Tường thuật của phóng viên Báo CAND sau đêm trắng thức cùng CBCS cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu

Thứ Ba, 10/09/2024, 09:31

“Lực lượng chức năng đang khẩn trương tiến hành các biện pháp cứu nạn, cứu hộ… Đề nghị cơ quan, tổ chức và nhân dân phối hợp cung cấp những thông tin, tài liệu có liên quan đến người, phương tiện bị nạn và các thông tin khác có liên quan đến vụ việc trên!”, tiếng loa phát thanh liên tục vang lên trên bờ sông Hồng, mang theo cả nỗi xót xa và sự hy vọng của những CBCS Công an, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và cả của người dân, đang mong chờ một phép màu đến với những người bị nạn. 

Trắng đêm mong chờ một phép màu

“Các mũi công tác triển khai trực chốt, không để người, phương tiện không có nhiệm vụ di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố, gây thiệt hại về người, tài sản…”, tiếng bộ đàm liên tục vang lên.

Càng về khuya, mưa mỗi lúc một nặng hạt, dưới sông, nước cuồn cuộn dâng cao, chảy xiết về hạ lưu. Gió từ triền sông hất ngược lên những tán lau, cành cây đang chao nghiêng đến buốt lòng. Bốn tổ công tác của Công an huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ vẫn đang "chạy đua với thời gian", phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Phú Thọ và Bộ Công an, lực lượng Quân đội khẩn trương làm nhiệm vụ.

Những chuyện chưa kể ở đêm trắng cầu Phong Châu -0
Tiểu Ban chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ vụ sập cầu Phong Châu bàn phương án khảo sát lắp đặt cầu phao và tìm kiếm các nạn nhân trong đêm 9/9.

Tổ công tác số 1 thực hiện nhiệm vụ tại ngã ba giao cắt giữa quốc lộ (QL) 32 với QL 32 C, đảm bảo ANTT và TTATXH; đồng thời, hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông di chuyển trên QL 32, không cho phương tiện không có nhiệm vụ di chuyển theo hướng đi đến cầu Phong Châu.

Cùng thời điểm này, tổ công tác thứ 2 triển khai công tác bảo vệ tại khu vực đường bê tông xuống bờ sông sát đầu cầu Phong Châu, nắm tình hình, đảm bảo ANTT tại khu vực xảy ra sự cố; ngăn không cho người, phương tiện đi vào khu vực cầu Phong Châu đang xảy ra sự cố.

Tại ngã ba giao cắt giữa QL 32, QL 32C và khu vực vỉa hè trên vườn hoa công cộng, các tổ công tác cũng khẩn trương triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT, các hoạt động cứu nạn, cứu hộ và khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu.

Những chuyện chưa kể ở đêm trắng cầu Phong Châu -0
Lực lượng Quân đội triển khai phương án bảo vệ rộng hơn khu vực cấm ở hai bên cầu Phong Châu.

Để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, trong việc thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và khắc phục sự cố, tối 9/9, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, một trung tâm chỉ huy dã chiến đã được dựng lên ở khu vực gần bờ sông Hồng tại hai bên đầu cầu Phong Châu.

“Sáng nay, chúng tôi đang họp Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của huyện thì nhận thông tin về sự cố sập cầu Phong Châu. Ngay sau khi nhận thông tin, tôi đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ; huy động 100 % quân số của Công an huyện phối hợp với lực lượng CSGT, lực lượng tham gia đảm bảo ANTT ở cơ sở phong tỏa hiện trường; tuyên truyền, vận động người dân rời khỏi khu vực nguy hiểm”- đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm mất ngủ chống bão lũ, Thượng tá Lã Ngọc Đức, Trưởng Công an huyện Tam Nông nói với chúng tôi, lúc này giọng anh nghẹn lại.

Những chuyện chưa kể ở đêm trắng cầu Phong Châu -0
Cảnh sát PCCC của Công an tỉnh Phú Thọ triển khai lực lượng và thiết bị trong đêm, tham gia tìm kiếm các nạn nhân.

Khi các đơn vị của Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương có mặt tại hiện trường thì  hàng trăm người dân hiếu kỳ tràn xuống ở hai bên đầu cầu Phong Châu. “Trước mắt phải đảm bảo an toàn cho người dân…”- Thượng tá Phạm Quang Hưng, Phó trưởng Công an huyện Tam Nông cho biết.

