Vì sao số người nhận Bảo hiểm xã hội một lần tăng cao?
Theo con số của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chỉ trong quý I/2022, đã có hơn 200 nghìn người được giải quyết hưởng BHXH một lần. Con số này lớn hơn cùng kỳ năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 đang ảnh hưởng mạnh tới việc làm và thu nhập của người lao động.
Việc gia tăng số người nhận BHXH một lần là một thực tế rất đáng lo ngại. Không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia khi mà những năm tới dân số nước ta đang bắt đầu già hóa. Tuy vậy, với rất nhiều lao động cuộc sống đang đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay, nhận BHXH một lần cũng chỉ là bất đắc dĩ bởi "cái khó bó cái khôn".
Khó chờ lương hưu
Với thâm niên gần 15 làm công nhân tại một công ty cơ khí, anh Bùi Mạnh Hà (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, thời điểm đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải giãn việc luân phiên, thu nhập giảm vì thế anh cũng quyết định nghỉ việc luôn ở nhà mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ. Sau nhiều đắn đo, vừa qua anh đã quyết định làm hồ sơ xin hưởng BHXH một lần. Dù rất tiếc quãng thời gian đã đóng nhưng việc kinh doanh thì cần thêm vốn, hơn nữa tiếp tục theo thì phải chờ quá lâu.
“Trước tôi cũng có suy nghĩ cố gắng đóng đủ 25 năm để được hưởng 75% lương hưu. Tuy nhiên hiện nay luật đã sửa đổi, tăng thêm độ tuổi và thời gian thành 35 năm nên tôi cũng phải tính lại. Đi làm từ năm 25 tuổi đến nay đã 40 tuổi, nếu tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì cũng phải đóng đến năm 60 tuổi mới đủ thời gian nhận lương hưu. Con cái đi học, chi phí sinh hoạt thì ngày càng tăng nếu đóng quá ít thì tiền lương hưu lại chẳng đủ để duy trì mức sinh hoạt mà đóng nhiều thì không kham nổi”, anh Hà cho biết.
Gần hơn 10 năm làm công nhân, cũng đã nghỉ việc hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Vân (Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng vừa quyết định làm hồ sơ xin hưởng BHXH một lần. Lý do bởi kinh tế gia đình chị đang khó khăn, rất cần ngay một khoản để trang trải.
“Ai cũng muốn tham gia BHXH cả tuy nhiên với công nhân, lao động như chúng tôi để đủ điều kiện hưởng lương hưu là không dễ. Trước mắt để giải quyết việc gia đình, cũng chỉ có khoản này để trông vào nên tôi mới phải rút BHXH một lần. Nếu giữ sổ để chờ đi làm lại tiếp tục theo BHXH thì tôi phải đóng hơn 20 năm nữa, trong khi các công ty tuyển lao động hiện nay chủ yếu tuyển lao động trẻ, lao động 40 – 50 tuổi rất khó trụ được thì quá khó cho chúng tôi có thể theo được”, chị Vân chia sẻ.
Theo chị Vân, công nhân người lao động hiện nay tầm độ tuổi 40 hầu như khả năng lao động giảm sút, nguy cơ bị sa thải, bị mất việc nhiều. Chính vì thế nếu cố làm thêm 20 năm nữa để kiếm chút lương hưu là khó khả thi. Chính vì thế những trường hợp như chị đi rút BHXH một lần cũng là tất yếu.
Cần có chính sách hỗ trợ lao động khó khăn
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, gần đây hình ảnh người lao động xếp hàng từ sáng sớm để chờ rút BHXH một lần rất đáng để suy nghĩ, trăn trở. Lý do cũng bởi, dịch COVID-19 kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động và gia đình họ.
Một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Chính vì thế một số người lao động mới phải rút BHXH một lần. Tuy nhiên, việc này chỉ giúp lao động giải quyết khó khăn trước mắt, còn về lâu dài, nhất là khi đến tuổi già không có lương hưu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
"Người lao động rút BHXH một lần là người lao động đã tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai cũng như chính sách an sinh xã hội chung", ông Hiểu khuyến cáo.
Ông Hiểu cho rằng, nguyên nhân khiến số người hưởng BHXH một lần tăng cao gần đây là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, cũng có một nguyên nhân nữa là quy định hưởng BHXH một lần hiện còn đơn giản, dễ dàng, nhưng để người lao động được hưởng lương hưu lại phải đóng thời gian dài (tối thiểu 20 năm).
Ngoài ra, một số lĩnh vực doanh nghiệp có xu hướng giảm sử dụng lao động lớn tuổi (sau 35-40 tuổi), nhóm này rất khó tiếp tục làm ở những doanh nghiệp khác để đóng tiếp BHXH bắt buộc, nên họ cũng có xu hưởng hưởng BHXH một lần.
“Dù thế nào, quan điểm của tổ chức công đoàn là chúng tôi kêu gọi người lao động cân nhắc kỹ việc hưởng BHXH một lần vì an sinh lâu dài và có lương hưu khi về già. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh, khủng hoảng xã hội có thể diễn ra bất kể khi nào”, ông Hiểu nói.
PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng việc số người lao động rút BHXH một lần tăng thời gian qua đã phản ánh một thực tế có một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động hiện đang rơi vào cảnh rất khó khăn, nghèo túng sau COVID-19.
“Không ít công nhân, người lao động hiện nay cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Do đó khi nghỉ việc không còn thu nhập tích lũy, họ cần nguồn vốn đề chuyển sang việc khác như mở cửa tiệm nhỏ làm ăn để tạo vốn liếng, đảm bảo cho cuộc sống khi không còn đi làm hay xin được việc làm khác. Chính vì thế họ phải rút chính những đồng tiền tích cóp từ đóng BHXH để duy trì cuộc sống hiện tại. Vì vậy dù biết rút BHXH một lần là không nên nhưng họ vẫn rút vì không còn nguồn nào khác", PGS.TS Vũ Quang Thọ nêu thực tế.
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, giải pháp hiện nay là chính sách BHXH cần nghiên cứu, điều chỉnh thời gian đóng hưởng hợp lý với từng đối tượng người lao động để giữ chân và thu hút thêm người lao động tham gia BHXH. Cùng với đó, về lâu dài, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, Nhà nước cần hỗ trợ người lao động có việc làm và thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống, tiếp tục đóng BHXH hỗ trợ cuộc sống về già.
Với những lao động khó khăn, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, có thể cho vay qua hình thức quỹ giúp đỡ công nhân khó khăn với lãi suất ưu đãi để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Khi có được công việc ổn định, người lao động sẽ trả dần.