Cuộc đối đầu 4 thập kỷ giữa Mỹ và Iran và những lần “đạn đã rời họng súng”

Nhìn những căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong thời gian gần đây thì ít ai dám tin hai nước từng là những đồng minh thân cận nhất. Vào thời điểm cuộc đối đầu mang tên “Chiến tranh Lạnh” giữa Mỹ và Liên Xô bùng nổ sau Thế chiến II, Iran từng được coi là “người bạn không thể thiếu” với Mỹ nhờ là nguồn cung cấp dầu mỏ quan trọng, cộng với việc có quyền kiểm soát toàn diện con đường tiếp cận Vịnh Ba Tư.

Vào năm 1953, khi làn sóng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh khắp Tây, Nam Á với sự xuất hiện của chính phủ dân cử của Thủ tướng Mohammed Mossadegh ở Iran, Mỹ và Anh (Anh là bên khai thác và hưởng lợi nhiều nhất từ dầu mỏ ở Iran sau Thế chiến II) thậm chí đã tiến hành một cuộc đảo chính quân sự để lật đổ chế độ này và duy trì quyền lực của Shah (Quốc vương) Pahlavi vì lo ngại chính quyền dân chủ Iran có thể sẽ ngả theo Liên Xô thay vì Mỹ.

Thủ tướng Mohammed Mossadegh.

Dưới thời Richard Nixon, vị Tổng thống Mỹ luôn ca ngợi nền dân chủ này đã gọi Shah Pahlavi của Iran là “người bạn lâu năm, người đứng đầu nhà nước tiến bộ và chính khách nhà nước tầm cỡ hàng đầu thế giới”. Suốt thời ấy, Mỹ sử dụng Iran và Shah Pahlavi làm tiền đồn chống sự ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông và cùng Anh kiểm soát nguồn lợi nhuận khổng lồ từ dầu mỏ khai thác ở Iran.

Quốc vương Shah Pahlavi.

Tuy vậy, chính sách của Mỹ và Anh ở Iran lại đã vấp phải phản ứng kháng cự quyết liệt từ phía người dân Iran. Cộng với sự bất mãn với chế độ quân chủ Shah do tình báo Washington dựng lên, người Iran tiến hành một cuộc Cách mạng Hồi giáo được cho là “long trời, lở đất” vào năm 1979 để thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ.

Mỹ sử dụng Iran và Shah Pahlavi làm tiền đồn chống sự ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông. Trong ảnh là các Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Jimmy Carter trong những lần gặp gỡ Quốc vương Shah Pahlavi.

Theo các tài liệu lịch sử, cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran bắt đầu từ tháng 1-1978 khi hàng triệu người dân xuống đường tuần hành kêu gọi lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, ủng hộ phong trào Hồi giáo của giáo chủ Ayatollah Khomeni. Chuỗi sự kiện này sau đó tạo ra áp lực khổng lồ lên chính quyền của Shah Pahlavi. Đến ngày 16-1-1979, Shah Pahlavi cùng gia đình buộc phải lên máy bay rời Iran để đến Ai Cập lưu vong.

Cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran bắt đầu từ tháng 1-1978 và làm thay đổi mối quan hệ giữa Iran và Mỹ.

Hai tuần sau, giáo chủ Hồi giáo Ayatollah Khomeni từ Pháp trở về Iran trong sự chào đón của hàng triệu người dân Iran. Nhờ giành được sự ủng hộ của quân đội, đến ngày 1-4-1979, giáo chủ Hồi giáo Ayatollah Khomeni chính thức thành lập nước Cộng hoà Hồi giáo Iran sau khi người dân Iran phê chuẩn quyết định này trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc với tỷ lệ ủng hộ áp đảo.

Việc Iran thay đổi chính quyền thân Mỹ khiến Washington bất ngờ, song không lập tức đẩy hai bên vào trạng thái đối đầu. Phải đến tháng 11-1979, cuộc khủng hoảng ngoại giao thực sự giữa hai nước bùng nổ khi các sinh viên Iran đã bắt cóc 63 con tin Mỹ tại Sứ quán Mỹ ở Tehran vì lo ngại đây có thể là nơi mà cựu vương Shah Pahlavi có thể trở lại rồi nhận được hậu thuẫn, gọi đó là “hang ổ gián điệp”.


Cuộc khủng hoảng ngoại giao thực sự giữa hai nước bùng nổ
khi các sinh viên Iran đã bắt cóc 63 con tin Mỹ tại Sứ quán Mỹ ở Tehran.

