Tập trung bảo vệ các tuyến đê, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tổ chức lực lượng canh gác, đặt biển cảnh báo tại các ngầm tràn, đường giao thông, khu vực ngập lụt, sạt lở; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh khi nước rút.
Ngày 25/7, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trong những ngày qua mưa lớn, sạt lở đất đã gây thiệt hại đáng kể cho các địa phương.
Tính đến ngày 25/7, mưa lũ đã khiến 5 người chết, 4 người mất tích và 1 người bị thương. Cùng với đó, có khoảng 640 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; hơn 25.000 ha lúa và gần 2.700 ha hoa màu bị ngập úng; hàng nghìn con gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi.
Đặc biệt có gần 700 điểm sạt lở với tổng khối lượng trên gần 45.000 m3 đất, đá, bê tông đã xảy ra, ảnh hưởng đến giao thông, gây nguy hiểm cho người dân.
Trong ngày và đêm nay (25/7), khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-40mm, có nơi trên 80mm. Khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Do đó, các địa phương cần đề phòng mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Đáng chú ý, theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, hiện mực nước trên các sông nhỏ thuộc tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và TP Hà Nội tiếp tục lên và dao động ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2. Khu vực cửa sông ven biển có khả năng đạt mức BĐ1-BĐ2. Thượng nguồn sông Mã (tỉnh Thanh Hóa) có khả năng lên mức BĐ1. Riêng mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên và sẽ đạt mức 6,5m vào sáng ngày 26/7.
Trong mấy ngày qua, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài trên tuyến đê hữu Đáy (cấp 3) huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đã xảy ra sự cố sạt lở mái đê phía sông tại 4 đoạn với tổng chiều dài 112m.
Trong khi đó, trên các tuyến đê sông (từ cấp 3 đến cấp đặc biệt) ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khoảng 250 trọng điểm đê điều xung yếu và 92 công trình đang thi công.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du; đặc biệt an toàn cho các tuyến đê khi thủy điện Sơn La, Hòa Bình xả lũ.
Các địa phương cần tổ chức lực lượng canh gác, đặt biển cảnh báo tại các ngầm tràn, đường giao thông, khu vực ngập lụt, sạt lở; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh khi nước rút, không để sự cố sạt lở phát triển thêm.