Vĩnh Phúc đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng tại các Làng văn hóa kiểu mẫu
Thực hiện chủ trương xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu (LVHKM), trong thời gian qua, nhiều hạng mục thuộc công trình xây dựng trên địa bàn Vĩnh Phúc đã được triển khai. Với tốc độ xây dựng như hiện nay, nhiều Làng văn hoá dự kiến về đích đúng thời hạn.
Người dân đồng thuận ủng hộ
Trong những ngày đầu tháng 7/2023, có mặt tại khu Làng văn hoá kiểu mẫu đặt tại Tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh- huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, công nhân xây dựng đang hoàn thiện khu vực trồng cây xanh, tường bao của làng văn hoá đã xây dựng xong, có sân tập bóng, khu nhà trưng bày đã dựng xong cột.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các hạng mục hạ tầng đang được chủ thầu đẩy nhanh tiến độ. Bà Đường Thị Liên, Phó Bí thư chi bộ, Tổ dân phố Trong Ngoài cho biết, Tổ có 386 hộ với 1.340 khẩu. Tổ dân phố Trong Ngoài của thị trấn Hương Canh được chọn thí điểm xây dựng LVHKM với diện tích quy hoạch rộng 1,9ha bao gồm các công trình: Nhà văn hóa, công viên, vườn hoa, cây xanh, đài phun nước, thư viện, nhà để xe, phòng truyền thanh, trung tâm học tập cộng đồng, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân cầu lông, bể bơi…
Để thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình LVHKM tại Tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh cũng chủ động thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng LVHKM, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc, khảo sát, quy hoạch, xây dựng chương trình hành động, đề án và kế hoạch triển khai đề án xây dựng LVHKM gắn với phát triển văn hóa thôn.
Khi có chủ trương xây dựng LVHKM trên địa bàn tổ dân phố, người dân rất phấn khởi và đều ủng hộ. Theo đó, trong khuôn viên của Làng văn hoá tận dụng lại nhà văn hoá cũ và sửa sang lại, xung quanh được mở rộng và quy hoạch để xây dựng gồm nhà trưng bày sản phẩm sản vật địa phương, sân bóng mini, bóng chuyền, công viên cây xanh… “Đây là một sân chơi bổ ích cho người dân trong tổ dân phố nói riêng và người dân sinh sống trong khu vực lân cận. Do vậy, khi có Đề án, khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện người dân đều tự nguyện ủng hộ rất nhanh tạo điều kiện trong việc giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Theo đó, khi có mặt bằng, các nhà thầu thực hiện xây dựng rất nhanh”, bà Liên nói.
Cùng chung niềm vui đó, anh Nguyễn Văn Diệu nhà gần Làng văn hoá cho biết, anh và gia đình cũng như người dân ở trong tổ dân phố rất phấn khởi trước sự quan tâm bằng hành động thực tế của Chính quyền trong việc xây dựng một mô hình làng văn hoá tại khu dân cư. Khi LVHKM đi vào hoạt động, vận hành thì người dân tại đây sẽ được hưởng lợi, đây là giá trị bền vững mà chính quyền đã xây dựng được. Hạ tầng phát triển, đời sống người dân được nâng lên, trẻ con cho tới người già đều được thụ hưởng, những giá trị văn hoá, tinh thần và phát triển kinh tế, du lịch theo đó cũng được đẩy mạnh phát triển.
Là một trong 28 thôn, tổ dân phố được chọn thí điểm xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo có hơn 50% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Với chủ trương xây dựng LVHKM gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc như hát Soọng cô, lễ hội vật dân tộc, lễ thượng điền, hạ điền, cơm mới.
Khi được lựa chọn mô hình người dân rất phấn khởi, ông Nguyễn Đắc Nghĩa, Công an viên, Phó Bí thư Chi bộ thôn Lục Liễu cho biết, người dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi. Khi có dự án, người dân rất phấn khởi và ủng hộ. Khi giải phóng mặt bằng, đã thu hồi hơn 8.000m2 đất nông nghiệp của người dân, người dân ủng hộ hoàn toàn việc thu hồi và đã bàn giao đất cho chủ đầu tư. Đến nay, việc san lấp đã hoàn thiện tới 80%, nhà thầu hứa với dân là hết tháng 11/2023 sẽ hoàn thành xong công trình.
