Sắm vàng mã báo hiếu mùa Vu lan và những nguy cơ

Về “thủ phủ” vàng mã Song Hồ (Bài 1)

Thứ Bảy, 17/08/2024, 08:34

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, thị trường vàng mã rằm tháng 7 năm nay vẫn nhộn nhịp với các mẫu mã nhà lầu, xe hơi, du thuyền, xe máy, đồ gia dụng, quần áo hàng hiệu… Chuẩn bị cho lễ Vu lan, không ít gia đình đã chi nhiều tiền mua đồ vàng mã để cúng tiến người đã khuất, xem đó là một cách để tỏ lòng báo hiếu. Sẽ có hàng trăm tỷ đồng tiêu tốn mua sắm vàng mã trong dịp rằm tháng 7, cùng đó hàng nghìn tấn giấy bị đốt, gây ô nhiễm môi trường cũng như nguy cơ cháy nổ.

Ít đơn hàng, “quả lễ” vài chục triệu đồng

Phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có hơn 90% hộ dân làm vàng mã. Đây được coi là một trong các “thủ phủ” sản xuất vàng mã của miền Bắc. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng sự khó khăn chung của nền kinh tế, sự cạnh tranh của các làng nghề cũng như thay đổi thói quen đốt vàng mã của người dân, sản lượng sản xuất vàng mã của “thủ phủ” vàng mã Song Hồ đã giảm khoảng 30% so với mọi năm.

vaì€ng maìƒ 2.jpg -0
Phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được coi là một trong những “thủ phủ” sản xuất vàng mã của miền Bắc.

Chỉ còn mấy ngày nữa là rằm tháng 7 tuy nhiên những ngày này, “thủ phủ” vàng mã Song Hồ không nhộn nhịp như những năm trước. Gia đình chị Nguyễn Thị Ngát, trú tại khu dân cư Đạo Tú, phường Song Hồ đã có 2 đời làm nghề vàng mã. Là mùa vụ thu nhập lớn nhất trong năm, dịp rằm tháng 7 năm nay, gia đình chị Ngát cũng sản xuất số lượng lớn vàng mã để cung cấp cho các đầu mối tại các tỉnh khu vực miền Bắc.

Chị Ngát cho biết, cũng như dịp rằm tháng 7 các năm, những sản phẩm vàng mã được sản xuất rất đa dạng, phong phú theo đơn đặt hàng của người mua. Gia đình chị sản xuất chủ yếu quần áo, bộ giày dép, bộ gương lược… Những bộ quần áo có giá trung bình từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng tùy vào chất liệu giấy, độ tỉ mỉ, cầu kỳ của sản phẩm. Một bộ quần áo đẹp đóng hộp cẩn thận có giá khoảng 13.000 đồng, bộ rẻ hơn lồng trong túi nilon đơn giản có giá khoảng 3.000 đồng - 5.000 đồng.

“Thường các sản phẩm bán cho thị trường Hà Nội, sản phẩm sẽ yêu cầu kỹ càng hơn, dày dặn và cầu kỳ hơn và tất nhiên là giá cả cũng cao hơn so với các sản phẩm được đưa về bán tại các tỉnh lân cận”, chị Ngát chia sẻ.

Theo chị Ngát, so với những năm trước, vụ rằm tháng 7 năm nay, số lượng vàng mã nhà chị sản xuất giảm khoảng 30%. Lý giải về việc giảm doanh số này, chị Ngát cho rằng, do sự khó khăn chung của nền kinh tế nên người dân cũng thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm vàng mã. Trước đây, vào dịp rằm tháng 7, có những gia đình đặt hàng những “quả lễ” vàng mã lên đến vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. Hay, một số chủ dự án các khu chung cư đặt mua hàng trăm ngôi nhà, xe hơi… lên tới cả trăm triệu đồng thì hiện nay những đơn hàng như thế còn rất ít. Bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng có những làng nghề làm vàng mã phát triển nên sản phẩm có tính cạnh tranh. Nhiều địa phương làm nên số lượng người mua cũng giảm đi.

