Vài tuần sau khi phương Tây khước từ các đề xuất “đảm bảo an ninh châu Âu” do Nga công bố, bao gồm nội dung NATO dừng mở rộng về phía Đông, ngày 24/2/2022, Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt mà theo Tổng thống Putin là nhằm mục tiêu “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Đến nay, Nga duy trì quyền kiểm soát Lugansk, một nửa diện tích Donetsk, phần lớn hai tỉnh Kherson, Zaporizhzhia, đồng thời tuyên bố sáp nhập 4 khu vực theo kết quả một cuộc trưng cầu dân ý.
Hơn 10 tháng xung đột, nỗ lực hòa giải Nga-Ukraine chưa đạt kết quả đáng kể, trong bối cảnh Kiev và phương Tây đặt cược vào khả năng phản công của quân đội Ukraine trên chiến trường; còn Moscow nhất quyết không rút quân chừng nào những yêu cầu đảm bảo an ninh của họ chưa được đáp ứng. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người cho Nga-Ukraine, cuộc xung đột đã kéo theo các biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga- phương Tây, tác động nặng nề tới tình hình an ninh, chính trị, kinh tế toàn cầu.
Khi người dân Liên minh châu Âu (EU) đang gồng mình thắt lưng buộc bụng vì cuộc khủng hoảng năng lượng khiến vật giá tăng chóng mặt, bê bối tham nhũng, rửa tiền của các thành viên cấp cao Nghị viện châu Âu, trong đó nhân vật chính là cựu Phó Chủ tịch Nghị viện Eva Kaili chẳng khác gì một quả bom phát nổ. Cụ thể, bà Eva Kaili cùng 3 người khác bị bắt tại Brussels hôm 9/12/2022 với cáo buộc nhận hối lộ từ Qatar để đổi lấy việc tìm cách gây ảnh hưởng đến Nghị viện châu Âu theo hướng có lợi cho nước này. Tổng số tiền mặt mà cảnh sát Bỉ thu giữ trong các cuộc khám xét văn phòng và nhà riêng của những người liên quan lên tới 1 triệu Euro.
Vụ bê bối đã làm tổn hại nghiêm trọng đến bất kỳ nền tảng đạo đức nào mà Nghị viện Châu Âu tuyên bố trong quá khứ. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cam kết sẽ thực hiện cải cách sâu rộng để làm trong sạch cơ quan lập pháp của EU. Về phần mình, Qatar lại phủ nhận các cáo buộc sai trái trong một bài đăng trên Twitter của Bộ Ngoại giao. Cơ quan này nêu rõ: “Bất kỳ mối liên hệ nào của Chính phủ Qatar với các tuyên bố được đưa ra là vô căn cứ”.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Thuỵ Điển và Phần Lan đã quyết định từ bỏ thế trung lập, nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngày 5/7/2022, tại Brussels (Bỉ), 30 nước thành viên NATO đã ký Nghị định thư kết nạp Thụy Điển và Phần Lan - một động thái mở rộng được coi là quan trọng nhất của liên minh kể từ giữa những năm 1990.
Hiện nay, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, 28/30 thành viên NATO đã phê chuẩn đơn xin gia nhập của Helsinki và Stockholm. Dự kiến, Budapest sẽ thông qua vấn đề trên trong chương trình nghị sự tại phiên họp đầu tiên của năm mới vào 2/2023. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, hồi đầu tháng 11/2022, Tổng thống Erdogan tuyên bố Ankara sẽ không chấp thuận Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh nếu không thực hiện các bước đi cần thiết trong việc giải quyết các yêu cầu của Ankara về trục xuất, dẫn độ nghi phạm khủng bố và dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
2022 có lẽ là năm mà nước Anh phải đối mặt với loạt biến cố chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước này. Trong vòng 2 tháng, xứ sở sương mù trải qua 3 đời Thủ tướng. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng trên là bởi hơn 50 thành viên trong Chính phủ của ông Boris Johnson đồng loạt từ chức hồi tháng 7, nhằm phản đối chuỗi bê bối như vô tận dưới thời ông. Bà Liz Truss, người kế nhiệm ông Johnson trong 45 ngày sau đó cũng từ chức vì áp lực quá lớn và còn bị chỉ trích làm giảm sự ủng hộ của đảng Bảo thủ cầm quyền bởi kế hoạch cải cách thuế không được người dân đồng tình.
Người đảm đương ghế Thủ tướng Anh hiện nay là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, một người gốc Á. Tiếp quản đất nước khi tỉ lệ lạm phát đạt kỉ lục ở mức 15%, ông Sunak được kỳ vọng sẽ áp dụng những kinh nghiệm tài chính – kinh tế dày dặn để giúp nước Anh sớm trở lại đường đua. Cũng trong năm 2022, Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 sau 70 năm trị vì. Thái tử Charles lên kế vị, trở thành Vua Charles III.
Tối 29/10/2022, thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng đã xảy ra tại quận Itaewon, Seoul, Hàn Quốc khi hàng chục nghìn người đổ về đây tham dự lễ hội Halloween và chen lấn, xô đẩy nhau trong một con hẻm dốc, hẹp. Vụ việc trở thành thảm kịch giẫm đạp chết chóc nhất lịch sử Hàn Quốc với 158 người thiệt mạng, trong đó có 26 người nước ngoài. Trước đó, tối 1/10/2022, một vụ giẫm đạp và xô xát đã xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang Indonesia khiến hơn 130 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, biến đây trở thành thảm kịch tồi tệ nhất lịch sử bóng đá.
