Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện miền núi Nam Giang

Thứ Năm, 17/10/2024, 18:08

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang về nội dung này.

PV: Thưa ông, công tác QLBVR tại huyện Nam Giang thời gian qua đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Ông có thể điểm lại những nét nổi bật về công tác này?

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện miền núi Nam Giang -0
Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang.

Ông Nguyễn Đăng Chương: Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Huyện ủy, thời gian qua UBND huyện Nam Giang đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong công tác QLBVR, tái tạo, phục hồi và phát triển rừng trên địa bàn huyện. Nhờ vậy mà thời gian qua đã ghi nhận được nhiều chuyển biến, kết quả tích cực trong công tác QLBVR; trên địa bàn không xảy ra nhiều vụ cháy gây ảnh hưởng đến rừng như trước đây; cùng với đó là không còn xảy ra nhiều vụ việc khai thác lâm sản trái quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc thành lập lực lượng chuyên trách BVR cũng nâng cao được tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác QLBVR; đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 350 người (190 người làm việc tại Vườn Quốc gia Sông Thanh và 163 người làm việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Nam Giang) là công dân có hộ khẩu trên địa bàn huyện góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nam Giang vẫn đang giữ vững vị trí là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất và tỷ lệ che phủ rừng đạt top thứ 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo Quyết định số 356/QĐ-UBND ngày 19/02/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt, công bố số liệu hiện trạng rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; độ che phủ rừng toàn tỉnh là 58,88%, độ che phủ rừng trên địa bàn huyện Nam Giang đạt 70,34%.

PV: Mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong BVR, song thực tế từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Nam Giang còn xảy ra một vài vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Theo ông, đâu là nguyên nhân và UBND huyện đã có những giải pháp gì để tăng cường công tác QLBVR thời gian tới?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Công tác QLBVR luôn được chính quyền địa phương và các ngành, đơn vị chức năng quan tâm, triển khai thực hiện, tuy nhiên trong năm 2024 trên địa bàn vẫn còn xảy ra vài vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp là do một số nguyên nhân.

Đó là, trên địa bàn huyện, ngoài diện tích thuộc quy hoạch Vườn Quốc gia Sông Thanh và BQL RPH Nam Giang thì còn hơn 21 nghìn héc ta rừng tự nhiên thuộc quyền quản lý của UBND thị trấn Thạnh Mỹ và các xã Cà Dy, Tà Bhing và hiện nay diện tích này đang được giao khoán cho các nhóm hộ, cộng đồng BVR theo Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động tuần tra, kiểm tra BVR của các nhóm hộ, cộng đồng chưa chuyên nghiệp, chưa hiệu quả cao như các BQL rừng; đây cũng là điểm yếu để các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Thêm nữa, mặc dù các cơ quan, ban ngành chức năng, địa phương thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhưng vẫn còn một bộ phận nhân dân trên địa bàn chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc giữ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng; họ vẫn bất chấp các quy định nghiêm ngặt của pháp luật về lâm nghiệp để tự ý khai thác lâm sản phục vụ nhu cầu sống của bản thân và gia đình.

Để giải quyết những khó khăn, hạn chế tối đa các vụ vi phạm tiến đến chấm dứt triệt để các vụ việc vi phạm quy định của Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian đến thì Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện Nam Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cho các phòng, ban chuyên môn, các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới phương thức, sàng lọc nội dung để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức và chấp hành đúng các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, chỉ đạo BQL RPH Nam Giang phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nhóm hộ, cộng đồng dân cư thực hiện các hoạt động QLBVR; ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật vào QLBVR; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm quy định của Luật Lâm nghiệp nhằm răn đe các đối tượng xấu và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật Nhà nước.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện miền núi Nam Giang -0
Lực lượng chuyên trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang băng rừng, vượt suối tuần tra, bảo vệ rừng.

PV: Được biết, BQL RPH Nam Giang được giao quản lý diện tích rừng rất lớn, trong khi thực tế nhân lực của Ban vẫn còn mỏng và gặp một số khó khăn khác. Ông đánh giá thế nào về sự nỗ lực, cố gắng của tập thể BQL RPH Nam Giang trong công tác QLBVR?

Ông Nguyễn Đăng Chương: Diện tích BQL RPH Nam Giang được giao quản lý là 55.510,08ha; căn cứ số liệu công bố hiện trạng, diện tích rừng năm 2023 thì lâm phận Ban có 44.136,84ha có rừng (trong đó 43.686,69ha rừng tự nhiên và 450,15ha rừng trồng). Hiện tại tổng số viên chức và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại Ban là 177 người (gồm 14 viên chức và 163 hợp đồng lao động); nguồn nhân lực này thật sự còn tương đối mỏng so với thực tế diện tích được giao quản lý lớn, phân bố trải dài, địa hình miền núi phức tạp, hiểm trở.

Cùng với đó là nguồn thu của đơn vị ngoài nguồn ngân sách Nhà nước cấp hằng năm thì Ban chỉ thu từ nguồn sự nghiệp từ hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn thu này không ổn định, đơn giá bấp bênh và được tạm ứng hằng quý, đặc biệt trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024 BQL RPH Nam Giang đang gặp khó khăn, thách thức lớn khi đơn giá cung ứng dịch vụ môi trường rừng giảm nghiêm trọng; trong khi đó việc chi lương, các chế độ theo lương đối với hợp đồng lao động và chi cho các hoạt động QLBVR đều từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng; điều này cũng đã tạo nên nhiều khó khăn trong việc cân đối sử dụng nguồn để chi cho các hoạt động QLBVR và chi trả chế độ cho lực lượng hợp đồng chuyên trách BVR hằng tháng của Ban.

Tuy nhiên, qua 4 năm thành lập và hoạt động, tập thể BQL RPH Nam Giang đã luôn cố gắng, nỗ lực trong việc tham mưu thực hiện công tác QLBVR, phục hồi, phát triển rừng trên lâm phận được giao quản lý và hợp tác, hỗ trợ các cộng đồng dân cư, UBND các xã, thị trấn thực hiện hoạt động QLBVR theo các chương trình QLBVR, chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hằng năm, Ban tổ chức từ 270-290 đợt tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân trên địa bàn hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp; thực hiện bình quân 850 đợt tuần tra mỗi năm để kiểm tra, BVR trong lâm phận được giao quản lý. Bên cạnh đó, lực lượng BVR tại Ban còn hỗ trợ nhân dân thực hiện trồng rừng, trồng cây phân tán, cải thiện sinh kế; là lực lượng thường xuyên gần nhân dân, giúp đỡ về mặt nhân lực cho các hộ gia đình khó khăn trong đời sống hằng ngày từ việc canh tác, thu hoạch lương thực đến việc chằng chống nhà cửa, di dời dân cư để ứng phó với thiên tai, bão lũ.

Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện Nam Giang đánh giá rất cao sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, viên chức và hợp đồng lao động tại BQL RPH Nam Giang trong công tác QLBVR, phát triển rừng trong lâm phận và trên địa bàn huyện Nam Giang; góp phần trong công cuộc đảm bảo an ninh - trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà trong thời gian qua.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ngọc Thi (thực hiện)
.
.
.