Sống thấp thỏm trong vùng sạt lở

Thứ Ba, 07/11/2023, 09:23

Hàng chục hộ dân sống tại tổ 1, tổ 2, thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đang từng ngày sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo khi đoạn bờ biển kéo dài cả cây số qua địa phận của thôn bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo ghi nhận thực tế của PV Báo CAND, tại đoạn bờ biển thôn Trung Phường, xã Duy Hải có hơn 1km bị sạt lở đã tạo thành bờ vực cao hơn 1m và ăn sâu tạo hàm ếch. Cạnh đoạn bờ biển sạt lở có 2 ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, hư hỏng và nhiều cây dương liễu trồng dọc bờ biển ngã đổ cuốn trôi ra biển.

Để hạn chế tình trạng sạt lở, người dân địa phương dùng cọc tre đóng xuống biển thành một hàng dài khoảng 200m. Nói về ngôi nhà xây kiên cố nằm dưới nước, cách ngôi nhà của gia đình mình chỉ khoảng 30m, chị Nguyễn Thị Hiền (trú thôn Trung Phường, xã Duy Hải) cho biết, ngôi nhà đó do tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra dữ dội trong mùa mưa lũ năm 2022 gây ra.

Sống thấp thỏm trong vùng sạt lở -0
Tình trạng sạt lở bờ biển tại thôn Trung Phường, xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) diễn ra phức tạp.

“Trước kia, bờ biển còn ở phía ngoài ngôi nhà đó hàng chục mét, giờ thì sạt lở hết rồi nên ngôi nhà mới ra như thế”, chị Hiền nói và cho biết thêm, khu vườn phía sau nhà của gia đình chị, do tình trạng sạt lở diễn ra liên tục trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau một số đợt mưa lũ trong năm nay đã làm sạt lở khoảng 200m2 đất vườn, nhiều cây dương liễu trong vườn cũng bị ngã, nằm chỏng chơ trong nước; nước biển “ngoạm” vào bờ chỉ còn cách công trình phụ của gia đình chị chừng 10m.

Hướng dẫn cho chúng tôi trực tiếp xem những vị trí sạt lở, chị Hiền kể thêm, chồng chị làm nghề mộc, những năm trước thì máy móc, ván gỗ được tập kết tại xưởng bên nhà. Nhưng do lo sợ sạt lở nên từ đầu mùa mưa lũ năm nay, chồng chị đã mang hết mọi thứ đi gửi ở nhà người quen để hành nghề.

“Ở đây sát biển, gió lộng nên khí hậu mát mẻ lắm. Sợ nhất là tình trạng sạt lở diễn ra nhanh quá, “nuốt” hết đất sản xuất, nhà cửa của người dân. Và, cứ khi dự báo có bão sắp ảnh hưởng vào đất liền thì chính quyền địa phương đều xuống vận động các hộ dân khu vực này đi sơ tán để đảm bảo an toàn”, chị Hiền lo lắng.

Ông Trương Công Trực (trú thôn Trung Phường, xã Duy Hải) rất lo lắng khi ngôi nhà của gia đình ông chỉ còn cách mép sóng chừng 10m. Theo ông Trực, đoạn bờ biển bên nhà ông bắt đầu bị xói lở nặng từ năm 2019. “Riêng đợt mưa hồi tháng vừa rồi, sau khi phá tan hoang khu vực ven bờ, nước biển xâm thực, “khoét” vào ngay vị trí trước nhà tôi, tạo thành con lạch nhỏ sâu hơn 1m. Cứ cái đà sạt lở khủng khiếp như thế này thì chẳng mấy chốc mà nhà tôi rồi cũng như nhiều hộ dân trước đây sẽ bị nước biển nhấn chìm”, ông Trực tỏ rõ sự bất an.

Cạnh nhà ông Trực là nhà người con trai của ông được làm từ năm 2015 giờ đã bỏ hoang. Vào mùa mưa bão năm 2019, bão thổi bay mái che ngôi nhà con trai ông Trực, đồng thời sóng biển cũng ăn vào gần sát vách nhà khiến con ông Trực phải đưa vợ con vào miền Nam làm ăn sinh sống. Trong các đợt mưa lũ vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua, hơn 1km bờ biển thôn Trung Phường, xã Duy Hải đã bị sạt lở. Trước tình trạng bờ biển sạt lở, uy hiếp nhà cửa, hàng chục hộ dân tổ 1, tổ 2, thôn Trung Phường đã góp tiền mua số lượng lớn tre để đóng cọc men theo con nước ven bờ nhằm hạn chế sức công phá của sóng biển. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu về dài, người dân mong mỏi chính quyền đầu tư xây dựng kè cứng để sớm chấm dứt tình trạng sạt lở, giúp người dân yên tâm sinh sống.

Lãnh đạo UBND xã Duy Hải cho biết, hiện nay, tại thôn Trung Phường còn khoảng 20 hộ dân nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cao. Xã đã nhiều lần vận động người dân chuyển tới khu tái định cư để ổn định cuộc sống, song chỉ một số hộ đồng ý di dời. Về kè cứng, xã Duy Hải cũng đã nhiều lần kiến nghị cấp trên nhưng chưa được giải quyết.

Trước tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, trong đó có sạt lở bờ biển tại thôn Trung Phường, xã Duy Hải, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các địa phương cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở; bố trí tái định cư theo các hình thức tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, địa phương liên quan tổng hợp, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh và tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xử lý các khu vực bờ sông, bờ biển sạt lở nguy hiểm.

Ngọc Thi
.
.
.