Xúc động cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên núi Cô Loang

Thứ Sáu, 01/09/2023, 06:53

Núi Cô Loang nằm ở thôn Sê Pu, xã rẻo cao biên giới Hướng Lập, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Cùng với thôn Cù Bai, nơi đây được ví như cửa tử của những năm chiến tranh khốc liệt chống Mỹ, cứu nước.

Nhằm giữ vững địa bàn, đặc biệt đảm bảo thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ phía Quảng Bình đến Sê Pu, Cù Bai vào phía Nam để di chuyển quân, vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho miền Nam, các lực lượng Bộ đội đã kiên cường ngày đêm bám trụ, chiến đấu anh dũng dưới mưa bom bão đạn của địch.

Đến Khe Sanh - Hướng Hóa, đoạn ngã ba tượng đài Chiến thắng Khe Sanh rẻ phải, vượt thêm gần 100km đường đồi dốc hiểm trở, là đến Đồn Biên phòng Cù Bai Anh hùng nằm bên dòng Sê Băng Hiêng thơ mộng chảy ngược thượng nguồn vào đất bạn Lào. Từ đây, tiếp tục di chuyển lên phía Tây chừng 5km, là đến thôn Sê Pu nằm sát biên giới Việt Nam - Lào. Núi Cô Loang hiện ra ở phía cuối thôn, trong màn sương mỏng của buổi chiều trên dãy Trường Sơn đẹp như tranh vẽ. Quang cảnh nơi đây bình yên đến lạ.

liet si.jpg -0
Một điểm tìm thấy hài cốt liệt sĩ bên trong hang đá nhỏ hẹp trên núi Cô Loang.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Phú, Phó đội trưởng Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (đóng tại xã Hướng Phùng, Hướng Hóa) cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã tiến hành tròn một tháng tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ ở đây. "Hôm nay, anh em tranh thủ nghỉ lấy sức để tiếp tục mở rộng tìm kiếm, di chuyển lán trại vào khu vực gần thôn để tiện cho sinh hoạt và đảm bảo an toàn", Thiếu tá Nguyễn Hồng Phú cho biết thêm và cho người dẫn chúng tôi lên núi và dặn dò phải hết sức cẩn thận, bởi mùa này, nơi đây giáp với Lào nên đang là mùa mưa, đá núi rất trơn trượt, chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể gặp nguy hiểm.

Chúng tôi quan sát thấy, ở đây rặt toàn đá vôi. Rừng tự nhiên từ loài thân gỗ đến các loài thân leo, hỗn giao đều bám rễ, sinh tồn trên các mỏm đá ấy. Với đặc thù rừng tán thấp, các lèn đá luôn giữ được nước và độ ẩm nên có rất nhiều loài côn trùng sinh sống. Đặc biệt là loài kiến đỏ chân cao có mặt ở khắp nơi. Người đi rừng nếu không quan sát kỹ, vô tình vướng phải tổ của chúng, là lập tức bị tấn công trên khắp cơ thể.

Một chiến sĩ dẫn đường cho biết, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở đây vì thế được tiến hành rất khác so với các nơi khác. "Anh em chúng tôi tiến hành tìm theo phương thức cuốn chiếu, bao gồm phát quang điểm nhỏ, xua đuổi côn trùng và dùng bạt che không để mưa xuống bên dưới gây cuốn trôi, hư hỏng hiện trường, sau đó dùng đèn pin soi tìm kỹ bên trong các hốc đá các dấu vết, di vật của liệt sĩ. Trường hợp phát hiện ra các dấu vết, di vật này, lực lượng tập trung phương tiện, con người để tìm kiếm sâu hơn. Trong đó, phải di dời các tảng đá rời ra khỏi miệng các hốc đá lớn nguyên khối để có điều kiện thu gom tỉ mỉ từng miếng nhỏ xương cốt và di vật", anh cho biết.

