Lịch sử là một môn học hấp dẫn với nhiều người. Từ hồi học cấp II, tôi đã luôn quan tâm tìm hiểu những sự kiện trọng đại của đất nước được ghi lại bằng văn bản hoặc hình ảnh, âm thanh... Và bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975” in trong sách giáo khoa năm nào, luôn ám ảnh tôi vì nó quá đẹp, thể hiện rõ chất hùng thiêng thời khắc lịch sử đất nước sang trang.
Tâm niệm vậy chứ tôi không thể ngờ sẽ có ngày được gặp những người lính có mặt trên chiếc xe tăng đó và cả tác giả bức ảnh là nhà báo Trần Mai Hưởng.
Nguyên đầu tháng 4-2019, tôi đến thăm Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, cựu Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, người có nhiều bức ảnh “để đời” về đề tài chiến tranh cách mạng. Chu Chí Thành được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012) với cụm tác phẩm “Từ ngục tối thắng lợi trở về”; gồm 4 bức ảnh: “Thoát khỏi ngục tù”, “Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về”, “Hạnh phúc của những người chiến thắng” và “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng”.
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những bức ảnh nổi tiếng. Như bức “Hai người lính” của Chu Chí Thành được nhiều người quan tâm và dõi theo số phận nhân vật trong ảnh. Bức ảnh được chụp tháng 3-1973 tại Quảng Trị, ở vùng giáp ranh hai miền đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Trong ảnh, người lính giải phóng vận bộ quân phục quen thuộc, đầu đội mũ tai bèo và người lính quân đội Sài Gòn trong bộ rằn ri, khoác vai nhau thân mật đến mức nếu họ mặc quần áo dân sự thì đó chỉ có thể là hình ảnh của hai người bạn chí cốt…
Về bức ảnh này, báo chí đã nhiều lần đề cập và cuộc đời của hai người lính hai bên chiến tuyến đã được công chúng biết đến. Cả hai người hiện đều còn mạnh khỏe và họ đã gặp lại nhau, gặp lại người chụp bức ảnh giàu tính nhân văn và khát vọng thống nhất, hòa hợp dân tộc.
Sau câu chuyện về những bức ảnh để đời của mình, Chu Chí Thành nhắc tới nhiều kỉ niệm khó quên của ông với tư cách một phóng viên chiến trường và sau này là Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, người từng nhiều lần giữ cương vị chủ chốt trong các cuộc xét tặng giải thưởng về ảnh báo chí.
Trong đó, có câu chuyện về bức ảnh nổi tiếng của Trần Mai Hưởng là “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975”. Đây là một trong những bức ảnh đẹp nhất ghi lại khoảnh khắc lịch sử diễn ra tại Dinh Độc lập ngày 30-4-1975. Bức ảnh này đã được minh định chụp tức thời và không hề dàn dựng.
Vậy là “hữu duyên” rồi. Tôi thầm reo và càng vui mừng khi Chu Chí Thành cho hay, cả bốn người lính trên chiếc xe tăng và tác giả bức ảnh lịch sử đều còn sống, hầu hết còn khỏe mạnh. Bốn người lính trên chiếc xe tăng mang số hiệu 846 gồm các ông Nguyễn Quang Hòa (trú tại Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Bá Tứ (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quý (trú tại Hải Phòng) và Trần Bình Yên (trú tại Hà Nam); đều xấp xỉ tuổi “thất thập cổ lai hi”.
Bốn người lính xe tăng năm xưa có cuộc sống bình lặng và có phần vất vả. Họ đều xuất ngũ sớm, trở về với cuộc sống của những người lao động bình thường, gắn bó với đồng ruộng hoặc làm nghề lái xe, buôn bán nhỏ. Họ không hề nổi tiếng và cũng không mong muốn điều đó, song luôn tự hào vì đã góp sức vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến và có mặt tại Dinh Độc lập trong thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975.
