Dấu ấn Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha.

5 ưu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 tập trung vào việc đóng góp tích cực cho môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; thúc đẩy phát triển thịnh vượng trên cơ sở liên kết và kết nối khu vực; nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hoà bình và phát triển bền vững; phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN. Bài phát biểu tại Bangkok, Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy là thông điệp đầu tiên gửi đến thế giới về sự chuẩn bị sẵn sàng và nỗ lực đặt ưu tiên cao nhất của Việt Nam đối với Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Nhưng, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát ở quy mô toàn thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, buộc nhiều nước phải phong tỏa, làm gia tăng khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực. Các quốc gia bị đặt vào trạng thái đóng băng chưa từng có, các khu vực biên giới đồng loạt đóng cửa, các hoạt động đi lại, du lịch, thậm chí là giao thương phải tạm dừng để phục vụ mục tiêu duy nhất: phòng, chống dịch thành công. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định, chưa bao giờ ASEAN gặp thách thức như vậy. Điều này đã khiến Việt Nam đối diện với vô vàn khó khăn để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN của mình. Làm cách nào để duy trì kết nối nội khối, triển khai các kế hoạch năm khi thế giới đóng cửa? Những thách thức mà COVID-19 đặt ra sẽ là gì và giải pháp chung để đối phó ra sao? Vô vàn câu hỏi được đặt ra, thách thức các ưu tiên và mục tiêu của Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như các quốc gia thành viên. Hơn lúc nào hết, chủ đề của Năm ASEAN 2020 càng cần được phát huy tác dụng, trở thành ngọn hải đăng soi chiếu trong đêm giông, giúp cho con thuyền ASEAN vững vàng tiến lên phía trước. Alison Mann, quan chức cấp cao của New Zealand về Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và ASEAN cũng nhấn mạnh, ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng” là phù hợp nhất trong bối cảnh này.

Thực tế, Việt Nam, ngay từ những ngày đầu của Năm Chủ tịch, đã biến thách thức thành cơ hội để phát huy tốt nhất vai trò của mình. Bằng cách mở và phát triển “công nghệ số”, Việt Nam đã ngăn chặn được nguy cơ đứt gãy trong quan hệ nội khối và hợp tác đa phương do đóng cửa biên giới, gián tiếp hiện thực hóa 5 ưu tiên được đề ra. Lần đầu tiên, các hội nghị của ASEAN được tổ chức trực tuyến. Không còn những cuộc gặp gỡ trực tiếp, không còn nghi thức bắt tay chéo mang đậm bản sắc ASEAN, hình thức họp trực tuyến đã phản ánh thực tế về nhiều phương thức vận hành công việc của ASEAN. Vượt qua những rào cản cả về không gian và thời gian, sự biến đổi linh hoạt các hoạt động ASEAN trên nền tảng số không chỉ giúp ASEAN duy trì thông tin, tăng cường phối hợp, mà còn đưa ra nhiều quyết sách quan trọng với khu vực, cả về hợp tác chung và phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng.

Đó là Tuyên bố Chủ tịch ASEAN mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ngày 14/2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Các phiên họp của Hội đồng Điều phối ASEAN, cuộc họp của những nhóm công tác liên ngành cấp quan chức cao cấp, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 cũng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, nhấn mạnh cam kết của các quốc gia trong điều trị bệnh nhân, sản xuất vaccine cũng như các biện pháp đối phó với COVID-19, trên tinh thần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, để không ai bị bỏ lại phía sau. Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá, Việt Nam “đã phát huy được vai trò chủ động, trách nhiệm và làm sao duy trì được tham vấn của ASEAN, tham vấn trong ASEAN, tham vấn ASEAN với các nước.. đó là điều cực kỳ quan trọng. Việc chúng ta chuyển ngay sang họp trực tuyến và phát huy hết tất cả tham vấn bằng trực tuyến là câu chuyện rất lớn”.

Chưa hết, xuyên suốt trong năm 2020, các cuộc họp trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN đều được diễn ra thường xuyên, thực chất và hiệu quả. Những sáng kiến về Khung phục hồi tổng thể, Quỹ ứng phó COVID-19, Kho vật tư y tế... lần lượt ra đời, như minh chứng cho khả năng thích ứng, tăng cường kết nối của ASEAN trên nền tảng công nghệ số. Rồi việc lần đầu tiên tổ chức phiên thảo luận về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số và Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN – sáng kiến do Việt Nam đề xuất, cho thấy Việt Nam vừa xử lý vấn đề cấp bách, vừa có thể duy trì được các chương trình, hoạt động đã đề ra cho năm 2020.

