Tăng cường kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Thứ Sáu, 08/07/2022, 08:57

Mặc dù mới vào đầu hè, nhưng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tái diễn tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước khi đi dã ngoại, tắm sông suối, ao hồ.

Mới đây nhất, vào chiều ngày 26/6, em Đ.S.Q.H. (SN 2006), học sinh Trường THPT Can Lộc, trú tại thôn Trà Liên, xã Thường Nga cùng nhóm bạn rủ nhau đi tắm ở kênh Linh Cảm trên địa bàn xã Thường Nga. Trong lúc tắm, không may em H. bị trượt chân ngã xuống kênh dẫn đến đuối nước. Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, đến khoảng 1h sáng ngày 27/6, thi thể của nạn nhân mới được tìm thấy, cách vị trí xảy ra đuối nước khoảng 50m.

Trước đó, vào trưa ngày 19/6, trong lúc bố mẹ vắng nhà, cháu N.V.M.N. (SN 2013), con trai của anh Nguyễn Văn Tiến ở thôn Bình Quang, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) ra bờ sông Ngàn Sâu, khu vực phía sau nhà thì không may bị trượt chân, rơi xuống sông. Mặc dù được người dân phát hiện, ứng cứu nhưng khi đưa được cháu bé lên bờ thì đã bị đuối nước, tử vong.

Tăng cường kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em -0
Công an thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) hướng dẫn cách phòng tránh đuối nước và phát động phong trào học bơi trên địa bàn.

Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2021, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 30 vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của 32 trẻ em trong độ tuổi vị thành niên. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cũng đã xảy ra 11 vụ đuối nước, làm chết 11 trẻ em. Trước vấn nạn này, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em đuối nước trong dịp hè, tại nhiều địa phương, cấp hội, đoàn thể và lực lượng Công an trên địa bàn Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông, tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Ngày 10/5, Sở Giáo dục và đào tạo, Tỉnh đoàn và UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phối hợp tổ chức chương trình phát động dạy bơi, học bơi phòng chống đuối nước trẻ em dịp hè 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn đuối nước là do sự lơ là, chủ quan của phụ huynh, trong khi đó nhiều trẻ em không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước nên tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước theo phương châm thường xuyên, liên tục, quyết liệt, mọi lúc, mọi nơi. Chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng; đặc biệt là tăng cường các hoạt động dạy bơi, học bơi, giáo dục kỹ năng an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích đuối nước cho trẻ em.

Trước đó, tại các huyện thường xuyên xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em như Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… cũng đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em. Là huyện miền núi, Hương Sơn được xác định là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước nên ngay từ đầu năm, địa phương này đã chủ động trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn.

Trong khi đó, Công an huyện Nghi Xuân vừa phối hợp với Công an và đoàn thanh niên tại các xã, tổ chức gắn 150 biển cảnh báo nguy cơ xảy ra đuối nước tại các ao, hồ, đập, ven sông. Đây là những “điểm đen”, khu vực nguy hiểm dễ gây đuối nước.

Trong năm 2021, các tổ chức đoàn cơ sở trên toàn huyện đã cắm 200 biển cảnh báo nguy hiểm. Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ này, các cấp ngành trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hy vọng sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng đuối nước trên địa bàn, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo các bậc làm cha làm mẹ, không nên lơ là, chủ quan, cần có sự quan tâm đặc biệt đến con cái trong dịp hè để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, trong đó không loại trừ đuối nước.

Thiên Thảo
.
.
.