Chu Chí Thành nhiệt tình kết nối để chúng tôi tổ chức một chuyến đi về Hà Nam hội ngộ với những người liên quan đến bức ảnh lịch sử “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975”.
Đúng 8h sáng thứ bảy 20-4-2019, NSNA Chu Chí Thành, nhà báo Trần Mai Hưởng và hai cựu binh trên chiếc xe tăng 846 là Nguyễn Quang Hòa, Nguyễn Bá Tứ có mặt ở điểm hẹn trụ sở Báo CAND (ngã tư phố Nguyễn Du – Yết Kiêu, Hà Nội).
Chúng tôi lên xe nhằm hướng Hà Nam. Ngoài những thành viên đã kể tên ở trên, đoàn còn có một số đồng nghiệp Truyền hình Thông tấn và bà Nguyễn Thị Mùi, vợ cựu binh Nguyễn Bá Tứ. Bà Mùi đi cùng để chăm sóc và làm “phiên dịch” cho chồng, bởi ông Tứ bị cắt thanh quản từ 8 năm trước do bạo bệnh. Riêng cựu binh Nguyễn Ngọc Quý bị mệt nên không thể vượt chặng đường dài từ Hải Phòng về dự buổi gặp mặt.
Sau hành trình khoảng 1 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại nhà của cựu binh Trần Bình Yên ở tổ 7, thị tấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Thật tuyệt vời, “nhà như tên người vậy” – căn nhà của ông Trần Bình Yên nằm dưới chân một dãy núi đá vôi và “chìm” giữa rừng na xanh tươi đang kì thụ phấn. Khung cảnh thật thanh bình và nên thơ.
Ông Yên ra tận đường cái đón khách quý. Tay bắt mặt mừng, chúng tôi đi bộ trên một lối nhỏ xuyên rừng na để vào nhà. Những cựu binh và cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành, Trần Mai Hưởng rổn rảng ôn lại bao kỉ niệm một thời trận mạc…
Khi tiến vào Dinh Độc lập năm xưa trên chiếc xe tăng số hiệu 846, ông Nguyễn Quang Hòa giữ vai trò trưởng xe; ông Nguyễn Bá Tứ pháo thủ số 2; ông Nguyễn Ngọc Quý pháo thủ số 1 và ông Trần Bình Yên lái xe.
Ông Hòa kể: “Khi hành tiến vào trung tâm Sài Gòn, anh Bùi Quang Thận xe 843 giữ chức đại đội trưởng; tôi xe 846 là đại đội phó. Trưa ngày 30-4-1975, xe chúng tôi tiến vào Dinh Độc lập thì đã có một số xe tăng của ta vào trước, trong đó có xe 843 và xe 390. Khi lao qua cổng, tôi lệnh cho xe chạy vòng qua thảm cỏ rồi đỗ lại dưới rặng cây, quay nòng pháo ra phía ngoài Dinh để sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ mục tiêu vừa chiếm giữ”.
Đó cũng là thời điểm nhà báo Trần Mai Hưởng có mặt trong Dinh Độc lập. Ông Hưởng nhớ lại: “Nhóm phóng viên chúng tôi lên được một xe com-măng-ca và bám theo mũi xe tăng thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn. Khi chúng tôi vào được Dinh Độc lập, đã thấy một số xe tăng của ta đỗ trong Dinh. Tôi và anh Vũ Tạo nhảy ra khỏi ô tô thì phát hiện một xe tăng nữa đang tiến vào. Lúc này đang là giữa trưa, nắng vàng rực rỡ. Khi chiếc xe tăng lao qua cổng, trên thành xe có một số lính tăng và bộ binh. Lá cờ giải phóng hiên ngang trên tháp pháo. Như một phản xạ tự nhiên, tôi bấm máy ghi lại hình ảnh chiếc xe tăng hùng dũng băng qua chiếc cổng sắt đã bị đổ sập. Sau đó, tôi cuộn phim, chú thích ảnh và tác giả rồi gửi về Hà Nội. Đó chính là bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975”.
