Thông tư "lỗi thời" làm khó địa phương
Ngày 15/1/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT về "Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trường phổ thông Dân tộc nội trú". Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục mới (Luật số 43/2019/QH14) có hiệu lực thi hành nhưng Bộ GD&ĐT chưa ban hành Thông tư mới, các địa phương vẫn phải sử dụng Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT để tuyển sinh học sinh phổ thông dân tộc nội trú và đã phát sinh những bất cập.
Tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa có 100 xã (686 thôn), đặc biệt khó khăn. Từ khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa còn lại 21 xã (132 thôn) đặc biệt khó khăn. Như vậy, từ khi Quyết định số 861/QĐ-TTg có hiệu lực, những xã, thôn không nằm trong diện khó khăn sẽ không còn được Nhà nước hỗ trợ một số chính sách an sinh xã hội như trước đây.
Từ việc số thôn, xã khó khăn giảm xuống đã phát sinh những bất cập trong công tác tuyển sinh học sinh vào Trường Dân tộc nội trú các địa phương. Nguyên nhân là do, từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục mới (Luật số 43/2019/QH14) có hiệu lực thi hành nhưng Bộ GD&ĐT chưa ban hành Thông tư mới, các địa phương vẫn phải sử dụng Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT để tuyển sinh học sinh phổ thông dân tộc nội trú. Theo đó, nếu như trước đây, số xã, thôn đặc biệt khó khăn còn nhiều, việc sàng lọc chất lượng đầu vào để tuyển sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú không gặp khó khăn, thì nay lại phát sinh những bất cập.
Cụ thể, Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT quy định đối tượng tuyển sinh như sau: "1. Thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành. 2. Thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định là vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thì cũng thuộc diện tuyển sinh vào Trường PTDTNT. 3. Trường PTDTNT được phép tuyển sinh không quá 5% trong tổng số chỉ tiêu được tuyển mới hằng năm là con em người dân tộc Kinh có hộ khẩu thường trú và định cư từ 03 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng quy định tại khoản 1 Điều này".
Chiếu theo quy định trên, một số huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg), trong khi đó việc tuyển sinh vào Trường phổ thông dân tộc nội trú vẫn phải theo Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT (vì chưa có văn bản thay thế), thì đối tượng tuyển sinh vẫn phải thuộc "Thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...".
Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Trịnh Đình Hưng - Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Quan Hóa, cho biết: Trường phổ thông Dân tộc nội trú là trường chuyên biệt, đào tạo nguồn cán bộ cho địa phương, do đó việc tuyển sinh đầu vào hằng năm có sự sàng lọc học lực của từng học sinh, đảm bảo việc đào tạo nguồn nhân lực cho huyện.
Khi Luật Giáo dục mới ra đời (2020), Bộ GD&ĐT chưa ban hành Thông tư mới, địa phương vẫn sử dụng Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT để tuyển sinh, trong khi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì vùng tuyển sinh của địa phương bó hẹp, việc tuyển sinh gặp nhất nhiều khó khăn. "Nếu thực hiện theo Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT để tuyển sinh thì vùng tuyển sinh hẹp, không sàng lọc được chất lượng đầu vào cho nhà trường, thậm chí không đủ chỉ tiêu được giao, nếu tuyển sinh vượt vùng thì không đúng quy định", Thầy Hưng cho biết thêm.
Bà Phạm Thị Lượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: Quan Hóa vẫn đang nằm trong số các huyện nghèo nhất của cả nước, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg thì huyện không còn xã đặc biệt khó khăn mà chỉ còn 36 thôn đặc biệt khó khăn. Do đó, ngoài việc vùng tuyển sinh vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú bị bó hẹp khi Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT chưa thay đổi thì đã xảy ra những bất cập, làm khó cho các địa phương.
Nói về những bất cập Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT, ông Hà Tự Nhiên - Trưởng phòng Giáo dục huyện Bá Thước, Thanh Hóa cho biết thêm: Hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú cũng không còn phù hợp, vì giá cả đã vượt xa rất nhiều so với trước đây. Cần có một văn bản mới thay thế cho văn bản cũ không còn phù hợp, nhằm đáp ứng yều cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo học sinh dân tộc nội trú trong tình hình mới.
Qua trao đổi, một cán bộ Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho hay, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg thì hiện Thanh Hóa có những huyện không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, Trường phổ thông Dân tộc nội trú lâu nay là trường mũi nhọn thì vẫn tồn tại, chương trình giáo dục vẫn được triển khai, kinh phí Nhà nước vẫn rót về nhưng văn bản hướng dẫn tuyển sinh mới chưa có nên các trường này tuyển sinh theo Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT.
Vị cán bộ này lấy ví dụ, giả sử một huyện chỉ còn một xã đặc biệt khó khăn, nếu Trường phổ thông Dân tộc nội trú chỉ được tuyển sinh trong xã này vào lớp 6 thì Trường THCS của xã đó sẽ không còn học sinh để tuyển vào... Do đó, việc ban hành Thông tư mới thay thế cho Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT là rất cần thiết, lẽ ra thông tư mới phải ban hành ngay sau khi Luật Giáo dục mới ra đời chứ không phải chậm cho đến nay.