Ngày 11/7, chia sẻ với chúng tôi, ông Lý Văn Tám, Trưởng thôn Lục Liễu cho biết, thôn có 22 hộ có diện tích đất bị thu hồi để làm LVHKM, đến thời điểm này, đất đã bàn giao cho thi công và từ 2h chiều ngày 10/7 đơn vị đã chi trả tiền đền bù đất thu hồi cho người dân.
Là người có đất bị thu hồi, ông Trần Văn Ba, ở thôn Lục Liễu vui mừng cho biết, gia đình tôi rất vui và ủng hộ chủ trương xây dựng LVHKM, có khu vui chơi, sinh hoạt cho người dân trong thôn. Giao mặt bằng sớm cho chủ đầu tư thi công, đến ngày 10/7 đúng như cam kết của Ban quản lý dự án người dân đã nhận đủ tiền đền bù, khung giá đất đền bù GPMB người dân đồng tình. Do ban giao mặt bằng sạch sớm, người dân được thưởng tiền GPMB là 120.000 đồng/1m2, khoản tiền này sẽ được chi trả trong khoảng thời gian từ 30-35 ngày.
“LVHKM tại thôn Lục Liễu được bà con kỳ vọng là nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi thể dục thể thao, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân đặc biệt là xây dựng LVHKM gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu”, ông Lý Văn Tám nhấn mạnh.
Các hạng mục đang được gấp rút triển khai
Tại LVHKM Tổ dân phố Trong Ngoài các hạng mục xây dựng tại đây vẫn đang được triển khai, tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, phấn khởi thì bà Liên cũng cho rằng, ở Hương Canh có ngày hội kéo song, kéo song đã trở thành văn hoá truyền thống của người dân nơi đây. Do vậy, người dân trong tổ kiến nghị trong khu vực LVHKM nên xây dựng 1 khu kéo song. “Khu kéo song ở trong quần thể, người dân cũng có sân chơi chung, khi có lễ hội hay tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, lễ hội tổ chức trong khuôn viên của Làng vừa tập trung, đông vui, đảm bảo ANTT, an toàn giao thông. Hiện, mô hình làng văn hoá kiểu mẫu đã có thiết kế, tuy nhiên cũng nên cân nhắc thay đổi một số hạng mục cho phù hợp với văn hoá địa phương”, bà Liên cho hay.
Theo UBND huyện Bình Xuyên, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng LVHKM, huyện Bình Xuyên đang dồn lực, khắc phục khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công 3 khu thiết chế văn hóa tại 3 tổ dân phố trên địa bàn huyện. Hiện tại, UBND thị trấn Hương Canh phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên, nhà thầu khởi công xây dựng nhà văn hóa đã xong phần móng. Đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, máy móc, chia thành nhiều tổ thi công đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó, UBND xã Tam Hợp phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên, nhà thầu khởi công xây dựng nhà văn hóa thôn Chợ Nội, đang tiến hành các phần thi công đổ nền, san lấp mặt bằng, ép cọc, và xây dựng rãnh thoát nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Gia Khánh đã và đang nỗ lực “cán đích” mục tiêu xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu''. Dự kiến đến ngày 2/9/2023, sẽ khánh thành Nhà văn hoá kiểu mẫu tổ dân phố Tam Quang.
Tại huyện Tam Đảo cũng đang tích cực triển khai xây dựng các khu thiết chế văn hóa - thể thao thuộc 5 LVHKM trên địa bàn gồm Lục Liễu, Bản Long, Đồng Bùa, Đồng Pheo và Đồng Cà.
Có mặt tại khu vực triển khai xây dựng LVHKM thôn Lục Liễu xã Đạo Trù (Tam Đảo) ngày 8/7, chúng tôi thấy mặt bằng đã được bàn giao, một số hạng mục cũng đang được triển khai. Được biết, LVHKM thôn Lục Liễu, 100% mặt bằng đã được chủ đầu tư bàn giao cho liên danh Công ty TNHH Chifong và Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Tam Đảo thi công từ những ngày đầu tháng 6/2023.