Trong nhiều tháng, phía Mỹ sử dụng nhiều biện pháp đấu tranh ngoại giao nhằm yêu cầu Tehran trả tự do cho công dân nhưng bất thành. Tháng 4-1980, Tổng thống Mỹ khi đó Jimmy Carter quyết định đưa biệt kích Delta vào thủ đô Iran nhằm giải cứu con tin nhưng không thành công.  

Sau thất bại trên, chính quyền Tổng thống Carter đã áp đặt cùng lúc hàng loạt biện pháp cấm vận, trừng phạt khắt khe chống lại Iran. Kể cả khi các nhân viên sứ quán được thả tự do vào năm 1981, các biện pháp này cũng không được giảm bớt do căng thẳng giữa hai nước đã leo thang đến mức đối đầu trong các vấn đề ở khu vực.

Giáo chủ Ayatollah Khomeni.

Kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran, cục diện tình hình và tương quan lực lượng ở khu vực vùng Vịnh cũng như trong thế giới Hồi giáo có bước chuyển giai đoạn mới. Dưới sự lãnh đạo tinh thần của giáo chủ Ayatollah Khomeni, người Iran cho ra đời một bản hiến pháp, trong đó Lãnh tụ tinh thần tối cao là người có quyền lực cao nhất, song chính quyền sẽ được điều hành bởi Tổng thống dân cử theo nhiệm kì mỗi 4 năm.

Từ năm 1979, Iran cắt đứt mối quan hệ ngoại giao vốn từng khá tốt đẹp với quốc gia láng giềng Israel; và xoay trục theo hướng thân thiết hơn với các nước Hồi giáo theo dòng Shi’a nhưng cứng rắn hơn với những quốc gia theo dòng Hồi giáo Sunni (dẫn đầu bởi Arab Saudi) khiến tình hình đối địch giữa hai phe phái trở nên công khai, cũng như dẫn đến sự thay đổi trong cách ứng xử giữa Mỹ và các nước Hồi giáo ở vùng Vịnh.

Tháng 9-1980, chiến tranh Iran - Iraq  nổ ra, khi lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, quyết định đưa quân xâm lược Iran, còn Tehran cũng không giấu mong muốn lật đổ chế độ của Hussein. Bỏ qua những yếu tố nội tại giữa Iran và Iraq, cuộc chiến trên đã tạo cớ cho Hải quân Mỹ tăng cường hiện diện ở khu vực với lí do bảo vệ tàu chở dầu của họ và các quốc gia trung lập.

Chiến tranh Iran - Iraq nổ ra vào năm 1980.

Trong cuộc chiến này, Mỹ nhiều lần dùng lí do tàu bè bị tấn công ở Eo biển Hormuz để tấn công Iran. Chỉ riêng cuộc xung đột trực tiếp giữa hai bên vào tháng 4-1988, Mỹ phá hủy hai giàn khoan dầu của Iran, đánh chìm 6 tàu chiến, chiếm một nửa lực lượng tác chiến của hải quân Tehran.

Mỹ nhiều lần dùng lí do tàu bè bị tấn công ở Eo biển Hormuz để tấn công Iran.

Cũng chính xu hướng đối đầu khi đó đã dẫn đến một sự cố mà ngày nay người Iran vẫn không thể quên và khiến họ khó lòng tin tưởng người Mỹ: Sự cố máy bay IR655 bị bắn hạ.

Vào ngày 3-7-1988, tàu tuần dương tên lửa USS-Vincennes hiện đại nhất thế giới khi đó của Mỹ do hạm trưởng William C. Rogers III chỉ huy vượt qua Eo biển Hormuz để trở về Bahrain sau nhiệm vụ hộ tống. Tuy nhiên, một trực thăng cất cánh từ tàu này bị tấn công bởi tàu tuần tra của Iran, khiến Rogers III cho tàu quay lại truy đuổi.

Chiếc A-300 rơi xuống biển, toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng bởi tên lửa đối không SM-2MR.

Vào thời điểm cuộc rượt đuổi diễn ra trên biển, máy bay thương mại Airbus A-300 203 B2, số hiệu IR655, của hãng hàng không Iran Air đã cất cánh từ sân bay Bandar Abbas trong hành trình đến Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Phi cơ của Iran sử dụng hệ thống thu-phát tín hiệu mã "squawk" đặc trưng của máy bay dân sự và duy trì liên lạc vô tuyến với trạm kiểm soát không lưu mặt đất.Tuy nhiên, khi vừa cất cánh, máy bay lại lọt vào phạm vi kiểm soát của radar Aegis trên USS-Vincennes.

