Ứng dụng công nghệ cao trong phòng cháy chữa cháy
Khi ứng dụng IoT, BigData, AI vào công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), tính mạng tài sản của người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức sẽ được bảo vệ một cách nhanh chóng, kịp thời; thậm chí có thể ngăn ngừa được các thảm hoạ có thể xảy ra...
Từ ngày 19 đến ngày 21/7/2023 tại Cung văn hoá Hữu nghị Hà Nội đã diễn ra Triển lãm quốc tế về kỹ thuật và phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn bảo vệ năm 2023.
Tham dự triển lãm, người dân được chiêm ngưỡng hàng loạt thiết bị PCCC hiện đại như: Robot cứu hộ cứu nạn, Máy bay, Drone cũng như dàn "Kachiusa" phòng cháy chữa cháy tiên tiến, có nhiều tính năng độc đáo lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài lực lượng Công an, Quốc phòng đã giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, hệ thống cảnh báo trực tuyến... nhằm PCCC từ xa, chủ động thông báo, ngăn ngừa và chữa cháy ngay từ những giây phút đầu tiên xảy ra sự cố. Một trong số những giải pháp được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao là "Hệ thống quản lý và giám sát từ xa cho các hệ thống báo cháy, chữa cháy và thoát nạn" của Công ty TNHH Giải pháp Kỹ thuật Lê Dương (Công ty Lê Dương).
Xuất phát từ thực trạng khi có sự cố xảy ra người dân sẽ gọi điện, tìm cách thông báo tới lực lượng PCCC. Tiếp đó cơ quan chức năng sẽ xác minh, huy động cán bộ chiến sỹ và phương tiện nghiệp vụ đến hiện trường để tổ chức chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Quá trình này thường phải mất nhiều thời gian để di chuyển đến địa điểm, tìm đường cho xe chuyên dụng... khiến cho công tác chữa cháy không kịp thời, tuột mất "thời gian vàng" để dập tắt đám cháy trong thời gian ngắn nhất.
Sau một thời gian dài tập trung nghiên cứu, Công ty Lê Dương đã xây dựng một hệ thống kết hợp IoT (Internet of Things)/Data/IT chuyên phục vụ công tác theo dõi, giám sát hệ thống báo cháy, chữa cháy và thoát hiểm; hỗ trợ các tiện ích cứu nạn cứu hộ khi có hoả hoạn xảy ra một cách nhanh chóng nhất. Nếu hệ thống này được đưa vào sử dụng (và cải tiến) thì tính mạng tài sản của người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức sẽ được bảo vệ một cách nhanh chóng, kịp thời; thậm chí ngăn ngừa được các thảm hoạ có thể xảy ra.
Thông qua giao diện web/app truy cập từ máy tính hoặc điện thoại di động các đơn vị chức năng có thể giám sát các hệ thống PCCC một cách linh động và hiệu quả, mà không cần phải có mặt trực tiếp tại hiện trường. Trạng thái và thông số hoạt động của các hệ thống PCCC sẽ được thu thập qua Bo mạch điện tử IoT, truyền dữ liệu lên Data Server và được quản lý tập trung, giám sát 24/24h, nhanh chóng đưa ra các phương án giải quyết phù hợp khi có sự cố xảy ra.
Với dữ liệu lớn (Big Data) thu thập hằng ngày và qua từng đợt chạy thử, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán hỗ trợ bảo trì tiên đoán có thể sớm dự đoán các hệ thống PCCC đang xuống cấp, cần được kiểm tra, giám sát, cũng như bảo dưỡng và sửa chữa và thay thế sớm, nhằm đảm bảo các hệ thống PCCC luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất, sẵn sàng đáp ứng phương châm 4 tại chỗ then chốt trong công tác PCCC.
Với các dữ liệu trên, Cư dân, Ban quản trị, người đứng đầu cơ sở và Cơ quan quản lý nhà nước đồng thời giám sát cơ sở của mình, tạo ra sự phối hợp minh bạch, nhịp nhàng và gắn bó, cũng như đảm bảo công tác xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc đảm bảo an toàn PCCC cho chính cơ sở, chung cư, hạ tầng các bên liên quan có sử dụng. Khi có hỏa hoạn xảy ra hệ thống server và website sẽ xử lý và chỉ ra con đường ngắn nhất để tới hiện trường.
Hệ thống còn cung cấp đầy đủ thông tin về PCCC xung quanh tòa nhà, sơ đồ PCCC và thoát hiểm của tòa nhà làm cơ sở để cư dân hoặc lực lượng cứu hộ đưa ra các quyết định chính xác, nhanh chóng hơn. Hệ thống cũng cung cấp giải pháp định vị và giám sát tình trạng sức khỏe của lực lượng cứu hộ khi thực hiện cứu hộ.
Theo đại diện Công ty Lê Dương, giải pháp kỹ thuật mà công ty đưa ra được phát triển hoàn toàn trong nước, đảm bảo hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư thấp so với các hệ thống hạ tầng nhập khẩu – tiết kiệm ngân sách quốc gia, tự chủ công nghệ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia về an toàn PCCC so với các nước khác. Hệ thống hướng đến các trung tâm kiểm soát và vận hành hệ thống PCCC cả nước với chi phi tối ưu hơn, đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật trong giám sát, cũng như chỉ huy tác chiến khi có hỏa hoạn xảy ra.
Hệ thống phân theo các cấp quản lý xuyên suốt từ trên xuống dưới; có thể mở quyền truy cập cho chủ cơ sở để giám sát cơ sở mình quản lý, cư dân cho chung cư mình cư trú, đưa vào thực tiễn chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cùng giám sát. Các công ty cung cấp dịch vụ bảo trì, vận hành hệ thống PCCC cũng được chia sẻ dữ liệu để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất, hệ thống được sẵn sàng cao nhất, đảm bảo sự an toàn trước nguy cơ cháy nổ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, và mang bình yên cho đời sống nhân dân.