- Bà Lê Thị Thu Hằng: Năm 2015, tôi kết thúc nhiệm kỳ Phó Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Về nước, tôi công tác tại Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Khoảng 1 năm rưỡi sau, tôi nhận quyết định điều động về Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao và trở thành Người phát ngôn của Bộ.
- “Điều động”, nghe có vẻ không được chủ động lắm thì phải! Theo suy đoán của tôi, có lẽ lúc đầu bà tiếp nhận vị trí này là do được “điều động”, chứ không hẳn do mong muốn cá nhân? Phải nói thật tôi là người hay suy đoán và rất ít khi đoán sai (cười...).
- (Cùng cười...) Bạn có muốn nghe câu trả lời thật không?
- Chắc chắn rồi!
- Thực ra, vì làm ở Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao nhiều năm nên tôi rất hiểu nỗi vất vả và trọng trách của Người phát ngôn. Khi nghe loáng thoáng về việc mình được điều động vào vị trí này, tôi nghĩ ngay đến cảnh đang ăn cơm, vừa cầm bát lên là có một cuộc điện thoại nào đó. Rồi cuộc điện thoại ấy lại kéo theo rất nhiều cuộc điện thoại khác. Giải quyết các cuộc điện thoại công việc khoảng 1-2 giờ, đến khi nhìn lại mâm cơm thì có lẽ không còn muốn ăn nữa vì nó đã nguội ngắt rồi. Thực sự lúc đó tôi có cảm giác ngại ngần. Nhưng, do rất gắn bó với nghề và cũng gắn bó với nơi mà tôi được đào tạo, trưởng thành nên khi nhận nhiệm vụ, tôi cũng đầy quyết tâm. Nhìn lại hơn 3 năm qua, khi chính thức trở thành Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, càng ngày, tôi càng cảm thấy công việc vất vả và phức tạp... nhưng nó cũng rất đáng để mình dấn thân.
- Khi bà nhận công việc mà ai cũng biết là rất vất vả này thì gia đình phản ứng như thế nào? Có ai phản đối không?
- Tôi có một điểm rất đặc thù, đấy là tôi tự quyết!
- Tôi tò mò là lần gần nhất bà bắc bếp nấu một bữa cơm cho gia đình là khi nào?
- Thực sự là công việc rất bận nhưng tôi sống một mình nên tự sắp xếp mọi việc một cách ổn thỏa. Tôi vẫn dành thời gian thăm bố mẹ, thời gian cho bản thân. Sáng nào tôi cũng đi bơi, thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa. Và, bạn biết không, tôi hầu như không bỏ một vở diễn mới nào ở Nhà hát Lớn.
- Những ngày đầu tiên ở vị trí Người phát ngôn - một công việc mà phải nói là có hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn cặp mắt hướng về mình, bà chú ý những kỹ năng nào nhất?
- Có một điều may mắn là khi nhận nhiệm vụ, tôi đã nhận được sự động viên, khích lệ, đặt niềm tin và thậm chí là chia sẻ những kinh nghiệm rất quý giá, không những là kinh nghiệm về chuyên môn mà còn là kinh nghiệm ứng xử của rất nhiều người đi trước. Ví dụ, khi đứng trước một câu hỏi của báo chí mà mình không muốn trả lời thì phải từ chối như thế nào. Hoặc là khi phải thuyết phục phóng viên nước ngoài từ bỏ một vấn đề mà mình không muốn nói tới thì phải làm sao. Những nữ phát ngôn trước đây như cô Hồ Thể Lan, chị Phan Thúy Thanh, chị Nguyễn Phương Nga đều đã chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm quý cho tôi.
- Nếu không có gì bí mật, bà có thể chia sẻ xem khi muốn từ chối một câu hỏi khó – hãy cứ nói như vậy đi, của một phóng viên nước ngoài, bà thường làm thế nào?
- Có những lúc chúng tôi cũng nói với phóng viên là vấn đề này, ở thời điểm này là chưa phù hợp, nhất là chưa có lợi cho Việt Nam. Cũng có lúc tôi phải đặt câu hỏi: “Ông có yêu Việt Nam không?”. Người phóng viên trả lời: “Tôi có yêu”. Tôi lại hỏi: “Vậy ông có muốn tốt cho Việt Nam không?”. Người phóng viên trả lời: “Tôi muốn”. Đến lúc này thì tôi nói: “Vậy thì hãy giúp tôi, vấn đề này chúng ta chưa nên đặt ra vào lúc này”. Ví dụ như vậy! (cười mỉm).
- Tôi cũng là một nhà báo thường xuyên đi phỏng vấn nên nói thật tôi đang hình dung tới cảnh Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã sử dụng tất cả các kỹ năng từ chối nhưng phóng viên nước ngoài vẫn cứ “tấn công” đến cùng. Trong những trường hợp đó, bà xử lý như thế nào?