Khi bay qua Eo biển Hormuz, hạm trưởng Rogers III không rõ vì lí do gì lại nhận định chiếc A-300 là “một mối đe dọa” và ra lệnh phóng 2 tên lửa đối không SM-2MR về phía phi cơ, không cho phi công trên máy bay thương mại Iran cơ hội nào ứng phó. Chiếc A-300 rơi xuống biển, toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Vụ việc trở thành một “vết nhơ” trong lịch sử quan hệ vốn ngày càng xấu đi giữa hai nước. Mỹ sau đó nói rằng họ “bắn nhầm” nhưng đổ lỗi cho Iran vì “cho máy bay thương mại hoạt động ở vùng chiến sự”. 8 năm sau thảm họa, Chính phủ Mỹ miễn cưỡng chi hơn 60 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân xấu số Iran. Nhưng đến nay, chưa có lời xin lỗi chính thức nào được đưa ra.

Mối quan hệ giữa Mỹ - Iran dường như chưa bao giờ được cải thiện trong 4 thập kỷ qua.

Trong giai đoạn tiếp theo, sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự thất bại của chính quyền Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, mối đe dọa chính đối với Iran lúc này chính là Mỹ. Vào thời điểm Tổng thống Mỹ George H. W. Bush (Bush “cha”) và Bill Clinton nắm quyền, Mỹ tiếp tục siết chặt các lệnh cấm vận thương mại và ngành dầu mỏ của với Iran, với lý do rằng nước này “tài trợ cho khủng bố, theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân, và có thái độ thù địch đối với tiến trình hoà bình Trung Đông”.

Năm 2002, Tổng thống George W. Bush (Bush “con”) thậm chí gọi Iran là một phần của “trục ma quỷ” để siết chặt các biện pháp cô lập Tehran. Sau này, các Chính phủ Mỹ tiếp nối gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran và coi nước này là quốc gia hỗ trợ khủng bố, khiến mâu thuẫn ngày càng khoét sâu.

Rõ ràng, cuộc chiến Iran-Iraq đã làm suy yếu Iran nhưng các lệnh cấm vận kinh tế kéo dài từ thời Tổng thống Carter lại khiến xu hướng cứng rắn lên ngôi ở Tehran. Với việc lên cầm quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, một người theo đường lối cứng rắn vào năm 2005, các hoạt động làm giàu uranium của Iran được khởi động.

Năng lực hạt nhân của Iran sau đó được tăng cường đáng kể chỉ trong thời gian ngắn dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. 

Đỉnh điểm, vào năm 2006, chính quyền của ông Ahmadinejad tuyên bố đã thành công trong việc làm giàu uranium và nói rằng Iran có quyền sản xuất nhiên liệu nguyên tử. Năng lực hạt nhân của Iran sau đó được tăng cường đáng kể chỉ trong thời gian ngắn. Động thái này khiến Tehran hứng chịu những nghị quyết trừng phạt không chỉ của Mỹ mà còn của Liên Hợp Quốc.

Tuy vậy, sau gần 40 năm đối đầu, xu hướng đối thoại và hòa giải cuối cùng cũng thắng thế trong vấn đề Iran khi Tổng thống Hassan Rouhani, một chính trị gia theo đường lối ôn hòa, đã thành công trong nỗ lực giảm căng thẳng với phương Tây thông qua những nỗ lực quốc tế không mệt mỏi với sự góp mặt của Nga, Châu Âu và cả Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Tháng 7-2015, tại thủ đô Vienna của Áo, thế giới vui mừng đón nhận thoả thuận về chương trình hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Theo đó, Iran đồng ý giảm bớt chương trình hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng một số lệnh trừng phạt để phát triển kinh tế, xã hội.

Lúc đặt bút ký JCPOA, Tổng thống Mỹ Obama thậm chí nghĩ đến việc đưa Iran trở lại vị trí một đồng minh nhiều tiềm năng hơn hẳn so với các quốc gia láng giềng do người Sunni chiếm đa số ở Trung Đông. Quốc gia này có nền dân số trẻ, được giáo dục theo phong cách phương Tây, nên Obama kỳ vọng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ đem lại những thay đổi lớn lao cho Iran theo hướng xích lại gần Mỹ. Trong những năm cuối nhiệm kì Tổng thống, ông Barack Obama luôn tự hào mô tả thỏa thuận hạt nhân Iran như một di sản, một chiến thắng lớn nhất của nhiệm kỳ, giúp Mỹ bỏ qua nỗi lo về việc Iran có bom hạt nhân. Nó cũng khiến nhiều người bớt khúc mắc với việc ông Obama đã được trao giải Nobel hòa bình quá sớm vào năm 2009, ngay đầu nhiệm kỳ thứ nhất, mà chưa có dấu ấn nào đáng kể.