Hình thức họp trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia cao độ của các nước thành viên đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc chèo lái con thuyền chung, cũng là cơ hội để ASEAN thể hiện những nỗ lực vượt ra ngoài COVID-19. Chính sức sống bền bỉ, vốn từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định “các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả Cộng đồng ASEAN”, đã giúp ASEAN vượt qua giông bão, định vị thương hiệu trong một thế giới đang biến đổi, với những trái ngọt gặt hái trong năm qua.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Có thể nói, việc Cộng đồng ASEAN hình thành ngày 31/12/2015 đã đưa ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. The Diplomat đánh giá, ở thời điểm hiện tại, ASEAN được coi là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được nhiều quốc gia, được các nước lớn coi trọng. Trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tấn công các nền kinh tế thế giới, các quốc gia thành viên ASEAN dưới sự dẫn dắt và điều phối của nước Chủ tịch Việt Nam đã tích cực tham gia các cuộc tham vấn và đối thoại trực tuyến nhằm tìm ra một giải pháp sống chung với đại dịch trong bối cảnh “bình thường mới”. “Đây là những điều mà nhiều khu vực khác trên thế giới chưa làm được, nhưng ASEAN đã làm được và cũng là một trong những thành tựu nổi bật mà ASEAN đã làm được dưới sự dẫn dắt của Việt Nam”, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleusay Kommasith khẳng định.

Thật vậy, trong các cuộc họp ở tất cả các cấp, các nước thành viên ASEAN đều ghi nhận lộ trình triển khai các ưu tiên trong năm 2020 và cam kết sẽ tiếp tục phối hợp cùng Việt Nam để hoàn tất các ưu tiên đề ra. Đáng chú ý, tại ASEAN-37, chỉ trong 3 ngày, hơn 20 cuộc họp đã diễn ra với 80 văn kiện được ký kết. Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua Báo cáo Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN... Hãng tin ASEAN Today khẳng định, đóng góp lớn nhất của ASEAN đến nay chính là cam kết duy trì tính ổn định khu vực ở Đông Nam Á, trong đó “tính trung tâm của ASEAN” có ý nghĩa sống còn đối với vai trò của khối. Đó cũng là lý do tại sao Đại biện lâm thời Mỹ tại ASEAN Melissa A. Brown gọi nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là “cơ hội để tăng cường hợp tác và liên kết khu vực”.

Cũng trong năm 2020, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G-20, Hội nghị Phong trào Không liên kết, Hội nghị đại hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới WHO/LHQ về ứng phó dịch COVID-19 và đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của ASEAN đồng hành cùng cộng đồng quốc tế đối phó với thách thức mang tính toàn cầu này. Những thông điệp của ASEAN đã chứng minh vai trò của một khối thống nhất trong sự dịch chuyển toàn cầu, và rằng sự đoàn kết với tiếng nói chung đã, đang và sẽ giúp ASEAN đối phó hiệu quả với mọi trở ngại, không chỉ riêng COVID-19. Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nói: “Vai trò chủ tịch ASEAN năm nay của Việt Nam rất mẫu mực. Mặc dù phải đối phó với các thách thức COVID-19 trong nước và thiên tai, Việt Nam đã có khả năng lãnh đạo trong việc giữ cho khu vực gắn kết và ứng phó với những thách thức này, đặt vai trò trung tâm của ASEAN và lợi ích của người dân làm trọng tâm ”.

TS Hoo Chiew Ping, giảng viên cấp cao về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Malaysia, nhận định, ASEAN đang định vị thành công và tạo nên một thương hiệu riêng trên thế giới, thông qua việc hài hòa các sự đa dạng trong cùng một khối thống nhất. Vươn lên từ một trong những khu vực nghèo khó nhất để trở thành nền kinh tế sôi động nhất trong thế kỷ 21, ASEAN đã và đang đặt nền móng cho cấu trúc an ninh khu vực dựa trên các nền tảng của ASEAN. Chung quan điểm này, giới chuyên gia cho rằng, bằng những biện pháp khéo léo và linh hoạt, Việt Nam đã giúp ASEAN duy trì được mối quan hệ cân bằng với các nước lớn, điều hòa và giảm thiểu áp lực từ sự cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn đối với ASEAN thông qua việc nhấn mạnh và đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, TAC, Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP)...; tranh thủ sự đoàn kết và đồng thuận của ASEAN để thống nhất cách tiếp cận chung trước các yêu cầu, đề xuất mà các đối tác đưa ra.

