Thủ tướng: Chậm nhất 31/12 phải hoàn thành xây dựng lại bản Làng Nủ
Chiều 12/9, ngay sau khi kết thúc chương trình làm việc tại Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai để thị sát tình hình; thăm hỏi đời sống người dân; kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân. Tại hiện trường, lực lượng chức năng chủ công bao gồm Công an tỉnh Lào Cai, Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc của Bộ Công an, lực lượng Quân khu 2 vẫn đang tiếp tục triển khai lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn những nạn nhân bị mất tích.
17h30: Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Lào Cai phối hợp với các bộ, ngành chức năng sớm khảo sát, tìm kiếm địa điểm để xây dựng mới thôn Làng Nủ bình yên, văn minh, an toàn, phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn, lời thăm hỏi ân cần, sâu sắc nhất đến Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lào Cai nói chung và các gia đình có người thân thiệt mạng, bị thương, mất tích trong lũ lụt của thôn Làng Nủ nói riêng.
Biểu dương các lực lượng Quân đội, Công an trong những ngày qua đã tập trung tìm kiếm những người mất tích, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng thay đổi phương thức, biện pháp tìm kiếm để đạt hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh; khôi phục lại hệ thống đường giao thông.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng khôi phục lại các cơ sở giáo dục đào tạo để cho các em nhỏ đến trường sớm nhất có thể. Chính quyền các cấp sớm khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; động viên, chia sẻ, nắm tình hình xem còn gì người dân còn khó khăn để giúp đỡ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng cũng như các bộ, ngành có liên quan phối hợp với tỉnh Lào Cai và các cơ quan chuyên môn sớm khảo sát, tìm kiếm, quy hoạch tìm những địa điểm an toàn; nhanh chóng khôi phục lại thôn Làng Nủ. Thời gian hoàn thành nhiệm vụ này được Thủ tướng “chốt” chậm nhất ngày 31/12/2024. Thủ tướng cũng giao cho cấp ủy, chính quyền tỉnh cùng lo, thiếu gì, cần gì tỉnh báo cáo Chính phủ để giải quyết.
16h30: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đến hiện trường vụ lũ quét kinh hoàng ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai để thị sát tình hình; thăm hỏi đời sống của người dân; kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân. Tham gia Đoàn công tác của Chính phủ, về phía Bộ Công an có Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an.
15h00: Tìm thấy thêm 1 thi thể nạn nhân, hiện còn 51 người mất tích.
Lào Cai đảm bảo không phát sinh các dịch bệnh sau bão, lũ
Cơn bão số 3 với hoàn lưu lớn đã gần như “nhấn chìm” tỉnh Lào Cao. Tại một số địa điểm ở TP Lào Cai, mực nước có lúc cao tới mức 3m. Trước tình hình này, Sở Y tế tỉnh Lào Cai đã chủ động chỉ đạo các đơn vị triển khai vệ sinh khử khuẩn môi trường tại các điểm có nguy cơ gây dịch bệnh và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ.
Theo đó, các đơn vị đã chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh và triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm.
Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường.
Đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc “ăn chín, uống chín”, đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp...
Tính đến ngày 12/9, các đơn vị đã triển khai phun khử trùng tại gần như toàn bộ các trường học, chợ, các hộ dân, các khu vực bị ngập lụt và hiện đang tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo không phát sinh các dịch bệnh sau bão lũ.
13h30: Sử dụng bản đồ Làng Nủ trước và sau lũ quét để xác định vị trí tìm kiếm các nạn nhân
Dù thời gian tìm kiếm buổi chiều được ấn định là 13h30, nhưng trước đó các đơn vị Công an, Quân đội đã có mặt ở dòng suối Nủ để tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân. 13h30, tại Trung tâm chỉ huy tìm kiếm cứu nạn cứu hộ được đặt ở Nhà văn hóa xã Phúc Khánh, lực lượng chức năng đã treo nhiều tấm bản đồ về Làng Nủ, xã Phúc Khánh trước và sau khi vụ lũ quét kinh hoàng xảy ra để phục vụ cho việc xác định vị trí những nhà dân bị cuốn trôi và tìm kiếm các nạn nhân.