Cựu binh Nguyễn Quang Hòa tiếp lời: “Khi tiến vào Dinh Độc lập, chúng tôi chỉ tập trung quan sát mục tiêu, sẵn sàng chiến đấu. Sau thời khắc ấy, khoảng 3-4h chiều 30-4-1975, xe chúng tôi được điều ra phía ngoài Dinh để bảo vệ mục tiêu, đề phòng bất trắc… Từ đó, nhiều năm sau mấy anh em mới có điều kiện trở lại thăm Dinh Độc lập. Chiếc xe tăng 846 của chúng tôi cũng được điều đi phục vụ chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và thú thực đến giờ, tôi cũng không rõ số phận nó ra sao. Bốn anh em chúng tôi cũng lần lượt ra quân và thất lạc nhau nhiều năm trời. Mãi đến dịp 30-4-2015, chúng tôi mới kết nối và gặp được đông đủ 4 người”.
Bà Mùi phiên dịch lời chồng, kể lại: “Năm 2005, vợ chồng tôi vào thăm Dinh Độc lập. Trong số những bức ảnh lịch sử được trưng bày tại Dinh, tôi bất ngờ nhận ra người lính tăng ngồi trên tháp pháo chiếc xe tăng mang số hiệu 846 đang băng qua cổng tiến vào Dinh, chính là tôi. Khi về Hà Nội, tôi có thông tin cho anh Hòa; còn anh Quý và anh Yên thì thất lạc, nên không thể báo tin được”.
Trong căn phòng chính ngôi nhà của ông Yên, có treo trên tường rất nhiều ảnh những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30-4-1975: xe 843, xe 390 và đương nhiên không thể thiếu ảnh chiếc xe 846… Gỡ tấm ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975” được phóng to lồng khung trang trọng, ông Yên mang ra sân kể lại với chúng tôi một cách chi tiết những trận đánh và kỉ niệm với chiếc xe tăng 846.
Theo lời ông Yên, khi thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn, ngoài 4 anh em lính tăng, còn có một số lính bộ binh ngồi trên thành xe để phối hợp đánh chiếm mục tiêu.
Ông Yên dùng ngón tay trỏ phải dạn dày sương gió của một người lính – lão nông, chỉ vào từng chi tiết bức ảnh chiếc xe tăng và kể: “Sở dĩ bức ảnh xe tăng 846 chỉ hiện được số 6 ở thành xe vì con số 84 bị chiếc ba lô của lính bộ binh treo đè lên, che khuất. Góc bên phải xe bị mất một phần chắn bùn phía trước. Nguyên lúc hành quân qua địa bàn tỉnh Bình Định, đêm đó khi đến một khúc cua, xe chúng tôi bị một chiếc xe tải GMC của địch thả trôi từ trên dốc lao xuống chặn đường. Cú va chạm khiến phần chắn bùn bị bẹp dúm, anh em tôi phải dừng xe, dùng búa, kích nạy phần bị bẹp ra rồi tiếp tục hành quân. Vì vậy, bức ảnh của anh Hưởng chụp trưa ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc lập, xe tăng 846 của chúng tôi bị mất một mảng chắn bùn phía trước bên phải”.
Câu chuyện về chiếc xe tăng và những người lính đã góp mặt trong thời khắc lịch sử tại Dinh Độc lập buổi trưa ngày 30-4-1975 cứ rôm rả trong suốt bữa ăn gồm những đặc sản cây nhà lá vườn của người cựu binh Trần Bình Yên.
Rồi cũng đến lúc chia tay. Chúng tôi cùng chúc các cựu binh và cựu phóng viên chiến trường khỏe mạnh, bình an và dịp này sang năm, kỉ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước, mọi người lại họp mặt đông đủ để nhớ về quá khứ hào hùng của những năm tháng không thể nào quên.