Xúc động buổi đón những ngư dân gặp nạn trở về
Khi 2 chiếc xe ôtô chở những ngư dân trở về sau chuyến biển đầy bão giông vào đến tiền sảnh Hội trường Chi đội Kiểm ngư số 3 (huyện Núi Thành, Quảng Nam), hàng trăm người thân đã đợi sẵn ồ ra ôm chầm lấy rồi òa khóc. Trong ngút ngàn tiếng khóc có cả tiếng gọi ngọng nghịu “anh ơi”, “ba ơi” của những người vợ chờ chồng, của những con thơ chờ bố đã về…
Mặc dù được thông báo hơn 14h ngày 20/10, tàu kiểm ngư 467 chở 83 ngư dân và 2 thi thể ngư dân trên 2 tàu cá QNa-90927TS và QNa-90129TS mới cập bờ, song từ rất sớm, hàng trăm người thân của các ngư dân đã đến cổng Chi đội Kiểm ngư số 3 đăng ký để được vào bên trong.
Trong tâm trạng vừa mừng vừa thẩn thờ chờ người thân trở về, trò chuyện cùng PV Báo CAND, bà Phạm Thị Đi (SN 1948, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cho biết, bà có người con trai là Lê Xuân Phước (SN 1993) và 2 cháu nội Lê Xuân Phong (SN 1993), Lê Xuân Quốc (SN 1997), cùng đi trên tàu cá QNa-90927TS được may mắn cứu sống và trở về.
“Con trai và 2 cháu tôi thật may mắn là được trở về an toàn. Tôi mừng lắm”, bà Đi vừa nói, nước mắt hạnh phúc vừa lăn dài trên đôi gò má đã nhuốm màu thời gian.
Cùng hòa vào dòng người thân chờ các ngư dân được may mắn trở về, chúng tôi nhận thấy có nhiều người là thân nhân của các ngư dân còn đang mất tích.
Ông Trần Văn Cường (SN 1967, trú thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành), anh rể của ngư dân Ngô Văn Hội (SN 1972), một trong 12 ngư dân trên tàu cá QNa-90129TS còn mất tích chia sẻ rằng, ông đến để nghe ngóng thông tin về ông Hội từ các ngư dân trở về lần này.
“Vợ tôi là chị gái của Hội, vì quá đau buồn trước hung tin của Hội nên cũng ngất lên xỉu xuống. Còn vợ và 2 con của Hội cũng đau lòng quá nên sức khỏe suy giảm, phải ở nhà nhờ người chăm sóc. Tôi đến đây để nghe ngóng thông tin về Hội từ các ngư dân đi cùng tàu trở về, chứ ở nhà chúng tôi mù mờ thông tin lắm. Hội mất tích rồi, nhưng lực lượng tìm kiếm vẫn đang nỗ lực tìm kiếm Hội cùng các ngư dân mất tích khác nên gia đình chúng tôi vẫn còn hy vọng, dù hy vọng đó ngày càng mong manh lắm”, ông Cường chia sẻ.
Theo quan sát của chúng tôi, do số lượng người thân các ngư dân đến khá đông nên lực lượng Kiểm ngư phải phân luồng để đảm bảo công tác đón các ngư dân trở về được thuận lợi hơn. Trong khi tại Hội trường Chi đội Kiểm ngư số 3 đã có rất đông người thân ngồi chờ đợi thì ngoài tiền sảnh, hàng trăm người khác cũng đang cùng tâm trạng ngóng trông. Và, ở phía ngoài cổng, người thân các ngư dân cũng xếp hàng dài để chờ người thân của mình trở về.
Khoảng 14h30 ngày 20/10, sau khi chiếc xe chuyên dụng chở thi thể 2 ngư dân xấu số rời khỏi cổng Chi đội Kiểm ngư số 3, 2 chiếc ôtô chở những ngư dân trở về cũng chạm đến tiền sảnh Hội trường Chi đội Kiểm ngư số 3, cánh cửa xe vừa mở, ngư dân vừa bước xuống thì hàng chục người thân đã đến ôm chặt người thân của mình.