Lực lượng chức năng cũng sử dụng các phương tiện bay không người lái để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Thời điểm này, nắng đã lên, không khí oi nóng ngột ngạt, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch sinh hoạt và thuốc men cho người dân trên địa bàn, phòng tránh nguy cơ dịch bệnh.
11h00: Vẫn còn 52 người mất tích.
Thông tin chính thức từ UBND tỉnh Lào Cai, đến 11h00 ngày 12/9, thiệt hại tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên như sau: Tổng số hộ trong khu vực bị lũ quét là 37 hộ, là nơi sinh sống của 158 người; trong đó: người trên 70 tuổi: 03 người, trẻ dưới 6 tuổi: 18 người, trẻ dưới 14 tuổi: 14 người. Số người thiệt mạng: 43 người, số người bị thương đang điều trị: 17 người, chưa xác định (mất tích): 52 người.
Còn lại 46 người được xác định an toàn. Các lực lượng đang tích cực tìm kiếm nạn nhân. Tổng số lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn là 650 người (địa phương 350 người; quân khu 2 là 300 người).
Tính đến 9h00, các lực lượng tìm thêm được 1 thi thể, nâng tổng số nạn nhân được tìm thấy trong sáng nay là 7 người.
Như vậy, tính tới thời điểm này, số người thiệt mạng trong trận lũ quét được xác định là 41 người trong khi vẫn còn 54 người mất tích.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đến hiện trường vụ lũ quét ở Làng Nủ
9h00 sáng 12/9, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã đến hiện trường vụ lũ quét để kiểm tra và chỉ đạo tỉnh Lào Cai, các lực lượng chức năng tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân cũng như khắc phục hậu quả do mưa bão, lũ quét gây ra.
Sau khi kiểm tra hiện trường vụ lũ quét và thăm hỏi, chia sẻ với bà con nhân dân, gia đình người bị nạn, đồng chí Trần Cẩm Tú đã nghe lãnh đạo tỉnh Lào Cai báo cáo về tình hình thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Trần Cẩm Tú đã biểu dương nỗ lực, sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cấp hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai; sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các lực lượng ứng trực, Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, ngành giao thông công chính, điện lực, viễn thông, môi trường và đặc biệt là bà con nhân dân trong việc phòng, chống và giảm thiểu tác hại của cơn bão.
Đồng chí Trần Cẩm Tú đề nghị tỉnh Lào Cai, các cơ quan chức năng tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện chính sách đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương, bảo đảm cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước sạch; không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm phương tiện, hậu cần và các điều kiện cần thiết cho lực lượng tham gia phòng chống bão lũ và cứu nạn, cứu hộ...
"Tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung cao độ công tác khắc phục hậu quả bão số 3, tình trạng mưa lũ, sạt lở đất với ưu tiên cao nhất là kiên trì tìm kiếm những người mất tích, chăm sóc cứu chữa cho những người bị thương, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho mọi người, mọi nhà không để người dân thiếu thốn trong cuộc sống", đồng chí Trần Cẩm Tú nói.
7h30: Lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 thi thể nạn nhân bị vùi lấp dưới bùn đất.
Vị trí phát hiện 2 nạn nhân nằm sâu dưới bùn đất sát ruộng lúa gần dòng suối Ủ. Thi thể các nạn nhân được con đường bê tông cắt từ đường liên xã chặn lại nên không bị trôi xuôi thêm về phía hạ lưu. Khoảng cách từ vị trí tìm thấy các nạn nhân đến hiện trường vụ lũ quét dài tới vài km.