- Đúng là các phóng viên luôn có rất nhiều kỹ năng phỏng vấn. Với nhiều phóng viên phương Tây, họ còn có những khác biệt với chúng ta về nhận thức chính trị, cách ứng xử vì đơn giản là họ sống ở một đất nước có thể chế chính trị, văn hóa khác. Tôi đã gặp những trường hợp phóng viên nước ngoài khăng khăng rằng họ nói đúng. Có nói thế nào họ cũng bảo là họ đúng. Lúc đó chúng ta phải khéo léo xử lý sao cho phù hợp. Thứ nhất, chúng ta có những quy định rõ ràng về báo chí. Báo chí nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ điều đó. Nhưng, tôi luôn tận dụng tối đa sức thuyết phục của các câu chuyện và rất hạn chế việc phải nhắc đến các quy định, luật lệ.
Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến một kỷ niệm: Khi sang London (Anh) khoảng nửa năm thì tôi nhận được email của một phóng viên người Anh. Lúc đấy anh không còn làm ở Việt Nam nữa mà chuyển sang thường trú ở Indonesia. Anh ấy nói rằng sẽ về London và muốn gặp tôi. Ngồi trong một quán cafe rất đẹp ở London, chia sẻ về kỷ niệm ở Việt Nam, anh nói thật là thời gian ở Việt Nam, có những cái anh không hẳn hài lòng và có những điều mà anh không thực sự thoải mái khi phải thực hiện. Nhưng, khi rời khỏi Việt Nam thì anh ấy mới thấy mình yêu Việt Nam như thế nào, yêu những con người Việt Nam như thế nào và chỉ mong có ngày được quay trở lại Việt Nam.
Điều đó làm tôi rất xúc động. Và đó không phải là trường hợp duy nhất. Khi tôi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow (Nga), một phóng viên người Mỹ rất nổi tiếng của tờ The New York Times (đã từng ở Việt Nam) cũng tìm đến tôi và nói rằng anh ấy yêu Việt Nam, nhớ Việt Nam và mong có một người Việt Nam để trò chuyện...
- Tôi cũng là một người hoạt động ở nhiều vai trò khác nhau trong địa hạt truyền thông và hiểu rõ áp lực của những người phải thực hiện công việc chuyên môn của mình trước sự quan tâm, xem xét của đám đông. Nhưng, tôi vẫn không thể hình dung nổi áp lực của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao kinh khủng tới cỡ nào, bởi đấy là người làm một công việc mà có thể nói là “người trên trông xuống/ Người dưới trông lên/ Người ngoài trông sang...”. Bà có thể nói gì về những áp lực này?
- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao là một hình ảnh có tính chất đại diện cho Bộ Ngoại giao. Như ở Nga, người ta gọi là người đại diện chính thức, người đưa ra những lập trường, quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao. Ở Việt Nam, dù gọi là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng có rất nhiều vấn đề ngoài lĩnh vực đối ngoại mà chúng tôi phải tiếp nhận, trả lời. Do vậy, chịu được sức ép, chịu được áp lực từ nhiều phía chắc chắn phải là tiêu chí hàng đầu. Nói đơn giản, nếu không thể “chịu nhiệt” thì không thể làm công việc này được.
- Nhiệt đến từ những nguồn phát nào, thưa bà?
- Đầu tiên là đến từ thông tin. Bạn biết rồi, thông tin bây giờ đến từ mạng xã hội rất nhanh, có độ lan tỏa rất rộng nhưng đồng thời có rất nhiều thông tin không chính xác, thậm chí là tin đồn, là fake news. Trước hiện tượng đó, dư luận trông chờ vào một tiếng nói chính thống, một thông tin chính thống..., có nghĩa là trông chờ vào Người phát ngôn. Thêm nữa là sức ép về đối nội và đối ngoại. Bây giờ, trong rất nhiều tình huống không còn ranh giới giữa đối nội và đối ngoại nữa. Phải cân đối hài hòa giữa hai phương diện này, từ đó, khi nói quan điểm đối ngoại thì phải hình dung xem nó sẽ tác động đối nội như thế nào và nói những vấn đề đối nội lại phải thấy nó có thể ảnh hưởng tới đối ngoại ra sao...
- Cho nên ở vị trí này, việc cân nhắc các tình huống, xử lý các chất liệu thông tin là một năng lực tối quan trọng đúng không ạ? Dân gian có câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” nhưng với những người làm ở vị trí này thì có lẽ phải “uốn lưỡi 70 lần trước khi nói”. Ấy thế mà trên thế giới cũng từng có chuyện Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói nhầm, lỡ lời, sau đó phải đính chính. Không biết là trong suốt hơn 3 năm làm nghề, đã bao giờ bà “lỡ lời” hay chưa?
