Sụt lún, sạt lở diễn biến phức tạp tại vùng đệm ở U Minh Thượng

Thứ Năm, 04/04/2024, 08:04

Ghi nhận của PV Báo CAND, trong khu vực vùng đệm thuộc huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) đã xuất hiện tình trạng khô, cạn nước mặt trên các tuyến kênh. Sụt lún, sạt lở diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và đời sống, sản xuất của người dân.

Theo ông Dương Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm. Theo dự báo, mùa mưa năm 2024 lại đến trễ và lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh rất cao. Do diện tích sản xuất cây ăn trái, hoa màu... của địa phương rất lớn, nhu cầu sử dụng nước ngọt để tưới tiêu đã làm cho mực nước các trục kênh trong đê bao xuống nhanh, kết hợp với tình trạng nắng nóng kéo dài nên đã gây ra tình trạng khô, cạn nước mặt trên các kênh, gây sụt lún, sạt lở.

1.jpg -0
Nhiều tuyến kênh ở U Minh Thượng đang khô cạn nước.

Hiện, ghi nhận có 203 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài 6.312m trên các đường giao thông nông thôn của huyện U Minh Thượng. Trong đó, Tỉnh lộ 965 có 22 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài là 495m; đường giao thông nông thôn có 181 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài là 5.817m và nhiều tài sản của người dân, nhà nước bị thiệt hại.

Xã An Minh Bắc có 112 điểm sạt lở, với chiều dài 4.421m. Xã Minh Thuận có 91 điểm sạt lở với chiều dài 1.891m. Toàn huyện U Minh Thượng có 8 căn nhà bị thiệt hại do sụt lún, sạt lở (xã An Minh Bắc 4 căn, xã Minh Thuận 4 căn).

2.jpg -0
Tình trạng sụt lún, sạt lở diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến giao thông và đời sống, sản xuất của người dân.

Chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền, vận động đến các hộ đang sinh sống, sản xuất trong khu vực vùng đệm và phối hợp với ngành chuyên môn huyện hướng dẫn những biện pháp cụ thể nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vận động người dân không lấy đất từ các kênh đế san lắp mặt bằng, nền nhà... Đồng thời, thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời hậu quả do sạt lở gây ra, đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Công an xã và các đơn vị liên quan tiến hành giăng dây, vẽ vạch, cắm biển báo, đèn tín hiệu... để cảnh báo người dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở. Còn đối với các hộ cất nhà ven sông trong khu vực vùng đệm, cơ quan chức năng vận động những hộ có điều kiện về nơi ở khác nên di dời để đảm bảo an toàn và kiên quyết di dời đối với các căn nhà ở khu vực rạn nứt, có nguy cơ sạt lở cao.

3.jpg -0
Một tuyến kênh ven đường thuộc xã Minh Thuận (huyện U Minh Thượng) khô cạn, đất chân 2 bên tuyến kênh bị rạn nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

UBND huyện U Minh Thượng đã báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang bổ sung nguồn kinh phí sửa chữa các đoạn, tuyến sạt lở đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân, kiến nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang cắm bảng hạn chế tải trọng trên tuyến đường Tỉnh lộ 965.

Trần Lĩnh
.
.
.