Nhiều người đã khóc thật to vì hạnh phúc trong ngày gặp lại người thân sau chuyến biển đầy bão giông. Trong tiếng khóc nức nở, có những tiếng gọi “anh ơi”, “ba ơi” của những người vợ, người con thỏa lòng mong nhớ người thân sau những ngày dài chờ đợi.
Sau chuyến biển cuối năm kinh hoàng, ngư dân Phan Thanh Dũng (SN 1992, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) trên tàu cá QNa-90927TS vẫn còn tỏ ra rất mệt mỏi. Trò chuyện với PV, anh Dũng cho biết, khi tàu cá bị sóng lớn đánh chìm, các ngư dân trên tàu bị rơi xuống biển.
“Lúc vừa bị rơi xuống biển, mọi người rất hoang mang, cố gắng bơi để nổi lên trên mặt biển. Một lúc sau thì những chiếc thúng nổi lên, chúng tôi đã cùng nhau lật thúng lại rồi ngồi lên để chờ tàu đến cứu. May mắn là khoảng 30 phút sau chúng tôi được tàu cá hoạt động gần đó phát hiện, ứng cứu kịp thời”, anh Dũng chia sẻ.
Còn ngư dân Nguyễn Thanh Nguyên (SN 1989, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) trên tàu QNa-90129TS cho biết, do lốc xoáy xảy ra vào ban đêm nên mọi người không biết được, do đó tàu cá bị lốc xoáy đánh chìm rất nhanh. “Khi tàu bị chìm, nhiều người trên tàu đã kịp thoát ra ngoài rồi sau đó bám vào thuyền thúng chờ tàu cá gần đó đến cứu nạn”, anh Nguyên kể.
Phát biểu tại buổi đón các ngư dân trở, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự chia sẻ với các ngư dân gặp nạn và chia buồn sâu sắc đến những ngư dân bị mất và còn mất tích.
“Lãnh đạo tỉnh xin chia sẻ, chia buồn với bà con. Tôi đề nghị chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã hội có những chính sách kịp thời để chia sẻ, động viên với những ngư dân gặp nạn lần này. Rất mong bà con phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, đoàn kết giúp đỡ nhau để sớm vượt qua đau thương, mất mát nhằm ổn định cuộc sống, sớm trở lại vươn khơi bám biển. Bà con ngư dân yên tâm là lực lượng chức năng luôn sát cánh cùng bà con trong những chuyến vươn khơi xa”, ông Lê Trí Thanh chia sẻ.
Gửi lời cảm ơn lực lượng tìm kiếm cứu nạn và các tàu cá những ngày qua đã ngày đêm tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân, đồng chí Lê Trí Thanh mong rằng, trong quá trình hoạt động trên biển, các tàu cá hãy thực hiện đúng các quy định của pháp luật và các ngư dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động trên biển, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Như Báo CAND đã đưa tin, lúc 19h30 ngày 16/10, tàu cá QNa-90129TS do ông Lương Văn Viên (SN 1976, trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động đang hoạt động trên khu vực biển cách mũi An Hòa/ Quảng Nam khoảng 370 hải lý về hướng Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây/ Trường Sa khoảng 132 hải lý về hướng Bắc Đông Bắc thì bị lốc xoáy làm chìm tàu. Tàu cá QNa-90039TS đang hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 40 thuyền viên và 2 thi thể ngư dân, 12 ngư dân mất tích.
Tiếp đó, lúc 1h ngày 17/10, tàu cá QNa-90927TS do ông Trần Công Trường (SN 1981, trú xã Tam Giang) làm thuyền trưởng; xuất bến tại Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa/ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà ngày 5/10, hành nghề câu mực, trên tàu có 39 lao động đang hoạt động trên khu vực biển cách bờ biển TP Quy Nhơn, Bình Định khoảng 240 hải lý về hướng Đông Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc thì bị sóng lớn đánh chìm.
Lúc này, tàu cá QNa-91782TS đang hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 38 thuyền viên, ngư dân Nguyễn Duy Định (SN 1960, trú thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành) mất tích.
Đến thời điểm này, mặc dù công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn được khẩn trương triển khai cả ngày lẫn đêm, song 13 ngư dân mất tích (1 ngư dân trên tàu cá QNa-90927TS và 12 ngư dân trên tàu tàu cá QNa-90129TS) vẫn chưa được tìm thấy.