- Đúng là có những Người phát ngôn của nước khác từng lỡ lời. Và từ câu chuyện của họ, chúng tôi có thể rút ra những bài học quý cho mình. Tôi thấy là Người phát ngôn ở các nước khác nhau thì cũng có những đặc điểm khác nhau. Có những Người phát ngôn rất sắc sảo, thậm chí là quyết liệt, có thể đối đầu trực tiếp. Nhưng, cũng có những Người phát ngôn lại nhẹ nhàng, mềm mỏng, thậm chí là hạ tầm vấn đề xuống để tránh đối đầu. Những khác biệt này phụ thuộc vào môi trường chính trị, văn hóa mỗi quốc gia và chắc chắn là cả yếu tố tính cách cá nhân của mỗi người.
Đối với Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu quan trọng nhất đương nhiên là không được nói sai. Công việc của Người phát ngôn phụ thuộc vào rất nhiều đơn vị, Bộ, ngành khác nhau nên khi một thông tin đưa ra thì nó nhất định phải được kiểm chứng và phải thể hiện được quan điểm lập trường không những của Bộ Ngoại giao mà còn của các Bộ, ngành khác và phải thống nhất. Trong hơn 3 năm vừa qua, may mắn là tôi chưa từng nói sai, chưa bị lỡ lời bao giờ.
- Chúng ta vừa nói đến yếu tố áp lực. Theo bà, bên cạnh yếu tố này, Người phát ngôn còn phải có những yếu tố bắt buộc nào nữa?
- Theo tôi, đấy phải là người có bản lĩnh, có thể bình tĩnh xử lý mọi vấn đề. Nhiều lúc tôi nghĩ mình giống như một cái phễu thông tin vậy. Rất nhiều thông tin đa chiều đổ về phía mình. Rất nhiều nhà báo đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hóa khác nhau thay nhau đặt câu hỏi cho mình. Lúc đó nhất định phải bình tĩnh để nhanh chóng xử lý thông tin, đưa ra một quan điểm, lập trường rõ ràng.
- Chắc chắn là bà nhớ rất kỹ lần đầu tiên chủ trì một cuộc họp báo trên vai trò Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Thật lòng, tôi không tin là ngay từ lần đầu tiên, bà đã có thể chịu được áp lực, thể hiện được bản lĩnh để bình tĩnh xử lý mọi vấn đề. Tôi nghĩ là bất luận ai cũng vậy thôi, trừ khi đấy không phải là người, mà là thần thánh. Nếu không ngại, bà có thể chia sẻ những kỷ niệm về cuộc họp báo đầu tiên ấy được không?
- (Cười tủm tỉm...) Những ngày đầu, nhất là buổi họp báo đầu tiên, khi bước chân lên bục, tôi cũng run lắm. Nhưng, sau thì tôi dần quen với công việc và cải thiện các kỹ năng của mình. Tôi nghĩ là mình chỉ có thể bình tĩnh khi mình tin vào bản thân. Mà chỉ có thể tin vào bản thân khi có được một sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, nói một cách hình tượng là “có đầy đủ đạn dược”.
- Sau cuộc họp báo lần đầu tiên ấy, về nhà, nghĩ lại màn thể hiện của mình, không biết là bà đã rút ra những kinh nghiệm xương máu nào?
- Sau buổi ấy, tôi thấy là có phạm trù phải rút kinh nghiệm ngay. Thứ nhất, về nội dung, mình cần phải chuẩn bị vấn đề rộng hơn, bao quát hơn. Ví dụ, với vấn đề dân chủ, nhân quyền, mình không chỉ chuẩn bị những nội dung liên quan tới dân chủ nhân quyền mà còn phải đặt ra nhiều giả định hơn, từ đó phải chuẩn bị thêm những thông tin ở bên ngoài nó, liên quan ít nhiều xa gần tới nó. Thứ hai, về cách thể hiện, tôi tự thấy là khi phóng viên đặt câu hỏi thì mình nhất định không được nhăn trán nữa. Bản năng con người là thế, khi tập trung chú ý vào một câu hỏi, một vấn đề nào đó, ta thường nhăn trán. Nhưng, về mặt phong thái, điều đó rõ ràng không đẹp.
- Trời ơi! Suốt từ nãy, nghe bà kể chuyện, tôi đang nhăn trán đây. Và tôi cũng sẽ cố thay đổi điều này ngay đây ạ.
- (Cười...).