Theo ông Lăng Đức Thiện, kỹ thuật viên công trình cho biết, thuận lợi của việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án là mặt bằng được bàn giao nhanh chóng, kịp thời với diện tích lên tới 10.000 m2. Trên diện tích hiện có, đơn vị đang tích cực thi công hạng mục móng của nhà văn hóa, khu vực nhà vệ sinh, san nền để làm sân vườn và tường rào, phấn đấu hoàn thành các hạng mục này vào tháng 10/2023. Sau đó sẽ tiến hành phá dỡ nhà văn hóa cũ; phấn đấu đến Tết Nguyên đán 2024 sẽ hoàn thành tổng thể công trình hạ tầng theo phối cảnh đã được duyệt.
Tại Thành phố Vĩnh Yên, việc triển khai xây dựng LVHKM đang được thành phố triển khai nghiêm túc, khẩn trương, đảm bảo tiến độ theo đúng kế hoạch đề ra.
Thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, UBND thành phố thành lập Ban chỉ đạo, lập kế hoạch thực hiện đề án, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của tỉnh về chủ trương xây dựng LVHKM, mục đích, ý nghĩa của đề án. Qua đó, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng thành công mô hình. Trong năm 2023, thành phố Vĩnh Yên triển khai xây dựng 3 LVHKM gồm các dự án: Cải tạo khu thiết chế văn hóa và thể thao tổ dân phố (TDP) Gò Nọi, phường Định Trung; cải tạo, chỉnh trang tuyến phố đi bộ, ẩm thực đường Trần Quốc Tuấn, phường Ngô Quyền; chỉnh trang tuyến phố đi bộ đường Hai Bà Trưng, phường Khai Quang. Ngày 6/2/2023, UBND thành phố Vĩnh Yên tổ chức lễ phát động trồng cây xanh, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng LVHKM tại nhà văn hóa TDP Gò Nọi, phường Định Trung với diện tích khu đất gần 3.000 m2, trồng 25 cây lát và cây sấu. Tổng mức đầu tư Dự án cải tạo khu thiết chế văn hóa và thể thao TDP Gò Nọi gần 15 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 23/5/2023 và bắt đầu thi công ngày 26/5/2023.
Theo ông Sái Văn Nghị, Chủ tịch UBND phường Định Trung, triển khai Đề án thí điểm xây dựng LVHKM, UBND phường đã rà roát các hạng mục công trình thiết chế văn hóa, thể thao của TDP Gò Nọi để báo cáo UBND thành phố, đề xuất phương án đầu tư xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình phù hợp với nội dung đề án. Hiện nay, công trình đang trong giai đoạn thi công. UBND phường thường xuyên cử cán bộ phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn của thành phố kiểm tra tiến dộ, chất lượng thi công công trình, kịp thời báo cáo UBND thành phố xử lý những phát sinh. Đồng thời, nắm bắt tình hình tư tưởng, những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình thực hiện xây dựng LVHKM".
Ngay sau khi Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030, Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh thông qua Đề án xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 được ban hành, UBND phường đã triển khai nội dung nghị quyết đến các TDP và các hộ dân, hướng dẫn đăng ký các nội dung xây dựng mô hình LVHKM; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp hợp tác xã rau hữu cơ và mô hình nhà lưới, lắp đặt hệ thống thiết bị trồng rau, ươm giống theo công nghệ hiện đại.
Đối với Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố đi bộ, ẩm thực đường Trần Quốc Tuấn và Dự án chỉnh trang tuyến phố đi bộ đường Hai Bà Trưng hiện đã phê duyệt chủ trương đầu tư, nhiệm vụ thiết kế, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đang tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định. Tổng mức đầu tư Dự án chỉnh trang tuyến phố đi bộ đường Hai Bà Trưng là 25 tỷ đồng; Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố đi bộ, ẩm thực Trần Quốc Tuấn gần 30 tỷ đồng. UBND thành phố đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, dịch vụ, ẩm thực, thương mại, chính sách hỗ trợ sản xuất các mặt hàng đặc trưng cho các hộ dân trong khu vực. Bên cạnh thực hiện các dự án xây dựng LVHKM, hiện UBND thành phố Vĩnh Yên đã xây dựng xong dự thảo hương ước phường Định Trung và nội quy 2 tuyến phố đi bộ, dự kiến trong thời gian tới xin ý kiến nhân dân và các sở, ngành có liên quan. Cùng với đó, các địa phương xây dựng LVHKM trên địa bàn thành phố tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tham gia giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đóng góp sức người, sức của vào quá trình triển khai xây dựng LVHKM ở địa phương.
