Trao “cần câu” giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng

Chủ Nhật, 16/10/2022, 05:42

Trong những năm qua, song song với công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân luôn được Ban giám thị Trại giam Thanh Cẩm (Bộ Công an) quan tâm, chú trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân có sẵn “cần câu” khi được hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Được tái thành lập năm 2014, Trại giam Thanh Cẩm (Bộ Công an) đóng trên địa bàn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) có 2 phân trại, hiện đang quản lý, giáo dục hơn 2.000 phạm nhân (không có phạm nhân nữ), trong đó có nhiều đối tượng phạm tội nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.

Thời gian qua, Ban giám thị Trại đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và gia đình phạm nhân chăm lo công tác giáo dục chính trị, pháp luật, văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân có sẵn “tay nghề” khi trở về hòa nhập cộng đồng.

20220830_171258.jpg -0
Sau khi được đào tạo, phạm nhân có thể hoàn thiện sản phẩm may mặc theo đơn hàng.

Đại tá Đàm Minh Phong - Giám thị Trại cho biết, công tác dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân được đơn vị chú trọng hơn. “Chúng tôi xác định công tác này là rất quan trọng. Đối với người chưa có tay nghề, chúng tôi phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề, các công ty, doanh nghiệp có uy tín... tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân đến khi thành thạo. Chúng tôi cũng trưng dụng số phạm nhân đã thành thạo nghề, truyền dạy nghề cho những phạm nhân mới vào chưa biết nghề để khi những người này tái hòa nhập cộng đồng, họ chủ động được trong cuộc sống”, Đại tá Đàm Minh Phong cho biết.

Theo đó, năm 2020, Trại mở được 4 lớp đào tạo nghề xây dựng với 120 phạm nhân tham gia; năm 2021 do dịch COVID-19 đơn vị không mở lớp; năm 2022 đơn vị mở 4 lớp học nghề may công nghiệp với 140 phạm nhân tham gia. Ngoài ra, hiện mỗi ngày có hàng trăm phạm nhân đang trực tiếp may các sản phẩm quần áo, bao bì, túi xách... theo yêu cầu đơn hàng.

Phạm nhân Phạm Văn Tuấn (SN 1994) đang chấp hành án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” cho biết, bản thân là con trai út trong gia đình có 3 chị gái, từ nhỏ được cưng chiều nên chỉ học xong lớp 9 rồi bỏ học theo bạn bè chơi bời. Trước khi vào trại, Tuấn là “con nghiện”, những khi không có thuốc Tuấn cảm thấy cơ thể rệu rã không muốn nhấc tay động chân bất cứ việc gì. Từ khi vào trại, vừa cai nghiện vừa thực hiện lao động, đến nay Tuấn đã thành thạo nghề xây dựng và đang tiếp tục học nghề làm tóc giả.

Tại xưởng sản xuất túi xách, chúng tôi thấy có đủ mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng... Mỗi tổ phạm nhân làm một công đoạn theo dây chuyền, người cắt, người may, người đóng khuy, người kẹp dây đeo cho đến khi hoàn thiện một sản phẩm. Phạm nhân Nguyễn Văn Hà (SN 2001) đang chấp hành án 4,5 năm về tội “Cố ý gây thương tích” cho biết, giờ đây anh có thể tự cắt may thành thạo một số sản phẩm theo yêu cầu. Hà mong muốn khi ra trại sẽ tìm được một công việc phù hợp để kiếm sống, xóa đi lỗi lầm không đáng có trong quá khứ.

Theo Ban Giám thị Trại, thông qua công tác tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, hầu hết phạm nhân đã xây dựng, nêu cao được ý thức tự giác trong lao động, yêu lao động, trân trọng và sử dụng tiết kiệm thành quả lao động, yên tâm tư tưởng học tập, cải tạo, tích cực học hỏi tiếp thu kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề. Bằng kết quả lao động, đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân cũng được cải thiện khi họ được hưởng một phần thành quả lao động của mình. Hơn nữa, chính quá trình lao động, học nghề mang lại hứng thú, niềm vui, hy vọng, giúp phạm nhân khám phá và phát huy những thế mạnh của bản thân, hiểu đúng giá trị bản thân mình mà trước đây, vì hành xử lệch lạc đã bỏ qua. Giờ đây, khi chăm chỉ lao động, họ biết trân trọng thành quả lao động của mình và của người khác.

Thiếu tá Hà Bình Minh - Phó Trưởng phân trại số 2, Trại giam Thanh Cẩm cho biết, hiện nay các phạm nhân được đào tạo một số ngành nghề như làm tóc giả, làm mi, may túi xuất khẩu, may bao bì cho các siêu thị, đan mây, làm vàng mã, cơ khí... Ngoài đào tạo nghề, các phạm nhân còn trực tiếp sản xuất một số mặt hàng theo đơn hàng của các công ty liên kết (áo ấm, túi xách, vàng mã...). Có không ít phạm nhân sau khi ra trại đã tìm được công việc làm ổn định, thu nhập cao nhờ được đào tạo nghề khi còn chấp hành án. Hàng năm, tại các hội nghị gia đình phạm nhân, đơn vị đều mời những người này về giao lưu, gặp gỡ nói chuyện với các phạm nhân giúp họ thay đổi nhận thức, tiến bộ trong quá trình chấp hành án.

Trần Thắng
.
.
.