Ngay sau khi phát hiện, lực lượng Công an, Quân đội đã nhanh chóng đưa nạn nhân lên, đưa về khu vực tập kết cạnh sân Nhà văn hóa xã Phúc Khánh để cùng với gia đình người bị nạn làm các thủ tục nhận dạng, khâm liệm. Hiện lực lượng Công an, Quân đội tiếp tục sử dụng các phương tiện, công cụ và chó nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân.
Cho tới thời điểm hiện tại, vẫn còn 59 nạn nhân chưa được tìm thấy.
Trước đó, trong ngày 11/9, lực lượng chức năng đã nỗ lực triển khai các biện pháp tìm kiếm được 34 người tử vong, 17 người bị thương đang được điều trị tại các cơ sở y tế và còn 61 nạn nhân vẫn bị mất tích dưới các lớp đất đá.
Tối 11/9, họp nhanh với các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Làng Nủ, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã nhấn mạnh yếu tố chạy đua với thời gian và tuyệt đối đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Trong điều kiện thời tiết vẫn mưa, diễn biến khó lường, những sườn núi Voi quanh khu vực xảy ra lũ quét có dấu hiệu sạt lở, chính vì vậy, các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ phải hết sức cảnh giác, vừa triển khai các phương án tìm kiếm dưới lòng suối nhưng đồng thời cũng đảm bảo tránh để xảy ra tái lũ quét ở ngay khu vực hiện trường và các điểm xung quanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu lực lượng Công an, Quân đội tiếp tục sử dụng mọi biện pháp, huy động lực lượng, phương tiện mở rộng phạm vi tìm kiếm, đồng thời có phương án phân luồng từ xa, ngăn không để những người không có nhiệm vụ vào khu vực hiện trường, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Đối với người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền cơ sở tiếp tục làm tốt công tác dân vận, động viên, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp nhân dân sớm ổn định lại cuộc sống. Trước mắt, tuyệt đối di tản và không để bất cứ người dân nào sống trong những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị lũ quét.
Trong ngày hôm nay, lực lượng Công an, Quân đội sẽ tiếp tục huy động chó nghiệp vụ, các thiết bị bay không người lái để mở rộng khu vực tìm kiếm các nạn nhân hiện vẫn đang bị mất tích, đồng thời nhanh chóng rà soát, phát hiện các điểm có nguy cơ bị sạt lở.
Ghi nhận tại hiện trường, dòng suối Nủ nước vẫn chảy xiết do cả đêm trước đó mưa không dứt. Các lực lượng Công an, Quân đội tiếp tục sử dụng thiết bị đặc biệt để khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ 61 nạn nhân đang bị mất tích.
Báo CAND tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Gặp người phụ nữ cùng hai con nhỏ cứu sống người dân trong cơn lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ
Chiều 9/9, nước ở trên các sườn dốc, đỉnh núi vẫn đổ xuống và rạng sáng ngày 10/9 đã khiến cho căn nhà của chị Hoàng Thị Lượm bị ngập vào cả trong nhà. Bùn đất, rác rưởi cũng bị nước cuốn vào trong nhà và bao vây lấy toàn bộ khu nhà của chị Lượm.
Con suối ở phía trước mảnh sân nhỏ ngày thường vốn dĩ hiền hòa, thơ mộng là vậy, nhưng trong sáng 10/9 đã “lật mặt” trở lên điên loạn, gầm xé nát, cuốn phăng tất cả những gì trên đường đi của dòng nước hung dữ đang mỗi lúc một dâng cao.
Khuôn mặt thất thần, chị Lượm thoảng thốt, sợ hãi mỗi khi nhớ lại cơn lũ quét kinh hoàng. Chẳng hiểu sao cả đêm hôm trước khi thảm họa kinh hoàng xảy ra, chị Lượm lại thấy trằn trọc khó ngủ. Cứ đặt lưng xuống vài phút lại nhỏm dậy.
