Tăng cường quản lý, giám sát ở các cơ sở bảo trợ xã hội

Thứ Ba, 10/09/2024, 08:10

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, thành phố có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội và 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp.

Trong đó, có 23 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp thành phố, 41 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận, huyện và TP Thủ Đức.Hiện nay, để đảm bảo công tác quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn trong công tác trợ giúp xã hội tại các cơ sở, có 3 cấp quản lý đối với cơ sở trợ giúp xã hội: Cấp thành phố do Sở LĐ-TB&XH quản lý; cấp quận, huyện, TP Thủ Đức do Phòng LĐ-TB&XH quản lý và cơ sở dưới 10 đối tượng do UBND cấp xã quản lý.

Sở LĐ-TB&XH thường xuyên đề nghị, nhắc nhở các địa phương quan tâm kiểm tra, giám sát các cơ sở trú đóng trên địa bàn quản lý thực hiện đảm bảo hoạt động theo giấy phép đã được cấp và tuân thủ các quy định. Mặc dù có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, tuy nhiên việc thực hiện còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng đã khiến dư luận bức xúc.

Tăng cường quản lý, giám sát ở các cơ sở bảo trợ xã hội -0
Trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa đến Trung tâm bảo trợ công lập chăm sóc.

Theo UBND quận 12, cơ sở Mái ấm Hoa Hồng thành lập ngày 7/7/2023 do Phòng LĐ-TB&XH quận cấp phép. Người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương (địa chỉ thường trú 94/1053D đường số 20, phường 6, quận Gò vấp). Loại hình hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí có chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ sở, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị mồ côi, sống lang thang với quy mô chăm sóc không quá 39 trẻ.

Trong quá trình thành lập cơ sở Mái ấm Hoa Hồng đến nay, UBND quận 12 đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH quận phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức kiểm tra 2 lần (lần 1 vào tháng 11/2023 và lần 2 vào tháng 4/2024). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 12 thực hiện giám sát tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (tháng 7/2024). Đồng thời, UBND phường Trung Mỹ Tây đã thực hiện kiểm tra thường xuyên tại cơ sở này. Qua các lần kiểm tra và giám sát đều ghi nhận cơ sở Mái ấm Hoa Hồng nuôi giữ 39 trẻ đúng theo nội dung giấy phép.

Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, quận đã nhiều lần kiểm tra, giám sát cơ sở Mái ấm Hoa Hồng nhưng không phát hiện hành vi chăm sóc quá số trẻ so với quy định, kể cả việc bạo hành. Như vậy, việc kiểm tra của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không phát hiện dấu hiệu của việc bạo hành trẻ và số trẻ nhiều hơn được cấp phép. Cơ sở có quy mô cho phép tiếp nhận, chăm sóc tối đa là 39 trẻ, số trẻ có mặt tại cơ sở là 86 trẻ, vượt 47 trẻ theo quy định cho phép.

Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, sau khi xảy ra sự việc, các trẻ này đã được chuyển về các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB&XH để chăm sóc, nuôi dưỡng. Đến nay, trẻ đã ổn định tâm lý, được thăm khám và được chăm sóc dinh dưỡng phù hợp với nhóm độ tuổi. Đối với các trẻ bị bạo hành, có dấu hiệu của bạo hành, các trung tâm cử nhân viên chăm sóc riêng để chăm sóc tâm lý và theo dõi tình trạng trẻ để có phương án chăm sóc tốt hơn. Riêng 2 trẻ đang ở Trung tâm Gò Vấp trở bệnh nặng, đã chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám và điều trị.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, trong công tác quản lý tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, Sở chưa ghi nhận khó khăn đối với các cơ sở đã được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay có một số khó khăn phát sinh liên quan như cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chưa đúng chức năng, nhiệm vụ; quy chế giám sát nội bộ phòng chống xâm hại, bạo lực tại một số cơ sở ngoài công lập chưa được người đứng đầu quan tâm, thực hiện thường xuyên. Trách nhiệm giải quyết vụ việc phát sinh cũng thuộc thẩm quyền địa phương quản lý, do đó công tác kiểm tra giám sát và quản lý địa bàn, tiếp nhận thông tin phản ánh cần được quan tâm hơn.

Từ sự việc Mái ấm Hoa Hồng, cho thấy đây là vụ việc bạo hành trẻ em có tính nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm để răn đe trước pháp luật. Bước đầu cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 xác định 5 nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em.

Hiện Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (SN 1978, quê Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (SN 1977, quê Sóc Trăng) bị Công an quận 12 bắt tạm giam về hành vi “Hành hạ người khác”. Vụ việc đang được cơ quan Công an điều tra, làm rõ để xử lý theo pháp luật.

Nguyễn Cảnh
.
.
.