Vỡ mộng cuộc sống nơi xứ người

Thứ Năm, 20/01/2022, 19:54

Mong muốn có được cuộc sống sung sướng, lại thường xuyên bị số đối tượng FULRO lưu vong và một số đối tượng phản động tuyên truyền, kích động, một số người dân tộc thiểu số (DTTS) đã “ảo tưởng” rằng trốn đi nước ngoài có cuộc sống sung sướng nên đã tin theo. Nhiều người đã mất hết tài sản, sống lay lắt trong các trại tị nạn.

Nay H Chấc (Mí H’Oanh) và chồng là Ksơr Y Blia, trú tại xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, Phú Yên. Tháng 8/2016, nghe FULRO 1ưu vong tuyên truyền, lôi kéo, vượt biên sang Thái Lan để ảo tưởng về cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, sau khi đến Thái Lan thì cuộc sống khác xa với những luận điệu tuyên truyền của chúng, cả gia đình phải sống chui lủi trong các khu tạm cư, thường xuyên bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan truy bắt, xử phạt; với thân phận là người nhập cư trái phép (Thái Lan không công nhận tị nạn chính trị) thường xuyên bị chủ lao động bóc lột, chiếm đoạt thù lao.

Vỡ mộng cuộc sống nơi xứ người -0
Các đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức người DTTS Tây Nguyên xuất cảnh phép trái phép bị lực lượng chức năng của Campuchia bắt, trao trả.

Qua công tác nắm tình hình, lực lượng công an đã nắm được hoàn cảnh của hai vợ chồng này nên đã liên lạc, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kinh phí để Nay H Chấc và 3 đứa con hồi hương. Năm 2018, khi về nước, do trước đó đã bán hết tài sản nên đời sống gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên khó khăn về vật chất là một phần, phần còn lại là điều tiếng, định kiến của bà con làng xóm về thân phận phụ nữ mà nghe lời xúi dục của FULR0 lưu vong, vượt biên sang Thái Lan “làm gái”, làm những việc trái với thuần phong mỹ tục.... Nhưng lực lượng Công an đã thường xuyên quan tâm, động viên Nay H Chấc, đồng thời tuyên truyền, giải thích để bà con làng xóm đón nhận, cảm thông cho hoàn cảnh của Nay H Chấc.

Trường hợp thứ hai, vượt biên sang Thái Lan từ đầu tháng 5/2018, sau hơn 3 tháng sống chui lủi, đói khát, khổ cực, Y Miên Êban (trú tại xã Ea Nuool, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk) vừa được lực lượng Công an giúp đỡ quay về với gia đình. Để thực hiện chuyến đi, Y Miên Êban phải trả cho các đối tượng môi giới dẫn đường hơn 20 triệu đồng. Số tiền ấy, đối với người dân miền núi như anh phải vất vả lao động nhiều năm mới dành dụm được. Vẫn chưa hết bàng hoàng, Y Miên Êban kể cho dân làng nghe về cuộc sống khốn khó ở Thái Lan. Anh phải đi phụ hồ làm việc hơn 12 giờ/ngày, nhưng tiền công nhận được khi quy ra tiền Việt chỉ là 280.000 đồng.

Vỡ mộng cuộc sống nơi xứ người -0
Người dân tộc thiểu số bị bắt, giam tại các trại giam của sở Di trú Thái Lan.

"Cuộc sống rất khổ cực, cái gì cũng phải trả tiền, nào là tiền thuê phòng trọ, tiền điện nước, tiền mua đồ ăn... Khi không có việc làm, tiền hết thì ăn cơm với muối ớt để sống qua ngày. Mình thật may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình, chứ giờ mà còn ở bên đó, bị Cảnh sát Thái Lan bắt bỏ tù thì còn khổ hơn nữa. Tiền mất thì cũng tiếc lắm, nhưng đổi lại, mình đã được một bài học để đời vì sự nhẹ dạ cả tin”, Y Miên Êban bộc bạch.

Cùng trở về với Y Miên Êban còn có Y Cuôr Mlô, trú tại buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốc, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk. Ngày Y Cuôr Mlô bị bọn xấu lừa phỉnh vượt biên qua Campuchia rồi đến Thái Lan, mẹ anh là bà Siu Hbli suy sụp hoàn toàn. Bà không tin con mình sẽ có ngày trở về đoàn tụ với gia đình nên ngày đêm lo lắng cho con, tâm trạng buồn bã, không muốn ăn, muốn ngủ.