Đến khoảng gần 5h, chị Lượm ngồi dậy để chuẩn bị mở cửa ra thái chuối cho đám gà lợn. Vào thời điểm trên, một tiếng nổ vang lên như sấm đã khiến chị giật mình hoảng sợ. Mở cửa chính bước ra ngoài thì ôi thôi lúc này toàn bộ mảnh sân phía trước nhà đã bị nước lũ bao vây. Phía đối diện là những tiếng gào thét, kêu cứu thất thanh của hàng xóm, láng giềng... đang bị lũ quét cuốn phăng hết nhà cửa.
Chưa hết, không biết cơ man nào là gỗ, cành cây cả khô lẫn tươi bị gió, lũ cuốn vò nát, bẻ gãy đã trôi dạt vào khu vực trước cửa căn nhà của chị. Bên cạnh hàng xóm, căn nhà tường gạch, mái cốt thép cũng bị đổ sập, chỉ còn là đống gạch vỡ tan hoang. Nhiều tài sản, vật dụng của gia đình hàng xóm cũng bị nước lũ quét cuốn trôi. May mắn người phụ nữ hàng xóm chỉ bị khung nhà và bức tường đè lên tạo thành một góc chỉ vừa cho bà này không bị lăn xuống dòng nước lũ nên thoát chết trong gang tấc.
Bị lũ quét “khóa chặt” không thoát ra được cửa trước nhưng may mắn thay căn nhà của chị Lượm lại có một lối cửa đi ra phía sau, nơi tường nhà tựa lưng vào dải lưng đồi. Vội vàng đánh thức hai con là Mai Trường Quyền và Mai Trường Huy đang học lớp 9 và 11 dậy, chị Lượm cùng các con và một người thân nữa nhanh chóng thoát ra bằng cửa nhà bếp phía sau, bám vào những gốc cây để trèo lên phía trên sau nhà.
Lúc này, chị Lượm đi xuống phía dưới liền phát hiện ra anh Vũ là hàng xóm đang chới với dưới dòng nước lũ cuồn cuộn chảy xiết về hạ lưu. Không quản hiểm nguy, chị và hai con cùng người thân đã lao đến nhanh chóng dùng gậy, cành cây để người hàng xóm túm lấy rồi ba mẹ con và người thân hò nhau kéo người bị nạn vào sát mép đồi, đưa lên bờ thoát khỏi cửa tử.
Khi đưa được người hàng xóm đầu tiên lên bờ, lúc này dòng nước tiếp tục dâng cao, chảy siết, khiến toàn bộ con suối trước nhà nhanh chóng cuốn phăng tất cả những vật dụng, tài sản của người dân. Chị Lượm và người thân cùng hai con tiếp tục đi xuống phía dưới sát mép suối và phát hiện một người cháu trong làng là Hoàng Ánh Nam đang bị lũ cuốn trôi, sinh mạng như sợi chỉ treo mành chuông trước gió.
Chị và các con cùng người thân gào thét hướng dẫn người cháu cố bám víu vào những khúc gỗ hay bất cứ thứ gì đang trôi trên dòng suối nước chảy như thác để thoát chết. Chị và người dân trong làng liền dùng sào để cho cháu Hoàng Ánh Nam bám vào, kéo lên bờ. Tuy nhiên, khi được đưa lên bờ, do kiệt sức vì phải chống chọi với cơn lũ quét với sức mạnh kinh hoàng tàn bạo và bị nhiều vết thương nặng, cháu Hoàng Ánh Nam đã không qua khỏi.
Tiếp đó, chị và một số người dân trong Làng Nủ đã vớt, đưa được hai thi thể của người làng bị tử vong do lũ quét trôi vào gần khu vực khoảng sân trước nhà.
“Giờ tôi vẫn cảm giác như nghe thấy những tiếng gào thét kêu cứu của những người làng trong rạng sáng qua văng vẳng hai bên tai đầy ám ảnh, lo sợ”- chị Lượm thất thần nhớ lại.
Trong những ngày qua, chị Lượm đã tham gia dọn dẹp cành cây bị gẫy, đổ, và hỗ trợ hàng xóm láng giềng trong thôn chôn cất những người xấu số bị tử vong trong tiếng khóc than ai oán đất trời…