Ngay sau khi ổn định tình hình ANTT, Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng thiết lập một tổ tiếp nhận thông tin ngay tại khu vực cầu để đánh giá, rà soát thông tin người qua cầu; tiếp nhận thông tin người đến trình báo nhằm xác định danh tính; các xe máy và ô tô qua cầu. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho người dân và động viên những người thân trong gia đình người bị nạn…  

“Chúng tôi tiến hành rà các camera của người dân hai bên đường để đánh giá lưu lượng xe qua lại. Sau đó, phối hợp với Công an huyện Lâm Thao để đánh giá số lượng xe đang đi trên cầu khi xảy ra sự cố cầu sập, từ đó, sàng lọc để có con số chính xác nhất về phương tiện và con người. Việc rà soát qua hệ thống camera không đơn giản bởi thời điểm xảy ra sự việc diễn ra chỉ trong thời gian ngắn, gần như không có người kịp chứng kiến. Nhưng rất may, đã có cứu được 3 người thoát nạn…”- Thượng tá Phạm Quang Hưng tiếp lời.

23h30 phút đêm, dưới ánh đèn yếu ớt, Thượng tá Lê Trung Kiên, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Phú Thọ và các CBCS Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ vẫn tất bật phối hợp với cán bộ Công an huyện Tam Nông khẩn trương thực hiện nhiệm vụ. Tất cả mọi người đều thấm mệt nhưng đều nỗ lực cứu nạn cứu hộ, mong muốn có một phép màu xảy ra.

Những chuyện chưa kể ở đêm trắng cầu Phong Châu -0
Các đơn vị chức năng vận chuyển thiết bị đến khu vực khảo sát lắp đặt cầu phao.

Do ảnh hưởng của bão số 3, mấy ngày qua, mực nước tại các sông, ngòi lên nhanh. CBCS Phòng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Hạ Hòa phân luồng trên QL 32C; phối hợp với Công an địa phương hỗ trợ 300 hộ dân bị mắc kẹt do mưa bão, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân ở những khu vực các bến, bãi bồi ngoài đê. Khi nước lũ tràn về, người dân không kịp vận chuyển tài sản và người mắc kẹt, lực lượng Công an đã sử dụng thuyền đưa người dân, tài sản của nhân dân về nơi an toàn.

Cũng thời điểm này, trực tiếp có mặt tại hiện trường, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cùng lực lượng Công an, Quân đội triển khai các tổ xuống khu vực sát bờ sông Hồng cách hiện trường vụ sập cầu vài trăm mét để khảo sát vị trí lắp đặt cầu phao. Dưới cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, hệ thống dây cáp, tời kéo, bóng đèn chiếu sáng được lực lượng Công an, Quân đội cấp tập vận chuyển, lắp đặt. 

Tại đây, Đại tá Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cũng chỉ đạo lực lượng Công an huyện và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh phối hợp hiệp đồng tác chiến với lực lượng Quân đội để nhanh chóng khảo sát khu vực lắp đặt cầu phao. Do mực nước sông mỗi lúc một dâng cao, chảy xiết trong điều kiện đêm tối, chính vì vậy lãnh đạo Công an tỉnh cũng như Huyện ủy, UBND huyện Tam Nông yêu cầu tất cả CBCS, lực lượng tham gia làm nhiệm vụ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Nén đau thương thu thập thông tin bị hại

“Xin chị bình tĩnh…”- việc ghi thông tin của Trung tá Đặng Thị Thu Hường, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Tam Nông và các đồng đội liên tục phải dừng lại. Trung tá Đặng Thị Thu Hường cùng đồng đội đã luôn phải trấn an tinh thần người phụ nữ - có người thân bị nạn, nhưng đôi mắt cũng đỏ hoe. Trực tiếp tiếp nhận thông tin từ những người dân, đồng thời cũng là phụ nữ, là một người mẹ, người vợ, có lẽ vì thế Trung tá Đặng Thị Thu Hường thấu hiểu hơn nỗi lòng của bậc sinh thành có con em, người thân gặp nạn tại cầu Phong Châu. Vào thời điểm đó, bất kỳ ai dù là mạnh mẽ đến đâu cũng cảm thấy xót xa, đau đớn, khó cầm được cảm xúc. Tất cả đều mong muốn có một phép màu thực sự xảy ra…

Trong ngày 9/9, tổ công tác của Công an huyện Tam Nông đã tiếp nhận thông tin của thân nhân 5 người mất tích. Theo đó, khoảng 13h cùng ngày, một phụ nữ được người dân đưa đến, lúc này người phụ nữ đang rất hoảng loạn. Việc ghi thông tin của cán bộ với thân nhân người bị nạn liên tục phải dừng lại.