Thương mẹ và ân hận với việc làm sai trái của mình, Y Cuôr Mlô trở nên chăm chỉ lao động để nuôi sống gia đình. Những ngày tháng đi phụ hồ ở Thái Lan để kiếm từng đồng trang trải cuộc sống đã giúp Y Cuôr Mlô nghiệm ra rằng, ở đâu cũng vậy, phải lao động thì mới có thu nhập, việc không làm mà có ăn, được hưởng cuộc sống sung sướng như lời bọn xấu nói là hoàn toàn bịa đặt.

“Mình nghe người ta đồn là trong tháng 7/2018, tổ chức UNHCR sẽ đưa hết những người dân tộc thiểu số nhập cư trái phép vào Thái Lan qua Mỹ hoặc Canada định cư. Ai không đi sẽ mất cơ hội đổi đời. Tin lời, mình liền xin vợ 15 triệu đồng tiền tiết kiệm trả cho các đối tượng môi giới để qua Thái Lan. Qua đó được vài ngày, một số đối tượng người dân tộc thiểu số Việt Nam sang trước bắt chúng mình phải viết bản tường trình vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, cướp đất của người dân tộc thiểu số. Mình thấy việc đó là hoàn toàn bịa đặt nên không thực hiện, mặc dù bị chúng đe dọa, đánh đập dã man. Thế là mình bỏ đi làm thuê cho người Thái, nhưng cực khổ lắm. Họ ép công nhân làm việc từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối mới cho về. Có khi họ không trả tiền công, mình xin thì họ báo Cảnh sát Thái đến bắt đi tù.

Đến tháng 7 vừa rồi, Cảnh sát Thái Lan truy quét không cho những người nhập cư trái phép đi làm việc nữa, mình phải trốn trong phòng trọ suốt ngày. Để trở về Việt Nam, mình lại phải trả cho các đối tượng môi giới dẫn đường ở bên đó 6 triệu đồng. Hiện nay, rất nhiều người dân tộc thiểu số nhập cư trái phép ở Thái Lan đang rất muốn về nhà nhưng bị bọn xấu khống chế, đe dọa và họ cũng không có tiền để trả cho người dẫn đường”, Y Cuôr Mlô kể lại.

Vỡ mộng cuộc sống nơi xứ người -0
Số người dân tộc thiểu số đang vượt biên.

Không may mắn như các trường hợp trên, Rơ Ô Muel (trú tại buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) ngoài số tiền bị mất, còn bị Cảnh sát Thái Lan bắt bỏ tù suốt 21 tháng trời. Trở về nhà hơn 1 tháng nay, nhưng Rơ Ô Muel vẫn chưa hết ám ảnh, sợ hãi về những ngày tháng sống cầu bơ cầu bất ở Thái Lan.

Anh kể, đầu tháng 4/2015, khi nghe dì ruột là Rơ Ô H’Ui nói, trốn sang Thái Lan làm việc sẽ có tiền công rất cao, Rơ Ô Muel liền xin cha mẹ hơn 25 triệu đồng làm lộ phí. Được các đối tượng môi giới dẫn đường, sau 3 ngày, Rơ Ô Muel và mẹ con bà Rơ Ô H’Ui đã đến được Thái Lan, nhưng số tiền 25 triệu mang theo bị chúng khống chế lấy hết. Tại khu nhà trọ ở Thái Lan, chồng Rơ Ô H’Ui là Ama Yumin và một số đối tượng khác đã khống chế, ép buộc Rơ Ô Muel phải theo “Tin lành Đề Ga”.

Quá sợ hãi, Rơ Ô Muel bỏ trốn ra ngoài đi làm thuê kiếm sống thì bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Sau 21 tháng ở tù, Rơ Ô Muel được Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan giúp đỡ đưa về quê hương. Sau những ngày lầm đường lạc lối, được trở về quê hương và được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con buôn làng, những người hồi cư đã nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, cảm nhận được giá trị của tự do khi sống trên mảnh đất quê hương mình.

Được biết, đầu tháng 4/2018, chính quyền Thái Lan đã ban hành Luật lao động mới, quy định người lao động bất hợp pháp có thể bị phạt đến 3.000 USD và có thể chịu đến 5 năm tù giam. Đồng thời, Cảnh sát Thái Lan cũng tăng cường truy quét, bắt giữ tất cả những người nhập cư và người lao động bất hợp pháp. Vì vậy, cuộc sống của người DTTS nhập cư trái phép vào Thái Lan đã và đang rơi vào cùng quẫn, đầy rủi ro và ngày trở về càng mù mịt.

Xuân Mai

.
.
.