Xác định hiện trạng sạt trượt đất đá tại thủy điện bậc thang ở Thừa Thiên-Huế

Thứ Bảy, 22/01/2022, 09:37

Tình trạng sạt trượt đất đá tại các vùng núi ở miền Trung, đặc biệt là khu vực thuỷ điện bậc thang ALin - Rào Trăng (Thừa Thiên – Huế) cách nay chưa lây đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Để kịp thời ứng phó với các sự cố xảy ra, giữa tháng 1/2022, một đề tài đột xuất, cấp thiết về“Khảo sát, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân, độ rủi ro do sạt trượt đất đá ở khu vực thủy điện bậc thang ALin - Rào Trăng, tuyến đường 71 và các giải pháp phòng tránh” vừa được cơ quan chuyên môn của tỉnh Thừa Thiên-Huế giao cho Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) thực hiện từ nay đến đầu năm 2023.

TS Nguyễn Thị Thuỷ, Chủ nhiệm đề tài cho biết, mục tiêu đề tài nhằm xác định hiện trạng, nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng sạt trượt đất khu vực sông ALin - Rào Trăng, tuyến đường 71 trước và sau trận lũ năm 2020; khoanh định được các khu vực, các vùng có nguy cơ sạt trượt đất; xác định công trình, các hạng mục công trình có độ rủi ro cao, nằm trong vùng có nguy cơ cao; đánh giá độ an toàn, kiểm định độ ổn định các sườn dốc, mái dốc trong vùng có công trình và có độ rủi ro cao, những tác động bất thường của thời tiết (mưa lớn, mưa có cường độ lớn và kéo dài nhiều ngày...); xác định phạm vi, mức độ thiệt hại và tác động đến vận hành các công trình thủy điện trên hệ thống thủy điện bậc thang; từ đó có được các giải pháp cụ thể khả thi về chính sách, quy hoạch, về vận hành và sử dụng công trình… phục vụ trực tiếp cho công tác phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới.

Còn nhớ vào tháng 10/2020, do ảnh hưởng của bão lũ, mưa lớn đã xảy ra sự cố thiên tai rất nghiêm trọng tại Thuỷ điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đã hơn một năm trôi qua, còn nhiều thi thể công nhân mất tích vẫn chưa tìm thấy.

Xác định hiện trạng sạt trượt đất đá tại thủy điện bậc thang ở Thừa Thiên-Huế -0
Thủy điện Rào Trăng 3, nơi xảy ra sự cố thiên tai đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Liên quan đến thảm họa đau lòng này, ông Phạm Hữu Sy, Hội Địa chất công trình Việt Nam nhấn mạnh, nguyên nhân chính gây trượt tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 là do mưa liên tục với cường độ quá lớn, gây nên trượt chảy chứ không phải là trượt thông thường như các khối trượt độc lập. Xuất phát từ hiện trạng này cho thấy vai trò rất quan trọng của lượng mưa, phân bố mưa trong mùa mưa lũ quyết định sự hình thành phát triển của hiện tượng sạt trượt đất khu vực ALin - Rào Trăng. Vì vậy, đề tài sẽ định lượng hóa tác động của mưa đến sự suy giảm tính chất cơ lý cũng như sự hình thành dòng chảy tạm thời trên sườn dốc đến nguy cơ sạt trượt đất. Trong khi đó, cũng với sự phát triển kinh tế và khai thác lãnh thổ, con người mở rộng hoạt động vào các vùng đồi núi, các thung lũng dạng hẻm vực nên những thiệt hại về tính mạng, về tài sản rất lớn nếu sạt trượt xảy ra so với trước đây…

Qua khảo sát ban đầu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Chi cục Thủy lợi Thừa Thiên-Huế cho thấy, trong thời gian gần đây, một số các hạng mục công trình thuộc nhà máy thủy điện bậc thang trên sông ALin - Rào Trăng vẫn đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt đất, trượt đất lũ quét rất lớn như tuyến đập, tuyến ống dẫn của thủy điện ALin bậc 1, khu nhà điều hành của ALin bậc 2... Tránh sự đe dọa sự an toàn của công trình và kéo theo những hệ lụy đáng tiếc, đề tài đặt ra bài toán cần phải nghiên cứu, đánh giá thực trạng cũng như có các giải pháp cụ thể, khoa học với cách tiếp cận mới trong điều kiện bất thường của thời tiết như hiện nay.

