Thuế thuốc lá ở Việt Nam còn thấp so với các nước ASEAN và trung bình thế giới
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về tỷ lệ sử dụng thuốc lá, với khoảng 15,3 triệu người hút thuốc trực tiếp và 33 triệu người hút thuốc thụ động. Đáng chú ý, trong số này, phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, những hệ lụy về sức khỏe và chi phí xã hội từ việc hút thuốc lá là vô cùng nghiêm trọng, với ước tính mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này có thể lên tới 70 nghìn người vào năm 2030.
Nhận thức được điều đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Bên cạnh việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá, triển khai các chương trình tuyên truyền, cũng như áp dụng biện pháp cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt, công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt đã được chú trọng hơn, nhằm gia tăng chi phí sử dụng thuốc lá, qua đó giảm thiểu tiêu dùng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, các kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Không ít nghiên cứu đã đi vào giải thích nguyên nhân vì sao tình trạng sử dụng thuốc lá chưa giảm, dù đã có nhiều biện pháp, trong đó có điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt. Chẳng hạn, mặt bằng thu nhập của người dân được cải thiện, khiến chi phí sử dụng thuốc lá chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong thu nhập. Điều này đòi hỏi phải tiến hành các nghiên cứu sâu rộng hơn, dựa trên bằng chứng khoa học chặt chẽ, cập nhật và có tính dự báo hơn để làm căn cứ đề xuất các giải pháp chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh, thhiết lập được mỗi liên hệ giữa thu thuế từ thuốc lá đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các kênh tác động kinh tế vĩ mô nói riêng là một hướng đi quan trọng. Riêng việc sử dung khoản chi ngân sách nhà nước cho các chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) từ gia tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể giúp đưa ra những cân nhắc đa chiều hơn đối với các đề xuất về thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, thuế thuốc lá ở Việt Nam còn tương đối thấp so với các nước ASEAN và trung bình thế giới. Qua kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Philippine, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và trẻ em. Đồng thời thu ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giúp Chính phủ cải thiện nguồn thu ngân sách nói chung và từ đó có thể gia tăng đầu tư vào lĩnh vực khác.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, Việt Nam cần nghiên cứu để chuyển sang áp dụng cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với thuốc lá. Đề xuất sửa quy định của Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng cho phép gắn một số khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt đặc thù (như thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá) với một số chương trình, hoạt động chi từ nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững…
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, theo ước tính số tiền bỏ ra mua thuốc lá lên đến 49.000 tỷ VNĐ/năm. Tuy nhiên chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá là 108.000 tỷ đồng chiếm 1,14% GDP. Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
Việc hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên đang gia tăng nhanh chóng và có thể ngăn ngừa được. Hiện, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ sản phẩm thuốc lá của Việt Nam chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Do đó, việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, trước hết là trong thanh thiếu niên và người nghèo, bên cạnh đó việc tăng thuế thuốc lá cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe.
Vì vậy, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đều tập trung vào các giải pháp xây dựng và điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nhằm tạo ra sự liên kết giữa nguồn thu thuế và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Các chuyên gia và đại diện từ các tổ chức trong và ngoài nước cũng chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện những đề xuất chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có căn cứ khoa học và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.