Việt Nam nằm trong số hơn 30 quốc gia tích cực thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024 cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 13/11.
Tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết: Ngày 14/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao nhận thức, năng lực; rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật. Đồng thời, nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 -2027 để phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường.
Để triển khai nhiệm vụ, giải pháp này, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ ngành có liên quan tổ chức Hội nghị nhằm góp phần nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương. Chương trình tập huấn tập trung vào các nội dung: Tổng quan về Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 -2027; kỹ năng viết bài về chủ đề thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Trao đổi tại hội nghị, TS. Lưu Hương Ly, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường. Đồng thời, giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Trên thế giới, hiện có hơn 30 quốc gia đã xây dựng, ban hành chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, trong đó có Việt Nam.
Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027 gồm 5 mục tiêu: Nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; đảm bảo Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế; xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm; đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật; nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam; hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Lưu Hương Ly cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, để bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý kinh doanh có trách nhiệm; xây dựng chương trình hành động quốc gia trong đó có lộ trình cụ thể; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy kinh doanh có điều kiện ở 5 lĩnh vực cụ thể như thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao; bảo vệ môi trường; quan hệ lao động và các tiêu chuẩn lao động; đảm bảo các quyền dân sự của nhóm yếu thế và bảo vệ quyền của người tiêu dùng...