“Tôi thương ông cả cuộc đời giản dị, hy sinh vì dân vì nước”
Trong dòng người dân vào kính viếng Tổng Bí thư, cô Nguyễn Thị Hoa, 62 tuổi, khó khăn di chuyển trên chiếc xe lăn. Vừa lau nước mắt, cô vừa nghẹn ngào: “Giá như tôi khoẻ hơn, đi lại dễ dàng hơn, nhất định tôi sẽ đến Nhà tang lễ Quốc gia viếng thăm Tổng Bí thư. Tôi thương ông cả cuộc đời giản dị, hy sinh vì dân, vì nước”.
Quê nhà Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh trong Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 25/7, bầu không khí trầm buồn lan toả. Nỗi tiếc nhớ người con ưu tú của quê hương thấm từng bờ tre, gốc lúa.
Ngay khi có thông cáo đặc biệt về Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng lúc tại ba địa điểm, trong đó có một điểm tại quê nhà của đồng chí Tổng Bí thư tại thôn Lại Đà, lòng người dân Lại Đà đã trào dâng bao cảm xúc.
Với lòng tiếc thương vô hạn đồng chí Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên mọi miền đất nước nói chung, huyện Đông Anh nói riêng đều bày tỏ mong muốn được đến viếng và tiễn đưa đồng chí Tổng Bí thư của lòng dân, người con ưu tú của quê hương Đông Anh. Có lẽ chưa bao giờ Lại Đà đón nhiều đoàn khách và bà con nhân dân từ nhiều địa phương trong cả nước tụ về đây như những ngày này.
Phía trong sân nhà văn hoá - nơi tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cụ Phan Văn Hựu, SN 1930 ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung được con trai và cháu trai đưa tới viếng Tổng Bí thư. Cụ Hựu năm nay đã 95 tuổi đời, 70 năm tuổi đảng, là sĩ quan Quân đội về hưu. Anh Phan Văn Sơn, con trai cụ Hựu, chia sẻ, dù sức khoẻ cụ không được tốt nhưng cụ vẫn nhất quyết phải đến lễ viếng Tổng Bí thư. Anh Sơn thỉnh thoảng lại ghé tai cụ Hựu hỏi: “Bố có mệt không?”. Bước đi chầm chậm, cụ bảo: “Bố không mệt, chỉ thấy tiếc nuối và thương nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Ngồi nghỉ dưới bóng cây cạnh hồ nước nhà văn hoá, giọng nói run run xúc động, vị lão thành cách mạng chia sẻ: “Tôi tham gia mạng từ năm 16 tuổi, đi qua hai cuộc kháng chiến, sau đó công tác trong Quân đội. Tôi là người đảng viên, tôi phải đến thắp hương cho người đồng chí của mình, người cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đất nước mình. Tình cảm của dân với Đảng, với đồng chí Nguyễn Phú Trọng nặng ân tình. Tôi trân trọng tình cảm thiêng liêng ấy. Đó là biểu hiện rõ nét của lòng dân – ý đảng”.
Trong dòng người dân vào kính viếng Tổng Bí thư, cô Nguyễn Thị Hoa, 62 tuổi, khó khăn di chuyển trên chiếc xe lăn. Đường làng hôm nay đông kín người nên phải mất một lúc lâu cô mới đến được Nhà văn hoá thôn Lại Đà. Cô Hoa người làng Đông Ngàn, xã Đông Hội. Dù đi lại khó khăn, dù mọi người khuyên cô nên ở nhà xem truyền hình trực tiếp lễ viếng trên tivi, nhưng cô vẫn nhất quyết ra nhà văn hoá.
Vừa lau nước mắt, cô vừa nghẹn ngào: “Giá như tôi khoẻ hơn, đi lại dễ dàng hơn, nhất định tôi sẽ đến Nhà tang lễ quốc gia viếng thăm Tổng Bí thư. Tôi thương ông cả cuộc đời giản dị, hy sinh vì dân vì nước”.
Trong tiếng nhạc cử hành lễ viếng, bà Nguyễn Thị Dị lặng người. Hôm nay, bà cùng những người đồng đội là bà Nguyễn Thị Giang và bà Bùi Thị Côi đến kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều đặc biệt là họ cùng mặc quân phục, đầu đội mũ tai bèo cùng dôi dép rọ nâu. Đó là quân phục họ từng mang khi còn công tác tại nhà máy Z153 đóng tại thị trấn Đông Anh. Nay trên ngực áo còn gắn thêm huy hiệu cựu chiến binh, bởi họ từng là những chiến sĩ thanh niên xung phong dũng cảm.
“Đi qua chiến tranh, tôi hiểu cái giá của cuộc sống hoà bình, no ấm hôm nay. Càng hiểu hơn và biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhân cách lớn, một trái tim nhân hậu, một đời hết lòng vì nước, vì dân, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, bà Dị nói những lời xúc động.