Quá trình tìm kiếm ở đây cho thấy, các hài cốt liệt sĩ được an táng cùng một phương thức. Đó là được bọc kỹ trong các tăng, võng của Bộ đội, sau đó đặt vào trong các hốc đá và dùng các tảng đá rời đằn đậy cẩn thận. Ngoài ra, các hài cốt liệt sĩ còn được tìm thấy trong các hang động nhỏ hẹp nằm lưng chừng núi. Chúng tôi theo các chiến sĩ vào sâu bên trong một hang động ở đây, thấy có ít 4 điểm được lực lượng chức năng đánh dấu nhằm chuẩn bị tìm kiếm. Ở đó, do tác động của tự nhiên, sự bào mòn của nước và thời gian, các tăng, võng an táng bộ đội cùng các di vật kèm theo, lộ ra lẫn trong lớp mỏng mùn đất trên mặt đá, hầu như đã bị mục mũn và biến mất, chỉ còn lại những dấu vết nhỏ.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng quân trên địa bàn huyện Hướng Hóa có nhiệm vụ chủ yếu giúp đỡ bà con dân bản phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh, tổ chức tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ theo các nguồn tin báo, cung cấp của người dân, cựu chiến binh, hay đơn vị trực tiếp phát hiện trong khi thực hiện nhiệm vụ. Riêng đối với việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ ở núi Cô Loang, là nhờ vào một linh cảm đặc biệt của một chiến sĩ lái máy xúc của đơn vị.

"Vào ngày 27/7 vừa rồi, sau buổi sáng tham gia làm đường vào khu sản xuất cho người dân ở dưới chân núi Cô Loang, cậu lái máy xúc này nghỉ trưa và mơ thấy có 8 chú Bộ đội đang bồng súng đứng gác trước mặt mình. Vì vậy, khi trở lại công việc, cậu ấy điều khiển máy và múc đất rất cẩn thận. Chừng 30 phút sau đó, một nhát múc bất ngờ ngoạm trúng táng đá lớn. Khi tảng đá này vừa được di chuyển khỏi vị trí thì cũng là lúc một lớp tăng, võng của Bộ đội dần lộ ra. Cậu này với kinh nghiệm từng nhiều lần tham gia tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, nên khi thấy sự việc, liền vui sướng hét lớn "tôi tìm ra các chú rồi anh em ơi!".  Lúc đó, tôi nhìn đồng hồ thấy đúng 13h30", Thiếu tá Nguyễn Hồng Phú chỉ tay vào vị trí đầu tiên tìm thấy hài cốt liệt sĩ ở núi Cô Loang, bồi hồi kể lại.

Đến ngày 27/8 vừa qua, tròn sau một tháng, lực lượng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã tìm thấy, cất bốc được 27 hài cốt liệt sĩ ở đây. Theo thông tin và nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, người dân địa phương, các hài cốt liệt sĩ có thể thuộc nhiều đơn vị, trong đó chủ yếu Pháo phòng không, Công binh và Thông tin chiến đấu, hy sinh trong khoảng các năm từ 1967 - 1972. Bởi thời gian này, Cù Bai, Sê Pu là địa bàn đặc biệt quan trọng. Nơi đây có ý nghĩa đảm bảo thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam để rút ngắn thời gian hành quân, vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho miền Nam, đồng thời làm cơ sở, bàn đạp cho cuộc tổng tiến công Mậu thân 1968 trên địa bàn Hướng Hóa, nên thường xuyên bị địch tập trung đánh phá rất ác liệt.

Trở lại việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ ở núi Cô Loang, Thiếu tá Nguyễn Hồng Phú nêu cao quyết tâm, đơn vị sẽ nỗ lực tìm kiếm, cất bốc cho bằng hết các xương cốt, di vật của Bộ đội ở đây. "Chúng tôi tìm tuần tự từ khu vực chân núi lên phía trên và từ ngoài vào bên trong các hang đá một cách chi tiết và cẩn thận nhất có thể, với mong muốn không để sót lại bất kỳ xương cốt, di vật nào của Bộ đội", Thiếu tá Nguyễn Hồng Phú nói.

Chiến tranh đã lùi xa hơn nữa thế kỷ nhưng đến hôm nay giữa núi rừng Trường Sơn vẫn còn lại xương cốt của những anh hùng tuổi mười tám, đôi mươi. Xin cầu mong sẽ sớm tìm thấy hết các anh, để đưa các anh về yên nghỉ cùng đồng đội ở các Nghĩa trang Liệt sĩ ấm cúng.

Thanh Bình
.
.
.