Thanh Hoá công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất

Thứ Tư, 02/10/2024, 10:34

Tình trạng sạt lở đất đang đe doạ nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân các địa phương, gồm: thị trấn Kim Tân; xã Thành Yên và xã Thành Trực, huyện Thạch Thành.

Nguyên nhân tình trạng trên là do ảnh hưởng liên tiếp của bão số 3, số 4. Trong tháng 9, trên địa bàn huyện Thạch Thành xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài. Theo số liệu đo mưa tại Trạm Thủy văn Kim Tân, lượng mưa đo được từ ngày 6/9 đến ngày 13/9 là 395mm, lượng mưa đo được từ ngày 17/9 đến ngày 23/9 là 317mm). Mưa lớn liên tục dài ngày dẫn đến nhiều vị trí sườn núi tại thị trấn Kim Tân và các xã Thành Trực, Thành Yên xuất hiện các vết nứt rộng, tạo thành các cung trượt, tại một số vị trí đất sạt lở đã tràn xuống công trình, nhà ở của người dân, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các công trình khác trong khu vực; dự báo trong thời gian tới, đặc biệt khi có mưa lớn, tình hình sạt lở còn diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Tỉnh Thanh Hoá tiếp tục công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất -0
Vết nứt tại đồi đá Bàn, xã Thành Trực kéo dài hơn 100m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến 25 hộ dân sinh sống phía dưới.

Tại thôn Đồng Thành, xã Thành Yên, hiện nay núi đất phía sau công trình, nhà ở của các hộ dân xuất hiện một cung sạt với chiều dài khoảng 120m, đỉnh cung sạt bị tụt so với vị trí ban đầu (theo phương đứng) khoảng 1,2m, chiều rộng khe nứt lớn nhất khoảng 45cm; sạt lở đã làm đất tràn vào các công trình, nhà ở của các hộ dân, làm nứt tường chắn đất do người dân xây dựng; sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ/36 nhân khẩu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến đường giao thông liên huyện và các hộ dân sinh sống phía bên kia đường.

Tại các thôn Chính Thành, Định Thành và Ngọc Nước, xã Thành Trực, các hộ dân đang sinh sống dọc theo tuyến Đường tỉnh 523, phía sau công trình, nhà ở của các hộ dân là các núi đất; hiện nay, tại các thôn nêu trên có 3 vị trí xuất hiện các vết nứt và đã gây sạt lở đất vào các công trình, nhà ở của các hộ dân; tổng chiều dài các khu vực sạt lở khoảng 410m (lớn nhất là tại thôn Chính Thành với chiều dài khoảng 150m); sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 36 hộ/123 nhân khẩu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến Đường tỉnh 523 và các hộ dân sinh sống phía bên kia đường.

Tỉnh Thanh Hoá tiếp tục công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất -0
UBND tỉnh Thanh Hoá giao UBND huyện Thạch Thành theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thiên tai và tình hình sạt lở, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền khi có các tình huống phát sinh, nguy hiểm xảy ra.

Tại khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, các hộ dân đang sinh sống dọc theo tuyến Đường tỉnh 523, phía sau công trình, nhà ở của các hộ dân là các núi đất; hiện tại các núi này có 3 vị trí xuất hiện các vết nứt và đã gây sạt lở đất vào các công trình, nhà ở của các hộ dân; tổng chiều dài các khu vực sạt lở khoảng 300m (lớn nhất là đoạn từ nhà ông Lê Đức Anh đến nhà ông Vũ Văn Sơn với chiều dài khoảng 120m, phía trên xuất hiện các vết nứt có chiều rộng 30cm); sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ/29 nhân khẩu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến Đường tỉnh 523 và các hộ dân sinh sống phía bên kia đường.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hoá giao UBND huyện Thạch Thành: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thiên tai và tình hình sạt lở, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền khi có các tình huống phát sinh, nguy hiểm xảy ra; đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó. Tiếp tục hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; tuyệt đối không để người dân trở lại sinh sống khi chưa đảm bảo an toàn, nhất là khi có mưa lớn xảy ra. Triển khai ngay các biện pháp cảnh báo, tổ chức cắm biển sự cố, khoanh vùng, lập rào chắn, cử người canh gác 24/24h tại khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở, không để người, phương tiện và vật nuôi đi vào khu vực nêu trên. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”; kịp thời xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở.

Trần Thắng
.
.
.