hà truyền thống Công an tỉnh Điện Biên hiện đang lưu giữ, trưng bày gần 1.000 hiện vật quý, ghi dấu ấn hơn 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng công an miền biên viễn. Trong số những kỷ vật đó có chiếc áo sơ mi vẫn còn vết máu khô được gấp gọn gàng, đặt trang trọng trong tủ kính, với dòng chữ nhói lòng in trên bảng foocmica "Áo Anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Cường sử dụng trong đấu tranh chống tội phạm năm 2001".
Phạm Văn Cường là cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lai Châu (cũ). Anh hy sinh khi còn ít ngày nữa bước sang tuổi 25.
Thượng tá Ngô Thị Thủy - nguyên Phó trưởng phòng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên thời Phạm Văn Cường còn công tác - coi chàng thanh niên nhỏ nhắn, có nụ cười hiền như con gái nhưng lại nổi tiếng gan dạ, dũng cảm khi vào trận như một người em trai.
Chị bảo không như cánh trinh sát sôi nổi, bặm trợn trang phục quen theo kiểu để "đầu bốc", vận áo phông, quần jean, Cường rất giản dị, ra công tác mấy năm nhưng vẫn trẻ trung như cậu sinh viên năm thứ nhất và chưa có bạn gái.
Ngày 6-10-2001, Phạm Văn Cường nhận nhiệm vụ thâm nhập vào một đường dây mua bán “cái chết trắng”. Đêm hôm đó, Cường vào trận và trong cuộc đọ súng ác liệt và không cân sức diễn ra trong màn đêm dày đặc nơi núi rừng biên giới, anh và 2 quần chúng dũng cảm đã hy sinh tại đỉnh đèo Tây Trang, cách biên giới chưa đầy 10 cây số.
Nửa đêm về sáng hôm ấy, chúng tôi nhận được lệnh của Ban Giám đốc Công an tỉnh theo một tổ công tác tăng cường khẩn cấp lên Tây Trang. Chiếc U-oát lặng lẽ lao trên con đường vắng, không ai nói nhưng chúng tôi biết đã có tổn thất với đội quân đánh án đi từ chiều tối hôm trước.
Lúc lên đến km17 QL 279 Điện Biên - Tây Trang, chúng tôi đều bật khóc khi thấy Phạm Văn Cường và 2 người dân nằm bất động, máu loang bên đường. Tôi đưa máy quay tác nghiệp mà nhiều lần phải dùng khăn lau ống kính và fizer cứ mờ đi vì xúc động...
Sáng 07/10/2001, lễ truy điệu thiếu uý Phạm Văn Cường được tổ chức trọng thể tại trụ sở CA tỉnh Điện Biên. Trong không khí tiễn biệt đau buồn và niềm tiếc thương đè nặng lên mỗi con tim, Đảng uỷ và Ban Giám đốc CA tỉnh đã phát động tới mọi CBCS trong toàn lực lượng một phong trào học tập, noi gương tinh thần dũng cảm hy sinh và ý chí cương quyết tấn công tội phạm, của thiếu uý Phạm Văn Cường.
Cũng dịp này, Ban Giám đốc CA tỉnh quyết định truy phong quân hàm trước niên hạn cho Phạm Văn Cường, từ cấp thiếu uý lên cấp trung uý. Đồng thời, CA tỉnh cũng có văn bản đề nghị truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", cho liệt sỹ Phạm Văn Cường. Ngày 24/10/2001, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Bộ Công an, đã phát động đợt thi đua "Tuổi trẻ lực lượng CAND học tập gương chiến đấu dũng cảm của liệt sỹ - trung uý Phạm Văn Cường"…
ngày sau, với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, ban chuyên án đã điều tra, làm rõ 3 kẻ thủ ác sát hại Phạm Văn Cường cùng 2 quần chúng nhân dân, trong đó có tên cầm đầu là Lý A Va.
Rạng sáng ngày 17-10-2001, tôi lại có may mắn cầm máy ảnh, máy quay theo một tổ công tác gần 30 cán bộ chiến sĩ ập vào bản Ca Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên, để bắt giữ, khám xét khẩn cấp Lý Giống Minh (anh trai của Lý A Va) - kẻ đã lên kế hoạch tội ác đêm 6-10... Sau này, Công an tỉnh Điện Biên đã bóc gỡ đường dây ma túy được coi là lớn nhất từ trước đến thời điểm bấy giờ ở Tây Bắc; khởi tố, bắt giữ 32 đối tượng, có 6 đối tượng sau đó ra tòa, bị tuyên án tử hình...
Trưa hôm Phạm Văn Cường hy sinh, khi chúng tôi đưa anh về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, trời bỗng u ám rồi đổ mưa như trút. Khi thay quần áo, tắm rửa cho anh, Thiếu tá Sùng A Hồng, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (nay là Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên) bảo anh em giữ lại bộ quần áo đẫm máu còn nguyên 2 vết đạn trên ngực của Phạm Văn Cường.
Chiếc áo đấy sau này Thượng tá Ngô Thị Thủy mang về nhà cất giữ rồi bàn giao cho Phòng Công tác chính trị. Cùng với chiếc xe máy Super Dream và chiếc bộ đàm Cường sử dụng khi vào trận đánh, chiếc áo sơ mi đẫm máu của Cường hiện được trưng bày trang trọng tại Nhà truyền thống Công an tỉnh Điện Biên...
Nhiều năm đã trôi qua, không biết bao lần tác nghiệp với những câu chuyện và hình ảnh xúc động (chỉ riêng với lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy Điện Biên - Lai Châu, tôi đã chụp hơn 7.000 bức ảnh) - nhưng hình ảnh người đồng đội nằm xuống với bộ quần áo giản dị ấy vẫn là kỷ niệm nhói tim nhất trong đời làm báo của tôi.
Không chỉ tôi, Thiếu tướng Sùng A Hồng, Đại tá Đặng Xuân Ưu, Thượng tá Ngô Thị Thủy, Thượng tá Đinh Tiên Hoàn và nhiều người khác từng gắn bó, chiến đấu cùng anh ngày ấy thi thoảng vẫn gặp lại Cường “trở về” trong giấc mơ với bộ quần áo giản dị đó. Chúng tôi mãi nhớ về một người bạn, một người đồng đội chưa từng hôn một người con gái đã quả cảm ngã xuống nơi đỉnh đèo heo hút năm nào...
Tháng 10-2018, kỷ niệm 18 năm Cường anh dũng hy sinh, chúng tôi lại tổ chức lên nơi anh đã ngã xuống ở đỉnh đèo Tây Trang... Thăm lại nhà truyền thống, nhìn chiếc áo còn loang vết máu khô của Phạm Văn Cường, không ai cầm được nước mắt. Chiếc áo ấy giờ đã trở thành một kỷ vật thiêng liêng nhắc nhở thế hệ chúng tôi bước tiếp con đường Phạm Văn Cường đã chọn dù biết rằng cuộc chiến đấu ấy còn khốc liệt, gian nan...