Cũng chả hiểu can cớ vì sao mà hễ cứ tới cữ những ngày cuối năm, khi mà mưa phùn liêu riêu bay giăng giăng trong se se lạnh, tự dưng lại nôn nao nhớ đến quay quắt những ngày xưa, cái thuở còn chân đất đầu trần lông nhông khắp trong làng ngoài xã với đủ thứ trò chơi con trẻ. Nào là "thả đỉa ba ba", nào là “tập tầm vông” và nữa lại là “cơm canh rau muống”, rồi thì đánh khăng, đánh đáo và nhiều lắm những trò con trẻ tuổi ấu thơ bên lũy tre xanh ở làng.
Cũng vẫn cứ là cái ngày xưa chưa xa đó, cứ y như một thông lệ bất di bất dịch, ấy là sáng ngày 30 tháng Chạp, ngày cuối cùng của năm cũ sắp khép lại, năm nào cũng thế, trước khi cắp cái thúng nhảo ra phiên chợ Hệ ngày tận cùng còn vương vấn sót lại sau vòng tuần hoàn của 365 ngày, bao giờ mẹ tôi cũng “ới” con trai một câu chắc hơn cả đinh đóng cột, rằng: “Này anh cu, chơi đâu thì chơi nhưng nhớ tới gần trưa phải mang rổ ra ruộng phần trăm nhổ bằng hết cho mẹ đám rau mùi già (người miền Nam gọi nó là “ngò rí”) về, không thì cứ gọi là chết đòn đấy, nghe chửa!”.
Rau mùi! Tự ngày xửa… ngày xưa, loài cây cỏ thân thảo chuyên được làm gia vị ấy đã quá đỗi thân thuộc với người dân đất Việt khắp từ Nam chí Bắc. Bát canh măng miến, đĩa thịt xào xu hào, đĩa nộm đu đủ hay nộm hoa chuối, v.v…ngày tư ngày Tết mà không có vài cọng rau mùi rắc lên coi như không phải là cỗ mất rồi. Mà cái giống cây cỏ thân quen gần gũi như thể bạn bè, anh em “chiến hữu” ấy đâu chỉ có dùng để ăn hằng ngày, mà nó, thứ hạt mùi (sách Đông y gọi là Hồ tuỳ) còn là một vị dược diệu vô cùng thần diệu trong y học. Nhưng mà thôi, ở đây chỉ xin kể câu chuyện liên quan tới cái việc mà mẹ tôi trao “trọng trách” cho con trai của bà phải thực hiện cho bằng được ngày cuối năm.
Năm năm, mười năm; mười lăm năm, và…năm nào cũng thế, sau khi thu hoạch hết đám rau cỏ vụ Đông trước khi lo gieo cấy vụ Xuân - Hè, bao giờ mẹ tôi cũng để dành lại một đám rau mùi nơi góc ruộng mấy thước phần trăm của nhà mà HTX phân bổ căn cứ vào số đầu người trong hộ gia đình. Và rồi, những đám rau mùi ấy lúc đầu chỉ la đà mặt đất, một ngày nọ bỗng tự nhiên đua nhau lớn lên, trở thành những thân cây. Sau khi trổ lứa hoa vàng - màu hoa cải thơm ngát cánh đồng thì những quả (hạt) rau mùi bé tý xíu xinh xinh e lệ đua nhau từ từ nhú ra.
Ôi, nhìn những thân cây rau mùi già khẳng khiu và mong manh như những cây tăm gầy với những chùm hạt căng mẩy nhỏ nhắn tròn xoe y hệt những con mắt của những chú cá cờ, những con tôm, chú tép nơi đồng chiêm trũng đứng phất phơ trên mảnh ruộng khô cong trong thứ gió lộng Đông của một ngày cuối cùng của năm âm lịch, chợt thấy lòng dạ nao nao bâng khuâng đến lạ làm sao.
Hễ năm nào đó mà tiết lập Xuân đến sớm vào cữ cuối tháng Chạp ta (tức tháng 12 âm lịch), phải đổ ải sớm để xuống đồng cấy cây mạ trước Tết Nguyên đán thì mẹ tôi sai các con nhổ đám cây rau mùi ấy về rồi đem buộc thành từng chùm nhỏ treo dưới mái tranh cho chúng mượn gió bấc hanh hao mà tự khô dần, khô dần. Không may gặp lúc trời mưa gió sùi sụt thì bà đem những túm thân cây rau mùi bé bỏng hao gầy ấy treo trên gác bếp hong khô.
Chiều 30 Tết, sau khi cây giò lụa đã được luộc xong và chỉ còn phải canh chờ nồi thịt đông cho đủ độ chín nhừ nữa thôi, mẹ tôi đem cái nồi mười hai - loại nồi đồng thau (chứ ngày đó làm gì đã có xoong; có nồi i-nốc…như bây giờ) ra và lấy những bó thân cây rau mùi đã rửa sạch cho vào nồi cùng những gáo nước mưa tinh khiết. Sau đấy, bà đặt cái nồi “mười hai” lên bếp củi. Chỉ mươi phút sau là bà đã có một nồi nước rau mùi thơm dịu dàng thanh tao và thuần khiết. Một mùi thơm mê hoặc vừa lạ lại vừa quen, chả thể bút mực nào tả được!
