Tăng lương, doanh nghiệp cũng được lợi
Không chỉ vừa trải qua một giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người lao động lại đang phải đối mặt với những khó khăn khác khi giá cả leo thang mà thu nhập không được cải thiện.
Thế nhưng, khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa đồng thuận đề xuất với Chính phủ lương tối thiểu vùng lên 6%, thời điểm tăng từ 1/7/2022, thì một số hiệp hội doanh nghiệp lại đề xuất Chính phủ lùi thời điểm tăng lương. Xung quanh câu chyện tăng lương tối thiểu vùng vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau, PV đã có cuộc trò chuyện với ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Phóng viên (PV): Thưa ông, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2022. Trong các kỳ họp tăng lương tối thiểu của Hội đồng Tiền lương Quốc gia gần đây, chưa có năm nào nhanh chóng đạt được sự đồng thuận như năm nay, theo ông đâu là lý do để nhanh chóng đạt được sự đồng thuận này?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Theo tôi có nhiều lý do. Lý do đầu tiên là các bên cũng cố gắng để thấu hiểu chia sẻ với nhau trong bối cảnh cả bên đại diện cho giới chủ và bên đại diện cho người lao động đều gặp khó khăn. Cùng với đó là các bên đều có sự chuẩn bị kỹ càng cho quá trình thương lượng. Đó là tinh thần vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất.
Cả hai bên cùng cần rút ngắn thời gian thương lượng để tập trung vào công việc phải làm, đó là hỗ trợ cho người lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn. Ở góc độ khác cần phải nói đến, đó là việc điều hành của Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cùng việc tham gia chu đáo của các thành viên độc lập trong hội đồng. Đây là các yếu tố để thúc đẩy quá trình đàm phán nhanh hơn, gọn hơn, hiệu quả hơn.
PV: Đây là thông tin vui đối với hàng chục triệu lao động, tuy nhiên mới đây lại có thông tin việc 8 hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ lùi thời điểm tăng sang 1/1/2023. Thông tin này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người lao động, không ít ý kiến cho rằng phía doanh nghiệp chưa thực sự chia sẻ với người lao động, ông nghĩ thế nào về việc này?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước hết, phải nói là một bộ phận doanh nghiệp cũng còn đang khó khăn, thậm chí có những doanh nghiệp phải giải thể, phải phá sản. Tuy nhiên, người lao động cũng khó khăn như thế, thậm chí họ là đối tượng còn dễ bị tổn thương hơn. Khó khăn của người lao động thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh còn gay gắt hơn. Do vậy, khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt được mức để đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định, trong lúc đó các hiệp hội có ý kiến, điều này cũng là bình thường. Bởi họ đại diện cho các thành viên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cùng khó khăn thì nhiều người lao động, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở đã phản hồi với chúng tôi thông qua các nhóm zalo, mạng xã hội, thư gửi đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rằng, họ rất tâm tư, họ cũng rất buồn. Thời gian qua, họ đã chung lưng đấu cật, cùng nắm tay với các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi khi thực hiện làm việc: “Một cung đường, hai điểm đến”, “ba tại chỗ”, chấp nhận tăng giờ làm thêm… Tuy nhiên, trước những phản ứng của các hiệp hội, có những người lao động còn nói rằng, họ rất tủi thân, họ muốn hơn lúc nào hết được sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần vào lúc này.
Khó khăn của người lao động quãng thời gian qua, chúng ta đều thấy rất rõ. Có những người phải rời bỏ khu vực lao động chính thức để về quê, có người để duy trì cuộc sống phải huy động mọi nguồn, kể cả vay mượn. Chúng tôi cũng rất tiếc khi các hiệp hội đưa ra đề xuất này, nhưng vẫn mong muốn Chính phủ sẽ trên cơ sở đánh giá thấu đáo toàn diện tình hình với phương châm người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đúng đắn liên quan đến vấn đề tăng lương và thời điểm tăng lương.
PV: Trong các kiến nghị của các hiệp hội có nội dung trong lúc các doanh nghiệp đang khó khăn, việc tăng lương làm cho doanh nghiệp tăng chi phí và có thể đẩy doanh nghiệp vào khó khăn hơn. Ý kiến của ông thế nào?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Tôi cho rằng đây cũng là một cách tiếp cận, nhưng có thể nó là cách tiếp cận chưa toàn diện. Bởi với nhiều người vẫn có quan niệm tăng lương là tăng chi phí, dẫn đến doanh nghiệp khó khăn. Nhưng thực tế chúng ta thấy, những doanh nghiệp phát triển bền vững cả trên thế giới và Việt Nam là những doanh nghiệp thường xuyên quan tâm đến đời sống của người lao động, trả lương xứng đáng với công sức người lao động bỏ ra. Chúng ta đừng nên hiểu, tăng lương là chỉ có lợi cho người lao động.