Vào ngày châu Âu ăn mừng chiến thắng Phát xít trong Thế chiến II, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump ngày 8-5-2018 lại làm rung chuyển các đồng minh cũ trong liên minh chống Hitler và phần còn lại của thế giới bằng tuyên bố đơn phương rút khỏi hiệp ước giới hạn chương trình hạt nhân Tehran.

JCPOA, được phê duyệt tại Vienna 3 năm trước, từng trở thành một ví dụ cực kỳ hiếm hoi cho trật tự thế giới sau chiến tranh về sự tương tác tích cực giữa các cường quốc hàng đầu. 

Tuy nhiên, JCPOA lại bị Tổng thống Donald Trump coi là một thoả thuận “bỏ đi”. Sự “bỏ đi” đó của thỏa thuận này đối với ông Trump chính là việc nó thừa nhận chính quyền hiện nay của Iran, cho phép họ tái hòa nhập với nền kinh tế thế giới.

JCPOA lại bị Tổng thống Donald Trump coi là một thoả thuận “bỏ đi”.

Ông Trump cũng thể hiện sự không hài lòng với việc Iran có thể kiếm nguồn thu từ dầu mỏ và phát triển kinh tế, theo đó trang trải cho các hoạt động quân sự ở Syria, Iraq và hậu thuẫn các lực lượng quân sự khắp Trung Đông cũng như nuôi hi vọng về một chương trình tên lửa. 

Bất chấp can ngăn của các đồng minh và cường quốc, Mỹ cáo buộc Iran vi phạm JCPOA để lấy cớ rút khỏi thỏa thuận này rồi tái áp đặt trừng phạt, khởi động một chiến dịch cô lập Iran toàn diện về kinh tế, ngoại giao.

Căn cứ quân sự Mỹ dường như "bủa vây" Iran.

Từ tháng 5, căng thẳng giữa hai bên đã leo thang qua ngưỡng “khẩu chiến” mà thành “hành động”, với việc Mỹ xếp nhánh quân đội Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC) của Iran vào danh sách khủng bố. Để đáp trả, Iran gọi Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) chịu trách nhiệm hoạt động quân sự Mỹ ở Trung Đông là tổ chức tài trợ chủ nghĩa cực đoan.

Hồi đầu tháng 6, sau khi Iran bắn rơi trinh sát cơ không người lái MQ-4C Triton giá 180 triệu USD của Mỹ gần Eo biển Hormuz và loạt vụ tấn công tàu chở dầu đầy nghi vấn ở Vịnh Oman cùng những lời cáo buộc lạnh gáy của Washington nhằm vào Tehran, Mỹ và Iran đều đã trấn an thế giới rằng họ không muốn chiến tranh.

Trinh sát cơ không người lái MQ-4C Triton bị Iran bắn rơi.

Tuy nhiên, từng bước đi trên thực địa của mỗi nước lại không cho thấy như vậy: Mỹ chỉ trong vài tuần đã triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công, oanh tạc cơ cùng hàng trăm tên lửa các loại tới sát vách Iran rồi dọa hủy diệt nước này trong chiến tranh; còn Tehran cũng không ngại tuyên bố sẽ tiếp tục nã tên lửa thẳng vào bất cứ mục tiêu nào của Washington xâm phạm lãnh thổ.

Rõ ràng, chiến tranh, nếu nổ ra ở bất cứ đâu, sẽ đều là “địa ngục” với những người mà nó ảnh hưởng. Khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran chạm đỉnh những ngày gần đây với loạt tuyên bố, hành động cứng rắn đến từ cả hai phía, thế giới đang phải thực tính toán đến viễn cảnh của một “cuộc đối đầu địa ngục” giữa hai cường quốc quân sự.

Mỹ chỉ trong vài tuần đã triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công, oanh tạc cơ cùng hàng trăm tên lửa các loại tới sát vách Iran.

Cả trong trường hợp đối đầu quân sự Mỹ- Iran không nổ ra, những hệ lụy của bất đồng giữa hai bên cũng sẽ đẩy Trung Đông vào một “vòng xoáy” mới khi mà Mỹ cùng các đồng minh sẵn sàng dùng mọi cách để cô lập Iran, còn Tehran, để đáp trả, có thể sẽ tính tới việc từ bỏ hoàn toàn JCPOA để đáp trả Mỹ và đề nghị các lực lượng ủy nhiệm chuẩn bị cho các cuộc tấn công gây tổn hại cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Arab Saudi hay Israel. Hôm 24-6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một mặt thể hiện sự ủng hộ với Mỹ, nhưng mặt khác đã chính thức bày tỏ lo lắng rằng xu hướng đối đầu giữa Tehran và Washington sẽ gây bất ổn ở biên giới giữa nước này và Syria hay Lebannon.