Qua khảo sát của các nhà chuyên môn, Thừa Thiên-Huế nằm trong vùng có điều kiện địa chất, kiến tạo, địa mạo phân dị phức tạp và các điều kiện tự nhiên khác rất đa dạng. Cùng với những hoạt động kinh tế - xã hội của con người đã làm thúc đẩy tai biến địa chất nói chung, tai biến sạt trượt đất đá nói riêng diễn ra ngày càng có xu hướng gia tăng, phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt là vào thời kỳ mưa bão đã gây ra những thiệt hại lớn. Theo kết quả đánh giá của các đề tài liên quan đến vấn đề tai biến sạt trượt đất đá cho thấy, Thừa Thiên-Huế là khu vực có nguy cơ trượt đất đá cao, chiếm 31,89% diện tích tỉnh.

TS Nguyễn Thị Thuỷ, chủ nhiệm đề tài cho biết thêm, khu vực nghiên cứu với diện tích 230km2 tại các công trình thủy điện bậc thang trên sông nhánh ALin - Rào Trăng thuộc khu vực đồi núi phía Tây và Tây Bắc của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cấu trúc địa chất chủ yếu là các thành tạo magma, các trầm tích lục nguyên bị phong hóa nứt nẻ, bị xuyên cắt với các đứt gãy kiến tạo. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi về mặt địa hình - địa chất để phát sinh các hiện tượng dịch chuyển đất đá trên sườn dốc như sạt lở, trượt lở đất, lũ quét và lũ bùn đá...

Với sự phát triển lâu dài trên hàng trăm năm, thế năng, động lực dịch chuyển trọng lực đất đá dần dần được cân bằng nên hiện tượng sạt trượt khó xảy ra nếu không có các yếu tố tự nhiên hoặc nhân tạo tác động. Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, trong quá trình thực hiện đề tài, cần có các bản đồ khuyến cáo các vùng cụ thể có nguy cơ nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho các công trình, cho con người trước nguy cơ sạt trượt đất hiện hữu ở khu vực nghiên cứu.

“Việc thực hiện đề tài sẽ thúc đẩy sự phát triển khoa học nghiên cứu về tai biến sạt trượt đất, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghệ viễn thám – UAV và mô hình hóa trong nghiên cứu sạt trượt đất đá; góp phần hoàn thiện tổ hợp các phương pháp nghiên cứu tai biến địa chất nói chung và sạt trượt đất đá nói riêng. Bên cạnh đó, kết quả của đề tài sẽ góp phần phát triển hệ phương pháp luận như cách tiếp cận, sử dụng các công cụ hỗ trợ tiên tiến trong đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân và phân vùng nguy cơ xảy ra sạt trượt đất trên địa bàn nghiên cứu. Góp phần làm phong phú các công trình nghiên cứu về tai biến sạt trượt đất nói chung ở nước ta và đối với khu vực có điều kiện tự nhiên đặc thù như ở khu vực ALin - Rào Trăng”, ông Hồ Thắng chia sẻ.

Sông Rào Trăng là một nhánh cấp 1 của sông Bồ, bắt nguồn từ vùng núi cao ở Tây Nam xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Trên một khúc sông Rào Trăng khoảng 25km có 4 thủy điện bậc thang: A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4. Các dự án thủy điện bậc thang này đã lấy đi của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền gần 200ha rừng.

Hải Lan
.
.
.