Có hai góc độ chúng ta cần phải hiểu ra là: Thứ nhất, khi tăng lên thì tăng chi phí. Tuy nhiên, khi tăng lương cho người lao động là chúng ta đang đầu tư vào tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Tăng lương sẽ tạo ra động lực cho người lao động làm việc hăng say hơn, năng suất hơn, chất lượng tốt hơn. Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương, nhiều ngành đang thiếu lao động cục bộ. Tăng lương chính là biện pháp để giữ chân người lao động. Ở một khía cạnh nữa là ngay cả việc tăng lương cũng là áp lực cho chính doanh nghiệp phải điều chỉnh, cải tổ lại quản trị nội bộ bằng phương thức tiên tiến hơn như ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí không cần thiết…
PV: Đang có những ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người lao động đang phải đối mặt với “bão giá”, mức tăng 6% lương tối thiểu dường như chưa thể gỡ bỏ áp lực khó khăn cho người lao động, ý kiến của ông thế nào?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước khi tham gia đàm phán ở Hội đồng Tiền lương Quốc gia, chúng tôi đã dành khoảng 1 tháng để đi khảo sát ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Sau đó, tập trung vào các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Đâu cũng thấy đa số người lao động và cán bộ công đoàn cơ sở đề nghị mức tăng từ 10 – 12% so với mức lương cơ sở.
Để hài hòa, nhóm tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhóm họp và đưa ra phương án đề xuất mức tăng từ 7 – 9%. Tuy nhiên, ngay từ vòng họp đầu, hầu hết các thành viên của phía người sử dụng lao động đều đề nghị là chưa tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022. Để tiếp tục với tinh thần chia sẻ, chúng tôi giảm xuống mức trên 7%, bởi mức 6% chưa phải là mức mà chúng tôi cũng như người lao động kỳ vọng.
Nhưng với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, lúc này người lao động cũng chấp nhận một phần chia sẻ với doanh nghiệp, trong khi giá cả thì đang tăng chóng mặt, khó khăn cho người lao động càng lớn. Chúng tôi cũng động viên người lao động và chấp nhận mức tăng thế này trong khoảng thời gian ngắn hạn. Rõ ràng về lâu dài cần có những giải pháp tổng thể, toàn diện hơn liên quan đến người lao động Việt Nam.
PV: Đang có rất nhiều ý kiến về công thức tính mức sống tổi thiểu để làm căn cứ tăng lương tối thiểu hiện nay đã quá lạc hậu trong bối cảnh hiện nay. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cho rằng, cần có sự thay đổi và đề xuất tới đây cho phù hợp không thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Một trong những căn cứ hết sức quan trọng để xác định lương tối thiểu căn cứ vào mức sống tối thiểu của người lao động. Theo Nghị quyết 27 của Ban chấp hành TW Đảng khóa XII là giao cho cơ quan thống kê của nhà nước có nhiệm vụ công bố mức sống tối thiểu hàng năm. Nhưng rất tiếc là thời điểm này, cơ quan thống kê chưa làm được việc đó, dẫn đến đồng tiền lương chủ yếu vẫn dựa vào cách tính toán hết sức đơn giản của bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Mặc dù đây là bộ phận có sự tham gia của các bên nhưng đây không phải là các chuyên gia chuyên nghiệp, không phải là những người có đầy đủ thông tin để đánh giá, thậm chí có những vấn đề chỉ là ước lượng. Cùng với đó còn có những thông tin hết sức lạc hậu, không sát với thực tế.
Chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ giao cho một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể ở đây là Tổng cục Thống kê để công bố thông tin mức sống tối thiểu hàng năm để có đầy đủ căn cứ thuyết phục để thảo luận lương tối thiểu. Việc này cũng sẽ giảm bớt tranh luận không cần thiết khi bước vào cuộc họp thảo luận về lương tối thiểu hàng năm.
PV: Người lao động lâu nay cứ mãi ở trong cái vòng luẩn quẩn, ráo mồ hôi là hết tiền. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu “mức lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ”, theo ông chúng ta cần những giải pháp, điều chỉnh gì để sớm đạt được mục tiêu này?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Tôi nghĩ rằng, để đạt được mục tiêu trên, dần dần đến cuộc sống tốt đẹp hơn cần phải có những giải pháp hết sức tổng thể. Tôi muốn nêu một số giải pháp căn bản như sau: Đầu tiên chúng ta cần tập trung vào việc đào tạo nghề cho người lao động. Thời gian qua đào tạo nghề cũng đã được đầu tư và có những bước phát triển nhất định nhưng so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn khoảng cách rất xa. Tiếp đến, chúng ta cần cải thiện chiến lược, định hướng thu hút đầu tư. Tập trung vào những nhà đầu tư có công nghệ cao, vốn lớn, quản trị doanh nghiệp tốt. Đây chính là tiền đề quan trọng để chúng ta phát triển doanh nghiệp bền vững.
Chúng ta phải đổi mới hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, các quy định liên quan đến lương tối thiểu, định hình lương đủ sống, các giải pháp toàn diện về kinh tế-xã hội để người lao động có nơi làm việc, nơi ở tốt hơn. Cuối cùng là các chính sách tổng thể về lao động, bảo hiểm xã hội… cần có những đổi mới để người lao động không chỉ gắn bó với doanh nghiệp, có mức lương đủ sống mà ngay khi về hưu họ phải được hưởng lương hưu từ chính sách bảo hiểm xã hội, để họ không thể trở thành người nghèo, mất cơ hội về an sinh khi về già.
Xin cảm ơn ông!