Hai thảm kịch giẫm đạp xảy ra chỉ trong vòng một tháng với mức độ nghiêm trọng chưa từng có đã bộc lộ lỗ hổng của lực lượng chức năng hai nước trong kiểm soát đám đông và phản ứng với sự cố, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh, an toàn sự kiện hậu COVID-19.
Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt đối với hành trình phát triển của đất nước Trung Quốc. Diễn ra từ ngày 16 đến 22/10/2022, Đại hội XX đã đề xuất tầm nhìn lớn, mang tính chiến lược và những bước đi, cách làm cụ thể, để đưa Trung Quốc đến mục tiêu cơ bản là hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp vào giữa thế kỷ XXI.
Tại Đại hội XX, ông Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Đại hội đã thông qua văn kiện quan trọng là báo cáo chính trị, vạch ra con đường phát triển của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong thời gian tới, trong đó khẳng định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đoàn kết, dẫn dắt nhân dân các dân tộc trên cả nước hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, thực hiện mục tiêu phấn đấu "100 năm thứ hai", thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.
Bán đảo Triều Tiên trải qua năm 2022 không có sự nhượng bộ, khi Triều Tiên gia tăng tần suất các vụ phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo, còn Mỹ - Hàn Quốc và liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.
Kể từ vụ phóng tên lửa đầu tiên hồi tháng 1, tính tới trung tuần tháng 12/2022, Triều Tiên đã phóng ít nhất 65 tên lửa đạn đạo. Triều Tiên nhiều lần khẳng định các vụ phóng tên lửa và nã pháo là nhằm đáp trả các cuộc tập trận do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành. Trên thực tế, năm 2022 chứng kiến sự gia tăng các cuộc tập trận quân sự chung của liên minh Mỹ - Hàn và Mỹ - Hàn - Nhật. Các hoạt động quân sự nêu trên khiến nguy cơ xung đột leo thang luôn cận kề, trong khi các bên liên tục chỉ trích lẫn nhau làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á.
Iran đối mặt một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất nhiều năm, khi làn sóng biểu tình quy mô lớn bùng lên khắp nước này từ tháng 9/2022 liên quan đến cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, người bị "cảnh sát đạo đức" Iran bắt giữ vì mặc trang phục không đúng quy tắc ở thủ đô Tehran. Đầu tháng 12/2022, Iran quyết định giải thể các đơn vị “cảnh sát đạo đức”, nhưng chưa làm tình hình lắng dịu đáng kể. Đến nay, các vụ bạo loạn trong biểu tình đã khiến hơn 300 người, bao gồm nhân viên an ninh, thiệt mạng.
Viện dẫn tình hình bất ổn xung quanh các cuộc biểu tình ở Iran, Mỹ và châu Âu gần đây ban bố một loạt biện pháp trừng phạt mới chống Iran, kéo theo các biện pháp đáp trả từ Tehran, đồng thời kéo lùi triển vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) – văn kiện pháp lý ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ chính thức diễn ra ngày 8/11/2022 và đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện với cách biệt mong manh, trong khi đảng Dân chủ củng cố quyền kiểm soát tại Thượng viện với 51 ghế. Với việc kiểm soát được Hạ viện, đảng Cộng hòa có thêm quyền lực để tác động đến chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden, cũng như có thể mở các cuộc điều tra liên quan đến chính quyền và gia đình ông chủ Nhà Trắng. Dù vậy, đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Thượng viện, đồng nghĩa với việc hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Biden dễ dàng hơn, khi họ có khả năng thông qua các đề cử tư pháp do ông khởi xướng, cũng như bác các dự luật do Hạ viện thông qua.
Giới quan sát nhận định, kết quả bầu cử giữa kỳ cũng có thể là cơ sở để Tổng thống Biden củng cố vị thế của mình trong đảng Dân chủ, dập tắt những tiếng nói hoài nghi về tuổi tác và khả năng lãnh đạo của ông, cũng như là nguồn động lực thúc đẩy ông tái tranh cử vào năm 2024. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử giữa kỳ có thể tác động tới chính sách đối ngoại của Mỹ, thể hiện rõ nhất trong chính sách ủng hộ Ukraine. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy thậm chí đã tuyên bố ông có thể chặn bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cho Ukraine nếu trở thành chủ tịch Hạ viện vào năm tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, phe Cộng hòa sẽ không lập tức cắt giảm viện trợ cho Ukraine, bởi đông đảo cử tri Mỹ vẫn ủng hộ nỗ lực hỗ trợ Kiev đối đầu Moscow.
Bước ra khỏi hai năm hứng chịu tác động nặng nề của COVID-19, thế giới năm 2022 chứng kiến tình trạng lạm phát phi mã, giá nhiên liệu leo thang, với nguyên nhân không chỉ bởi tác động của xung đột Ukraine, mà còn do việc áp dụng thiếu linh hoạt các gói kích thích kinh tế và việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Hiện nay, giải pháp chính được các nước áp dụng để giảm lạm phát là tăng lãi suất, trong đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 7 lần tăng lãi trong năm 2022, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25-4,5%. Tuy nhiên, cách này được cho là không thể giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và gây khó cho các quốc gia, doanh nghiệp phụ thuộc vào các khoản vay, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào nguy cơ suy thoái.
Bên cạnh những thách thức mới, thế giới cũng đối mặt các vấn đề “cũ” nhưng chưa hết nóng như các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP) 27 tại Hy Lạp kết thúc bằng một thoả thuận về bồi thường cho các nước nghèo chịu tổn thất vì biến đổi khí hậu, nhưng chưa có bước đột phá nào về cắt giảm khí phát thải.