Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023
Trong số 100 đại biểu được tôn vinh năm nay, có 16 đại biểu thuộc khối giáo dục, 8 đại biểu là nhân viên y tế, 7 đại biểu thuộc lực lượng vũ trang và 3 đại biểu người dân tộc thiểu số.
Chiều 27/7, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức họp báo thông tin về Chương trình Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Đây là năm thứ 15 hoạt động này được tổ chức ở nước ta. Mỗi năm có 100 tấm gương tiêu biểu từ khắp mọi miền đất nước được lựa chọn tôn vinh, tổng số đã có 1.500 lượt đại biểu được biểu dương. Họ đều là những tấm gương hiến máu, hiến tiểu cầu thường xuyên và hiến cả trong những tình huống khẩn cấp; đồng thời, họ đã tích cực vận động hàng trăm, hàng ngàn người tham gia hiến máu.
Thông điệp của chương trình tôn vinh năm nay theo chủ đề Ngày Quốc tế người hiến máu của Tổ chức Y tế Thế giới là “Thường xuyên hiến máu, hiến huyết tương. Chia sẻ yêu thương, trao sự sống”. Thông điệp này nhằm kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu, hiến các thành phần máu thường xuyên, trong đó có huyết tương.
PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Ở nhiều nước trên thế giới, hiến huyết tương gạn tách tương đối phổ biến. Tại Việt Nam, hiến huyết tương chưa được triển khai rộng rãi như hiến tiểu cầu, nhưng là xu hướng được ngành Huyết học – Truyền máu hướng tới. Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến lâu hơn, nhưng bù lại, chỉ cần sau 2-3 tuần có thể hiến nhắc lại. Qua rất nhiều năm thì đến nay, nhận thức của tất cả các tầng lớp nhân dân cả nước về hiến máu, hiến thành phần máu đã có có sự thay đổi cơ bản”.
Trong số 100 đại biểu được tôn vinh năm nay, có 16 đại biểu thuộc khối giáo dục, 8 đại biểu là nhân viên y tế, 7 đại biểu thuộc lực lượng vũ trang và 3 đại biểu người dân tộc thiểu số.
Đại biểu lớn tuổi nhất là 61 tuổi, đại biểu trẻ nhất là 22 tuổi. Có 10 đại biểu đã hiến máu từ 19 - 29 lần, 60 đại biểu đã hiến máu từ 30 - 49 lần, 20 đại biểu đã hiến từ 50 - 69 lần, 8 đại biểu đã hiến từ 70 - 99 lần, 2 đại biểu hiến từ 100 lần trở lên. Tổng số 100 đại biểu năm nay có số lần hiến máu, hiến tiểu cầu lên đến gần 4.500 đơn vị.
Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện khẳng định: “Hiến máu tình nguyện không chỉ để cứu sống người bệnh, mà chúng ta còn gieo thêm những hạt giống của lòng nhân ái, sự sẻ chia, tình yêu thương trong cuộc sống, tô đẹp thêm truyền thống “Tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện để công tác hiến máu tình nguyện ở địa phương tiếp tục phát triển bền vững. Tôi kêu gọi những người có đủ sức khỏe hãy tham gia hiến máu thường xuyên, hiến máu nhắc lại để duy trì nguồn người hiến máu ổn định, đáp ứng cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân vì đó là ý thức cộng đồng và lan tỏa tính nhân văn, nhân đạo của con người Việt Nam”.
Chuỗi các hoạt động tôn vinh năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày tại Hà Nội và Phú Thọ. Đặc biệt, chiều 29/7, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp mặt biểu dương các tấm gương hiến máu tiêu biểu; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với phong trào hiến máu tình nguyện.
Tại Việt Nam, sau đại dịch COVID-19, công tác hiến máu tình nguyện đã đi vào ổn định cả về số lượng và chất lượng. Lượng máu vận động và tiếp nhận của toàn quốc năm 2022 đạt trên 1,43 triệu đơn vị máu, trong đó 99% là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu.
Những tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận gần 900.000 đơn vị máu thông qua các chiến dịch: Chiến dịch Vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết - Lễ hội Xuân hồng và Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, Chiến dịch Những giọt máu hồng hè và Hành trình Đỏ.