Trắng tay vì sạt lở bờ sông ở Vĩnh Long

Thứ Bảy, 17/12/2022, 08:59

Vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên đoạn qua xã Hòa Ninh (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã cuốn theo nhà cửa, vườn cây ăn trái, ao cá cùng nhiều tài sản khác của người dân. Nhiều hộ lâm vào cảnh trắng tay, tài sản tích lũy bao năm đều đã tan theo bọt nước.

Qua tìm hiểu, vụ sạt lở xảy ra vào chiều 5/12, trên tuyến sông Cổ Chiên phạm vi dài 350m, rộng khoảng 160m, tổng diện tích sạt lở khoảng 41.516m2, trong đó phần đất bãi bồi khoảng 2.600m2. Tổng cộng 22 hộ dân bị ảnh hưởng, 13 căn nhà trôi sông, 1 nhà kho, 1 xe cuốc, 2 ao nuôi cá chốt bị chìm, ước tính thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.

sat_lo_1-1671242402659.jpg
Sạt lở đất bờ sông Cổ Chiên đã cuốn trôi nhà cửa, tài sản của hàng loạt hộ dân.

Khu vực xảy ra sạt lở là vùng đất bãi bồi ven sông Cổ Chiên. Nhiều năm qua, người dân trồng cây ăn trái tạo ra huê lợi rất lớn. Nhiều người sở hữu diện tích đất lớn được xem là “tỷ phú” vùng đất bãi bồi. Sau khi sạt lở, họ đã mất trắng tài sản, vì nhà cửa, vườn tược đều theo con nước. Ông Nguyễn Minh Nhựt, một trong những hộ thiệt hại nặng nhất với khoảng 30.000m2 đất. “Diện tích đất này gia đình cho người khác thuê trồng cây ăn trái, nuôi cá thì giờ đã bị sạt lở hết”, ông Nhựt thẫn thờ.

Để hỗ trợ người dân cũng như động viên tinh thần của các hộ bị ảnh hưởng, chính quyền địa phương đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Lực lượng Công an, Quân sự và các lực lượng khác đã di dời tài sản, hỗ trợ người dân đến ở tạm.

UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ vàm sông Mương Lộ đến rạch Bà Bóng) dài 700m thuộc ấp Bình Thuận 1 (xã Hòa Ninh). Việc công bố tình huống khẩn cấp nhằm ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do thiên tai.

Ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long nhận định đây là vụ sạt lở rất kỳ lạ, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Hiện tại khu đất đang còn dấu hiệu sạt lở tiếp nên Sở tham mưu UBND tỉnh thuê đơn vị độc lập khảo sát địa chất để tìm nguyên nhân. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, khu vực sạt lở không cấp phép khai thác mỏ cát cho bất kỳ đơn vị nào. Cách khu vực sạt lở tính từ điểm cuối của điểm sạt lở đến điểm đầu của mỏ cát gần 300m, DNTN Huỳnh Phát được cấp phép khai thác đến ngày 31/12/2022. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định tạm dừng khai thác cát đối đơn vị được cấp phép kể từ ngày 7/12, do có vấn đề sạt lở bờ sông vừa xảy ra.

Tỉnh Vĩnh Long có 28 khu vực mỏ khai thác cát sông được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép hoặc gia hạn cấp phép hoạt động, phân bổ trên 3 tuyến sông chính là sông Tiền (3 khu vực mỏ), sông Hậu (8 khu vực mỏ) và sông Cổ Chiên (17 khu vực mỏ). Hiện tại có 9 khu vực mỏ ngưng hoạt động do giấy phép hết hạn, 2 khu vực mỏ không hoạt động do phản ứng gay gắt của người dân. Vĩnh Long có địa bàn rộng, sông nước chằng chịt, nhiều ngã rẽ và nhiều tuyến sông là ranh giới tự nhiên với các tỉnh trong khu vực. Các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép có phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhiều chiêu trò đối phó. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh trong phòng chống khai thác, vận chuyển cát trái phép còn lỏng lẻo.

“Về tình hình khai thác cát sông trái phép tuy có giảm so với trước đây nhưng từng lúc, từng nơi vẫn còn xảy ra, nhất là trên tuyến sông Tiền, sông Cổ Chiên, giáp ranh thủy phận các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre… Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 73 vụ, trong đó 2 vụ có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ”, Thượng tá Nguyễn Việt Đáp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thông tin.

Công an tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi khai thác cát sông trái phép, các hành vi bảo kê, tiếp tay cho hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát trái phép.

Văn Vĩnh
.
.
.