Đặc biệt, với vấn đề Biển Đông, TS Balaz Szanto thuộc Bộ môn Quan hệ quốc tế của Đại học Webster Thailand nhìn nhận, qua việc đảm nhận vai trò dẫn dắt ASEAN, Việt Nam có điều kiện thúc đẩy sự hình thành tiếng nói chung mạnh mẽ hơn trong khu vực. Điều này được nêu bật trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế - cơ quan chính của Liên Hợp Quốc (LHQ) trong việc pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, chỉ rõ, trong cả hai Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37, vấn đề biển Đông đều nhận được đồng thuận từ các vị lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo ASEAN đều nhất trí rằng cơ sở pháp lý duy nhất và nhất quán để giải quyết các vấn đề Biển Đông là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và tất cả các nước sẽ thúc đẩy nhanh chóng tiến trình đàm phán và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), văn bản điều hành tất cả những xử sự trên biển giữa các bên liên quan vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Trong khi đó, Giám đốc Hội đồng Chính sách quốc tế, chuyên gia cao cấp của Quỹ châu Á-Thái Bình Dương của Canada Jonathan Berkshire Miller, nhận định, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội là Chủ tịch ASEAN để trở thành cầu nối gắn kết với ASEAN, cũng như với các đối tác đối thoại của khối này. "Sự lãnh đạo đúng nguyên tắc và kiên quyết của Việt Nam đã tạo bước tiến trong việc giải quyết các vấn đề dường như khá hóc búa liên quan đến Biển Đông", ông Jonathan Berkshire Miller nói.

Kinh tế thế giới đang trải qua cuộc suy thoái chưa từng có vì COVID-19, nhưng theo TS Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), với dân số trẻ, quá trình đô thị hóa nhanh, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, ASEAN vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, duy trì được các nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Đặc biệt, trong bối cảnh không khu vực nào trên thế giới có thể miễn nhiễm trước tác động của COVID-19, với nhiều tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp, ASEAN vẫn là khu vực có nhiều dư địa để mở rộng kinh doanh. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh trong một bài phỏng vấn đã chia sẻ: “Không phải bây giờ các nước lớn mới cần ASEAN mà ASEAN đã có quan hệ với các nước lớn từ những năm 1970 - 1980 với nhiều kênh ASEAN+1 được thiết lập. Nhưng trong hơn hai thập kỷ qua, ASEAN đã phát triển mạng lưới thể chế khu vực của mình, có Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), ADMM+, Cấp cao Đông Á (EAS), Cấp cao Đông Á mở rộng, trước đó có cả ASEAN+3… Tất cả những thể chế này kết lại thành hạt nhân cho việc xây dựng cấu trúc khu vực. Thông qua những kênh đó, ASEAN và các nước trong và ngoài khu vực đều đã bàn những vấn đề thuộc quan tâm chung của khu vực, kể cả việc hợp tác, xây dựng và kết nối Cộng đồng ASEAN, kể cả những thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hay chuyện Biển Đông, Mekong…”.

Nâng tầm những kết nối đó, trên tinh thần không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN-37), ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Colombia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước. ASEAN cũng chính thức công nhận Pháp và Italy là Đối tác phát triển, ghi nhận trường hợp của Anh, đồng thời thông qua các Kế hoạch Hành động tiếp theo cho 5 năm tới (2021-2025) với một số đối tác. EAS cũng thông qua các Tuyên bố quan trọng, trong đó có Tuyên bố về 15 năm EAS và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững. Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức, một lần nữa khẳng định vai trò và thế mạnh của khuôn khổ ASEAN+3 trong ngăn ngừa và ứng phó các nguy cơ khủng hoảng kinh tế-tài chính ở khu vực.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.



