Vạch trần bản chất của “Hiện tượng Hà Mòn”

Chủ Nhật, 23/01/2022, 11:23

“Hiện tượng Hà Mòn” đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân như việc người dân bỏ bê lao động sản xuất, nộp tiền cho các đối tượng cầm đầu "Hà Mòn". Cuộc sống của một số người dân tộc thiểu số vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi bị “Hiện tượng Hà Mòn” này lôi cuốn.

“Tà đạo Hà Mòn” còn có tên gọi khác là “Đạo Gyin”; “Công giáo Đề ga” do bà Y Gyin (SN 1942), người dân tộc Ba Na Rơn gao, là tín đồ Công giáo nhưng hành nghề thầy cúng, tâm trí không bình thường sáng lập. 

Trước năm 2007, bà Y Gyin thường trú tại thôn Kơ Tu, xã Hà Mòn, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum. Sau năm 2007, bà chuyển đến ở làng Kơ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Nơi hình thành của “Tà đạo Hà Mòn” trên địa bàn tỉnh Kon Tum sau lan sang Gia Lai, Đắk Lắk. 

Về giáo lý, giáo luật và kinh sách, “Tà đạo Hà Mòn” dựa vào Kinh Thánh, giáo lý, giáo luật và các tín điều của Công giáo, những người đứng đầu “Hiện tượng Hà Mòn” đã sao trích, tự biên soạn ra các tài liệu như: “Thông điệp Đức mẹ hiện hình” hay Sứ điệp Đức mẹ Maria” được sử dụng như là “giáo lý” của “hiện tượng Hà Mòn”. 

Đứng đầu “Tà đạo Hà Mòn” là bà Y Gyin và các đối tượng giúp việc truyền đạo, xây dựng khung tổ chức ở một số nơi. Những người tham gia tập trung “cầu nguyện, dâng hoa Đức Mẹ”, khi cầu nguyện thì ghi những lời răn của Chúa ra giấy; đọc xong đốt lấy nước uống; không cần nhà thờ, không cần chức sắc hướng dẫn.

Vạch trần bản chất của “Hiện tượng Hà Mòn” -0
Vạch trần bản chất của “Hiện tượng Hà Mòn” -1
Công an xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đi từng bản làng, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. 
Về hoạt động, bà Y Gin nói đã nhìn thấy “Đức mẹ Maria hiện hình” trên nóc nhà vào 12 giờ khuya ngày 20/12/1999. Lợi dụng tình hình đó, một số người dân tộc thiểu số theo Công giáo “Hà Mòn” thêu dệt, phao tin cho rằng bà Y Gyin được Đức mẹ nhập vào để sáng lập ra một tôn giáo mới và tuyên truyền nội dung như: Ai theo Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xoá, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh; người đã theo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly tán; “Hà Mòn” mới là “tôn giáo riêng” của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ban đầu, người theo “Hiện tượng Hà Mòn” là một bộ phận tín đồ Công giáo và chủ yếu là phụ nữ người dân tộc thiểu số, sau đó lan truyền và thu hút khá đông người đi theo. 

Hoạt động chia thành nhiều nhóm nhỏ và sinh hoạt tại nhà riêng của “nhóm trưởng”, không đến nhà thờ, nhà nguyện, không nghe linh mục làm lễ; trưởng nhóm thường là người am hiểu kinh kệ, giảng kinh và thực hiện các bí tích rửa tội, hôn phối. 

Với những điều hứa hẹn nhảm nhí "Hà Mòn" đã thu hút được khá đông người dân trong vùng theo và lan ra các tỉnh khác có lúc người theo Hà Mòn lên đến trên 3.500 người thuộc hai dân tộc Ba na và Sê đăng ở 34 thôn, làng của 17 xã thuộc 11 huyện trên địa bàn 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. 

“Hiện tượng Hà Mòn” đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, như việc người dân bỏ bê lao động sản xuất, nộp tiền cho các đối tượng cầm đầu "Hà Mòn"; ảnh hưởng đến đời sống kinh tế vốn đã rất khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Các cháu học sinh là con em gia đình theo “Hiện tượng Hà Mòn” bỏ học nhiều, ảnh hưởng việc học của các cháu, đến việc  giáo dục chung của các trường ở khu vực miền núi và ảnh hưởng đến nhận thức của người dân tộc…Cùng với đó, việc tin chữa bệnh bằng cầu nguyện, những điệu nhảm nhí thay bằng đến các cơ sở y tế đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; ảnh hưởng đến nhận thức trở lại của người dân tộc về việc chữa bệnh bằng câu cùng, bùa ngải. 

Hoạt động của “Hiện tượng Hà Mòn” đã vi phạm pháp luật về tôn giáo, là một tổ chức không được Nhà nước công nhận nhưng vẫn hoạt động như xúi giục, cưỡng ép người dân theo, xúi giục tín đồ Công giáo bỏ đạo, tụ tập đông người để hành lễ. Từ đó, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của cả khu vực”. Trong quá trình hoạt động, “Hà Mòn” đã bị Fulro lợi dụng, móc nối với những phần tử đứng đầu các nhóm, lập ra bộ khung “Hà Mòn Tây Nguyên” và phân công người phát triển “điểm nhóm Hà Mòn”; tuyên truyền gây chia rẽ đoàn kết giữa các dân dộc trong khu vực, giữa tín đồ Công giáo và người theo “Hiện tượng Hà Mòn”.

Vạch trần bản chất của “Hiện tượng Hà Mòn” -0
Vạch trần bản chất của “Hiện tượng Hà Mòn” -1
Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự, cảnh giác trước các tà đạo.

Những người tin theo, tự nhận là “Công giáo Đề ga”, tập hợp lực lượng gây mất ổn định về an ninh ở một số địa bàn. Mục đích của bọn Fulro là phát triển và nhân rộng “Hà Mòn” để Nhà nước công nhận là “tôn giáo riêng” và tiếp tục lợi dụng tôn giáo này nhằm mục địch phản động. Khi “Hà Mòn” mới ra đời có rất nhiều người phần đông là tín đồ người Công giáo các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tin theo, có thời điểm năm 2006 lên đến hàng nghìn người. “Hà Mòn” đã lôi kéo được nhiều thành phần tham gia như cán bộ thôn, bản, Chi hội trưởng phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, phần lớn phụ nữ và thanh niên có trình độ thấp.

Qua công tác đấu tranh, tuyên truyền của chính quyền đoàn thể các cấp, chỉ sau vài năm, hầu hết những người theo đạo “Hà Mòn” đã trở về sinh hoạt tôn giáo bình thường. Đến nay, Bà Y Gyin đã từ bỏ “Hà Mòn” quay trở lại theo Công giáo, nhưng các đối tượng cầm đầu vẫn móc nối với các đối tượng phản động bên ngoài hoạt động lén lút.

Xuân Mai
.
.
.