Những chuyện chưa kể ở đêm trắng cầu Phong Châu -0
Lực lượng chức năng đi khảo sát tuyến đường lắp đặt cầu phao trong đêm.

Theo lời kể thì khoảng gần trưa, người phụ nữ trên nghe tin sập cầu Phong Châu và gọi điện thoại cho con nhưng thuê bao đều không liên lạc được… nên rơi vào trạng thái hoảng loạn, suy sụp, gào khóc. Khi đó, được những người trong thôn an ủi, động viên, chị đã đến cơ quan Công an trình báo.

Khi có mặt tại nơi tiếp nhận thông tin, cán cán bộ Công an huyện Tam Nông thường xuyên phải động viên, làm công tác tư tưởng với người phụ nữ trên. Ban đầu, chị cũng không nhớ được BKS xe của con đang sử dụng hay như đặc điểm của bộ quần áo người con đang mặc… Từ những thông tin ít ỏi, chắp vá của người nhà nạn nhân cung cấp, Trung tá Đặng Thị Thu Hường và đồng đội lặng lẽ, nhanh chóng rà từng hình ảnh trên những chiếc camera để phân tích, đối chiếu. Trên màn hình máy tính, video thể hiện từng chiếc xe lần lượt trên cầu…

22h đêm, ở lều bạt dã chiến tại đầu cầu Phong Châu, mưa mỗi lúc một thêm nặng hạt. “Mẹ ơi, bao giờ mẹ về nhà…”, lúc này, Trung tá Đặng Thị Thu Hường nhận được điện thoại của con gái. Qua điện thoại, chị động viên các con chăm ngoan ở nhà, rồi lại cùng đồng đội nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ, đảm bảo không để bất cứ người dân, người nhà các bị nạn xuyên qua khu vực bảo vệ tiếp cận lòng sông tìm kiếm người thân có thể tiếp tục gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những chuyện chưa kể ở đêm trắng cầu Phong Châu -0
Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra hệ thống camera, đối soát thông tin, hình ảnh để xác định người và phương tiện đi trên cầu ở thời điểm xảy ra tai nạn.

Trước đó, chiều 9/9, một trạm barie đã được dựng lên để ngăn người dân ra vào khu vực nơi xảy ra vụ sập cầu Phong Châu. Vậy nhưng vẫn có không ít người thân trong gia đình các nạn nhân bởi quá đau lòng đã không kiềm chế được cảm xúc. Họ muốn lao ra bên ngoài rào chắn tiến đến khu vực dòng sông nước đang chảy xiết để mong ngóng tìm người thân đang mất tích. Khi đó, CBCS vừa phải làm nhiệm vụ, động viên thật tốt công tác tư tưởng và đảm bảo an toàn cho nhân dân.

“Có bão, lực lượng Công an phải đi trước…”, từ trước thời điểm cơn bão Yagi đổ bộ, Công an huyện Tam Nông đã tổ chức trực 100 % quân số để thực hiện nhiệm phòng, chống lụt bão. Đêm 7/9, nước sông Bứa dâng cao, chia cắt hai cầu Tề Lễ và Quang Húc, Công an huyện Tam Nông  đã “chạy đua với thời gian” giúp đỡ người dân di dời tài sản, vật nuôi.

Cũng như nhiều đồng đội của mình, 3 ngày qua chị Hường không có mặt ở nhà vì yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống lụt bão. Chồng chị cũng là cán bộ Công an huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ và đang thực hiện nhiệm vụ đi giúp dân phòng, chống bão, nên hai người con của anh chị một cháu học lớp 12, một cháu học lớp 6 phải tự sắp xếp mọi việc ở nhà với nhau. “Cũng may từ nhỏ các cháu đã quen với đặc thù công việc của cả bố lẫn mẹ phải vắng nhà đột xuất, dài ngày, nên hai anh, em ở nhà tự chăm sóc cho nhau”- Trung tá Đặng Thị Thu Hường tâm sự.

Ngoài trời, mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, tiếng gió, tiếng sóng cuồn cuộn của dòng sông qua cầu Phong Châu vẫn đang đổ ầm ào về hạ lưu đến buốt lòng. Đêm nay lại là một đêm trắng với lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Chị Hường chỉ là một cán bộ trong rất nhiều CBCS Công an, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cùng người dân trải qua đêm trắng để tìm kiếm những nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu. Còn rất nhiều câu chuyện cảm động khác mà trong một bài báo chúng tôi không thể nói hết được. Báo CAND online sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin mới đến độc giả.

Xuân Mai - Hoàng Phong
.
.
.