Cho đến nay, các nước đều đánh giá cao Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Tạp chí Diplomat số ra tháng 11 đã dành một bài viết riêng về Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, gọi tên đó là “chính sách ngoại giao quyến rũ”. “Với sự sáng tạo đáng ngạc nhiên để biến điều không thể thành có thể, Việt Nam đã khéo léo đạt được sự đồng thuận trong khu vực cũng như với các đối tác, dựa trên nền tảng đối thoại trực tuyến chưa từng xảy ra trước đây”, bài báo có đoạn viết. Đánh giá về sự chủ động, linh hoạt của Chủ tịch ASEAN 2020, GS Surupa Gupta thuộc Khoa Khoa học Chính trị và Vấn đề quốc tế thuộc Đại học Mary Washington (Mỹ), bằng những biện pháp khéo léo, Việt Nam đã giúp ASEAN duy trì được mối quan hệ cân bằng với các nước lớn, điều hòa và giảm thiểu áp lực từ sự cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn đối với ASEAN thông qua việc nhấn mạnh và đề cao các nguyên tắc cơ bản của ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia; tranh thủ sự đoàn kết và đồng thuận của ASEAN để thống nhất cách tiếp cận chung trước các yêu cầu, đề xuất mà các đối tác đưa ra.

Rõ ràng, chủ đề ASEAN 2020 đã trở thành một thương hiệu của ASEAN. Các đối tác của ASEAN cũng đồng tình với điều đó và mang đến những nguồn năng lượng tích cực cùng nhiều chính sách mới đề cao vai trò của ASEAN. Nếu như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định ASEAN là ưu tiên cao trong chính sách láng giềng của Trung Quốc, thì Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide lại đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản phát triển trên nền tảng “từ trái tim đến trái tim”. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết sẽ đẩy mạnh triển khai “Chính sách hướng Nam mới” mở rộng với ưu tiên tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với ASEAN, nâng hợp tác Mekong-Hàn Quốc lên Hợp tác cấp thượng đỉnh và thiết lập quan hệ đối tác trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định ASEAN luôn là một bộ phận quan trọng trong các chiến lược đối ngoại của Ấn Độ… Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng ghi nhận, nhấn mạnh việc coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Cuối cùng, điểm nhấn lớn nhất của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là việc ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại kỳ hội nghị cấp cao cuối cùng – ASEAN 37. Trong một thông cáo báo chí phát hành ngày 15/11, Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi khẳng định rằng ký kết RCEP là một "sự kiện lịch sử vì nó củng cố vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực cùng 8 năm đàm phán". Tờ Asia Times thì gọi Hiệp định RCEP là khởi đầu cho thế kỷ châu Á. Còn tờ Bangkokpost trích lời Thủ tướng Thái Lan tin tưởng rằng, sự hội nhập kinh tế từ RCEP sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn với các đối tác toàn cầu, giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tờ Global Times nhận định, RCEP sẽ định nghĩa lại kỷ nguyên toàn cầu hóa và tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết.

Nhà kinh tế Radhika Rao thuộc Ngân hàng DBS tại Singapore nhấn mạnh, hiệp định mang lại cho khu vực cơ hội biến "công xưởng của thế giới" thành "thị trường của thế giới". Ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện ISEAS-Yusof Ishak kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc ISEAS, Singapore thì khẳng định, việc RCEP được ký kết sẽ là sự thúc đẩy tinh thần hết sức cần thiết đối với nhiều quốc gia trong khu vực khi tất cả đang tiếp tục nỗ lực chống suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra và hiệp định cũng cho thấy rằng khu vực quyết tâm xây dựng lại tốt hơn trước những thách thức đối với thương mại đa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã khép lại, chiếc búa Chủ tịch đã được trao đến Brunei. Vượt xa ý nghĩa kỷ niệm nửa thế kỷ hình thành và phát triển, năm 2020 xứng đáng là năm cột mốc, đánh dấu nỗ lực của ASEAN – một khối thống nhất, đoàn kết, gắn bó và hữu nghị trong đối phó với mọi thách thức, khẳng định vai trò trung tâm và giành được sự ủng hộ của các đối tác. “Không kết nối nào bền chặt hơn kết nối trái tim đến trái tim. Mỗi công dân Cộng đồng ASEAN, hãy cùng nỗ lực đưa ASEAN vươn thật cao, tiến thật xa, nhưng tinh thần ASEAN luôn thật gần và lắng sâu trong trái tim mình”, lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Người dân ASEAN vững tin đưa khu vực của mình ra thế giới, với niềm tự hào ASEAN luôn giữ trọn trong tim.