Nếu như mọi năm, vào khoảng cuối tháng 5, người dân Song Hồ đã nhận nhiều đơn hàng vàng mã phục vụ dịp rằm tháng 7 thì năm nay các đơn hàng đặt muộn hơn là vào đầu tháng 7. Chị Trần Thị Ngàn, chủ cửa hàng kinh doanh vàng mã Hà Ngàn, phường Song Hồ cho biết, với quan niệm “trần sao âm vậy”, làng nghề Song Hồ sản xuất đầy đủ các mặt hàng từ nhà lầu, xe hơi đời mới, điện thoại thông minh, đồng hồ hàng hiệu cho đến quần áo váy vóc, trang sức, mỹ phẩm... Các đại lý tại Song Hồ tất bật chuẩn bị vàng mã, thậm chí đã đóng gói rất nhiều mặt hàng phía bên ngoài để sẵn sàng giao đi.

Tuy kinh tế khó khăn, sức mua giảm hơn, song chị Trần Thị Ngàn cho biết, nhà lầu, xe hơi năm nay vẫn được khách mua nhiều. Từ đầu tháng 7 đến nay, cơ sở của chị Ngàn bán buôn đi khắp các tỉnh phía Bắc và cả phía Nam, tiêu thụ mạnh nhất là quần áo, tiền vàng, đồ gia dụng, song khách tới mua những đồ đắt tiền như ngựa, biệt thự, siêu xe, du thuyền cũng không phải ít.

Sản lượng giảm khoảng 30%

Theo bà Nguyễn Thị Huế, Chủ tịch UBND phường Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, phường Song Hồ có khoảng 1.400 hộ dân, trong đó khoảng hơn 90% các hộ làm vàng mã. Để đảm bảo an toàn phát triển làng nghề, chính quyền địa phương đã tổ chức triển khai đồng loạt các biện pháp liên quan đến công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy với việc thành lập 16 tổ liên gia tự quản trên địa bàn phường. Các hộ gia đình sản xuất vàng mã luôn có đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy. Hộ nào không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy sẽ bị lập biên bản nhắc nhở và xử lý kịp thời.

Về sản lượng vàng mã cung cấp cho thị trường rằm tháng 7 năm nay, bà Nguyễn Thị Huế cũng cho biết, sản lượng sản xuất vàng mã của Song Hồ giảm khoảng 30%-40% so với những năm còn phát triển hưng thịnh. Về lý do sản lượng sản xuất giảm, theo bà Huế, nhiều địa phương cũng đã xuất hiện các làng nghề sản xuất vàng mã mang tính cạnh tranh cao. Đồng thời, mấy năm qua, tình hình kinh tế suy thoái cũng tác động đến việc mua sắm vàng mã của người dân khiến cho thị trường vàng mã của làng nghề Song Hồ không còn nhộn nhịp như những năm trước. Bên cạnh đó, ý thức về tín ngưỡng của người dân cũng nâng cao hơn, giảm đốt vàng mã tại gia đình và đền chùa, di tích lịch sử, vì thế sức mua cũng giảm.

Do sức mua giảm và phải cạnh tranh với các làng nghề sản xuất vàng mã khác nên các hộ sản xuất vàng mã ở Song Hồ giờ không đầu tư lớn sợ lỗ, đồng thời cũng không thuê mướn nhiều nhân công do các đơn hàng lớn không nhiều.

Thế hệ trẻ của Song Hồ hiện nay không phải ai cũng tiếp tục phát triển tiếp nghề truyền thống của gia đình bởi thu nhập không cao. Một số bạn trẻ lựa chọn đi làm công ty tại các khu công nghiệp. Tuy có sự giảm sút về số lượng nhưng không thể phủ nhận, phường Song Hồ vẫn là một trong những nơi cung cấp vàng mã lớn tại miền Bắc. Đây vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân.

Nguyễn Hương – Trần Hằng
.
.
.