo đã được hoàn thiện. Các học sinh đã chuyển hoá tình cảm của mình bằng hình ảnh và dòng chữ. Đó là sự tri ân, biết ơn các thầy cô đã giáo dục, dạy dỗ.
Ngày 20-11, họ không được học sinh tặng hoa, tặng quà như những thầy cô giáo bình thường. Món quà ý nghĩa nhất đối với các thầy cô ở Trường Giáo dưỡng số 2 là rèn giũa những đứa trẻ hư trở thành người tốt, sống có ích. Họ là những giáo viên đặc biệt, làm trọng trách đặc biệt, đầy nhân văn và cao cả.