- Phải chuẩn bị nhiều vấn đề phụ cận, liên quan tới một nhóm các vấn đề chính để làm chủ nội dung. Phải tươi tắn, rõ ràng, không nhăn trán để làm chủ phong thái. Nhưng, làm chủ cảm xúc thì sao? Tôi đã từng chứng kiến những cuộc họp báo mà khi hàng loạt phóng viên gai góc thay nhau “quây” nhân vật được phỏng vấn. Thậm chí, có những phóng viên còn không ngại che giấu sự khiêu khích vốn đã được lên kế hoạch từ trước đó. Và, tôi đã thấy nhân vật chính của cuộc họp báo không làm chủ được cảm xúc. Không biết bà đã phải đối diện với hoàn cảnh này bao giờ chưa?
- Tôi đã từng trải qua những cuộc họp báo mà tất cả các phóng viên nước ngoài chỉ quay đi quay lại một vấn đề, nhưng tôi vẫn có cách kiểm soát được tình hình và cảm xúc của mình. Tôi vẫn nhớ là trong cuộc họp báo ấy, khi một vấn đề cứ được hỏi đi hỏi lại từ khía cạnh này sang khía cạnh khác, tôi đã mỉm cười và nói: “Về vấn đề này, có còn ai hỏi câu gì thì hỏi nốt, tôi sẽ trả lời luôn”. Thế là mọi người đều bật cười và không ai nói gì nữa.
- Chắc chắn là rất nhiều độc giả tò mò xem Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chuẩn bị cho một cuộc chủ trì họp báo của mình như thế nào?
- Một cuộc họp báo thường chỉ diễn ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng nhưng đằng sau nó là khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều người, từ cán bộ nhân viên của Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao đến các đơn vị khác trong Bộ. Ví dụ như vấn đề liên quan đến Trung Đông, châu Phi thì phải nhờ tới Vụ Trung Đông - châu Phi, vấn đề liên quan đến châu Mỹ phải có sự giúp sức của Vụ Châu Mỹ. Rồi còn phải có sự góp sức của các Bộ, ban, ngành từ y tế, giáo dục đến an ninh, quốc phòng và cả các vấn đề liên quan đến địa phương, liên quan đến các hiệp hội... Chúng tôi phải theo dõi tất cả các thông tin này hằng ngày, hằng giờ và sau đó phải đưa ra được các giả định vấn đề để chuẩn bị nội dung cụ thể. Nhưng, nó cũng chỉ là những giả định để chuẩn bị thôi chứ mình không thể biết được anh phóng viên này hôm nay quan tâm đến vấn đề gì. Thực tế là có rất nhiều vấn đề không liên quan đến Bộ Ngoại giao và không thuộc phạm vi trả lời của Người phát ngôn nhưng khi thấy cần thì các phóng viên vẫn hỏi, đặc biệt là những phóng viên nước ngoài. Ví dụ như trong một cuộc họp báo tôi đã nhận được câu hỏi: Quan điểm của Việt Nam về hôn nhân đồng giới như thế nào? Đây là câu hỏi mà trước đó mình chưa từng giả định là nó sẽ xuất hiện. Nhiều anh em nói vui với nhau rằng, đấy là một ca “khó đỡ” (cười...).
- Lúc đấy bà đành phải “đỡ” ra sao?
- Tôi phải nói với phóng viên đó là tôi xin phép trả lời từ quan điểm cá nhân mình. Và, từ góc độ cá nhân, tôi thấy hôn nhân đồng giới là một câu chuyện xã hội, một xu thế đã được chấp nhận ở nhiều nước, còn ở Việt Nam hiện nay thì không có chuyện phân biệt đối xử với những người đồng tính.
- Nếu tôi nhớ không nhầm thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là một vị trí chỉ xuất hiện từ khoảng vài chục năm trở lại đây. Tức là nó khá mới. Vậy thì bà mong muốn những Người phát ngôn trong tương lai sẽ thể hiện mình theo cách nào?
- Không hẳn là mới đâu. Bởi chúng ta phải tính cả tới Người phát ngôn của những đoàn đàm phán Việt Nam tham dự các hội nghị quốc tế từ nhiều năm về trước. Đoàn đàm phán ở Hội nghị Paris chẳng hạn, cũng có Người phát ngôn của Đoàn. Riêng với Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì chính thức có từ thập niên 80 của thế kỷ trước, với người mở đầu là bà Hồ Thể Lan. Tính từ đó đến nay, chúng tôi đã có 4 Người phát ngôn nam và 4 nữ phát ngôn viên. Tôi là Người phát ngôn nữ thứ tư.
Về tương lai, tôi nghĩ ngoài yêu cầu bắt buộc là phải nói đúng, nói chính xác thì Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cũng cần đưa ra các thông điệp gần gũi với công chúng. Đấy là điều tôi mong muốn và cá nhân tôi cũng rất nỗ lực thực hiện.
- Xin cảm ơn bà!