Anh em chúng tôi đứa nào cũng được mẹ ban tặng cho một nồi “mười hai” nước rau mùi đặc sánh để gội đầu và tắm rửa. Còn bà, vì mải lo đủ thứ việc không tên cho nên năm nào cũng như năm nào, chỉ đến gần giao thừa bà mới có cơ hội tự thưởng cho mình một nồi nước rau mùi. Tắm gội nước rau mùi ấy gọi là “tắm tất niên”. Mà cũng chả biết cái tục “tắm tất niên” ấy có từ cái thời nảo thời nao nữa, mới lạ!
Chiều 30 Tết, được “tắm tất niên” bằng nồi nước hương liệu chiết lọc ra từ những cọng mùi bé bỏng mang theo những gì là thanh khiết nhất của Trời - Đất, tự dưng cảm thấy cơ thể mình sạch bong như ngọc không tỳ vết. Và da thịt, đầu tóc mình thì thoảng một làn hương thơm nhè nhẹ, e ấp dịu dàng và kín đáo nhưng mà đầy sang trọng, đầy quyến rũ. Sang trọng không thể tả khiến cho xúc cảm trở nên thăng hoa bất tận bởi cái cảm giác vừa trút bỏ cho bằng hết mọi thứ bụi trần, mọi nỗi gian truân cơ cực của một năm cũ mà thanh thản tự tin sẵn sàng nghênh tiếp những điềm lành - dữ của một năm mới sắp đến ngay trước mắt.
Ở quê tôi, ngày ấy (và cả bây giờ), mười nhà như một, họ không chỉ duy trì cái tục “tắm tất niên” vào chiều (hay đêm) 30 mà sáng mồng một Tết, trước khi thắp nén tâm nhang trước bàn thờ gia tiên, vừa mở mắt ra là y như rằng người ta phải lập tức lo ngay một nồi nước rau mùi cho già trẻ lớn bé trong gia đình rửa mặt, rửa tay,…để có cơ hội tiếp nhận thêm nguồn năng lượng dồi dào giúp họ bổ sung thêm niềm khát vọng vươn tới những ước mơ, hoài bão của một năm mới, mùa Xuân mới.
Nhưng mà này, chả riêng gì quê tôi, quê anh… mới có cái tục “tắm tất niên” đâu đấy nhé. Vì lẽ, cái tục “tắm tất niên” chả hề có ranh giới giữa nông thôn và thành thị đâu. Thì đấy, những ngày áp Tết, trong tiết giời giá rét cùng làn mưa phùn liêu riêu bên cạnh những hàng rau dưa, hoa quả vẫn thấp thoáng đâu đó những bà, những chị mang những gương mặt thuần hậu tần tảo sớm hôm nhọc nhằn, nhẫn nại rong ruổi khắp các ngóc ngách phố phường cùng bộ quang gánh, hay chiếc xe đạp cà tàng mà trên đó là sự hiện hữu đầy khiêm nhường e lệ của những bó thân mùi tươi; thân mùi già gầy guộc thơm dịu lảnh lót cất tiếng mời chào thô mộc nhưng đầy tiết tấu: “A…i…r…au…m…ù ù…i…i…đ…ơi!”.
Cái tiếng rao ngọt lịm ấy khiến những bà, những cô nội trợ bỗng chốc giật mình thảng thốt, sực nhớ ra cái việc “cần làm ngay” cữ cuối năm. Và thế là dẫu vào những ngày tháng cùng năm tận có bù đầu tối mặt bởi trăm công nghìn việc đến đâu; dù chưa kịp việc vào siêu thị mua thứ này, sắm món đồ kia thuộc vào hàng cao lương mỹ vị nhưng nào mấy ai nỡ quên mua một vài bó thân rau mùi còn vương mùi đất cát và thấm đẫm nắng gió hanh hao đến nứt nẻ gót chân cổ tay cùng những đêm sương muối giá rét buốt tái tê của mùa đông nơi quê mùa mà mang về, để cả nhà có cái “tắm tất niên” trước khi tống tiễn năm cũ và háo hức hồi hộp chào đón năm mới.
Ngẫm ra mới thấy lạ làm sao, bây giờ, cuộc sống mỗi ngày mỗi phát triển theo chiều hướng hiện đại để vươn tới nền văn minh công nghệ thông minh. Và chả cứ gì những gia đình ở thành thị mới có phòng tắm với những bình nóng - lạnh đủ kiểu và những loại nước hoa ngoại sang trọng, đắt tiền mà ngay cả ở các miền quê thôn dã, những loại vật chất đó đâu có còn là những thứ xa xỉ trên trời, khiến cho người nông dân thời đại 4.0 chả dám màng tới, ấy thế nhưng, người ta vẫn cứ không thể nào bỏ được cái tục “tắm tất niên” bằng thứ nước thơm kì diệu của thứ cây rau mùi dân dã và thuần khiết.
Mới hay, khi đã là một phong tục đẹp của ngày Tết cổ truyền thì dẫu có “vật đổi sao dời” gì đi chăng nữa thì nó vẫn cứ trở nên bất biến, trường tồn. Bởi lẽ, cái tục “tắm tất niên” đã trở thành một phần không thể thiếu của tâm hồn Việt mình mất rồi. Thế nên, Tết đến xuân về lòng dạ lại nôn nao một nỗi niềm tương tư bứt rứt với hương thơm rau mùi -“ngò rí” - và nồi nước hương liệu “tắm tất niên” của người mẹ già chân quê cả một đời tần tảo một nắng hai sương chỉ biết vun vén cho việc thờ chồng nuôi con. Chao ôi, thương nhớ làm sao cái hương hoa mùi ấy - một trong những gam màu đặc trưng cơ bản tô nên bức tranh Tết thuần Việt đầy màu sắc thuở xưa nay.