Ông Nguyễn Việt Phương, Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên cho biết, để thực hiện LVNKM đạt kế hoạch đã yêu cầu BCĐ, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở tập trung cao độ, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả và đưa đề án thí điểm xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” vào cuộc sống, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, các đơn vị xác định các nội dung, nhiệm vụ, lộ trình, thời gian thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy vai trò chủ động, tích cực trong thực hiện đề án, huy động hiệu quả các nguồn lực trong triển khai, thực hiện. Việc thực hiện đề án nhằm hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, qua đó cải thiện thu nhập của người dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là truyền thống giữ làng, giữ nước; nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Lê Huy cho biết, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình LVHKM trên địa bàn tỉnh, huyện Yên Lạc đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án và thực hiện tại 3 địa phương, gồm LVHKM thôn Chi Chỉ, xã Đồng Cương; LVHKM thôn Man Để, thị trấn Tam Hồng; LVHKM thôn Thụ Ích, xã Liên Châu. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã Đồng Cương, Liên Châu và thị trấn Tam Hồng triển khai thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình LVHKM theo kế hoạch, lộ trình thời gian, gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan và người đứng đầu trong quá trình thực hiện. Phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện, làm thay đổi căn bản diện mạo các LVHKM về hạ tầng KT- XH, giao thông, môi trường…Đồng thời, huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, trong đó có sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc triển khai xây dựng LVHKM trên địa bàn. Hiện, Dự án xây dựng LVHKM tại 3 địa phương hiện đã được phê duyệt địa điểm, cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Yên Lạc lập xong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Đồng thời, đăng tải xong hồ sơ mời thầu thực hiện gói thầu xây lắp. Việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây dựng LVHKM tại các địa phương đã được thực hiện xong; diện tích mặt bằng được đảm bảo, sẵn sàng bàn giao cho chủ đầu tư để các nhà thầu triển khai thi công dự án.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 1.237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao (đạt tỷ lệ 100%). Theo Đề án thí điểm xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023, có 30 LVHKM được thí điểm triển khai xây dựng với kinh phí hỗ trợ 20 tỷ đồng/LVHKM. Các hạng mục đầu tư xây dựng được đưa ra, như khu thiết chế văn hóa với các hạng mục nhà văn hóa thôn, sân bãi; khu thể dục, thể thao có sân bóng đá mini, sân bóng chuyền; khu vườn hoa, cây xanh... Ngoài ra, thiết kế tổng thể của các LVHKM còn là sự kết hợp linh hoạt, hợp lý giữa các khu trưng bày, quảng bá mua sắm sản phẩm tiêu biểu của địa phương gắn với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng… tạo nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Đến nay, 100% LVHKM được chọn thí điểm trên địa bàn tỉnh đã được khởi công xây dựng.
Vĩnh Phúc: “Làngvăn hoá kiểu mẫu” lấy người dân là trung tâm
Vĩnh Phúc coi xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Quá trình thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng. Tỉnh sẽ lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng LVHKM. Về mục tiêu, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng các LVHKM trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Cùng với đó sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Phấn đấu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của LVHKM do cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó: Đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027, hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.
Dự kiến cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa của Đề án là 2.610 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh: 2.475 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp huyện xã và nguồn xã hội hóa: 135 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi từ Đề án là người dân trên địa bàn tỉnh; trước mắt là người dân các làng thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn tiếp theo đến 2030.
Về Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đối tượng áp dụng là các làng, thôn, bản, tổ dân phố, khu phố, khối phố, tiểu khu (được gọi chung là làng) được lựa chọn thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết. Nghị quyết này gồm 16 chính sách đặc thù hỗ trợ, trong đó có 1 chính sách hỗ trợ thông qua hình thức cho vay vốn được ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, 2 chính sách hỗ trợ để thực hiện các dự án đầu tư công. Các chính sách còn lại chủ yếu thực hiện hỗ trợ một lần sau khi đối tượng được hỗ trợ đã hoàn thành mô hình, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận đủ điều kiện.