Tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thứ Bảy, 30/11/2024, 20:31

Dịch vụ công giúp người dân, doanh nghiệp giao dịch hành chính được nhanh chóng, chính xác, minh bạch, tiết kiệm, thuận lợi. Tỉnh Hòa Bình đã thực hiện rà soát, kiến nghị phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) với 56 TTHC trên các lĩnh vực tạo môi trường làm việc nhanh chóng, hiện đại.

Với việc triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển công nghệ thông tin và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 24/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc về chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến mới cả về nhận thức và hành động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

anh 1 bai dich vu cong truc tuyen.jpg -0
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức giao dịch thủ tục hành chính.

Theo đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hòa Bình cho biết, với mục tiêu đến năm 2025, Hòa Bình cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh, hoàn thành chuyển đổi số với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên tập trung đẩy mạnh nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực. Phấn đấu từng bước nâng tỉnh Hòa Bình nằm trong nhóm xếp hạng khá của quốc gia, trong Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số DTI năm 2025.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã đạt được bước tiến lớn trong phát triển chính quyền số, cụ thể, đã có 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các hồ sơ TTHC như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đều thực hiện nghiêm việc bãi bỏ, không yêu cầu người dân, tổ chức cung cấp các thành phần hồ sơ nêu trên khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Thời điểm hiện tại, số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp, cung cấp  trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 1.474 dịch vụ công/1.897 TTHC, tỷ lệ 77,70%.

100% người dân khi đến thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa các cấp đều được hướng dẫn, hỗ trợ, tạo tài khoản định danh, xác thực điện tử trên Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo người dân không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, đã có 35.585 lượt tra cứu, khai thác thông tin dân cư trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết hồ sơ TTHC, cung cấp dịch vụ công trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh tiết kiệm không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ.

Tại TP Hòa Bình, xác định ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng, xây dựng chính quyền điện tử. Từ đó từng bước chuyển đổi nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước và nâng cao chất lượng cải cách hành chính trên địa bàn. Trong năm 2023, thành phố là đơn vị dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các huyện, thành phố.

Ngoài ra, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số được thành phố quan tâm đầu tư. Hiện nay, TP Hòa Bình đã triển khai hạ tầng kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II cho 19/19 phường, xã đảm bảo việc khai thác các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, thành phố; thực hiện xử lý văn bản trên hệ thống phần mềm, 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp xử lý văn bản đi, đến và ký số trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản theo quy định. Số văn bản đi được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử là 16.777 văn bản, không còn văn bản đi được gửi hoàn toàn bằng bản giấy; 709 hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố tiếp nhận 14.332 hồ sơ; 14.252 hồ sơ được giải quyết và trả kết quả qua phần mềm một cửa điện tử. Có 3.008 hồ sơ giải quyết của TTHC toàn trình; 1.831 hồ sơ, chiếm 59,29% giải quyết dưới dạng toàn trình; 33.998/37.644 hồ sơ, đạt 90,32% đã tiếp nhận, giải quyết trực tuyến một phần. Thực hiện số hoá hồ sơ, thành phố có tổng số 14.471 hồ sơ, đã hoàn thành số hoá 9.990 hồ sơ, đạt 69,45%.

Xã Thạch Yên, huyện Cao Phong là địa bàn vùng cao, khó khăn của huyện, trình độ cán bộ, công chức của xã còn có mặt hạn chế so với các xã vùng thuận lợi. Tuy nhiên, với tinh thần không ngừng cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức xã đã có ý thức tự học, tự rèn luyện. Nhờ vậy, năng lực công tác được nâng lên, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng công việc và phục vụ người dân; nhiều giao dịch hồ sơ thủ tục hành chính có tính chất phức tạp trước đây theo thẩm quyền giải quyết của xã mất từ 3 - 5 ngày, đến nay giảm còn 1 ngày, thậm chí có những hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trả kết quả luôn trong ngày.

Có thể khẳng định, làn sóng chuyển đổi số cùng với công tác truyền thông đã tạo sự lan tỏa, tham gia và hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành những nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Minh Hiền
.
.
.